3 lời khuyên giảm cân an toàn và hiệu quả
Chỉ số cơ thể BMI có nói lên sức khỏe của bạn? ELLE đã có cuộc trò chuyện với Nicole Hankins về chủ đề tập luyện dành cho phái nữ, các lời khuyên và bài tập dành cho những người không có nhiều thời gian.
Nhiều người băn khoăn không biết mình có ốm quá hay béo quá không và họ tìm đến các chỉ số cơ thể. Theo chị, các chỉ số này có ý nghĩa như thế nào?
Có những tiêu chuẩn dùng để đánh giá hình thể của một người ví dụ như Chỉ số khối cơ thể (BMI-Body Mass Index) được tính bằng việc lấy cân nặng của một người (kg) chia cho bình phương của chiều cao (m). Nhìn vào đó người ta biết được cân nặng của mình tỉ lệ với chiều cao như thế nào.
Tuy nhiên, BMI không đo được lượng mỡ cơ thể. Một người có chỉ số BMI rất cao chưa hẳn đã là béo phì nếu có nhiều cơ bắp. Việc đo lường các chỉ số cơ thể như BMI, lượng mỡ là rất quan trọng bởi việc một người “nhìn có vẻ béo” hay “nhìn có vẻ gầy” thường không nói lên điều gì về sức khỏe của người đó.
Một cô gái trông mảnh khảnh nhưng vẫn có thể bị béo phì, đau tim, tiểu đường. Một cô gái trông khỏe mạnh nhưng có thể lượng mỡ trong người cao, hormon không làm việc bình thường, nhìn bề ngoài rất mình hạc xương mai nhưng ở bên trong cơ thể các cơ quan nội tạng đã có vấn đề. Bởi vậy, việc đến bác sĩ mỗi năm một lần để khám tổng quát và theo dõi các chỉ số cơ thể là không thể thiếu.
Rất nhiều phụ nữ bị ám ảnh bởi việc giảm cân. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Không phụ nữ nào thích cảm giác mình béo mập. Nhưng cách bạn chọn để đối phó với cân nặng mới là điều quan trọng. Nỗi sợ tăng cân sẽ trở thành tiêu cực khi bạn tự hủy hoại bản thân bằng cách thức khuya, nhịn đói, chỉ ăn salad, uống cà phê, uống rượu cả ngày… Nhưng ngược lại, nếu bạn biết lấy việc giảm cân làm mục tiêu để áp dụng một lối sống điều độ, hợp lý thì đó sẽ trở thành động lực tuyệt vời.
Có rất nhiều lầm tưởng về giảm cân. Nhiều người nghĩ thức khuya thì sẽ gầy đi nhưng đó là một sai lầm lớn. Thiếu ngủ thật ra sẽ làm bạn ăn nhiều hơn và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Nhịn đói sẽ thúc giục cơ thể sản sinh ra nhiều chất béo để tiếp thêm năng lượng cho bạn sống. Vì thế những việc như thức khuya, nhịn đói thật ra chỉ hủy hoại cơ thể mà không giúp bạn giảm lượng mỡ thừa.
Vậy chị có thể cho độc giả ELLE 3 lời khuyên để giảm cân an toàn và hiệu quả?
– Tập luyện ít nhất 3 lần/tuần. Không có cách nào giảm cân mà không phải tập thể dục. Nếu bạn không tập mà vẫn gầy đi thì có nghĩa là bạn đang mất nước và mất cơ bắp chứ không phải mất mỡ thừa.
– Ăn uống hợp lý, tức là ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa cách nhau 3-4 tiếng. Bạn nên ăn thịt nạc, gà hoặc cá, rau, gạo lức, gạo nếp. Và đi ngủ lúc 11 giờ. Giảm cân không nên là chuyện một sớm một chiều mà nên trở thành lối sống của chính bạn: khoa học và điều độ.
– Nhiều phụ nữ chỉ chăm sóc bản thân khi đau ốm và chỉ tập luyện khi thấy mình quá béo. Luôn đặt mình ở vị trí cuối cùng như vậy thật sự là một bi kịch bởi khi bạn ngã bệnh, sẽ khó khăn và mất thời gian để sức khỏe của bạn trở về bình thường.
Với những người phụ nữ bận rộn thì đâu là các bài tập đơn giản nhưng hữu hiệu?
Chạy cầu thang 15 phút. Đây là bài tập tuyệt vời dành cho những người muốn giảm cân, muốn lên cân hay đơn giản chỉ là muốn tập luyện để bảo vệ sức khỏe. Nếu có thêm thời gian thì thêm 5 phút hít đất chống đẩy và 5 phút sit-up, tức là nằm trên sàn, hai chân co, tay sau đầu, ngồi dậy bằng sức mạnh của cơ bụng.
Hoặc gửi xe xa xa văn phòng rồi đi bộ lại, hoặc leo cầu thang từ lầu 1 lên lầu 5. Hoặc dắt chú chó cưng đi dạo, hoặc đi mua sắm… những việc đó đều giúp cơ thể vận động, tiêu hao lượng mỡ thừa và tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai cho cơ thể.
Tập luyện cần được coi trọng như việc đánh răng vậy. Dù bận rộn đến mấy, bạn cũng phải đánh răng. Vậy thì cũng hãy dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để tập thể dục.
Ngoài những tác dụng tích cực lên sức khỏe, việc tập thể dục có ảnh hưởng đến tâm lý phụ nữ không?
Hãy lấy tôi làm ví dụ. Trước đây cuộc sống của tôi có rất nhiều thăng trầm. Có những lúc tôi nghĩ mình không vượt qua nổi, biến cố gia đình rồi chuyện tình cảm riêng. Những lúc đó tôi chạy marathon hoặc đạp xe. Trên đường chạy marathon, những km cuối cùng là khi cơ thể mình gào lên rằng mình không thể cố được nữa, nhưng trí óc thì mạnh mẽ hơn và nói rằng: “Tôi muốn làm được! Tôi sẽ làm được!” và bằng một phép màu nào đó mà trí óc bắt đôi chân chạy cho đến cái đích cuối cùng dù cơ thể đang muốn vỡ vụn.
Khi tôi hoàn thành 40km marathon hoặc 45 phút đạp xe địa hình, tôi cảm thấy chẳng có gì trên đời mà tôi không thể vượt qua. Tôi phải leo bằng được đỉnh núi đó. Tôi nhất định phải cán đích bằng chiếc xe đạp quái quỷ này. Tôi nhất định phải chạy đến cùng. Tôi coi mọi thử thách trong cuộc đời là một đường chạy marathon. Và tập luyện cho tôi biết chẳng có gì có thể khiến tôi chùn bước bởi sức mạnh thật sự nằm ở trong đầu.
Bài: Khánh Ngọc