[inline_articel id=216655]
Kỷ nguyên số và sự bùng nổ của mạng xã hội đã tạo nên mạng lưới kết nối rộng lớn, chúng ta dễ dàng tìm kiếm bạn bè, quen biết và chia sẻ cùng nhau thông qua những dòng tin nhắn để lại, những status được cập nhật mỗi ngày. Tuy nhiên, chính lối sống hối hả, sự kết nối nhân tạo, sự thân mật xã giao cũng như thiếu độ tương tác thực tế đã dẫn đến khó khăn trong việc duy trì và giữ tình bạn lâu dài.
(Ảnh: Beatpie’s Miscellany)
Nhiều người đôi lần rơi vào bối rối trong mớ nghi hoặc rằng tại sao trông tôi ổn, tôi có thể trò chuyện với mọi người, tôi làm nhiều thứ nhưng tôi lại chẳng có lấy một người bạn thân thiết? Vậy, bạn đã thật sự dành bao nhiêu quan tâm cho những mối quan hệ ấy? Chúng ta mất vài giây để nhấn nút “kết bạn” nhưng muốn duy trì nó lại là một hành trình chẳng hề dễ dàng.
Giữ trạng thái “kết nối”
(Ảnh: Sara Ligari)
“Bạn bè chính là gia đình mà chúng ta được quyền lựa chọn” – Edna Buchanon. Một tình bạn tuyệt vời là thứ mà mỗi người cần đặt sự trân trọng và bảo vệ tuyệt đối. Mức độ gắn kết được đánh đổi bằng sự quan tâm chúng ta đặt vào cảm xúc và hành động của đối phương. Muốn duy trì một tình bạn bền vững phải xây dựng một nền tảng vững chắc trước đã, thiết lập một sự kết nối cho bản thân và đối phương, giải quyết bất đồng, hiểu lầm đồng thời giữ tôn trọng đối với sự hiện diện của đối phương. Hãy gấp lại những màn hình điện tử, bước ra và tạo “kết nối thật” với những người bạn của mình.
Sự quen thuộc và thoải mái trước bạn thân đôi lần sẽ mang chúng ta vượt qua lằn ranh kết nối và quên mất việc biểu lộ cảm xúc. Cuốn vào vòng xoáy của những bộn bề hàng ngày vô hình trung đã tạo nên khoảng cách và sự hờ hững trong mối quan hệ bạn bè. Cởi mở chính là chìa khóa của hạnh phúc. Một người bạn tốt sẽ biết đặt sự quan tâm vào việc đối phương là ai cùng những khó khăn mà họ đang đối mặt. Và hiển nhiên, chỉ khi sự quan tâm đến từ hai phía, cả bạn, cả đối phương học được cách cởi mở với nhau thì mới có thể thiết lập sự kết nối bền vững và lâu dài.
BÀI LIÊN QUAN
Từ tình bạn đến tình yêu – nên hay không nên?
Kiểm soát cái “tôi”
(Ảnh: Anna Kovecses)
Cãi vã, bất đồng quan điểm là những điều không thể tránh khỏi trong mối quan hệ bạn bè. Mỗi người trẻ đều giữ cho mình sự ngoan cố nhất định và việc thừa nhận một quan điểm trái chiều đôi khi rất khó khăn. Khi ấy “cái tôi” của mỗi người sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nhất và trở thành liều thuốc độc dễ dàng giết chết tình bạn. “Cái tôi” chính là ngõ cụt trong việc giải quyết mâu thuẫn. Lời khuyên cho mỗi người là hãy kiểm soát “cái tôi” của bản thân, hạ nó xuống và chấp nhận lùi lại trong những thời điểm khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau. Điều đó sẽ giúp cứu lấy một mối quan hệ. Tuổi trẻ vốn là cuộc khảo nghiệm của đời người, có sai lầm vẫn đáng giá. Thay vì sợ sai mà lao vào chứng tỏ bản thân, chúng ta cần học cách kìm hãm “cái tôi”, điều chỉnh cảm xúc, chấp nhận sự khác biệt và nhớ rằng chúng ta đã dành tình cảm cho đối phương nhiều như thế nào.
Cân bằng cảm xúc
(Ảnh: Malika Favre)
Thành thật mang tính quan trọng và đòi hỏi một vị trí nhất định trong bất kì mối quan hệ nào. Tình bạn cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thành thật không có nghĩa là chúng ta được phép làm tổn thương đối phương bằng những lời nói của mình. Khi chúng ta hiểu rõ bạn mình cũng là lúc chúng ta biết được toàn bộ ưu, khuyết điểm của họ. Chúng ta biết cách lấy lòng họ đồng thời cũng biết rõ cách tổn thương họ. Trong hoàn cảnh tức thời, khi căng thẳng nuốt trọn những suy nghĩ sáng suốt, ta cứ thế tuôn ra những lời ta cho là “thật” nhất, “đúng” nhất về người bạn của mình mà chẳng hay biết điều ấy đang tổn thương họ. Không một ai là hoàn hảo cả. Chúng ta cần học cách điềm tĩnh giữa những thăng trầm của cảm xúc. Tìm lấy một điểm cân bằng trong lời nói, ghi nhớ hoàn cảnh của họ, tránh những đánh giá chủ quan là điều quan trọng để duy trì niềm tin trong quan hệ bạn bè.
Hy vọng nhiều hơn, kỳ vọng ít đi
(Ảnh: Naomi Wilkinson)
Trong bất kì mối quan hệ nào, chúng ta cũng thường giữ thói quen áp đặt kỳ vọng của bản thân lên đối phương và đôi khi chính ta lại thất vọng vì kết quả không như ý muốn. Như việc chúng ta kỳ vọng một điều bất ngờ vào sinh nhật từ người bạn như ta đã từng làm với họ nhưng cuối cùng lại nhận lấy sự hụt hẫng. Hay chúng ta bỏ qua việc mời bạn đi chơi cùng vì cho rằng đã đến lượt họ nên mời lại ta. Những kỳ vọng vô hình được chúng ta áp đặt cho bạn bè đã kéo xa khoảng cách của cả hai. Ta có thể biểu hiện tình cảm một chiều của mình thông qua sự yêu mến, ủng hộ hay những món quà, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể kỳ vọng một điều tương tự ở họ. Có nhiều lý do họ không thể đáp lại ngay tắp lự những điều ấy. Họ quên quà sinh nhật, họ không xếp một cuộc hẹn đáp lễ nhưng không có nghĩa họ không dành tình cảm cho ta. Mỗi người đều sở hữu suy nghĩ và những cách bộc lộ tình cảm, sự quan tâm khác nhau. Họ không tặng quà sinh nhật nhưng họ dễ dàng mang đến cho ta một quyển sách ta muốn từ lâu, một ly cà phê ta thích hay đơn giản là dành hàng giờ trò chuyện bên cạnh khi ta cảm thấy tồi tệ. Lẽ đó, thay vì áp đặt sự kỳ vọng nặng nề lên đối phương, hãy chọn hy vọng và đặt niềm tin vào chính mình, vào sự gắn kết bền chặt của mối quan hệ, biến những niềm tin thành suy nghĩ tốt đẹp, thành sự tử tế mà xây dựng một tình bạn lâu dài.
Tôn trọng tự do của nhau
(Ảnh: Grace Helmer)
Hãy hiểu rằng chúng ta không thể bên cạnh người bạn của mình 24/7. Mỗi người đều cần những khoảng thời gian riêng hoặc đôi khi họ chỉ muốn ở một mình. Khi bạn không gọi điện cho ta, khi bạn từ chối gặp mặt hay trả lời tin nhắn chậm, ta hãy hiểu rằng họ cần ở một mình. Có thân đến thế nào thì cả ta và đối phương đều có cuộc sống và trách nhiệm khác nhau, vì vậy đừng quá ngỡ ngàng mà hãy tôn trọng tự do của đối phương. Đôi lúc, khoảng thời gian một mình lại là thời điểm hoàn hảo cho cả hai dừng lại và nghỉ ngơi, khám phá bản thân, tận hưởng sự cô đơn riêng biệt, từ đó hiểu được sự quan trọng của mối quan hệ bạn bè.
Là nguồn năng lượng tích cực cho nhau
(Ảnh: Atelierdore)
Sự cạnh tranh ngầm giữa những người bạn không phải không có và sự ám ảnh trước thành tích của đối phương thường đi kèm những góp ý tiêu cực. Việc tìm kiếm lỗi hay đánh giá hơn thua sẽ kéo nhau đến chỗ suy sụp, mất đi mục tiêu cuộc sống. Thay cho sự đối đầu ngầm, chúng ta hãy trở thành những “nhân chứng” cuộc sống của nhau, trở thành người chứng kiến những biểu hiện tốt nhất, những trải nghiệm thú vị nhất của đối phương. Chúng ta lắng nghe những nhiệt huyết của họ, chia sẻ sự quan tâm của bản thân trước vấn đề của họ. Tình bạn sẽ thiên biến thành những khoảnh khắc tận hưởng và đáng trân trọng khi cả hai có thể cùng nhắc nhở nhau về những mục tiêu, kế hoạch trong cuộc sống, về những giây phút tuyệt vời nhất của mỗi người.
Nhóm thực hiện
Bài: Vương Tuyền (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ parents.com, the cusp, lifehack, psychologytoday)