Lifestyle / Bí quyết sống

Học cách giao tiếp qua 4 điều Phật dạy

Trong giới Phật giáo, Bát chánh đạo là 8 phương cách tu hành tối thượng để con người đoạn trừ phiền não, khổ đau, bước lên con đường giải thoát, an vui và tự tại. Chánh Ngữ là bước thứ ba trong 8 bước đường Phật dạy để đưa chúng sinh trở thành Thánh.

Lại là chuyện lời ăn tiếng nói – nhàm và sáo rỗng? Chuyện nghe mãi rồi, bài hát người ta xướng nhan nhản lên: “Words, and words are all I have, to take your breath away”. Các công ty, doanh nghiệp ít nhiều dính dáng đến dịch vụ khách hàng, truyền thông, marketing… trau chuốt những kịch bản dạy ăn nói cho nhân viên để họ học thuộc như trẻ con vỡ lòng. Kể cả ở Hà Nội bây giờ người ta cũng không ham ăn “cháo chửi, phở chửi” nữa. Các nhà tâm lý học rất chăm trong việc chỉ ra sự liên quan giữa cách đối thoại và nói chuyện trong gia đình với sự thành công hay thất bại của các cuộc hôn nhân. Tình bạn tan rã, nghề nghiệp tiêu tan và hạnh phúc sẽ né tránh có khi chỉ vì một vài lời nói không suy nghĩ.

Tài ăn nói trong nghệ thuật giao tiếp
Lời nói quan trọng đến vậy sao? Phải học cách giao tiếp thế nào cho đúng?

Nhưng ăn nói là một cái tài, diễn thuyết là một nghệ thuật không phải ai cũng được trời phú cho. Hơn nữa, lời nói nhiều khi còn là sự thông thái đúc kết từ kinh nghiệm sống nhiều năm, người trẻ tuổi không phải lúc nào cũng có được những lời đối đáp khôn ngoan. Ngoài ra, sự hiểu biết được từ học hành, kinh nghiệm nghề nghiệp, mà một người cần có để thốt ra những lời nói đúng, nói hay, không phải người nào cũng có điều kiện để có được. Vậy những người thiếu khiếu ăn nói sẽ là những người bất hạnh, luôn bị mọi người ghét bỏ, kém thành công hơn trong công việc, hay vướng hiềm khích trong đời? Lời nói quan trọng đến vậy sao? Phải học cách giao tiếp thế nào cho đúng? Thật ra, từ ngữ, câu chữ trong các cuộc đối thoại của chúng ta chỉ chiếm 7 đến 30 trên 100% tầm quan trọng trong các cuộc đối thoại.

Dân PR chúng tôi hầu như ai cũng phải học cách giao tiếp trong giai đoạn tập sự thông qua một bài tập quen thuộc. Chúng tôi phải đóng một vở kịch nhỏ diễn lại một cuộc đối thoại của một cặp vợ chồng trẻ, mà chỉ được dùng 2 từ “Anh” và “Em”. Bối cảnh của vở kịch là dịp kỷ niệm ngày cưới đầu tiên của họ, hai vợ chồng bàn sẽ nấu một bữa tối thật ngon và lãng mạn để kỷ niệm một năm chung sống. Cô vợ về trước, nấu nướng ngon lành, bày biện tinh tươm, gọn gàng và diện quần áo đẹp chờ chồng về. Chẳng may, anh chồng phải làm một bản kế hoạch đề xuất cho sếp, phải xong trước khi ra về. Anh làm muộn, không về được đúng hẹn. Cuộc đối thoại giữa hai người diễn ra qua điện thoại. Lúc 6 giờ, cô vợ gọi chồng “Anh” bằng sự nũng nịu, âu yếm của người vợ đang sắp đón chồng về. Người chồng đáp lại tiếng “Em” đầy dịu dàng như hứa hẹn anh sẽ về ngay. Lúc 7 giờ, tiếng “Anh” của người vợ mang sự mong đợi, giục giã, và tiếng “Em” của người chồng đáp lại có hơi hướng của sự thất vọng, bắt đầu mất kiên nhẫn. Lúc 8 giờ, tiếng “Anh” người vợ gọi mang giọng bực dọc, chán chường, và tiếng “Em” đầy tuyệt vọng của người chồng. Lúc 10 giờ đêm, khi người chồng về đến nhà, và thấy vợ nằm nhắm mắt vờ ngủ trên giường, mâm cơm đã dọn đi, tiếng “Em” thốt lên đầy năn nỉ, nhịn nhục, xin lỗi vợ. Vở kịch dạy dân PR chúng tôi rằng tùy vào từng văn hóa của mỗi cộng đồng, và mỗi xã hội, từ xã hội dùng văn cảnh thấp (nơi người dân nói thẳng những suy nghĩ của mình như Đức hay Hà Lan) cho tới các nước có văn cảnh cao (nơi các yếu tố ngoài lời nói quan trọng hơn bản thân các từ ngữ như cộng đồng các nước châu Mỹ La tinh, các nước châu Á), lời nói chỉ là nguyên tố tối thiểu trong việc truyền đi một thông điệp; còn lại là tùy thuộc vào bối cảnh, cách truyền đạt, phương tiện truyền đạt (điện thoại, email, text, hay nói trực tiếp), ngữ giọng, và thái độ và ngôn ngữ của cơ thể, khi gửi thông điệp đến một người hoặc nhóm người nhất định. Cái chuyện “lời nói không mất tiền mua” có vẻ không đơn giản như cố nhân ngày xưa đã phán nhỉ?

Trong giới Phật giáo, Bát chánh đạo là 8 phương cách tu hành tối thượng để con người đoạn trừ phiền não, khổ đau để có thể bước lên con đường giải thoát, an vui và tự tại. Chánh Ngữ là bước thứ 3 trong 8 bước đường Phật dạy để đưa chúng sinh trở thành Thánh. Phật dạy để luyện rèn Chánh Ngữ ta phải tránh 4 lời nói sau.

Thứ nhất là tránh những lời nói thô bỉ (những từ ngữ tàn nhẫn, ác, bẩn thỉu, kích thích). Những lời này dù có chân thật, dù có lợi cho người nghe nhưng không làm cho họ vừa ý. Ví dụ: Ôi sao dạo này chị béo thế, chị phải tìm cách giảm cân đi chứ. Cổ nhân nói “trung ngôn nghịch nhĩ” là những lúc như thế này đây.

Thứ nhì là tránh những lời nói gây chia rẽ, gây bất hòa (những từ ngữ chia đảng phái, phe bầy). Chị em phụ nữ chúng mình ít nhiều cũng đã bị rơi vào cảnh: “Chị A nói với chị B, và chị nghe từ chị C nói với chị D em là người nông cạn, luộm thuộm, hợm hĩnh”. Cuối cùng là nghi ngờ, mất lòng nhau, nghi kỵ nhau dẫn đến đổ vỡ tình bạn.

Thứ ba là tránh những lời nói dối (những từ ngữ mưu gian, lừa gạt, mánh khóe). Đây là những lời nói giả dối có thể dễ lọt tai người nghe, hoặc là những lời ba hoa, khoác lác nhằm đề cao người nói. Chẳng có lời nói dối nào là sẽ không quay trở lại gây tai hại cho người nói, sau khi đã làm tổn thương người nghe.

Thứ tư là tránh những lời nói tầm thường (những từ ngữ không có giá trị, vô ích, vu vơ). Những lời nói này tưởng như vô hại nhưng thật ra chúng lấy đi cơ hội để chúng ta suy ngẫm, lựa những lời hay, tiếng thật – những lời nói khiến ta gắn kết hơn với người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Ví dụ tối tối, thay vì nói những chuyện vô bổ, thay vì tán gẫu hoặc nói xấu người này người khác với các thành viên trong gia đình, ta có thể kể về những việc đã làm trong ngày, kể những chuyện vui, chuyện buồn, những bài học đúc kết được của mỗi người, chia sẻ với người thân để họ hiểu ta hơn.

Tôi mượn Chánh Ngữ của đạo Phật, kết hợp với những gì tôi đã học được trong nghề truyền thông của mình để rút ra kết luận rằng dùng lời nói đúng thôi vẫn chưa đủ. Lời nói đúng, thích hợp với bối cảnh, nói đúng cách, đúng chỗ, tới đúng tai người nghe, nói từ một trái tim chân thành, một tâm hồn tích cực mới là những lời vô giá, và có sức mạnh để biến một người thường thành thánh nhân.

Tôi không theo đạo, nhưng lễ Tết tôi thích đi chùa, thích được chìm đắm trong không khí đầy khói nhang nơi cửa Phật. Tôi hay thắp một nén nhang và cầu ước: tôi và bạn sẽ dành những lời nói Chân, Thiện, Mỹ để đối thoại với nhau.

Học cách giao tiếp tốt

 

Tóm lại:

Ngoài những điều Phật dạy nói trên, thì việc học ăn học nói, học gói học mở là những điều mà ông cha ta đã truyền dạy từ bao đời nay. Còn nữa, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ai cũng thích lắng nghe những lời dịu dàng, mang sự thấu hiểu và động viên. Giao tiếp giữa người với người đôi khi đòi hỏi một chút kĩ năng, một chút tinh tế, một chút kinh nghiệm mà không phải ai từ lúc mới sinh ra đều có cùng chung tư duy và kiến thức. Giao tiếp tốt chắc chắn giúp chúng ta tiến gần đến nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống và được nhiều người yêu quý và tin tưởng hơn.

Xem thêm

Học kỹ năng giao tiếp: nói bằng trái tim

17 điều cần ghi nhớ để duy trì một mối quan hệ

4 bài học cuộc sống từ chú chó bull

Nhóm thực hiện

Bài: Vũ Phương Nhu (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)