Giải quyết chiến tranh lạnh giữa chàng & nàng
Chiến tranh lạnh hoặc giận hờn dù bất cứ lý do nào và dù không muốn xảy ra nhưng cũng sẽ dễ khiến mối quan hệ trở nên rất căng thẳng.
Trong tình yêu, nếu đôi lứa lúc nào cũng hạnh phúc với đầy ắp tiếng cười thì còn gì bằng! Nhưng việc cãi cọ hay chiến tranh lạnh vẫn thường xảy ra, ít nhiều tùy cặp đôi. Làm thế nào để giải quyết những tình huống buồn ấy?
1. Bất đồng quan điểm
Dù hai bạn có rất nhiều điểm chung như tính cách rất hòa hợp, gu ăn uống cũng giống nhau, rồi cả gu nghe nhạc, xem phim và định hướng tương lai của cả hai cũng khá giống nhau, nhưng hai bạn thỉnh thoảng vẫn cãi nhau về những mâu thuẫn phát sinh không lường trước trong quá trình tìm hiểu nhau. Nếu là thang điểm 10, dù bạn có hiểu đối phương tận 8 điểm thì vẫn còn 2 điểm bạn và người ấy chưa khám phá hết về nhau hoặc chưa thể cùng chung quan điểm với nhau thì đấy chính là nơi chiến tranh lạnh có thể diễn ra. Yêu một người không phải để đồng hóa người ấy thành một bản sao giống mình, bạn nên nhớ điều đó. Nếu có thể và còn muốn đi tiếp với người yêu trên đoạn đường phía trước, hãy chấp nhận con người ấy với những tính cách ấy. Hãy thử ngẫm lại xem, cuộc cãi cọ này có đáng để phải giận nhau lâu hay không, trong khi người yêu bạn luôn dành cho bạn rất nhiều sự quan tâm và chăm sóc.
.
2. Ghen tuông
Yêu là phải ghen. Không yêu thì không bao giờ biết ghen. Tôi luôn nghĩ ai đó nói không biết ghen là gì thì tôi cho rằng người ấy chưa thật sự yêu bạn. Tin tưởng là một chuyện, còn ghen thuộc về phạm trù cảm xúc. Tuy nhiên cơn ghen có thể điều khiển được, tức có thể kiềm chế được tùy theo bản lĩnh của mỗi người. Ghen có ý thức, có văn hóa, có lý, đúng nơi đúng lúc, ghen với lý do chính đáng… thì nên ghen. Ghen tuông dễ đi kèm với giận hờn, rồi buồn bã không muốn nói chuyện với người yêu cũng có. Nếu các bạn không thể làm rõ vấn đề và lý do ghen tuông ngay tại thời điểm đó thì bạn vẫn có thể cho đối phương một, hai ngày bình tâm và sau đó giải thích, làm rõ vấn đề. Một khi hai người còn yêu nhau say đắm, mọi biến cố rồi cũng sẽ qua đi.
3. Nghi ngờ sự chân thành
Có lẽ trong quá trình cặp đôi tìm hiểu nhau, đặc biệt là những cặp đôi mới bắt đầu tìm hiểu nhau, có rất nhiều câu hỏi được người này đặt ra cho người kia, rằng người ấy có đang thật lòng với mình không, rằng người ấy có phải là một người tốt và chân thành hay không, tại sao người ấy không làm những việc A, B, C, D… Bạn hoàn toàn có quyền thắc mắc và đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Có những điều bạn chưa thật sự hiểu đối phương hoặc hiểu sai sẽ dễ dẫn đến giận hờn hoặc cảm thấy tủi thân. Sự im lặng của bạn khi bạn giận không muốn nói chuyện với người ấy chính là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh lạnh. Trong những tình huống như thế chắc chắn sẽ phải có một bên đứng ra chủ động làm hòa, và chứng tỏ cho bên còn lại thấy tình cảm của mình dành cho người ấy nhiều và chân thành đến nhường nào.
.
4. Mâu thuẫn về tiền bạc
Tình phí trong tình yêu là một đề tài tế nhị nhưng rất là quan trọng. Nếu chuyện tình phí không thông và cả hai có những suy nghĩ khác nhau như kiểu người thích tiêu pha, người muốn tiết kiệm, hoặc quan điểm chia sẻ tình phí nhiều ít cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của cặp đôi. Tuy nhiên, để mối quan hệ được bền chặt, mỗi bên nên ý thức chia sẻ tình phí với nhau mà không cần bất kì một lời nhắc nhở nào từ đối phương. Việc chi tiền từ bạn trai có thể nhiều hơn bạn gái, hoặc người nào có khả năng tài chính mạnh hơn thì có thể chi nhiều hơn một chút… nhưng điều đó không có nghĩa bạn gái cho bản thân quyền mặc định người yêu phải là người chi trả mọi tình phí, hoặc ngược lại. Chiến tranh lạnh trong những tình huống này rất dễ xảy ra do một bên mang cảm giác ức chế khó tả thành lời. Nếu bạn cảm thấy vấn đề này không thể nào dung hòa được mặc dù đã có những buổi nói chuyện thẳng thắn cũng có mà khéo léo cũng có, hãy tự hỏi bản thân liệu đây có phải là nửa còn lại của cuộc đời bạn?
5. Những lỗi lầm phạm đi phạm lại
Ai cũng có khả năng phạm lỗi và ai cũng có tính xấu khiến đối phương không thể chấp nhận. Có thể lúc mới yêu, tiếng xin lỗi rất dễ được đối phương tha thứ, bỏ qua và cho thêm cơ hội. Nhưng nếu lỗi đó thuộc về tính cách mà người ấy khó lòng thay đổi dù đã biết nhận lỗi và bạn lại chưa đủ rộng lượng để hiểu rằng tính cách xấu đó đáng tiếc lại chính là một phần của người bạn đang đem lòng yêu thương. Bản tính con người rất khó thay đổi. Bạn có thể giận hoài giận mãi người ấy được hay không? Cũng như vấn đề bất đồng quan điểm ở luận điểm 1 nêu trên, bạn cần phải dành thời gian xem xét lại bản thân, liệu bạn có thể chấp nhận tính cách ấy ở người ấy hay không nếu sau này cả hai nên duyên vợ chồng sống trọn đời với nhau? Liệu tổng những tính tốt khác của người ấy có đủ bù đắp một tính chưa tốt của người ấy hay không?
.
Bạn thấy đấy, yêu nhau rất cần sự đối thoại và tìm hiểu lẫn nhau hàng ngày. Tình yêu chính là một quá trình khám phá để rồi tự hoàn thiện bản thân. Tình yêu đẹp và lành mạnh còn giúp chúng ta sống lạc quan yêu đời và được là chính mình. Hãy để tình yêu là một liều thuốc bổ đáng trân quý.
—
Xem thêm
5 điều “phải nhớ” về sự tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu
Bài: H.L / Ảnh minh họa: Sưu tầm