Gia đình vợ chồng bình đẳng: Đã tới thời của các cặp đôi cùng tiến?
Vài thập kỷ trở lại đây, đàn ông không còn là người đảm trách việc kiếm ra hầu hết tiền nuôi gia đình và phụ nữ cũng không còn là người làm tất cả việc nhà nữa, một mô hình gia đình mới đã hình thành.
Anh bạn của tôi, 39 tuổi, là người quản lý các dự án trong một công ty lớn. Anh có vợ và ba đứa con đang ở độ tuổi cần rất nhiều sự chăm sóc. Thế nhưng, khi vợ anh quyết định nhận chức vụ giám đốc công ty truyền thông, anh vẫn ủng hộ cả hai tay. Hiện nay, chính anh là người đưa đón những đứa trẻ đến trường mỗi ngày. Buổi tối, anh lại đóng vai người giữ trẻ và ngừng việc ngồi bám chặt vào máy tính.
“Chúng tôi đã bắt đầu sự nghiệp cùng nhau. Sau khi đứa con đầu lòng chào đời, chính vợ tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc tổ chức sắp xếp thời gian để chu toàn mọi việc. Cô ấy đã bỏ ra rất nhiều công sức cũng như thời gian riêng để tôi có thời gian phát triển sự nghiệp. Và bây giờ chúng tôi đổi vai cho nhau”, bạn tôi chia sẻ quan điểm.
Phải chăng đây là một cặp vợ chồng đặc biệt? Hay trường hợp cá biệt? Trên thực tế, hiện tượng này không hiếm, mà ngược lại, là một trào lưu đang dần phổ biến trong xã hội, không chỉ phương Tây mà còn cả phương Đông. Theo nhà xã hội học Sandrine Meyfret, những cặp đôi cùng tiến đang ngày càng nhiều hơn. Hình mẫu về gia đình truyền thống nơi mà đàn ông đi làm, mang thu nhập về cho gia đình còn phụ nữ lo việc nội trợ, bếp núc đã trở nên lỗi thời.
Ngày nay, với những người phụ nữ có bằng cấp và học vấn ngang bằng bạn đời, rút lui khỏi những dự án nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi là điều khó có thể tưởng tượng. Tất nhiên, người chồng càng không thể nhún nhường. Vậy thì bí quyết nào đã kết nối những cặp vợ chồng này để vừa chu toàn việc nhà, vừa phát triển sự nghiệp cho bản thân? Tất cả nhờ vào hợp đồng bất thành văn: Mỗi người một lượt.
Sandrine Meyfret, chuyên gia về hôn nhân gia đình tại Pháp phân tích: “Với những cặp đôi này, công việc là ưu tiên hàng đầu, song, họ không muốn hy sinh tất cả. Điều hay nhất ở đây là tuy có trách nhiệm cao trong gia đình, họ vẫn có thể sắp xếp thời gian để đạt thành công trong công việc”.
Sự mềm dẻo và linh hoạt trong việc đảm đương trách nhiệm gia đình được cặp đôi trao đổi với nhau nhiều và thường xuyên hơn. Chấp nhận lời đề nghị thăng chức, thay đổi vị trí, làm dự án hay sáng lập công ty mới… tất cả các quyết định này được cả hai thống nhất. Vậy làm sao họ có thể phân chia công việc hàng ngày rõ ràng? Bằng cách trao đổi thư và điện thoại, hoặc chia sẻ lịch làm việc trên mạng để chăm sóc con cái hay quyết định thực đơn buổi tối.
“Mình với chồng nhắn tin qua lại để chia việc mỗi ngày. Cứ đến Chủ nhật, bọn mình lại cùng nhau bàn xem tuần tới có việc gì cần ưu tiên để còn sắp xếp thời gian của mỗi người”, Thùy Hương, 32 tuổi, nữ doanh nhân và là bà mẹ của hai đứa con đều dưới 6 tuổi giải thích. Với những cặp vợ chồng này, gia đình cũng như một công ty nhỏ và những đứa con là khách hàng quan trọng cần được chăm sóc hàng đầu.
Điều tạo ra động lực
Ở những cặp đôi tân tiến này, sự đầu tư vào công việc tạo niềm vui có sức lan tỏa đến bạn đời và gia đình. Dẫu vậy, cũng sẽ có những trường hợp phức tạp hơn khi đôi vợ chồng đều cảm thấy tự mình đang cạnh tranh với người kia. Trở thành đối thủ của nhau là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến gia đình các cặp đôi cùng tiến.
Một phụ nữ, hiện là tổng giám đốc của một công ty lớn, thừa nhận: “Khi vợ tìm thấy một vị trí cao hơn chồng thì cũng có ít nhiều rắc rối đấy. Nhiều khi sự tham lam của mình sẽ gây ảnh hưởng đến gia đình mình”.
Những phụ nữ đang có gia đình hạnh phúc khi cả hai vợ chồng đều thành đạt cho biết rằng điều quan trọng là phải biết chia sẻ và tạo ra sự cân bằng. Các cặp đôi cùng tiến duy trì hôn nhân nhờ việc biết cách điều tiết những biến động xung quanh ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Từ đó, họ biết cách đầu tư và mang lại những giá trị to lớn hơn cho cuộc sống ở những năm tháng đỉnh cao nhất của cuộc đời.
Và tất nhiên, họ cũng phải cứng cỏi khi đứng trước áp lực từ gia đình. “Mẹ chồng mình luôn nghĩ mình chẳng chăm sóc đủ cho con cái, vì thời còn trẻ bà đã sống như thế”, Thùy Hương cho biết. Tất nhiên, may mắn thay là cô đã có chồng bênh vực.
Sự có mặt của con cái
Đây luôn là một bài kiểm tra khắc nghiệt với những cặp đôi năng động. Khi làm việc ở vị trí cao, hầu hết các ông bố bà mẹ đều phải chạy theo một guồng làm việc quay cuồng, thường xuyên họp hành và có thể phải đi công tác dài ngày. Khi ấy, họ không chỉ mang theo nỗi lo canh cánh về những đứa con, về sự phát triển cả thể chất và tinh thần của chúng khi họ vắng mặt mà còn đối mặt với sự chỉ trích từ xã hội.
Việc thay đổi hình ảnh truyền thống nơi mà người mẹ phải gánh hoàn toàn trách nhiệm về cuộc sống gia đình không hề đơn giản. Sự công bằng về vai trò, trách nhiệm cũng như thu nhập trong mỗi cặp vợ chồng phải được củng cố, chia sẻ để mỗi người tham gia biết cân bằng trách nhiệm trong gia đình là giải pháp tất yếu.
Tuy nhiên, nam giới đôi khi lại không sẵn sàng cởi mở để thay đổi quan điểm về vai trò của vợ. Rất nhiều phụ nữ vừa phải đảm trách tất cả việc trong gia đình, vừa đi làm. Số lượng những người chồng sẵn sàng nấu ăn, tắm rửa cho con cái và lau dọn nhà cửa cho đến giờ vẫn chưa nhiều.
Và liệu mô hình này có khả thi?
Mô hình của những “cặp đôi cùng tiến này” có phát triển mạnh mẽ trong tương lai? Có thể lắm chứ. Đây là một cơ hội để chúng ta có thể đạt được thành công to lớn, củng cố cuộc sống, sự nghiệp bằng cách nương tựa vào bạn đời. Tất nhiên, các cặp vợ chồng năng động này cần biết quản lý và tôn trọng những vùng đất “thiêng liêng” như đảm bảo những giây phút quý báu của gia đình không bị xâm phạm hay xen ngang bởi công việc: không smartphone, lịch làm việc hay email.
Anh bạn của tôi giải thích: “Nếu hai vợ chồng tôi không ăn tối cùng gia đình trong vòng vài ngày, mấy đứa trẻ sẽ thắc mắc ngay. Vì thế vợ chồng tôi đã quyết định ăn tối cùng nhau thường xuyên hơn. Và điều ấy khiến cho tất cả mọi người trong gia đình đều vui vẻ”.
Điều thiết yếu đối với các cặp vợ chồng này là cả hai phải biết cách sắp đặt hệ thống trong tình yêu và mối quan hệ gia đình khác với trong công việc và thành công. Đây chính là yếu tố giúp cho những cặp đôi cùng tiến duy trì hạnh phúc.
Để có thể biết rõ hơn về bí quyết duy trì hôn nhân hạnh phúc khi cả hai vợ chồng đều thành đạt, ELLE đã gặp chị Trương Hoài Anh, hiện là Brand Manager của thương hiệu mỹ phẩm Benefit tại Việt Nam. Chị và chồng (anh Trần Đức Trung, hiện là CEO của Dell Vietnam) hiện đang có một cậu con trai nhỏ rất kháu khỉnh và khỏe mạnh.
Đã có một con nhỏ trong khi cả hai vợ chồng đều đảm nhận công việc bận rộn, vậy anh chị cùng sắp xếp việc chăm sóc gia đình thế nào?
Tôi nghĩ kỹ năng cần thiết nhất của người đi làm hiện nay là phân bổ thời gian hài hòa giữa cuộc sống và công việc. Trước tiên chúng tôi đều may mắn được làm việc trong những môi trường năng động, nơi khuyến khích làm việc dựa trên hiệu quả công việc chứ không tính bằng thời gian ngồi ở văn phòng. Sau nữa, vợ chồng tôi mặc dù có lối sống hiện đại nhưng rất trân trọng những giá trị gia đình nên luôn tìm mọi cách để trở về bên nhau nhiều nhất có thể.
Chúng tôi cố gắng xếp lịch đi công tác không trùng nhau để luôn có ba hoặc mẹ ở nhà với con. Mặc dù có thuê một người giúp việc theo giờ nhưng cuối tuần chúng tôi để chị giúp việc nghỉ làm để hai vợ chồng được tự tay chăm sóc gia đình từ những việc cơ bản và thường nhật nhất.
Có bao giờ hai vợ chồng chị bất hòa vì việc chăm sóc con chưa? Và hai người đã giải quyết các mâu thuẫn đó ra sao?
Tôi khá may mắn khi lấy chồng lúc anh đã vô cùng chín chắn trong suy nghĩ cũng như trải nghiệm sống. Cả hai vợ chồng lại cùng rất yêu trẻ con từ trước khi có con nên việc bất hòa trong cách chăm con chưa bao giờ xảy ra. Chồng tôi lại rất tin tưởng vợ nên từ việc ăn uống đến dạy con, anh đều ủng hộ vợ và góp ý thêm ý kiến để kết quả được tốt hơn.
Sau khi có con, anh chị có dành thời gian đi chơi riêng để tìm lại cảm giác như thời đang yêu không?
Tôi là một người phụ nữ thuộc cung Thiên Bình điển hình nên việc giữ gìn sự lãng mạn là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Đôi khi sáng Chủ nhật sau khi đưa con đi ăn sáng về, chồng chở tôi đi mua rong thay cho bể cá vì biết tôi thích cảm giác ngồi sau xe máy vòng tay ôm chồng. Chị giúp việc làm từ 7h sáng đến 7h tối nên có những lúc công việc không quá bận rộn, chúng tôi cố gắng kết thúc công việc lúc 5h chiều và đặt một suất xem phim tại rạp gần nhà để cùng nhau thư giãn, không nghĩ gì đến công việc hay con cái.
Với cá nhân chị, thử thách lớn nhất khi vừa muốn có một gia đình đầm ấm, vừa khẳng định được năng lực của mình trong sự nghiệp là gì?
Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của tôi là khá cầu toàn. Mọi người xung quanh thường nhận xét tôi quá kỹ tính nên hơi lo rằng tôi sẽ ôm đồm quá nhiều trách nhiệm một lúc. Tuy nhiên như tôi đã nói, việc phân bổ được thời gian hợp lý là kỹ năng quan trọng nhất để hài hòa được yêu cầu của bản thân cũng như yêu cầu của xã hội trong việc giữ cho ngọn lửa trong bếp luôn ấm áp, và đảm bảo công việc chạy suôn sẻ.
Với mật độ đi công tác xa khá liên tục của chị, chồng chị có ý kiến gì không? Nếu không, anh ấy đã phản ứng thế nào?
Chồng tôi là người làm kinh doanh nên biết rất rõ tính chất cũng như yêu cầu của công việc. Hơn nữa chồng tôi hoàn toàn hiểu rằng lúc nào tôi cũng hướng về gia đình chứ không phải típ người thích bay nhảy ngoài đường. Vì thế, mỗi khi tôi đi công tác, anh chỉ lo lắng sao cho tôi giữ sức khỏe thật tốt. Biết tôi nhớ con nên mỗi khi tôi vắng nhà, anh quay clip và chụp ảnh con gửi hàng ngày và lúc nào cũng nhắn tin: “Con ngoan lắm. Em yên tâm nhé”.
Điều tuyệt vời nhất mà chồng chị đã làm để giúp vợ yên tâm phát triển sự nghiệp là gì?
Chúng tôi lấy được nhau là một cơ duyên vô cùng trân quý, thế nên việc cùng nhau giữ cho gia đình hạnh phúc là chuyện tự nhiên cả hai vợ chồng đều muốn thực hiện hàng ngày. Chồng tôi nổi tiếng là đàng hoàng và chính trực nên tôi không bao giờ phải bận tâm lo lắng về tất cả các mối quan hệ của anh. Chỉ riêng việc chồng toàn tâm toàn ý yêu thương chăm lo cho gia đình là đã giúp tôi không phải hướng suy nghĩ vào những chuyện lo lắng vụn vặt như nhiều người vợ khác.
Ngoài ra, doanh nhân Đỗ Thùy Dương, giám đốc công ty CP Hội tụ Nhân tài Talentpool JSC cũng sẽ chia sẻ những bí quyết riêng để gìn giữ hôn nhân song song với việc củng cố sự nghiệp.
Theo chị, yếu tố nào quan trọng nhất để cân bằng giữa công việc và gia đình của người phụ nữ hiện đại?
Cá nhân tôi không đặt vấn đề cân bằng giữa công việc và gia đình, bởi đây là hai cấu phần không thể tách rời của cuộc sống. Vậy nếu được phép, tôi sẽ điều chỉnh lại, làm thế nào để công việc và gia đình hỗ trợ cho nhau tốt nhất trong đời sống hiện đại.
May mắn cả hai vợ chồng tôi đều đang làm công việc phù hợp với sở trường của mỗi người, dù không trực tiếp chia sẻ được công việc do đặc thù nghề nghiệp khác nhau, nhưng chúng tôi luôn dành thời gian chia sẻ với nhau những khó khăn, thách thức, hoặc đơn giản là cập nhật tất cả những điều đã diễn ra trong ngày của mình. Mỗi khi có trăn trở trong công việc, tôi đều tìm thấy sự động viên ở chồng và ngược lại. Việc chia sẻ thường xuyên theo tôi là yếu tố quan trọng nhất.
Đó cũng là điều chị đang áp dụng với gia đình mình?
Đúng, nhờ có sự chia sẻ ấy nên chồng tôi luôn thông cảm với những chuyến công tác thường xuyên của tôi. Đồng thời, tôi cũng vui vẻ mỗi khi chồng đi làm về muộn, hoặc khi công việc của anh căng thẳng, tôi sẽ tách riêng bọn trẻ sang một không gian khác để anh được nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng bất đồng ý kiến, tới mức định sẽ không chia sẻ chuyện công việc nữa, nhưng như thói quen nên lại thật thà kể hết và khi đó cả hai đều rất biết lắng nghe. Đấy có lẽ là bí quyết hạnh phúc của gia đình tôi.
Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về cách chị cân bằng giữa công việc và gia đình?
Với hoàn cảnh gia đình tôi, 3 đứa trẻ đang tuổi lớn và 2 vợ chồng đều bận rộn, tôi thực sự may mắn là có thể nhờ ông bà hai bên mỗi khi chúng tôi bận rộn hay đi công tác. Còn những lúc có thể, tôi và chồng đều muốn tự tay chăm sóc gia đình, 2 vợ chồng rất thích thú “sai phái” bọn trẻ cùng chia sẻ việc nhà, ồn ào và lộn xộn một chút nhưng rất vui.
Anh lớn cắm cơm, rửa bát, anh bé dọn mâm, quét nhà, em út thì xếp dép hoặc tự giác ăn uống và lăng xăng bên cạnh xem có thể giúp các anh và bố mẹ gì không. Khi cả nhà cùng làm thì bọn trẻ không thấy bị phân biệt nên rất thích. Chồng tôi cũng là người thường xuyên giúp đỡ vợ, có những món ăn anh nấu đặc biệt ngon mà mình không thể học theo được.
Gia đình tôi rất đam mê di chuyển, ngoài những chuyến công tác riêng thì vợ chồng tôi đã cũng nhau đi nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Ấn… Ngoài ra cả nhà còn rất thích được đọc sách, xem phim, xem kịch, nghe ca nhạc, đi chơi, đi ăn cùng nhau. Thi thoảng chúng tôi bàn nhau nấu món gì lạ miệng, rồi vợ lại giả vờ không biết nấu, chỉ loay hoay nhặt rau, dọn dẹp bên cạnh ông bếp trưởng, thế là quá hạnh phúc rồi!
Là doanh nhân thành công trong lĩnh vực đào tạo, hoạch định chiến lược, khích lệ tinh thần cho mọi người, vậy chị có mang điều đó vào gia đình mình?
Tôi nghĩ vai trò của người phụ nữ là cân bằng đời sống tinh thần của cả gia đình. Vậy nên có thể không phải người giữ lửa trong bếp giỏi giang lắm, nhưng việc đốt lên những ánh nến hồng để xây dựng nền tảng văn hóa gia đình, tôi chắc là mình đang đúng hướng. Và những công cụ điều hành và quản trị doanh nghiệp hiện đại như xây dựng mục tiêu thông minh, thẻ điểm cân bằng, quản trị thời gian, khen thưởng đãi ngộ… đều được tôi áp dụng vào quản trị gia đình một cách rất hiệu quả!
Điều gì thành công nhất chị nghĩ mình đã làm được để công việc và gia đình luôn song hành tốt với nhau?
Có lẽ thành công lớn nhất của tôi là lấy được người chồng biết chia sẻ và yêu thương vợ con, bên cạnh đó còn được tặng thêm sự hỗ trợ nhiệt tình của ông bà hai bên. Vì thế, về cơ bản thì tôi không phải cố gắng nhiều lắm ngoài việc luôn trân trọng giữ gìn sự hỗ trợ và chia sẻ đó.
—
Xem thêm
Đi tìm thiên chức – phụ nữ hiện đại nuôi con thế nào?
Bài: Mai Hương, Phương Thủy, Ngọc Anh
Ảnh: Corbis, nhân vật cung cấp