1. Khoe
Cô bạn tôi, hồi mấy năm trước khi chưa lấy chồng, có dặn tôi một câu rất thành thật thế này: Sau này, mình có con mà bạn thấy mình post ảnh con lên Facebook nhiều quá thì bạn nhớ ngăn mình lại nhé.
Cũng khoảng thời gian ấy, một anh bạn khác, chưa vợ, trong câu chuyện phiếm trà chiều, nói một câu tương tự: Sao mà anh ghét cái bọn hay khoe khoang ảnh con chúng nó trên mạng thế cơ chứ!
Vài năm sau, họ lập gia đình và có con cả. Bạn có thể đoán được kết thúc của câu chuyện đấy. Cô bạn giờ tỷ lệ ảnh con chiếm chín mươi phần trăm, mỗi khi tôi có ý nhắc lại trêu, cô ấy chỉ làm cái icon xấu hổ đáp lại. Còn anh bạn thì giờ có vẻ hạnh phúc mỗi khi sửa được tấm hình ưng ý của cô con gái cưng và đưa lên Facebook rồi bạn bè bấm like. Khoe ảnh con chỉ là một hình thức phổ biến hơn trong rất nhiều kiểu “khoe” khác trên mạng xã hội. Những đoạn nội dung tưởng tượng sau đây của tôi có thể bạn cũng thấy rất quen.
“Quá nhiều việc, hai giờ sáng mới về đến nhà. Mệt rã rời, nhưng lòng lâng lâng vì đã giải quyết xong được phần khó khăn nhất”.
“Hạnh phúc tuyệt vời khi luôn có anh đi bên cạnh. Anh đã luôn giữ lời hứa là người đàn ông tốt nhất trong cuộc đời em”.
Khoe chính là cách chúng ta khiến mình hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng khiến người khác thấy họ bất hạnh. Ai cũng có quyền tự hào về cuộc đời mình, nhưng khi bạn khoe quá nhiều, mọi chuyện lại trở thành kệch cỡm và khiến người khác thấy khó chịu.
2. Than
Ngược lại với hình mẫu hay khoe, cuộc sống luôn tươi hồng đến mức khiến người khác cảm thấy bí bức vì mình hình như nhạt nhẽo và xấu xí quá, là hình mẫu hay than, cũng khiến người khác cảm thấy bí bức vì phải tiếp nhận quá nhiều năng lượng xấu từ đối tượng.
Nhẹ thì than chán than mệt, nặng hơn một chút thì than cuộc đời, than công việc khó khăn, còn những ca nặng nhất có lẽ là than về thể chế, chính sách. “Bệnh than” sau nhiều thập kỷ được đẩy lùi, giờ lại được nhân bản trở lại trên môi trường mạng với tác động nguy hiểm không kém!
Cái hấp dẫn của việc than là bạn được xả stress. Nhất là khi bạn than về cái kém hiểu biết, kém hấp dẫn của người khác. Sự than phiền về cuộc đời cho bạn cảm thấy mình tốt hơn, chỉ có những kẻ khác là tồi. Vậy là bạn không cần phải thay đổi gì cả.
3. Tương tác
Từ khi có mạng xã hội (mà bây giờ hay được gọi ngắn gọn là “mạng”), cụm từ “tương tác” mới được người ta dùng phổ biến hơn. Khác với bất kỳ kiểu dịch vụ trực tuyến nào khác, trên mạng xã hội người ta có thể trò chuyện, trả lời, bấm like, thăm dò thái độ, yêu nhau và cả ghét nhau nữa.
Tương tác giúp mạng xã hội tồn tại, giúp những chia sẻ có được đất sống và duy trì mạng lâu dài. Việc chia sẻ – tương tác – và cả bấm like cũng là thói quen và thậm chí là tâm lý nghiện. Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều hơn những đợt sóng tranh luận lớn trên mạng. Người ta có thể hăng hái tham gia vào cuộc tranh luận này, rồi ngay lập tức quên nó để nhảy vào một cuộc tranh luận mới. Tôi dám cá bạn, dù là người thích tranh luận hay không, cũng không thể nhớ nổi giờ này năm trước, hay thậm chí chỉ là một tháng trước thôi, mạng đang diễn ra chủ đề gì.
Thói quen này khiến chúng ta mất tập trung vào những việc mình đang thực sự làm, sa vào những tranh cãi vô bổ, thu vào mình những năng lượng tiêu cực. Sự tương tác giữa con người với con người vốn có thể rất nhã nhặn, lịch thiệp trong đời thực, đột nhiên trở nên vô cùng căng thẳng khi ở trên mạng xã hội.
Kết
Khi nhận được câu hỏi “Chia sẻ trên mạng bao nhiêu là đủ”, tôi đã nghĩ mãi cho một câu trả lời thật ngắn gọn mà không có. Bản chất của việc chia sẻ là tốt. Bạn khoe một chút cho cuộc sống thêm màu sắc, truyền cảm hứng cho những người xung quanh thì tốt. Bạn than một chút cho vợi bớt nỗi khó chịu trong lòng thì tốt. Nhưng khi mọi thứ trở nên quá lên mức bình thường thì không còn tốt nữa.
Nhưng ranh giới giữa “một chút” hay “quá hơn một chút” rất khó để phân định. Tuy nhiên có một cách thật dễ để lưu ý bạn, là trước mỗi chia sẻ lên mạng, bạn tự hỏi mình một câu “Nếu trong cuộc trò chuyện trên bàn cà phê, mình có chia sẻ điều này với mọi người không?”. Khi bạn chia sẻ những điều không thường nói ở bên ngoài, khi đó bạn đang rời xa khỏi con người thật của mình. Lúc này, chuyện tốt hay không tốt chuyển sang một khía cạnh khác là thật hay không thật.
Người ta hay nói mạng là ảo. Nhưng với tôi mạng rất thật, chỉ có con người là tự chọn cho mình cách sống ảo hay thật mà thôi.
—
Xem thêm:
Văn hóa chỉ trích, nói xấu nhau trên mạng xã hội
9 mạng xã hội bạn nên ít nhất một lần tham gia
Sử dụng mạng xã hội thông minh
Nhóm thực hiện
Bài: Trang Nêu - Ảnh: Tư liệu