1. Kẻ luôn có thể nổi cơn thịnh nộ
Đặc trưng hành vi: Chuyện gì không vừa mắt sẽ tỏ ra “ý thù địch” rất mạnh, nhìn ai, sự việc hay sự vật nào cũng hiếm khi có sắc mặt thiện cảm và lời nói dễ nghe, luôn mang thái độ hậm hực trong cư xử.
Nhu cầu tâm lý của họ: Có khao khát mạnh mẽ muốn chứng minh quan điểm của mình là đúng và người xung quanh phải làm theo tâm tư nguyện vọng của họ. Đồng thời, kiểu người mà họ “chịu” công nhận phải là người đầy tự tin, nhiều mưu mô và hơi độc tài.
Kỹ năng giao tiếp thành công: Trước hết bạn cần giữ tâm trạng của mình thật ổn định, không nên vì sự cường quyền của họ mà bối rối. Khi giao tiếp, nhìn thẳng vào mắt họ sẽ giúp đối phương cũng bớt cơ hội kích động hơn.
Vài phút đầu, hãy để họ nói hết lời hoặc bộc lộ tâm trạng của họ, và tuyệt đối không nóng vội mà đưa ra nhận xét hay phê phán. Khi bạn bắt đầu nói, hãy trực tiếp nhắc đến tên của họ và lặp lại nhiều lần, biện pháp này có tác dụng khiến đối phương cảm thấy được chú ý và biết dừng lại để lắng nghe bạn.
Lưu ý, khi trò chuyện, bạn cần giữ cho ngữ khí và thái độ thật kiên định, thể hiện sự tự tin và chuyên nghiệp, không nên nhún nhường hay e sợ thái quá, nếu không chỉ khiến đối phương “được nước làm tới” mà thôi.
2. Kẻ tiêu cực nhưng thích dội nước lạnh vào người khác
Đặc trưng hành vi: Có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng bi quan, đối với bất cứ đề nghị nào của người khác thì điều đầu tiên họ nghĩ đến là những trở ngại và sự thất bại. Tuy vậy, đây cũng là kiểu người thích bới lông tìm vết, chuyện gì cũng có thể nghĩ ra cách để phản bác.
Nhu cầu tâm lý của họ: Thói quen suy nghĩ tiêu cực phần nhiều đến từ trải nghiệm thất bại và những chuyện không vui trong quá khứ. Họ muốn trốn tránh đau khổ và sai lầm vì vậy mà tác phong luôn thận trọng thái quá, luôn nghĩ đến tình huống xấu nhất mà thôi.
Kỹ năng giao tiếp thành công: Đối diện với kiểu người này, thất sách nhất chính là muốn đi thuyết phục họ, kiểu như “vấn đề sẽ không tệ như anh nghĩ đâu”! Điều này chỉ khiến cả hai rơi vào tranh luận không hồi kết.
Thất sách nhất chính là muốn đi thuyết phục họ, kiểu như “vấn đề sẽ không tệ như anh nghĩ đâu”.
Đừng cố gắng chứng minh cách nghĩ của họ là tiêu cực. Điều bạn cần làm là tìm hiểu nghi vấn và âu lo của họ. Hãy tỏ ra quan tâm họ bằng cách chia sẻ đầy thiện cảm về những trải nghiệm trong quá khứ của họ, từ đây bạn có thể phần nào hiểu được nguyên do khiến họ suy nghĩ tiêu cực như hiện tại.
Sau khi đã giải trừ mọi hoài nghi trong lòng họ, lúc này mới nên đưa ra cách nghĩ của bạn. Lưu ý, cho dù khó khăn lắm mới thuyết phục được họ chấp nhận đề nghị của bạn thì cũng đừng vội đắc ý. Lúc này bạn nên thuận theo thói quen suy nghĩ tiêu cực vốn có của họ, chủ động đưa ra tình huống xấu cho quyết định này, rồi sau đó mới đề cập đến giải pháp.
3. Kiểu người khép kín, kiệm lời
Đặc trưng hành vi: Không muốn biểu đạt ý kiến của mình, đặc biệt là khi bạn nhắc đến cách nghĩ của họ, thường sẽ nhận lại một sự im lặng hoặc nói qua loa để đối phó mà thôi. Biểu hiện thường thấy ở kiểu người này là chau mày, ánh mắt nhìn hướng xuống hoặc hai tay khoanh trước ngực.
Nhu cầu tâm lý của họ: Nguyên nhân khiến họ im lặng có rất nhiều, nhưng chủ yếu liên quan đến áp lực tâm lý, có thể do họ thiếu lòng tin hoặc không giỏi nói chuyện, hoặc đây là cách họ kìm chế sự tức giận hay dung đó như một sự kháng cự không lời.
Kỹ năng giao tiếp thành công: Điều bạn cần nhất là sự nhẫn nại và thời gian. Với kiểu người này, thúc giục hay nhắc họ là thời gian có hạn chỉ như “thêm dầu vào lửa” mà thôi.
Nếu họ vẫn còn lựa chọn sự im lặng, thay vì chờ đợi khốn khổ, hãy đặt mình vào vị trí của họ và suy nghĩ, sau đó nói ra cách nghĩ mà bạn nghĩ đó cũng là cách nghĩ trong lòng họ, cho dù không chính xác cũng không sao, ít nhất có thể duy trì cuộc đối thoại không rơi vào khoảng lặng nặng nề.
Trong lúc bạn thử nói ra cách nghĩ của họ, đồng thời hãy tỉ mỉ quan sát biểu hiện của đối phương, trừ cái lắc đầu ngay lập tức hay biểu hiện phủ định ra, nếu trên mặt họ xuất hiện một chút do dự, không bày tỏ khẳng định hay phủ định hoặc cơ thể hướng về trước thì cho thấy nội dung bạn đang nói đã tiếp cận được với suy nghĩ của họ. Lúc này, bạn có thể theo đó mà đặt câu hỏi hay đưa ra vấn đề nhiều hơn.
Nếu cách trên không có hiệu quả, hoặc đối phương tỏ ra bực bội, thiếu nhẫn nại, chẳng hạn như liên tục xem đồng hồ, thay đổi tư thế, sờ tai hoặc kéo tai thì đừng lãng phí thời gian nữa, hãy hẹn lần trao đổi khác.
4. Kẻ ỡm ờ, thích day dưa
Đặc trưng hành vi: Ngoài mặt họ rất ôn hòa, lịch sự nhưng luôn do dự và không đưa ra sự hồi đáp chính xác, khẳng định. Cho dù biết rõ không có khả năng hoặc tồn tại vấn đề thì họ cũng không thèm nói ra, cứ mập mờ không quyết rồi đến cuối cùng mới phản bác hoàn toàn, khiến cho mọi sự trao đổi và chia sẻ trước đó đều hoàn toàn vô ích.
Nhu cầu tâm lý của họ: Một mặt, có thể họ hy vọng được mọi người yêu thích và duy trì mối quan hệ tốt đẹp, mặt khác họ có quá nhiều nghi vấn, khó mà suy nghĩ thấu đáo, sợ sai lầm và sợ gánh hậu quả.
Kỹ năng giao tiếp thành công: Bạn nên là người đứng ra phân tích lợi hại của vấn đề, giúp họ hiểu sau khi quyết định sẽ có những điểm lợi nào. Nếu bạn quan sát thấy họ mím chặt môi hoặc có động tác sờ cổ áo, cà vạt thì cho thấy họ đang có sự lo lắng và áp lực. Lúc này, bạn nên đưa ra thêm giải pháp để xóa tan nguồn cơn âu lo của họ.
Có lúc đối phương không thể đưa ra quyết định là do khó tiếp thu nhiều suy nghĩ khác nhau, bạn nên viết những lựa chọn ra giấy, giúp họ có cái nhìn thấu đáo hơn. Khi đối phương đã có thể quyết định, hãy nhấn mạnh lại những lợi ích của sự lựa chọn này, tăng thêm lòng tin cho họ, tránh tình huống họ lại chần chừ rút lui.
__
Xem thêm:
Cách ứng xử trong cuộc sống: “Thẳng” nhưng “Khéo”
Học kỹ năng giao tiếp: nói bằng trái tim
Nghệ thuật lắng nghe, bạn đã biết chưa?
Nhóm thực hiện
Bài: Tạ Lê Minh Thư / Ảnh minh họa: sưu tầm