Tác hại và cách phòng chống bệnh ung thư vú
Bộ ngực khỏe mạnh tròn đầy vốn là niềm tự hào của phái đẹp. Và đó chính là lý do mà căn bệnh ung thư vú đã trở thành nỗi ám ảnh của chị em khi đe dọa đến nét nữ tính nhất trên cơ thể.
Người bị ung thư vú nếu không được phát hiện sớm thì khả năng chữa lành là rất thấp, người bệnh có nguy cơ tử vong trong đau đớn, những trường hợp khác bị buộc phải cắt bỏ phần ngực. Hãy quan tâm đúng cách và hạn chế tỉ lệ mắc bệnh ngay từ bây giờ với những kiến thức cơ bản về căn bệnh này bạn nhé!
1. Dấu hiệu của bệnh
Đây là loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 ở phụ nữ. Đàn ông cũng không miễn dịch với căn bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể kịp thời ngăn chặn sự bùng phát của bệnh và giảm tối đa tác hại lên cơ thể với những dấu hiệu sau đây:
.
a. Những cơn đau tức ngực dai dẳng
Nếu bạn cảm nhận được những cơn đau tức ngực với tần suất khá thường xuyên cho dù bạn đang không trong ngày hành kinh, bạn nên thực hiện những biện pháp chẩn đoán ở bệnh viện ngay lập tức.
b. Kích thước ngực to lên bất thường
Bầu ngực của bạn to lên một cách bất thường dù bạn chưa đến tháng hoặc không hề áp dụng bất cứ phương pháp nào để tăng kích cỡ ngực.
c. Khối u nổi lên ở vùng ngực
Khi sờ nắn theo đường vòng xung quanh ngực, có thể bạn sẽ thấy có u nhỏ xuất hiện dưới da. Những u cục này có thể là u lành tính hoặc u ác tính, tốt nhất bạn nên đi khám ngay để có được điều trị kịp thời.
d. Hạch dưới da
Khi thử vuốt bầu ngực lên trên theo đường hõm từ nách thì bạn cảm thấy có hạch nổi lên ở dưới da, điều này có khả năng rất cao là bạn đang mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu tiên.
e. Núm vú/Ngực co rút – Ngực tiết dịch bất thường – Màu da vùng ngực thay đổi
Khi cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, bạn tuyệt đối phải đến bệnh viện ngay lập tức và không được chậm trễ, càng phát hiện bệnh sớm bạn sẽ giảm bớt được tác hại của bệnh càng nhều. Hãy đến bệnh viện và yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như sau:
– Chụp X-Ray ngực: có giá trị chẩn đoán khá cao khoảng 80%.
– Siêu âm: Đây là phương pháp có thể cho bạn thấy tế bào ung thư (nếu có) đã lây lan như thế nào trong ngực bạn.
– Chọc hút tế bào: phương pháp này giúp chẩn đoán bệnh với độ chính xác lên đến 90%
2. Tác hại của bệnh
Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, các tế bào ung thư sẽ có nguy cơ di căn qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các cơ quan khác. Chẳng hạn, chúng có thể di căn đến phổi, gây viêm phế quản, di căn đến ruột già, gây nên các vấn đề về tiêu hóa. Khi tấn công cơ thể, tế bào ung thư dễ gây nên tình trạng thiếu sắt dẫn tới thiếu máu. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh luôn cảm thấy bải hoải, mệt mỏi. Nhiều người mắc bệnh cho biết họ thường xuyên sốt cao, mệt mỏi và đôi khi đổ mồ hôi vào ban đêm. Bệnh nhân cũng giảm cân nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể cũng như ngoại hình dù trước đó đã cố gắng bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
Khi thực hiện xạ trị, bệnh nhân dễ cảm thấy mệt mỏi, đau ngực hoặc vùng da trở nên nhạy cảm. Trong khi đó, hóa trị dễ khiến bệnh nhân dễ nôn mửa, đau và rụng tóc hàng loạt. Ngoài các phương pháp như xạ – hóa trị, rất nhiều trường hợp bác sĩ phải yêu cầu bệnh nhân thực hiện cắt bỏ phần ngực để loại bỏ khối u. Với chị em phụ nữ, việc cắt bỏ phần nữ tính nhất cơ thể không chỉ khiến họ thay đổi vẻ ngoài mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người bệnh. Hơn thế nữa, quá trình xạ trị trong thời gian chữa bệnh còn để lại những tác dụng phụ vô cùng nặng nề.
3. Một số cách phòng chống bệnh
a. Ăn uống khỏe mạnh, chọn những thực phẩm sạch:
Rau xanh, trái cây, chọn thực phẩm không chứa hóa chất chính là chìa khóa cho sức khỏe của bạn. Những nghiên cứu cho thấy người dân vùng Địa Trung Hải với bữa ăn hàng ngày cùng rau sạch đã giúp sức khỏe của họ khỏe mạnh rõ rệt hơn so với những vùng khác. Một số những thực phẩm được các nhà khoa học cho là có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh bao gồm: tỏi, trà xanh, trái lựu, cá hồi, rong biển,…
b. Khám tổng quát đều đặn
Đa phần người dân Việt Nam ít có thói quen khám tổng quát sức khỏe đều đặn. Mặc dù cách này không có khả năng giúp phòng chống bệnh nhưng nó có thể giúp bạn phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, từ đó nhận được phương pháp điều trị kịp thời.
.
c. Duy trì lối sống khỏe mạnh
Không hút thuốc, uống rượu vô tội vạ, ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh.
d. Hãy điều tra lịch sử bệnh lý của người trong gia đình
Đây là căn bệnh có di truyền theo gen. Vì vậy, bạn hãy điều tra bệnh sử của gia đình để có cách phòng chống tốt nhất cũng như kịp thời phát hiện bệnh. Angelina Jolie là ví dụ điển hình cho trường hợp này khi cô cũng mắc phải căn bệnh giống mẹ mình. Tuy nhiên, nhờ đã đề phòng từ trước khi theo dõi bệnh sử gia đình nên khi phát hiện bệnh, cô đã có hướng điều trị kịp thời và giảm tối đa tác hại lên sức khỏe.
e. Không sử dụng hormone bừa bãi
Một số phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh thường sử dụng hormone để điều hòa cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, phương pháp điều trị này khi sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi trong gia đình có người mắc bệnh này, bạn hãy cân nhắc thật cẩn trọng khi lựa chọn phương pháp sử dụng hormone.
Ung thư vú là một căn bệnh tuyệt đối không ai mong muốn. Là phụ nữ, khuôn ngực chính là nét nữ tính đặc trưng nhất, vì thế bạn hãy luôn nâng niu và chăm sóc cơ thể thật khỏe mạnh cùng những cách phòng chống bệnh ELLE đã đề cập.
—
Xem thêm
We Care for Her – “Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40″
Bài: Thùy Ngân – Ảnh: Sưu tầm