Nếu bạn nằm trong số “mù mờ” này thì sẽ luôn có tâm thái “đứng núi này trông núi nọ”, khó mà nắm chắc công việc trong tay mình. Để giải tỏa sự mù quáng này, hãy bắt đầu tìm hiểu bản thân từ ba điểm then chốt sau.
1. Bạn muốn ra đi, do lực kéo hay lực đẩy?
Trước hết, con người muốn biến động, phần nhiều là do ảnh hưởng của lực kéo và lực đẩy. Nếu xem môi trường công sở như 3 vòng tròn, thì vòng ngoài chính là môi trường lớn đầy những cơ hội, đại diện cho lực kéo; vòng ở giữa là tổ chức; vòng trong cùng là tập thể, hai vòng bên trong này đại diện cho lực đẩy, đặc biệt là tập thể.
Trong môi trường làm việc, làm việc không khó, chỉ khó ở cách làm người. Mối quan hệ giữa người làm việc với cả tập thể sẽ ảnh hưởng đến người đó làm công việc đó bao lâu. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là lãnh đạo, rồi đến đồng nghiệp. Nếu lãnh đạo không có năng lực và tầm nhìn thì dù đồng nghiệp có tốt cỡ nào, bạn vẫn nên chọn cách ra đi; tuy nhiên nếu lãnh đạo công nhận bạn, thì đôi lúc bạn chỉ cần “lờ đi” những lời ong tiếng ve giữa đồng nghiệp với nhau thì vẫn có thể tiếp tục làm tốt vị trí của mình.
Do đó, khi trong đầu bạn xuất hiện ý niệm muốn thay đổi con đường của mình, thậm chí là bị những cơ hội khác hấp dẫn thì hãy hỏi bản thân kỹ càng hơn: “Cơ hội xuất hiện trước mắt có phải là lựa chọn tốt hơn thật sự chăng? Mình bị nó hấp dẫn hay chỉ là vì bất mãn với hiện thực mới hy vọng tìm con đường trốn chạy?”. Nếu như bạn thay đổi công việc chỉ vì lý do sau thì chỉ khiến bạn loay hoay trong cái vòng: Nhảy việc -> cảm thấy vẫn khác xa với tưởng tượng -> kết quả lại nhảy việc -> mãi mãi bất mãn với hiện tại!
2. Từ không biết đến biết, bước sau đó là gì?
Nếu muốn chấm dứt những nghi ngờ và tìm hiểu bản thân rõ ràng hơn, người làm việc nên hướng tới ngưỡng khiến người lãnh đạo quý mến – không phải là nói làm thế nào cho lãnh đạo yêu thích bạn mà là mức độ bạn làm việc gì, lãnh đạo cũng yên tâm.
Có 5 cấp độ nuôi dưỡng thành năng lực của bản thân: “Không biết” -> “Biết” -> “Quen thuộc” -> “Thành thạo” -> “Tinh thông”. Hầu như những người không hiểu bản thân muốn gì thì chỉ từ bước “không biết” đến “biết” là mất đi cảm giác mới mẻ ngay, vậy là họ “mơ tưởng” đến chỗ làm việc khác mới mẻ hơn và thường thì họ sẽ nhảy việc, rồi lại triển khai cái vòng luẩn quẩn từ “không biết” đến biết” mà thôi.
Nguyên nhân của tình trạng này đơn giản là do họ chưa nhìn thấy được con đường “thành thục” ở trước mắt thì đã lựa chọn bỏ đi. Nói cách khác, có thể nắm bắt được giai đoạn quá độ từ “biết” đến “quen thuộc” hay không, có tiếp tục đào sâu thêm hay không, và có thể nỗ lực đến bước “thành thạo -> tinh thông” hay không… chính là then chốt quyết định bạn có thể thay da đổi thịt tiến thêm một bước tới vị trí cao hơn hay không. Thăng tiến hay mãi mãi chỉ dừng lại ở điểm biết một chút rồi thôi, bạn chọn cái nào?
Nếu bạn không muốn cứ mãi giậm chân tại chỗ, hãy tự hỏi bản thân ba câu:
1. Tôi phải làm gì để người khác cần tôi?
2. Tôi phải làm gì để người khác công nhận tôi?
3. Tôi phải làm gì để thu hút tập thể về mình?
Nếu như vẫn không được, vậy thì hãy thử nghĩ: “Chuyện này mình đã có sự hiểu biết nhất định, vậy thì làm thế nào để có thể làm xuất sắc hơn nữa?” quan trọng hơn là “Sau này gặp tình huống tương tự, mình có thể áp dụng giống như lần này không?”.
Chỉ khi một việc gì đó bạn có thể làm thành thạo thì mới có thể chạm đến ngưỡng tinh thông và đạt được thành tích ngoài mong đợi. Kết quả này chỉ thể hiện ở giai đoạn sai khi bạn đi từ biết đến thành thạo mà nói. Nói cách khác, thứ mà bạn cần cho bước này là phải đầu tư nhiều thời gian hơn và phải nhẫn nại hơn trong việc tìm hiểu bản thân một cách rõ ràng.
3. Bạn thích gì? Làm gì có năng lực và dễ dàng nhất?
Nếu bạn giải đáp được cho hai vấn đề ở trên thì tuyệt quá, nhưng trước đó, bạn còn phải suy nghĩ thấu đáo một vấn đề cơ bản nhất chính là: “Mình thích gì?”.
Có nghĩa là, trước tiên bạn phải tìm ra được thế mạnh của mình, những việc mà bạn không cần suy nghĩ mà tự thân đã rất muốn làm, thậm chí làm đến nửa đêm cũng cảm thấy rất vui vẻ, đấy chính là việc mà bạn thích.
Được làm việc mà mình thích và có khả năng nhất không những dễ dàng gặt hái được cảm giác thành công, áp lực cũng luôn nằm trong phạm vi mà bạn chấp nhận được, hơn thế, bạn còn thường làm rất tốt. Vậy nên, những chuyện mà bạn thích nếu như liên quan càng nhiều đến công việc hiện tại bạn đang đảm nhận thì thành quả sẽ nhanh mỉm cười với bạn hơn.
Đương nhiên, làm gì có công việc nào đạt được sự thích thú đến 100% nếu không may mắn tìm được công việc thiên về sự yêu thích của mình thì bạn cũng đừng nản chí, chỉ cần thật sự đảm bảo được phần mình thích lớn hơn phần mình không thích thì vẫn có thể duy trì được sự cân bằng trong công việc.
Trong quá trình nuôi dưỡng niềm yêu thích công việc, cứ mỗi năm lại tự hỏi mình: “Mình có vui vẻ không? Mình có cảm giác thành công không?” Hãy tự đánh giá lại. “Nếu dùng thang điểm từ 1 đến 10 thì năm nay nếu làm được 7 điểm, vậy thì 7 điểm này đến từ đâu? 3 điểm còn lại là gì? Làm gì để có thể tiến thêm được 1 điểm nữa?”. Cứ thế, bạn cần nhìn nhận lại thành tích của mỗi năm để hiểu thêm về bản thân và có hướng tiến mới trong tương lai.
—
Bài viết: Tạ Lê Minh Thư – Nguồn: Theo ELLE.VN