Sống một mình có ổn không?
(Phái đẹp – ELLE) Ngồi nhẩm lại, tôi thấy đúng là loài người chúng ta không cổ súy việc sống độc thân. Trong một vài phim, biên kịch còn gán cho “kẻ ác” cái giá đáng sợ hơn cái chết, đó là ở một mình đến hết đờI. Vậy nên, liệu chúng ta có nên đắn đo hơn về sự lựa chọn của mình?
Có câu chuyện vui kể về một nhóm người tuyên bố chỉ thích đi dự đám giỗ, không thích dự đám cưới, vì ở đám giỗ người ta không hỏi khi nào thì đến lượt họ.
Xu hướng thành đạt và không lập gia đình hình như bắt đầu bùng phát. Người thành thị ngày càng ngại trách nhiệm, họ tối giản gánh nặng trên vai càng nhiều càng tốt. Chính vì thế, hôn nhân và con cái đối với họ là áp lực đáng sợ. Họ phản đối việc hy sinh quá nhiều để chiều chuộng những ông chồng mang tư tưởng Á Đông gia trưởng và cổ hủ.
Tôi có cô bạn học chung từ thời phổ thông, hiện đang sở hữu một công ty PR ăn nên làm ra. Cô ấy là một người luôn tự hào rằng ế là phong cách sống tinh tế. Cuộc sống của cô khá thoải mái và là “chuẩn ngưỡng mộ” của nhiều cô gái trẻ mới ra trường. Độc thân, có bằng cấp, địa vị và điều kiện kinh tế tốt, cô ấy khiến các cô bạn đồng trang lứa đã lỡ “bị ràng buộc” thèm thuồng bởi thân hình gọn gàng, những cuộc tình phóng khoáng và mớ album đầy ắp hình du lịch những nơi siêu đắt đỏ dù trong đấy hầu hết là phong cảnh chứ hiếm khi thấy ảnh nhân vật. Bởi cô thích đi một mình và cảm thấy khó nhờ dân bản địa chịu dừng ít phút chụp hộ tấm ảnh.
Ngồi cà phê cùng tôi ở góc đường Đồng Khởi trong một chiều mưa rỉ rả, cô báo tin John đã chết. Gương mặt cô khi đó khiến tôi bị ám ảnh đến tận bây giờ. Đó là cảm giác hụt hẫng, không quá buồn, nhưng bi quan, bất lực và lạnh lùng. Chưa bao giờ tôi thấy cô như vậy, cho dù là khi cô mất việc hay bị người yêu phản bội. Có lẽ trong cái sự hoàn hảo mà người ta đang cố vun đắp cho bản thân, luôn có một kẽ hở rủi ro nào đấy họ không thể khống chế được. Lúc đó, tôi thật sự cảm nhận được sự cô đơn của cô, dù đang ngồi cùng tôi và quán hôm ấy chật kín người.
Nếu cô bạn tôi chịu hy sinh chút đỉnh thời gian cho công việc, chút đỉnh quyền lựa chọn nơi đi du lịch, chút đỉnh sự thông minh sắc sảo để giả yếu đuối mỏng manh… thì chắc giờ này cô đã khác. Khác nghĩa là cô sẽ không để tình huống bi quan quá đáng chỉ vì một con chó. Hình như ở trên tôi quên nói John là tên chú chó hỗn hào mà cô ấy nuôi lâu nay.
Những mối quan hệ ràng buộc thường được dẹp gọn bằng một chữ “Độc thân”. Quỹ thời gian của họ được dành chủ yếu cho bản thân, cho những gì mang lại lợi ích cá nhân. Điều này, phần nhiều sẽ đem đến những thành công về hình thức bên ngoài hay về điều kiện kinh tế. Càng thành công, thì dường như mọi thứ xung quanh đối với họ đều chỉ là những ràng buộc không đáng có. Đương nhiên ở đời, làm gì có chuyện được cái này mà không mất cái kia. Khi người ta quá coi trọng bản thân, họ sẽ dễ trở nên tự phụ, hay xem thường người khác và có xu hướng chuyển tình thương đến… thú nuôi.
Ngồi nhẩm lại, tôi thấy đúng là loài người chúng ta không cổ súy việc sống độc thân. Ngay cả những người làm công việc tinh túy nhất là viết kịch bản phim, họ vẫn thích cho nhân vật mình có cặp có đôi lúc kết phim. Thậm chí, trong một vài phim, biên kịch còn gán cho “kẻ ác” cái giá đáng sợ hơn cái chết, đó là ở một mình đến hết đời. Vậy nên, liệu chúng ta có nên đắn đo hơn về sự lựa chọn của mình?
Bài: Trương Thanh Hải
Phái đẹp – ELLE