Cách phụ nữ thành công đưa ra phản hồi thuyết phục
Một người phụ nữ thành công thì không bao giờ quên chú trọng đến kỹ năng đưa ra một phản hồi hiệu quả trước nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Dù lựa chọn thành công ngoài xã hội hay trong gia đình, là phụ nữ bạn rất cần bỏ túi một số bí quyết tiếp nhận và phản hồi đúng cách để xây dựng sự tự tin và hoàn thiện giá trị của bản thân. Hãy thử vận dụng một vài gợi ý sau đây của ELLE nhé.
1. Không sợ hãi
Phụ nữ châu Á cổ điển thường có xu hướng ngại bộc lộ hoặc tránh thể hiện quan điểm trực tiếp. Vì những e sợ tiềm ẩn như sợ va chạm, sợ mích lòng, sợ không được yêu quý, sợ bị phản đối, sợ bị đối phương buồn phiền và nhất là sợ bị đánh giá là không tốt. Thế nên “sợ hãi” là rào cản tâm lý mà phụ nữ phải vượt qua trước tiên. Sheryl Sandberg, Giám đốc điều Facebook đã từng nhấn mạnh thái độ sống của phụ nữ hiện đại là: “Không sợ hãi. Phụ nữ có thể theo đuổi thành công trong sự nghiệp và cuộc sống; tự do lựa chọn một trong hai hoặc cả hai”. Thế nên đừng ngại đưa ra phản hồi, bày một thái độ trước bất kỳ một nhân vật hay sự việc nào khi cần thiết.
2. Hiểu rõ mục đích của việc phản hồi
Xác lập rõ ràng mục đích trước khi đưa ra phản hồi chính thức là cách nhận biết mức độ và tầm quan trọng của sự việc. Mục đích giúp bạn cân nhắc kỹ càng nội dung và cách thức phản hồi phù hợp, đặc biệt khi bạn là một phụ nữ đang đảm đương vai trò quản lý. Mục đích ấy còn phải mang tính tích cực như phản hồi là để đóng góp, xây dựng hoặc đưa ra các giải pháp. Và đừng quên mục đích luôn luôn của phản hồi là đạt đến quá trình tương tác hiệu quả, không phải chỉ để thể hiện cá nhân theo cách lạc lõng.
3. Thu thập thông tin, kiến thức
Chúng ta rất cần phân biệt hiện thực logic với quan điểm cá nhân định kiến. Khi trao đổi các ý kiến mọi người dễ bị sa lầy vào việc đúng, sai và rất dễ dẫn đến những tranh cãi hoặc bất bình không phục của đối phương. Cần thu thập thông tin trước để có cơ sở trao đổi, không đưa ra phản hồi dựa trên quan điểm cảm tính. Thông tin càng chi tiết càng giúp sự phản hồi của bạn dễ gây chú ý, tạo sự tin tưởng. Ý kiến của bạn cũng có thể trở thành những đề xuất mang tính giải pháp tốt hơn. Thông tin và kiến thức nói chung giúp bạn cụ thể hóa điều cần nói tránh đưa ra những nhận định chung chung, có thể gây ra những suy diễn không cần thiết. Nó cho thấy bạn là người đủ kinh nghiệm và tư cách để đánh giá vấn đề.
4. Cấu trúc của nội dung phản hồi
Nghe hơi phức tạp, nhưng phản hồi theo một trình tự cái gì nói trước, cái gì nói sau sẽ tạo ra một hiệu ứng giao tiếp bất ngờ. Rất nhiều lãnh đạo nữ thành công đã thừa nhận rằng vấn đề không phải là bạn sẽ nói gì mà là cách bạn lựa chọn nhấn mạnh từng ý một. Nên tạo bầu không khí tiếp nhận dễ dàng bằng những đánh giá tích cực trước khi đề cập đến thực trạng khó khăn đang cần giải pháp. Một phản hồi thuyết phục là vẫn giữ vững được lập trường cá nhân. Bạn nên tự hỏi mình từ khâu chuẩn bị là: “Vấn đề thật sự ở đây là gì? Nguyên nhân chính tạo nên vấn đề đó nằm ở đâu. Những giả thiết nào bạn đưa ra có thể là chủ quan hoặc không chính xác?”. Và nhớ giới hạn phạm vi tập trung, tập trung vấn đề trọng tâm đi đúng hướng, nếu không muốn “lạc lối” vào sự dẫn dắt của người khác.
5. Làm chủ thời điểm và địa điểm
Thời điểm và địa điểm có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn thể hiện cảm xúc của bạn, Cần lựa chọn thời điểm đúng để đưa ra phản hồi kịp thời và cũng cần đánh giá đúng địa điểm thích hợp để bày tỏ phản hồi. Ở một nơi có đủ điều kiện giúp các bên tập trung vào điều cần trao đổi.
6. Làm chủ cảm xúc
Luôn giữ đầu óc tỉnh táo để bộc lộ sự điềm tĩnh và tư duy khách quan. Như thế chúng ta mới dễ dàng tìm thấy giải pháp cho mọi vấn đề. Trạng thái điềm tĩnh cũng thể hiện bạn là người sẵn sàng hỗ trợ và tiếp nhận trở lại mọi ý tưởng. Nếu phản hồi của bạn gây ra một phản ứng tiêu cực ngoài mong muốn, bạn vẫn làm chủ tình hình để minh chứng mục đích xây dựng vấn đề chứ không nhằm tấn công một ai hay bất kỳ một ý tưởng nào. Khi bạn cảm thấy không chắc có nên nói vấn đề này ra hay không, hãy quay lại mục đích cốt lõi của việc đưa ra phản hồi.
7. Thái độ tích cực và tôn trọng
Phản hồi của bạn không phải lúc nào cũng được xem là vấn đề tích cực đối với người tiếp nhận. So với nam giới, chị em chúng mình khá lợi thế trong việc bày tỏ phản hồi bằng cảm xúc và thái độ chân thành gần gũi, những phản hồi của bạn sẽ dễ dàng được tiếp nhận theo cách đó. Thể hiện trách nhiệm với thông tin bạn chia sẻ, thông điệp bạn muốn truyền tải vì thế cũng trở nên ấn tượng và có sức nặng sẽ tạo ra động lực và cảm hứng về phía người bạn đang giao tiếp. Trong trường hợp bạn buộc phải đưa ra lời phê bình, hãy khéo léo trao đổi thật riêng tư. Và đừng quên điều tiết giọng nói cũng như cách sử dụng ngôn từ của bạn để tránh cao trào không đáng có.
—
Xem thêm
Tâm lý phụ nữ tuổi 30 từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Bài: May Ngô; Hình ảnh: Sưu tầm