Những thú vui của phái đẹp thường bị cánh mày râu xem như kẻ thù, dù là tình dục, thực phẩm, mỹ phẩm, hay những vật dụng xinh xinh đáng yêu. Có rất ít những thứ phụ nữ dành tiền mua sắm mà không vướng phải sự chỉ trích, vâng, là sự chỉ trích không chỉ từ nam giới mà là cả xã hội. Đó là những món đồ dành cho chồng và con trẻ hoặc những vật dụng thật sự thiết yếu mà không con người không thể sống thiếu.
Và bạn biết không, giá của những món đồ mà phụ nữ mua không quan trọng bởi chỉ cần họ đi mua sắm, mọi người sẽ cho rằng họ “tiêu hoang” cho dù họ giàu hay nghèo, hoặc thậm chí món đồ ấy có đắt như hàng hiệu hay rẻ bèo như hàng chợ.
Talia Jane đã đưa ra lời bình trong một bài báo của tờ New York Post sau khi viết về việc CEO của cô không trả lương cho nhân viên đủ để họ mua lương thực: “Michelle Malkin tại National Review đã để ý về cái mặt nạ tẩy da chết trị giá 6 đô la mà tôi đăng trên Instagram và nói là tôi đã tận hưởng một ngày trong spa với một cái mặt nạ đắt tiền”.
Phụ nữ luôn bị chế nhạo khi họ mua sắm dù giàu hay nghèo.
Công bằng mà nói, dễ hiểu tại sao một người cảm thấy khó chịu khi người khác sở hữu những thứ đắt tiền mà họ không thể mua được, bởi sự ghen tức đối với tiềm lực tài chính dồi dào của người khác không phải là điều gì quá kỳ lạ, nhưng thật khó hiểu khi những chỉ trích dành cho việc mua sắm luôn nhắm đến phụ nữ chứ không phải đàn ông.
Sady Doyle từng chỉ ra rằng: “Khi Hillary Clinton tốn 600 đô la để cắt tóc, bà ấy bị cho là một người tiêu xài xa xỉ. Nhưng khi Donald Trump dát vàng nhà mình thì ông ta vẫn được ca tụng là người đàn ông của nhân dân”.
Đàn ông hầu hết đều không ngại ngùng khi khoe của, ví dụ, họ tiêu tiền cho hàng lố những chiếc đồng hồ đeo tay trị giá cả ngàn đô. Trong khi đó, phụ nữ bị chê trách vì dành một khoản tiền tương tự vào túi xách. Trang Corporette nói về một cô gái trẻ đeo một chiếc túi xách đắt tiền: “Vì một số lý do, trong khi cả chiếc túi xách hàng hiệu và chiếc nhẫn đính hôn cỡ bự đều mang đến cảm giác “tôi giàu có, sang trọng và thích khoe khoang”, thì chúng ta lại chưa bao giờ đánh giá người khác như thế khi họ đeo một chiếc đồng hồ đắt tiền (đặc biệt là khi nó không lấp lánh)”.
Thật kỳ lạ! Tôi tự hỏi, phải chăng có điều gì đó liên quan đến giới tính giữa những người đeo đồng hồ với những người đeo túi?
Nếu người phụ nữ chi tiền cho cái gì đều là không đúng, thì người đàn ông chi tiền cho bất cứ thứ gì cũng là không sai.
Mọi người vẫn chưa hết kinh ngạc vì tỷ phú Elon Musk phóng một chiếc xe 200.000 đô la vào không gian. Một chiếc xe trị giá 200.000 đô la cơ đấy! Việc này quả thật rất ngầu, nhưng nó cũng chẳng có nghĩa lý gì ngoài việc Elon Musk muốn thu hút sự chú ý cho công ty của anh ta (trong một tuyên bố, Elon gọi dự án này là “ngớ ngẩn và chỉ cho vui”).
Nhìn xem, đó là chiếc xe của Elon Musk và anh ấy có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Mục đích của anh ta là muốn cho người ngoài hành tinh thấy chiếc xe hơi của Trái Đất. Vì đó là tiền của anh ấy nên anh ấy có quyền làm bất cứ điều gì mình thích. Nhưng nếu một nữ tỷ phú phóng xe hơi vào không gian thì sao? Tôi thật sự không dám tưởng tượng. Cá nhân tôi lại thấy điều này như chứng minh rằng: nếu người phụ nữ chi tiền cho cái gì đều là không đúng, thì người đàn ông chi tiền cho bất cứ thứ gì cũng là không sai!
Giải thích cho sự phân bì này, người ta cho rằng khi nam giới chi tiền, đó là số tiền do họ chăm chỉ làm việc mà có. Còn khi phụ nữ tiêu tiền, họ thường mặc định rằng số tiền đó đến từ chồng hoặc cha của họ. Một phụ nữ diện một bộ trang phục hàng hiệu kết hôn với một người thành công thường được bị gắn cái mác “đào mỏ”, bất kể thu nhập cá nhân của cô ấy có thế nào. Trong khi đó, một người đàn ông mặc một bộ cánh đắt tiền đứng cạnh một người phụ nữ thành công sẽ được gọi là… đẹp đôi. Kỳ lạ là xã hội này vẫn chưa bao giờ gắn cho nam giới cái mác “đào mỏ” như họ gắn cho phái nữ.
BÀI LIÊN QUAN
Chúng ta thậm chí vẫn lên tiếng chỉ trích những người phụ nữ có nguồn tài chính minh bạch. Chỉ cần nhìn vào những bình luận trên các bài đăng và bài báo về những phụ nữ giàu có là bạn có thể thấy rõ điều này. Nào là: “Tôi cũng sống và làm việc tại Chelsea và tôi sẽ không dám lãng phí như thế này”, “Tiêu xài như thế với mức lương đó sao”, “Nhìn lại mình đi”,…
Ở thời đại này, ít nhất người ta cũng bắt đầu hiểu rằng giám sát những gì phụ nữ ăn là ngớ ngẩn (mặc dù cách đây không lâu bạn sẽ tìm thấy những bình luận về nhật ký ăn uống hàng ngày của phụ nữ, không khác gì với những bình luận về chi tiêu của họ). Nhưng việc giám sát chi tiêu của phụ nữ lại là một vấn đề mới mẻ, mang tính phức tạp, như một cách nhắc nhở họ rằng họ quá ngốc nghếch để biết được cái gì là tốt cho mình. Để rồi qua đó, người ta (hay xã hội này) cho rằng những bình luận của họ sẽ giúp điều chỉnh cuộc đời những người phụ nữ ấy theo một con đường tốt đẹp (?) hơn.
Cũng vì vậy, phụ nữ đã cạnh tranh (than ôi, đôi khi vẫn là cạnh tranh) để xem ai có thể ăn ít hơn và ai thon thả hơn. Và bây giờ, chúng ta phải cạnh tranh để xem ai chi tiêu ít hơn, thậm chí là không chi tiêu gì mới được xem là “chuẩn mực”, là “người phụ nữ lý tưởng của gia đình”.
Trong nhật ký, một cô gái cho hay mình chỉ dành tiền để trả các hóa đơn cần thiết và mua thức ăn trong sáu tháng: “Sáu tháng cuối cùng đã làm cho tôi hạnh phúc hơn nhưng cũng phải nói rằng tôi đã bỏ lỡ nhiều thứ. Từ những thứ nhỏ nhặt như mua hoa đến những thứ to lớn như gia đình. Cha và ông nội tôi đều sống ở Ireland và tôi nhớ họ rất nhiều. Tôi đã không thể gặp mẹ, chị gái và anh trai nhiều như tôi muốn vì họ sống ở rất xa”.
Khi đọc những dòng ấy, tôi chỉ cảm thấy buồn. Buồn vì những gì cô ấy phải trả qua khi không có gia đình ở bên, buồn vì ngân sách chi tiêu quá mức ngặt nghèo của cô ấy, nhưng buồn hơn cả là vì những dòng bình luận có phần vô tâm và tàn nhẫn: “Có TV để xem và có điện thoại để gọi là may rồi. Không lẽ những thứ đó chỉ để trang trí à?”, “Ngoài các hóa đơn và thức ăn… Tôi đã ngưng đọc và ngẫm nghĩ lại. Bản thân tôi cũng chẳng mua gì suốt 1 năm rồi, có gì đáng nói đâu cơ chứ?”
Bạn thấy đấy, người ta sẽ chưa hài lòng cho đến khi thấy phụ nữ mặc giẻ rách ra đường và khước từ mọi sự trợ giúp từ bên ngoài, chỉ cần hít khí trời và uống nước lã để sống. Có người còn bình luận rằng có giẻ rách ra đường đã là may (?). Không ngạc nhiên khi những bình luận này không xuất phát từ những nơi tiến bộ mà chỉ đến từ những nơi còn đầy rẫy những tư tưởng cổ hủ.
Thế nhưng, việc nuông chiều bản thân có gì là sai cơ chứ? Cuộc sống này vốn dĩ đã rất khó khăn với tất cả mọi người. Dù là người giàu hay nghèo, nam hay nữ thì ai cũng xứng đáng được mua một số thứ chỉ vì chúng thật đẹp và khiến họ hạnh phúc. Tôi không quan tâm dù đó có là một bó hoa, tấm vé máy bay du lịch hay bức tranh triệu đô la. Nếu bạn có đủ khả năng chi trả và nó mang lại cho bạn một chút niềm vui, không có lý do để phải cảm thấy xấu hổ cả.
Tôi cũng như nhiều phụ nữ khác, chỉ muốn một thế giới nơi không còn những phán xét về chi tiêu đối với phụ nữ – tất nhiên ở một mức độ đúng đắn – và việc chế nhạo những niềm vui bé nhỏ của họ cũng không còn.
Một ngày nào đó, sau tất cả, bạn rồi cũng sẽ nằm xuống và trở về với đất mẹ. Bạn sẽ không thể mua thêm hoa hay một bộ váy đẹp, sẽ chẳng còn những kỳ nghỉ nào nữa, cũng chẳng thể dùng tiền vào bất cứ thứ gì khác. Vì vậy, nếu có một thứ gì đó khiến một ngày của bạn trở nên tươi sáng hơn, hãy cứ mạnh dạn mà bỏ tiền cho chúng. Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc bởi thế giới này luôn đầy rẫy những hạnh phúc đứt quãng. Và cuối cùng: Hãy đối xử tốt với chính bản thân bạn.
Xem thêm:
7 dấu hiệu cho thấy bạn đang hẹn hò với một người theo xu hướng sapiosexual
Nhóm thực hiện
Lâm An (Theo: Tạp chí phái đẹp ELLE)