Công việc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn như thế nào?
Nếu bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi và khó đi vào giấc ngủ, đây là dấu hiệu báo động bạn đang làm việc quá sức, cần phải được khắc phục kịp thời.
Theo nghiên cứu mới của Đại học Iowa, giấc ngủ và thái độ làm việc có mối tương quan mật thiết. Nghiên cứu này được xuất bản trong Tạp chí Tâm lý học ứng dụng (Journal of Applied Psychology) và có 3 phần chính. Hai phần đầu là cuộc khảo sát với 600 công nhân Mỹ và Trung Quốc trong 10 ngày về chất lượng giấc ngủ và những hoạt động “không lành mạnh” của họ ở văn phòng như thường xuyên nổi giận hay buôn chuyện. Cụ thể, những người tham gia đã trả lời về cảm giác sau khi kết thúc công việc và giấc ngủ của họ thường diễn ra như thế nào. Kết quả cho thấy người thường có hành vi tiêu cực có nhiều khả năng mắc chứng khó ngủ hơn những người khác.
Trong phần thứ ba của nghiên cứu, người tham gia được hỏi về cách họ cư xử trong công việc ở quá khứ. Kết quả bất ngờ cho thấy nhóm người thứ nhất khi được yêu cầu nghĩ đến những “hành vi xấu” đã phải cố gắng ngủ để quên, trong khi số người nhớ về các việc thường nhật lại dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Zhenhyu Yuan, một nhà nghiên cứu hàng đầu đã giải thích kết quả này với tờ Business Insider. Nhóm người đầu tiên mắc chứng khó ngủ vì lo sợ hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân. Họ sẽ tiếp tục suy nghĩ về chuyện đã làm và trở nên căng thẳng.
Cố vấn và huấn luyện viên đời sống David Bennet chia sẻ với Elite Daily: “Nhiều người tự nhận mình là có đạo đức tốt và biết cách hành xử. Nếu việc làm hằng ngày của họ không thống nhất với suy nghĩ này, nó có thể gây ra căng thẳng. Đối với những khách hàng của mình, tôi dùng cụm từ “không phù hợp” để mô tả tình huống mà sự tự nhận thức của bạn không đồng nhất với hành động bên ngoài”.
Bennett cho biết tình trạng sai lệch này có thể dẫn đến căng thẳng trong khoảng thời gian dài, vì thế, bạn nên theo dõi hành vi thực tế sao cho phù hợp với những suy nghĩ bên trong của mình. Bennett nhắn nhủ: “Bạn không nên truyền nhau những tin tức không xác thực hay buôn chuyện tiêu cực về đồng nghiệp, công ty. Thay vào đó, bạn tập trung vào điều tích cực, mọi người cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn. Nếu bạn không thể nói điều gì tốt đẹp, đừng nói gì cả”.
Xem thêm:
Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Elite daily)