Lifestyle / Bí quyết sống

Hôn nhân vs Facebook

Chuyện tình yêu, chuyện vợ chồng thì muôn đời rắc rối và không phải đợi mạng xã hội xuất hiện, người ta mới biết vụng trộm ngoài vợ ngoài chồng, nhưng Facebook quả thực đã đặt hôn nhân vào một cuộc thử thách mới.

Chúng ta dành rất nhiều thời gian đọc các newsfeed trên Facebook. Chúng ta trò chuyện với bạn bè trên Facebook. Chúng ta tìm đối tác công việc trên Facebook. Chúng ta tiếp cận với các thần tượng của mình trên Facebook. Đôi khi, chúng ta còn tìm thấy tình yêu của mình trên Facebook. Facebook là một cầu nối tuyệt vời đưa chúng ta đến bên nhau như vậy, nhưng chính Facebook cũng là một trong những tác nhân gây ra nhiều tan vỡ và gây khó khăn không ít cho các cá nhân sau khi chia tay.ellevn-talk-45-14

Mối nguy thật từ đời sống ảo

Divorce Online, một công ty luật tại Anh đã thực hiện khảo sát và thấy rằng hơn 1/3 đơn li dị được đệ lên ở nước này trong năm ngoái có đề cập đến chữ Facebook. Hơn 80% thành viên của hội luật sư chuyên tư vấn li dị tại Mỹ cũng công nhận rằng họ có thể quan sát được tác động tiêu cực của mạng xã hội lên hôn nhân.

Tác giả cuốn sách Facebook and Your Marriage, K. Jason Krafsky cho biết: “Ngoại tình xảy ra với tốc độ ánh sáng trên Facebook”. Trong khi những chuyện lăng nhăng chốn văn phòng, vụng trộm xa nhà phải mất một thời gian dài mới có thể xảy ra thì chuyện trên Facebook có thể đến chỉ sau vài lần nhấn chuột. Sự ảo của mạng xã hội khiến người ta dễ sinh lầm tưởng, dễ thả mình vào những cảm xúc tưởng chừng vô hại và không ai biết.

Tuy nhiên, chuyện không phải là như vậy. Kể cả khi bạn hoàn toàn trong sáng trong các mối quan hệ, không gây ra điều gì có lỗi với bạn đời/người yêu của mình, thì Facebook vẫn mang lại rất nhiều mối nghi ngờ. Một nghiên cứu cho thấy Facebook đóng góp một phần đáng kinh ngạc trong việc gây ra cảm giác ghen tuông trong các mối quan hệ yêu đương. Wall, danh sách bạn bè trên Facebook là nơi người ta tìm đến để xem người yêu mình có còn giữ mối quan hệ với người cũ hay có phát triển thêm mối quan hệ với các đối tượng khác hay không.

Và kể cả khi bạn giấu kín mọi hoạt động của mình thì bạn bè sẽ làm hộ việc “lộ đuôi” cho bạn. Một tấm hình chụp buổi đi bar do người khác đăng lên cũng có thể thành nguồn cơn tranh cãi của một cặp đôi. Nếu gặp lại người yêu cũ (kể cả trong một đám đông) và bị “tag” chung vào một chỗ thì thật là thảm họa, hàng loạt câu hỏi sẽ tới tấp bay đến mà càng giải thích, nạn nhân càng trở nên đáng ngờ.

Trong nhà chưa rõ, Facebook đã tường

Mạng xã hội cho người ta được tự do phát biểu hơn trước đây, đó chính là mặt tốt trong một xã hội ngày càng nhiều sức ép và ràng buộc. Tuy nhiên, mặt trái của thuận lợi đó là việc người ta trở nên thiếu thận trọng trong phát ngôn về tất cả mọi thứ, bao gồm cả về hôn nhân và tình yêu. Những người đang trong giai đoạn đệ đơn li dị lại càng dễ rơi vào cái bẫy “tự mình gây” này.

Bạn không cần phải là một ngôi sao ca nhạc hay minh tinh màn bạc, chỉ cần bạn đang gặp khó khăn trong hôn nhân và bạn công khai điều đó lên Facebook, vậy là bạn sẽ thành trung tâm của sự chú ý. Vì xét cho cùng, có mấy ai không thích chuyện thị phi?

Có không ít cả phụ nữ lẫn đàn ông lên Facebook (hay trước đây là blog) kể lể về những vấn đề của hôn nhân, nói xấu chồng/vợ/người yêu cũ. Những chuyện đáng lẽ phải đóng cửa bảo nhau giờ trở thành màn giải trí trên mạng xã hội, và chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn chính là những người phát ngôn. Thậm chí, Jeff Landers, tác giả cuốn Divorce: Think Financially, Not Emotionally còn phải kêu gọi rằng: Đừng chia sẻ những gì bạn không muốn nói chuyện trực tiếp cùng người kia với cả thế giới, để rồi chúng sẽ bị nhắc đến mãi.

Đó là bởi những gì bạn phát ngôn khi bị tổn thương và nóng giận thay vì giúp người ta yêu mến bạn hơn, lại làm hỏng đi hình ảnh bạn trong mắt người xung quanh. Họ ấn “like” đấy, nhưng rất có thể sau lưng bạn, họ sẽ đem chuyện riêng của bạn ra để bàn tán, dè bỉu và cười cợt. Tư cách của bạn, thậm chí ngay cả trong công việc hay những lĩnh vực độc lập với vấn đề tình cảm cũng có thể sẽ bị xem xét lại, vì không phải ai cũng hiểu được khi đối diện với khủng hoảng tình cảm, người ta có thể mất bình tĩnh như thế nào.

Khi đưa ra bất kì lời chỉ trích nào lên Facebook, bạn nên nhớ rằng chúng sẽ không dễ dàng bị xóa đi chỉ với động tác click chuột. Rất có thể ở đâu đó, người bạn đang muốn rời bỏ, hoặc một ai đó “vô tình hay cố ý” đã chụp lại màn hình và đem nó ra làm bằng chứng chống lại bạn sau này, ví dụ như trong những vụ kiện ly dị, chia tài sản, giành quyền nuôi con… Người ta nói uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, nhưng trong thời đại Facebook, hãy nhớ xóa đi 7 lần những gì bạn muốn nói trước khi ấn nút post.

Muốn chia tay đã khó, chia tay xong còn khó hơn

Đã qua mất cái thời sau mỗi lần chia tay, chúng ta lại cho hết ảnh chụp chung, CD nhạc cũng như những vật kỉ niệm khác vào hộp rồi giận dữ hay thổn thức cất đi và sống tiếp. Bây giờ, việc chia tay thường được đánh dấu bằng việc tất cả ảnh chụp chung được lặng lẽ xóa đi trên Facebook, đổi sang trạng thái “single”, cặp đôi “unfriend” nhau. Và tất nhiên, ai cũng có thể nhìn thấy thao tác đó của bạn. Trong thời của mạng xã hội, việc chia tay của hai người không còn là chuyện cá nhân và vì thế, càng trở nên khó khăn hơn.

Nghiên cứu tại đại học California (Mỹ) cho thấy rằng Facebook và các mạng xã hội khác khiến cho việc chia tay trở nên khó khăn hơn vì bạn sẽ phải tìm cách xử lý cả những thông tin đời thực giữa riêng hai người, và những thông tin trên mạng xã hội. Kết luận này cũng được xác nhận với nghiên cứu của hai giáo sư khác tại đại học Lancaster (Anh), khi họ phỏng vấn 24 người ở độ tuổi từ 19 đến 34. Tất cả nhóm người này đều từng chia tay người yêu và đều thuộc vào thế hệ có mức độ sử dụng các sản phẩm công nghệ số và mạng xã hội cao. Kết quả cho thấy, 40% thông tin chung của hai người là ảnh, 20% là các trang mạng mà họ thường xuyên ghé thăm cùng nhau, và các CD nhạc chỉ còn là 7%.

Các nghiên cứu trên cho thấy, ngay cả khi bạn không còn tay trong tay với người kia nữa, những gì dính líu đến họ vẫn luôn xuất hiện trong trang cá nhân của bạn, chưa kể đến trang cá nhân của những người bạn chung. Một nửa trong số 24 người tham gia thí nghiệm kể trên nói rằng họ xóa toàn bộ những gì liên quan đến người yêu cũ khỏi trang cá nhân, 8 thừa nhận là họ giữ lại tất cả, và 4 người nói rằng họ giữ lại những gì quý giá. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đã sẵn sàng xóa bỏ tất cả, thì Facebook cũng không để bạn quên đi mọi chuyện một cách dễ dàng.

Bản chất của mạng xã hội là “network” và sự phức tạp của những mối quan hệ nhiều chiều này sẽ lưu giữ lại những gì bạn không muốn giữ. Nhiều người tham gia thí nghiệm của trường Lancaster chia sẻ rằng họ cảm thấy rất khó khăn để quên đi nỗi buồn khi thấy người cũ day đi day lại những vết thương lòng hoặc cảm thấy ghen tị với niềm hạnh phúc mới của người kia. Cho dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn mọi người chỉ muốn trưng ra những gì vui vẻ, hạnh phúc nhất của cuộc đời họ lên Facebook và giấu đi những nỗi buồn, nhưng điều ấy chưa chắc đã tạo ra hiệu ứng tốt, vì những người vừa chia tay, đặc biệt là những người bị “đá” lại không hề hài lòng với việc người kia đang sống bình thường.

Đó là chưa nói đến chuyện khi một người chuyển từ trạng thái “In A Relationship” sang “Single”, họ sẽ phải đối mặt với việc giải thích với bạn bè trên Facebook tại sao họ lại chia tay hay trả lời câu hỏi “Bạn ổn cả chứ?”. Họ muốn giấu nỗi buồn, nhưng lại không thể thoát khỏi thắc mắc của những kẻ không liên quan. Cảm giác đau khổ vì thế mà càng khó bị xóa tan.

Một vấn đề khác với mạng xã hội sau chia tay là câu hỏi: Liệu chúng ta có tiếp tục là “friend” với người kia hay không? Và kể cả nếu chúng ta có “unfriend” người ấy, vậy còn bạn thân, họ hàng, gia đình của anh/cô ta thì sao?

Nếu bạn xóa họ khỏi danh sách bạn bè của mình, mạng xã hội của bạn có thể sẽ thay đổi theo những cách không mấy tích cực. Bạn có thể bị đánh giá là trẻ con, là không tôn trọng mọi người. Nếu bạn không xóa họ, đôi khi họ có thể làm cho vết thương lòng của bạn sưng tấy lên bằng việc đăng lên những bức ảnh hay thông tin về người cũ. Và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể quyết định: Thôi, không dùng Facebook một thời gian nữa vậy vì mạng xã hội, như đã nói ở đầu bài viết, lúc này cũng đã trở thành nơi để nói chuyện về công việc.

Sống sót hậu chia tay

Ka-Yuet Liu, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu vấn đề mạng xã hội tại đại học UCLA (Mỹ) cho biết rằng: “Một khi bạn đã đăng cái gì đó trên mạng, thì nó sẽ luôn tồn tại ở đâu đó, và bạn sẽ không dễ dàng xóa bỏ thông tin ấy, kể cả khi đã ấn nút delete”.

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là bạn sẽ bị những ký ức cũ hay tiêu cực đeo bám mãi mãi. Điều quan trọng vẫn là việc bạn dứt khoát rời bỏ khỏi chúng. Một doanh nhân đã chấp nhận không lên Facebook, Twitter, Instagram… để có thể vượt qua nỗi buồn sau khi chia tay với người vợ sắp cưới: “Hãy làm những việc khác, offline, như đi xem phim, tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc đơn giản là làm việc, gặp những người mới, đừng để cuộc sống xã hội online điều khiển mình”. Dẫu thế, anh cũng thừa nhận đó là một quyết định cần nhiều nỗ lực, có nhiều người đã sống cực kỳ lệ thuộc vào Internet và đời sống xã hội của họ không thể duy trì bình thường nếu thiếu các trang web hay ứng dụng kể trên.

Vậy nếu bạn không thể rời bỏ được mạng xã hội của mình, bạn nên làm gì? Có một điều nghe có vẻ khá “thiếu người lớn” là “block“ người kia, nhưng thực ra đó là việc cần làm. Bằng cách đó, bạn có thể tránh được tất cả những gì người kia đang nói và thể hiện trong một thời gian, cho đến khi bạn đã sẵn sàng coi họ là bạn. Nghe thật khó tin, nhưng một điều tra đã cho thấy 71% trong số 1.000 người tham gia khảo sát thừa nhận rằng họ vẫn muốn theo dõi và tìm kiếm thông tin về người yêu cũ trên mạng. Việc “block“ họ ngăn cản chính bạn rơi vào những phút yếu lòng, tìm kiếm các thông tin để thấy thêm đau khổ.

Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) đã thực hiện một cuộc điều tra với hàng nghìn người về các vấn đề liên quan đến hậu chia tay, kết quả cho thấy 36% ở độ tuổi 18 đến 29 và 23% người ở độ tuổi 30 đến 49 chọn cách “block“ người cũ sau khi chia tay. Phần lớn trong số họ coi đó là cách duy nhất để có thể vượt qua nỗi buồn và tiến bước đến với người khác.

Các chuyên gia cho rằng việc “block“ cũng có ích với cả người kia. Họ sẽ khá bàng hoàng khi nhận ra người cũ đã chặn đứng việc giao tiếp của cả hai, nhưng sau đó họ sẽ có thời gian và sự bình tĩnh để trở lại là bạn bè.

Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế số lượng người có thể đọc được các status của mình bằng các bước cài đặt cơ bản. Việc chia sẻ các thông tin quá riêng tư của mình khi đang đau buồn cho nhiều người không chỉ có hại cho hình ảnh của bạn trong số đông, mà còn có thể tạo ra các cơ hội cho những kẻ muốn lợi dụng bạn hay ganh ghét với bạn.

Cuối cùng, hãy thành thật với bản thân. Nhìn chung, chúng ta không muốn có hình ảnh của một kẻ bị “đá”, một kẻ “thua cuộc” trong cuộc chạy đua tìm lại hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là màn kịch bạn muốn tạo ra để thỏa mãn việc làm cho người kia thấy đau khổ, hãy nên ngừng làm việc đó càng sớm càng tốt. Bạn không nên thể hiện rằng mình bi lụy sầu thảm, nhưng cũng không nhất thiết phải tỏ ra là mình vui vẻ. Hãy chọn sự trung tính, bình tĩnh và làm chủ các trạng thái tâm lý của mình. Đó là cách bạn dần lấy lại được sự thoải mái sau những ngày tan nát con tim.

Xem thêm 9 điều lưu ý với Facebook sau khi chia tay

Xem thêm Thổ dân nghiện rượu, nhân loại nghiện facebook

Xem thêm Kinh doanh trên Facebook: sự đánh đổi không dễ dàng

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên - Ảnh: Corbis
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)