Cũng có thêm những anh chàng bắt đầu thích thú hơn với việc hẹn hò với người nước ngoài và vài trong số đó biến nó trở thành đề tài tranh cãi gay gắt.
Khác biệt ngăn cách
Dù Tây hay Ta, Việt Nam hay ngước ngoài, điểm chung của chúng ta là tình yêu. Mà tình yêu thì không có biên giới, rào cản, không ngôn ngữ, không sắc tộc. Tình yêu đơn giản là quá đẹp đẽ, thiêng liêng với những ý nghĩa giản dị nhất của nó. Những người da màu kết hôn với người da trắng, những người châu Á yêu những người cách mình nửa quả địa cầu đều là thứ mà loài người chứng kiến trong suốt chiều dài lịch sử. Nó không hề mới nhưng tại sao ở Việt Nam, chuyện yêu và kết hôn với người nước ngoài vẫn là một điều gì đó không được đón nhận một cách bình thường?
Một phần trong số nhiều lý do là văn hóa của người Việt chúng ta vẫn xem nặng truyền thống cưới hỏi lễ lạt dài dòng, nhiều tủ tục lễ nghi, cần sự chấp phép của hai bên gia đình, bố mẹ can thiệp sâu vào đời tư của con cái. Người nước ngoài như ở các nước phương Tây chỉ cần một lễ cưới nhỏ ở nhà thờ với vài chục khách mời, trao nhận, đọc lời thề, rồi thành vợ chồng. Họ không cần hỏi ý kiến gia đình để được phép yêu hay cưới một người nào khác. Một lý do khác là người phương Tây coi chuyện kết hôn là điều cực kỳ hệ trọng. Họ không cưới vì gia đình giục, không cưới vì lỡ có bầu, không cưới vì bạn bè xung quanh đã cưới. Thế nên họ không chịu áp lực và hạnh phúc hơn. Nên nhìn chung cuộc sống hôn nhân của người phương Tây thoải mái hơn bây giờ. Tuổi kết hôn trung bình của nam giới ở những nước như Đức hiện là 33, phụ nữ là 30 trong khi ở Việt Nam lần lượt là 26 và 22. Có thể thấy một khoảng cách rất lớn trong nhận thức của chúng ta và những nước tư bản.
Sau khi kết hôn rồi thì các gia đình ở phương Tây cũng nuôi con nhàn hơn ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Người chồng chịu khó vào bếp, làm việc nhà, thay bỉm, cho con ăn, nhìn chung họ có thể làm được tất cả các việc mà phụ nữ làm khi có thời gian. Ở nước mình, nhiều phụ nữ phải ca cẩm về chuyện đức ông chồng không làm gì cả hoặc ham chơi. Đương nhiên vẫn có nhiều ngoại lệ và đàn ông thế hệ mới ở nước ta đang ngày một văn minh và “đảm đang” hơn.
Những hiểu lầm thường thấy
Có nhiều hiểu biết sai lầm về người nước ngoài, đặc biệt là đàn ông mà Việt Nam ta vẫn kháo nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Thứ nhất là sòng phẳng tài chính. Điều này hoàn toàn sai. Những người đàn ông Đức, Ý, Tây Ban Nha vẫn là trụ cột gia đình, họ sẵn sàng chi trả hết các chi phí khi người bạn đời của mình không có được công việc với mức lương phù hợp hay phải nội trợ ở nhà trông con. Họ cũng tặng những món đồ đắt tiền (thậm chí là đắt tiền hơn rất nhiều) chứ không chỉ đàn ông châu Á mới biết gallant trong khoản tặng quà. Có một số người cũng thường xuyên biếu quà gia đình vợ hoặc bạn gái, hoặc hỗ trợ về kinh tế. Nhưng tất nhiên, những người phụ nữ phương Tây cũng sống độc lập, khi có công việc ổn định họ cũng thường góp chung tay vào kinh tế gia đình.
Thứ hai là nhu cầu tình dục cao và thô bạo. Điều này lại càng sai. Nếu xem phim nước ngoài, hẳn bạn cũng biết cách mà đàn ông phương Tây thể hiện tình cảm và kỹ năng của mình rất nghệ thuật và trân trọng người phụ nữ. Nhu cầu chăn gối của họ đúng là cao hơn người châu Á nhưng họ không ép buộc người phụ nữ khi không được sự đồng ý. Đương nhiên, vẫn có những gã Tây có nhiều tật xấu nhưng chúng ta chỉ đang đề cập đến mẫu số chung mà thôi, ở đâu cũng có người này người kia.
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
– Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài Sở Tư pháp có thẩm quyền giải quyết.
– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ có trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ đó và ghi rõ ngày phỏng vấn, ngày trả kết quả. Thời gian giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được tính từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
– Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có những trách nhiệm dưới đây:
Thực hiện buổi phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với 2 bên nam và nữ kiểm tra để làm rõ về nhân thân và sự tự nguyện kết hôn của hai người cũng như mức độ hiểu biết nhau về nhau. Trong trường hợp cần phiên dịch để thực hiện buổi phỏng vấn thì Sở Tư pháp sẽ chỉ định người phiên dịch.
Kết quả của buổi phỏng vấn sẽ được được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn cần phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản của buổi phỏng vấn, người phiên dịch (nếu có) phải cam kết dịch chính xác nội dung của buổi phỏng vấn và ký tên vào văn bản phỏng vấn.
Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài; trong trường hợp nghi vấn hoặc có vấn đề khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, hay lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, kết hôn nhằm mục đích trục lợi khác hay xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam và nữ; giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện xác minh làm rõ.
– Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được công văn của Sở Tư pháp, cơ quan công an sẽ hiện xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
– Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp cùng hồ sơ đăng ký kết hôn, trong trường hợp xét thấy hai bên nam và nữ đáp ứng đủ điều kiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn cho 2 người.
Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn với người nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản nêu rõ lý do gửi Sở Tư pháp để thông báo cho hai bên nam và nữ.
Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài bao gồm:
– Tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất theo mẫu .
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của người Việt Nam được cấp không quá 6 tháng, tính đến ngày tiếp nhận hồ sơ.
– Giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền ở Việt Nam hay tại nước ngoài cấp không quá 6 tháng, tính đến ngày tiếp nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc các bênh như: tâm thần, không có khả năng nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình.
– Bản sao CMTND/Hộ chiếu đối với người Việt Nam ở trong nước, Hộ chiếu/ giấy tờ tùy thân có giá trị thay thế: Giấy thông hành /Thẻ cư trú đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Bản sao Sổ hộ khẩu/ Sổ tạm trú đối với người Việt Nam cư trú tại Việt Nam, Thẻ Thường trú/Thẻ tạm trú/Chứng nhận tạm trú đối với người nước ngoài thường trú/ tạm trú tại Việt Nam đăng ký kết hôn.
Cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài là những nơi sau:
– UBND cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú của người Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài, giữa người Việt Nam với nhau mà ít nhất có một bên định cư tại nước ngoài; trong trường hợp người Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của người Việt Nam thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
– Trong trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của 1 trong 2 bên, thực hiện đăng ký kết hôn; nếu cả 2 bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên, thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
BÀI LIÊN QUAN
Đàn ông Tây & Đàn ông Việt trong tình yêu
—
Xem thêm:
Chuyện tình yêu: Những mối tình lệch tuổi
Liệu hôn nhân có phải là đích đến cuối cùng của hạnh phúc?
Chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống hôn nhân
Nhóm thực hiện
Nhi Hà (Tạp chí Phái Đẹp ELLE)