Ngày của mẹ, nỗi niềm riêng của mẹ !

Đăng ngày:

Ngày 10/5 là Ngày của mẹ – một ngày lễ không quá thân quen với người Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện mẹ con thì chẳng phải là chuyện của riêng nền văn hóa nào. Mối quan hệ khắc khẩu giữa mẹ và con gái khi con đã là một phụ nữ trưởng thành cũng chẳng phải là chuyện của riêng ai. Đã tới lúc chúng ta nên nghĩ về điều ấy.

Ngày của mẹ, nó thường không có một ngày cố định, vì nó rơi vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5. Và năm nay, ngày của mẹ rơi vào ngày 10/5. Nhân ngày của mẹ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nỗi niềm riêng của mẹ.

 

Sống với mẹ như một niềm hạnh phúc

Sống với mẹ như một niềm hạnh phúc

Khi vừa ra đời, chúng ta đã bước vào một mối quan hệ – đó là quan hệ mẫu tử. Và mối quan hệ này sẽ kéo dài cả đời, cho dù bạn đi tới đâu, làm những gì. Chỉ có điều, con người ta luôn lớn lên và già đi, mối quan hệ giữa mẹ và con cũng thay đổi theo thời gian. Những cô bé con nhõng nhẽo ôm lấy mẹ ngày nào rồi sẽ bước vào tuổi mới lớn ngang bướng, cho rằng tất cả những gì cha mẹ nói đều sai hết. Và rồi những cô bé tuổi mới lớn ấy cũng trở thành phụ nữ, có sự nghiệp, có gia đình, và tới lượt họ trở thành mẹ. Và kể cả có như vậy, thì họ vẫn luôn là con gái, điều dẫn tới không ít những câu chuyện bi hài kịch.

“Cuộc chiến” không bao giờ dừng lại

Nếu bạn hỏi những người phụ nữ trẻ quanh mình về mối quan hệ giữa họ và mẹ, có lẽ câu trả lời quen thuộc nhất luôn là: “Tôi yêu mẹ, nhưng ở với mẹ thì phát điên lên mất”. Khoảng cách thế hệ kéo con người ta ra khỏi nhau. Những điều mẹ cho là đúng, với chúng ta không còn đúng nữa. Mẹ muốn chúng ta lấy chồng sớm, có con sớm, là những điều theo mẹ là đoan trang, hiền thục. Chúng ta muốn có sự nghiệp, muốn được vui chơi, có con muộn một chút cũng được, sống đúng theo ý mình mới là hạnh phúc. Bạn muốn nhà cửa gọn gàng, hiện đại, nhưng mẹ sẽ liên tục cất tất cả những món đồ chẳng ai dùng đến nữa đầy nhà. Và rồi hầu hết chúng ta sẽ ngạc nhiên là tại sao mẹ từng nghiêm khắc với mình thế, mà giờ lại nuông chiều con của mình thái quá.

Tất cả những điều đó xảy ra mỗi ngày. Nếu chúng ta có ý kiến, mẹ sẽ dỗi hờn. Mẹ sẽ kể lể: “Tôi nuôi cô vất vả ra sao”, hoặc nói mát mẻ: “Thôi tôi già cả lẩm cẩm rồi, còn ai cần đến tôi nữa”… Mẹ sẽ tủi thân vì những chuyện rất không đâu, từ việc con cái không ăn món mình nấu, cho tới việc con “nhà người ta” đưa mẹ đi chơi, mà con mình thì không. Thế nhưng bạn cũng sẽ sớm phát hiện ra sau lưng bạn, mẹ sẽ khoe với bạn bè, họ hàng, làng xóm về những thành tích bạn chưa hề đạt được. Và lâu lâu, mọi người sẽ chúc mừng bạn những việc bạn chưa rõ ra sao.

Mẹ là vậy.

Và con gái, cũng là vậy.

Không ít phụ nữ không nhận ra rằng họ có thể cực kỳ dịu dàng khi nói chuyện với người ngoài, với chồng con, nhưng lại rất cục cằn khi nói với mẹ. Họ có thể nín nhịn những chuyện lớn lao, nhưng về đến nhà, chỉ cần mẹ làm gì khiến họ không ưng, họ nổi cáu lên ngay. Con gái dù bao nhiêu tuổi cũng luôn có đặc quyền của việc làm con gái, dù họ có phải là người cáng đáng kinh tế họ vẫn luôn đòi hỏi cha mẹ cưng chiều mình. Thế nên, trong tất cả những thứ nghề dễ chịu nhất trên đời, chắc nghề “làm con” được nhiều người thích nhất.

Như thế nào là một đứa con gái tốt?

Vậy khi nào thì bạn bắt đầu nhận ra mình cần phải nhìn bố mẹ khác đi? Có thể đó là khi bạn bắt đầu làm mẹ, hoặc cũng có thể sớm hơn, đó khi chúng ta nhận ra mẹ – cũng như bất kỳ ai – cũng chỉ là một con người bất toàn thiện. Mẹ từng là một đứa trẻ, một cô bé mới lớn, mẹ cũng có những bất hạnh của riêng mình, mẹ cũng có khát vọng và sự thất vọng riêng của mình, và hơn hết, như chính bạn: Mẹ cũng chỉ là một người yếu đuối và dễ tổn thương.

Một khi nhận ra điều đó, là khi chúng ta nhìn vào mẹ như nhìn vào một người phụ nữ khác. Chỉ có điều đặc biệt, đó là người phụ nữ bạn đã biết từ khi mới lọt lòng, là người đã có mặt bên bạn trong hầu hết các sự kiện của cuộc đời. Lòng thương dành cho mẹ vẫn chưa phải là đủ, chúng ta còn cần làm một đứa con đúng nghĩa.

Thế nhưng, làm con thế nào mới là đúng? Bên cạnh việc bạn phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già bằng vật chất, thì bạn có thể làm gì cho bà nữa? Có lẽ, đó là một câu hỏi khó giữa thời đại này, khi bạn có cả sự nghiệp, con cái của riêng mình và cả thú vui. Bạn cũng chẳng thể nào rời bỏ quan điểm sống của mình chỉ để làm vừa lòng cha mẹ. Đúng, bạn không thể làm được tất cả cùng lúc. Nhưng mẹ chẳng sống mãi với ta, hãy nghĩ về điều đó và thử hỏi xem liệu bạn có thể cho mẹ mình những cơ hội hạnh phúc mà bạn vẫn được là chính mình như sau hay không?

1. Khẳng định mình luôn tin tưởng mẹ

Luôn có một lúc nào đó, mẹ chợt nhận ra bà không còn hiểu con gái mình như xưa nữa. Khi bạn rời khỏi gia đình (cả về địa lý và về tinh thần) để trở thành một cá nhân độc lập, mẹ sẽ cảm thấy ít nhiều bị bỏ lại phía sau. Bà sẽ cảm thấy cáu kỉnh, tủi thân, khó chịu vì cho rằng bạn không cần đến bà nữa. Điều đó rõ ràng không phải là sự thật, vì bạn vẫn thương yêu và nhớ về mẹ thường xuyên. Thế nên, hãy kể cho mẹ nghe về cuộc đời mình, về những điều bà đã không còn được chứng kiến tận mắt. Hãy để cho mẹ được cập nhật về thế giới thông qua bạn, để cho mẹ thấy bạn luôn tin tưởng bà, dù có thể bạn đã đi nhiều nơi, đọc nhiều sách hơn, va chạm với nhiều người hơn.

2. Cho mẹ cơ hội lại… “được làm mẹ”

Nếu có một ngày mỏi mệt, có thể bạn nên về làm nũng mẹ một chút thay vì đi ra ngoài tụ tập, than thở với các cô bạn gái khác. Hãy để cho mẹ được nấu những món ăn ngày xưa mẹ vẫn nấu cho bạn. Hãy thừa nhận với mẹ những thứ mình còn vụng về, để bà có dịp chỉ dạy cho bạn. Mẹ sẽ có cảm giác mình được trẻ lại, cảm thấy có ý nghĩa và quan trọng. Đừng ngại trao cho mẹ những lời tán thưởng khi được mẹ vá lại vết thủng trên chiếc đầm có thể bạn chẳng bao giờ mặc lại nữa. Những điều ấy chẳng làm bạn tốn chút năng lượng nào, nhưng lại có ý nghĩa lớn lao với mẹ.

Tuy nhiên…

3. Không lấy đi thời gian riêng của mẹ

Để tiện lợi trong cuộc sống của chúng ta, để có thời gian làm những điều mình thích, nhiều người chuyển giao toàn bộ công việc nhà cho mẹ. Mẹ chỉ cần đi vắng vài ngày, nhà bạn đã như một bãi chiến trường, bạn cảm thấy như một nhà tù với các trách nhiệm chồng chất. Thế nhưng, mẹ cũng như bất kỳ ai, cũng có những thú vui của mình. Mẹ cần thời gian đi thăm lại những người bạn cũ, họ hàng lâu rồi không gặp, hoặc đơn giản là dạo bộ nói chuyện với những người bạn già. Thời gian của mẹ cũng quý báu như thời gian của bạn, vì xét cho cùng, bà đã sống qua phần lớn cuộc đời, phần còn lại của bà luôn ít hơn của bạn. tam-ly-ngay-cua-me

4. Không bao giờ quên mẹ cũng là phụ nữ

Con cái là hình ảnh của chúng ta. Và chúng ta cũng là hình ảnh của mẹ. Thế nên, đừng quên rằng cũng như tất cả mọi phụ nữ trên đời, mẹ cần được chăm sóc, yêu thương, cảm thấy mình đẹp và được chú ý, trân trọng. Bạn không thể làm thay phần đó cho cả thế giới, nhưng hãy tận dụng mọi cơ hội để làm điều đó.

Hãy dành thời gian đưa mẹ đi mua sắm, mua cho bà những món quà chăm sóc sắc đẹp, những trang phục phù hợp với cơ thể. Nhiều người cho rằng phải có rất nhiều tiền mới làm được điều này, nhưng không phải thế. Những bí quyết chăm sóc bản thân giá rẻ mà hữu ích bạn đang áp dụng cũng có thể có tác dụng với mẹ. Hãy giúp bà cảm thấy luôn trẻ trung.

5. Không nên nhắc nhở quá nhiều về khoảng cách thế hệ

Mẹ khác chúng ta, điều ấy thì đã rõ. Mỗi ngày, bạn có thể không chỉ nghe mẹ mà các cụ bà khác nhắc liên tục về “thời của chúng tôi” như một giai đoạn huy hoàng, khi phụ nữ có thể làm mọi thứ nhưng vẫn nghe lời cha mẹ và hy sinh hết cho chồng con. Các tiêu chí đã lỗi thời ấy sẽ áp dụng lên bạn dưới dạng những lời cằn nhằn, và đôi khi là sự can thiệp thô bạo bạn không mong muốn.

Tuy nhiên, nếu có thể, hãy nín nhịn. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ trở thành những cụ bà nhớ tiếc thời vàng son của mình y như vậy. Hãy thỏa hiệp với mẹ chừng nào hay chừng ấy, và không bao giờ nên là người xướng ra câu: Thời nay đã khác rồi. Mẹ luôn hiểu điều ấy, chẳng qua bà thấy ý kiến của mình cần được lắng nghe.

Bởi vì….

6. Nên hiểu mẹ có nỗi niềm của riêng mình

Bạn sẽ luôn sốt ruột khi nghe những lời than thở lặp đi lặp lại của riêng mẹ. Khi tuổi đã cao, sau khi con cái đã lớn, thế giới xã hội của mẹ thu hẹp lại. Điều ấy làm bà trở nên nhạy cảm và dễ tủi thân hơn nhiều. Thế nhưng, điều ấy không có nghĩa là thế giới nội tâm của bà ít phong phú hơn của bạn. Đôi khi, bạn cần bước vào thế giới ấy, như mẹ đã luôn ở bên bạn trong suốt những năm tháng biến động của cuộc đời. Bạn nên trò chuyện với cả những người bạn của mẹ, để biết có chuyện gì mẹ đang giấu bạn, chỉ để bạn được yên lòng hay không.

 

Nên hiểu mẹ có nỗi niềm của riêng mình

Nên hiểu mẹ có nỗi niềm của riêng mình

Tặng mẹ quà gì trong Ngày của mẹ

Mẹ bạn có thể chẳng hề biết Ngày của mẹ là ngày nào, nhưng chẳng phải vì thế mà bạn nên bỏ qua cơ hội để nói lên tình yêu dành cho mẹ bằng những món quà nhỏ, đó có thể là:

– Một món trang sức. Để ý xem mẹ đã đeo một chiếc vòng tay hai đôi hoa tai bao nhiêu lâu rồi. Có thể đã đến lúc mẹ cần một chút tân trang để thấy đẹp hơn, trẻ trung hơn. Kể cả mẹ bạn chỉ ở nhà là chủ yếu và có rất ít bạn bè, một món trang sức vẫn rất hấp dẫn đối với bà.

– Một chiếc khăn choàng. Những phụ nữ lớn tuổi có niềm đam mê bất tận với khăn choàng vì họ có thể dùng nó cho rất nhiều việc, từ giữ ấm cho tới làm đẹp. Thế nên, thêm một chiếc khăn lộng lẫy cho bộ sưu tập khăn của bà không phải là thừa.

– Dành một ngày cho mẹ. Tắt điện thoại, cắt các cuộc hẹn, hãy để ra một ngày dành riêng cho mẹ. Bạn có thể đưa mẹ đi nghỉ, đi mua sắm, làm tóc, massage, hoặc đơn giản hơn chỉ là đi dạo, nấu cho mẹ một bữa ăn với các món bà yêu thích. Hãy cho mẹ một ngày có lại trọn vẹn đứa con gái bé nhỏ năm nào.

– Đưa mẹ đến gặp những bạn, họ hàng mà mẹ yêu quý nhưng đã từ lâu không có cơ hội gặp gỡ. Chuyến đi có thể tốn nhiều công sức, nhưng nếu nhìn gương mặt mẹ, bạn sẽ thấy xứng đáng.

Xem thêm: 

Gửi mẹ, tình yêu lớn nhất của con

5 Bức tranh đẹp về tình mẫu tử

Những điều không nói được với bố mẹtinh-cam-cua-me

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương – Ảnh: Corbis

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more