Lifestyle / Bí quyết sống

Liệu hôn nhân có phải là đích đến cuối cùng của hạnh phúc?

Trong lúc tìm kiếm câu chuyện có thật để chia sẻ với bạn đọc về kinh nghiệm đối mặt với “ma trận” của tổn thương và nỗi chán chường tận đáy sau chia tay, ELLE đã gặp chị KL, và được chị mở lòng về câu chuyện rất riêng tư của mình. Một người phụ nữ thành đạt, tự tin, luôn tràn trề sức sống và một người mẹ đơn thân đúng nghĩa đã có lúc bị dồn vào chân tường, đối mặt với hệ quả mất mát vì bước qua khuôn mẫu hôn nhân để chọn một lối sống khác biệt.

Chị có cuộc hôn nhân khá ngắn ngủi và tự nhận mình là người có lỗi nhiều nhất. Là người Hà Nội và đam mê xê dịch, chị đã từng di chuyển liên tục giữa nhiều thành phố để sống và làm việc. Mặc dù muốn lập nghiệp ở Sài Gòn, nhưng anh là người đàn ông khiến chị quay trở lại Hà Nội để cùng gắn bó và tạo lập cuộc sống lâu dài. Khi cả hai chào đón con gái đầu lòng, những biến động trong sự nghiệp, cộng với bức tường giao tiếp vô hình giữa hai vợ chồng đã khiến chị bị trôi vào chuỗi biến động tâm lý cá nhân phức tạp. Chị và chồng trở thành “hai thế giới chẳng nói gì với nhau”. Mối giao tiếp giữa hai người bị hạn chế bởi bức tường của sự tôn trọng. Họ chưa bao giờ ngồi xuống để đặt mục tiêu cho tương lai như bao nhiêu cặp đôi khác. Chị chủ động mọi lo toan lớn nhỏ trong gia đình cho tới khi công việc gặp trục trặc và đuối sức. Họ độc lập về mặt tài chính và không bao giờ chủ ý ràng buộc nhau bằng những nội quy riêng hay chia sẻ những ý muốn cá nhân. Sự “đồng sàng dị mộng” đó khiến chị quyết định phải thay đổi và một lần nữa ra đi. Trong suốt buổi trò chuyện, chị luôn nói anh ấy không đáng phải chịu sự đối xử như cách chị đã làm. Bước vào cuộc hôn nhân của mình trong tâm thế chủ động hoàn toàn, quyết định cầu hôn hay kết thúc mối quan hệ đều là ở chị.

lieu-hon-nhan-co-phai-la-dich-den-cuoi-cung-cua-hanh-phuc-1

Chị có hiểu người đàn ông từng bên cạnh mình?

Chúng tôi đã yêu nhau và đến với nhau nhưng thật sự là không hiểu nhau. Anh ấy có chia sẻ với tôi một vài thứ, nhưng nghĩ lại đó như là cách của hai người bạn hơn là bạn đời. Tôi biết anh ấy làm nghề gì, ở đâu nhưng không biết công việc, thu nhập của anh, cũng như không bao giờ được nghe anh chia sẻ đang gặp áp lực gì, có mục tiêu gì mới hay định hướng phát triển sự nghiệp ra sao. Vào thời điểm nói với anh ấy về chuyện tôi muốn quay lại Sài Gòn và lý do vì sao, tôi đã mong muốn, đã hy vọng vì tình yêu với gia đình và với con, anh ấy sẽ ủng hộ. Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản, với quy mô nơi anh ấy công tác, nếu muốn anh vẫn có thể chuyển vào phía Nam. Tôi không hề biết rằng, ngay thời điểm ấy, anh chuẩn bị cho một bước thăng tiến trong sự nghiệp. Anh đã chẳng nói gì cả.

Sao chị không hỏi thẳng anh ấy?

Tôi tôn trọng anh và không muốn hỏi nhiều, đôi lần có mở lời nhưng không thấy anh phản hồi hoặc tỏ ý không muốn chia sẻ. Tôi không dám nói hộ suy nghĩ của người khác. Đến giờ tôi thật sự không hề biết rốt cuộc anh ấy đã nghĩ gì. Anh ấy đã từng là tất cả. Nhưng vì sao tôi ra đi thì có thể như bạn nói là do không có sự chia sẻ với nhau. Mặt khác, sự xuất hiện của con gái khiến tôi vô tình bỏ qua “nỗ lực để hiểu người bên cạnh mình”. Nhưng tôi không đổ cho việc có con làm mọi thứ thay đổi. Nếu thời điểm đó là một người đàn ông khác, chắc tôi cũng sẽ thay đổi.

lieu-hon-nhan-co-phai-la-dich-den-cuoi-cung-cua-hanh-phuc-2

Nếu lúc ấy biết về chuyện sự nghiệp của anh, liệu chị có ở lại?

Tôi sẽ ở lại, nếu có sự chia sẻ của anh. Dù việc ở lại sẽ là thử thách một khi chúng tôi không còn nhiều sự hòa hợp trong cuộc sống chung. Chí ít nó cũng là một lý do để tôi thấy anh ấy cần hai mẹ con tôi. Nhưng anh ấy luôn lặng lẽ, có thể là vì những lý do mà tới giờ tôi cũng chưa từng được biết.

Sau khi chị chuyển vào Sài Gòn, cả hai anh chị có ngồi lại với nhau?

Đó là một giai đoạn căng thẳng khác trong suốt hai năm cho tới khi chúng tôi chính thức ký đơn ly hôn. Chúng tôi giao tiếp qua email và tin nhắn điện thoại, chủ yếu là những vấn đề của con. Thỉnh thoảng, tôi đưa con ra Hà Nội thăm nhà nội hoặc yêu cầu anh dành thời gian vào với con ít nhất một tháng một lần. Con gái tôi không sống trong gia đình trọn vẹn nhưng anh là người yêu con hơn tất cả mọi thứ trên cuộc đời này. Tôi luôn hiểu mình phải chủ động tạo điều kiện đẩy hai bố con lại với nhau. Dù anh đã khá căng thẳng và gay gắt với tôi mỗi lần trao đổi trong suốt thời gian ly thân, nhưng điều mà tôi cảm thấy được an ủi là việc ly hôn cũng đã diễn ra êm ả, lặng lẽ. Chúng tôi không quan tâm đến tài sản cá nhân của nhau, không vướng bận tài sản ly hôn. Chúng tôi vẫn gọi nhau là bố và mẹ. Toàn bộ mối quan tâm chung là con. Chúng tôi cố gắng cư xử với nhau nhẹ nhàng và văn minh. Tôi không còn nhiều dằn vặt như trước.

lieu-hon-nhan-co-phai-la-dich-den-cuoi-cung-cua-hanh-phuc-3

Vậy là khi rời đi chị vẫn có những dằn vặt?

Tôi hoàn toàn không có người thân ở trong Nam, chia tay chồng, công việc trục trặc, sự nghiệp dở dang. Tất cả những gì tôi có là con gái. Người phụ nữ nào mạnh mẽ đến đâu thì cũng lao đao, mất phương hướng… không biết bước tiếp theo của mình sẽ là gì, một tương lai rất mù mờ, sống bằng trợ cấp thất nghiệp của Nhà nước… Nhiều vấn đề không thuận lợi ập đến cùng lúc, một thời điểm khó khăn mà tôi không muốn chia sẻ với bất kì ai. Phải thu vén, co cụm lại để lo cho một đứa trẻ ít nhiều khiến tôi hoang mang. Tôi phải ép mình trở thành một bà mẹ đơn thân thực sự, không thể và cũng không dám giao con cho ai. Từ một người ưa dịch chuyển, tôi phải từ chối tất cả những công việc thu nhập tốt nhưng yêu cầu di chuyển nhiều, để dành trọn vẹn thời gian và tâm trí cho con và vì con… Cũng đã có những lúc tôi tặc lưỡi nghĩ rằng nếu tôi không lo được cho con thì bé còn bố, ông bà ngoại. Nhưng điều quan trọng nhất là nếu tôi không sống tốt, không vui vẻ, hạnh phúc thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa bé. Chắc đó là điểm duy nhất tôi đã bám vào để tiếp tục sống và nuôi con.

Chị có nghĩ mình là người thất bại trong hôn nhân?

Chưa bao giờ! Từ lúc tôi còn độc thân, tôi đã thấy chuyện hôn nhân đã có vẻ không phù hợp với cá tính mình. Đến lúc bước vào rồi bước ra tôi càng chắc chắn về điều đó. Có quá nhiều sự gò bó mà bản thân tôi không theo được. Quá nhiều thứ buộc mình phải thỏa hiệp. Làm vợ, làm dâu là công việc đòi hỏi người phụ nữ một sự kiên cường, hy sinh, một sự nữ tính nhất định. Chắc là, tôi không có.

lieu-hon-nhan-co-phai-la-dich-den-cuoi-cung-cua-hanh-phuc-4

Lẽ nào hôn nhân lại khó nuôi dưỡng được tình yêu?

Tình yêu có nhất thiết cần được nuôi dưỡng bởi hôn nhân không? Vẫn rất nhiều người hỏi kết hôn để làm gì? Nếu bạn muốn có một cam kết lâu dài thì chưa chắc hôn nhân hoàn thành vai trò đó. Hôn nhân là một nghệ thuật không phải ai cũng nắm bắt được. Nhưng nếu bản chất của bạn là “be by myself” thì lựa chọn sống đúng với nó sẽ vui hơn, lạc quan hơn, bị lấy đi ít năng lượng hơn.

Hôn nhân đổ vỡ có hình thành vết sẹo nào bên trong chị?

Thật ra lúc nào tôi cũng biết mình sai. Quan trọng là mình có muốn hay có thể khắc phục không. Tôi sai là vì tôi đã bước vào. Yêu thương người ta rồi cuối cùng lại đẩy người ta đi là tiếp tục sai. Rõ ràng mình không hợp với hôn nhân còn cố lao vào. Sau một cuộc chia tay như ly hôn, dù là chuyện đã qua vẫn sẽ để lại những trắc ẩn vô hình bên trong. Làm người bạn đời tổn thương thì sao mình có thể lành lặn? Tôi đã tự gây ra vết thẹo cho mình như thế. Mình vẫn sẽ luôn nhìn thấy nó, cảm nhận được nó, nhưng bằng thái độ nào là tùy. Tôi chọn nhìn vào sai lầm, mất mát để hiểu mình hơn, nhìn cuộc sống nhẹ nhàng đi.

lieu-hon-nhan-co-phai-la-dich-den-cuoi-cung-cua-hanh-phuc-5

Có bao giờ chị sợ bản thân khó đem đến hạnh phúc cho người khác?

Việc đã đi qua một lần đổ vỡ không ảnh hưởng đến chuyện mình lại có thể yêu và đem hạnh phúc cho người khác. Nhưng cho đến hiện tại, nếu vào vai người vợ thì tôi không đóng đạt. Mà không tròn vai thì khó hạnh phúc cho cả hai. Tôi vẫn có thể yêu nhưng nếu chuyển hóa tình yêu sang hôn nhân lần nữa thì tôi không thích hợp. Thật ra kinh nghiệm đau thương cho mình cái tự tin và bản lĩnh trong tình yêu, dù bước vào hay bước ra, mình vẫn không quá ủy mị hay đánh mất bản thân.

Không thể kết hôn có phải là một khuyết điểm của phụ nữ?

Không. Phụ nữ vẫn tồn tại, sống và cống hiến tốt khi không có hôn nhân. Mình luôn phải nhận ra mình là ai, vị trí mình đang có trong cuộc sống, mình làm được việc gì và không làm được việc gì. Đừng lấy hôn nhân làm tiêu chí để đánh giá phụ nữ thành công hoặc thất bại. Cuộc sống còn rất nhiều những buồn vui để mỗi người phụ nữ dấn thân và trải nghiệm.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Xem thêm

Kiêu hãnh là gì? Bí quyết sống của một quý cô kiêu hãnh

Bí quyết sống hạnh phúc: Bước qua rạn vỡ

Có nên ly hôn? Thế nào là ly hôn hạnh phúc?

Nhóm thực hiện

Ngô Hạ (Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)