Khi ngồi trước máy tính gõ những dòng này, tôi vốn nghĩ nó sẽ không quá khó khăn, nhưng hóa ra, thật không dễ để nói về yêu thương, thứ vi diệu vô định hình sản sinh đầy khó hiểu giữa những nơ-ron thần kinh trúc trắc của con người.
.
Từ thuở sơ khai, khi nam và nữ tiến lại gần gắn kết với nhau bằng mục đích duy trì nòi giống, chưa có thứ yêu thương nào được gọi tên vào thời khắc đó, duy chỉ có sự bắt tín hiệu và sự khớp tín hiệu… Tình yêu bản năng nhất mà con người có được khi ấy, hẳn phải là tình mẫu tử – tình thương thiêng liêng vô điều kiện đầu tiên của loài người, dẫn truyền bằng sợi dây rốn mong manh, bằng cơn đau quặn thắt của cuộc vượt cạn và ánh mắt nồng ấm đặt nhẹ lên sinh linh mới chào đời, “khai sinh” ra một người mẹ. Sẽ nói không quá nếu công nhận tình mẫu tử như một “nguyên mẫu yêu thương” truyền cảm hứng yêu cho mọi mối dây biết rung cảm trên đời này.
Yêu thương trở thành món quà quý giá nhất của tạo hóa chính bởi vì nó được trao đi vô điều kiện, như lời mẹ Teresa mà nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Như Huy đã dịch: “Tình yêu thương thực sự không so đo tính đếm, nó chỉ biết nhẫn – nại – cho – đi”. Thế nhưng, từ bao giờ, con người đã trở nên băn khoăn và rụt rè khi trao tặng món quà yêu thương vốn là vô hạn của mình cho người khác? Có lẽ bởi mặt trái không hoàn hảo mà chúng ta vô thức gắn thêm vào yêu thương chính là sự sợ hãi mất mát và so đo công bằng, yêu thương thuần khiết vốn không tự nó sản sinh ra điều đó.
.
Khi chợt nhật ra lòng yêu trong mình, chính là lúc ta đột ngột nhận biết có một mối quan hệ quý giá đang hình thành, trái tim yếu mềm khi ấy trở nên sợ hãi và dễ tổn thương, khát khao cái cảm giác được nhận lại xứng đáng với những gì mình đã cho đi, con người rộng lượng khoáng đạt trước đó bỗng chốc biến thành vị kỷ, sợ sệt và run rẩy. Ta sợ rằng mình sẽ không còn hạnh phúc nếu thiếu những ân cần, quan tâm, ta sợ tình yêu trong ta sẽ cạn dần nếu chỉ trao đi mà không được hồi lại, ta mong mỏi mình không bị lãng quên…
Tuy nhiên, có một điều khác đã bị chính ta lãng quên, đó là yêu thương vốn vô hạn, tự nó không biết cách để cạn đi nếu ta cứ liên tục đặt nó vào tay những người thương quý, và mỗi khi một tia yêu thương được chiếu rọi ra ngoài, cảm giác nồng ấm, bao dung, nhân từ lại sinh ra trong tim ta, chỉ cần chúng ta không để nỗi sợ và hiềm ghen lấn đi tất cả…
Mỗi khi đánh mất bình yên và băn khoăn về được – mất, lúc tình yêu thương không còn được cảm – nhận mà đang bị đong – đếm, hãy nhớ đến những gì mẹ Teresa từng nói “Tôi thấy ra một nghịch lý kỳ khôi. Đó là, nếu cứ yêu thương cho đến mức chịu bẽ bàng và thương tổn, thì ngay khi ấy, mọi tổn thương bẽ bàng sẽ tự dưng chấm dứt, chỉ còn lại duy nhất tình yêu”.
.
Yêu thương vốn là thứ nên được coi là bản năng nhất của con người, như tự nhiên, như mùa Xuân yêu bằng chồi non mới nhú, như mùa Hạ yêu bằng nắng gió rộn ràng, như mùa Thu tương tư trên từng đọt lá, hay mùa Đông ấp những hơi ấm hiếm hoi quý giá trong ghì siết của những cái ôm sâu… thiên nhiên tặng ta những khung hình vô giá, lay động những cảm xúc sâu kín, bản năng và ban sơ nhất trong ta, rồi chính ở thời khắc ấy, thiên nhiên không biết rằng, tự nó đã trở nên đẹp tới mê hồn, hữu tình trong giản dị không ngờ. Hãy yêu thương như cách thiên nhiên yêu con người, chỉ cần đừng sợ hãi và kiên nhẫn sống tới hết mình. Tôi chợt nhớ “người đàn ông thơ” Lưu Quang Vũ đã thốt lên trong một “Chiều chuyển gió”:
“… Sự kỳ diệu của trời đất mênh mông
Sự kỳ diệu của tia nắng mong manh
Sự kỳ diệu của cuộc đời mạnh mẽ
Vừa bí ẩn vừa rõ ràng đến thế
Không cho ai được sống nửa vời…”
Tôi từng nghĩ khi đọc đến những dòng thơ ấy, rằng chính cái “nửa vời” trong mỗi chúng ta mới là thứ bóp nghẹt yêu thương, bởi một khi đánh mất bản năng cháy tới cùng, mọi thứ chỉ còn là đong đếm. Thương yêu là cội nguồn của hạnh phúc, giống như một nụ cười nhẹ nhõm, lan truyền âm thầm nhưng mạnh mẽ. Cho đi yêu thương là cho đi một nhánh rễ để từ đó hạnh phúc lại tiếp tục sinh sôi, người được nhận yêu thương sẽ biết yêu thương kẻ khác, người được giúp đỡ sẽ biết mình cũng có khả năng giúp đỡ, người được chăm sóc sẽ tìm thấy xung quanh bao khốn khó cần được dịu xoa.
.
Tôi cũng nhớ tới nữ văn sĩ Gong Ji Young của Hàn Quốc và những gì con gái viết về nguồn cảm hứng từ tình yêu thương của bà: “Con về nhà và nhìn thấy mẹ đang một mình dốc cạn chai soju lúc nửa đêm, mọi thứ ở mẹ đều không ổn định, chỉ trừ trái tim. Lúc ấy con thấy thật tự do. Cuộc đời mẹ đầy những khổ đau và gian khó, nhưng dường như mẹ rất hạnh phúc. Con đã nghĩ rồi, con cũng muốn được sống như mẹ. […] Dù hết lần này đến lần khác chịu tổn thương, loay hoay rồi thất bại, nhưng con biết mẹ mãi ủng hộ con. Nên con không sợ gì hết…”.
Một người biết trân trọng bản thân, biết sống bằng trái tim và gửi gắm không ngừng tình yêu tới những người xung quanh giống như một ngọn lửa soi rọi và tỏa hơi ấm, truyền cảm hứng sống đến bất kỳ cuộc đời nào ngọn lửa ấy rọi tới. Như cách Gong Ji Young tác động lên con gái bé bỏng của mình, hay cách mẹ Teresa khơi dậy lòng trắc ẩn và trái tim yêu thương của những mảnh đời bà gặp được bằng lòng nhân ái. Đó chính là con đường tình yêu thương vô điều kiện quay trở lại, làm ấm lòng người cho đi, đặt vào tay họ những cái nắm chặt ấm áp của sự hàm ơn vô giá.
Yêu một nhánh cây, nhẹ nhàng với từng ngọn cỏ là cách ta bắt đầu không ngần ngại thương quý con người.
“… Trái đất mình rộng quá
Ở đâu cũng có con người
Sao chưa tìm được cách nào
Sống với nhau cho ổn thỏa… ”
(Hoa cẩm chướng trong mưa – Lưu Quang Vũ)
Và tôi nghĩ rằng, yêu thương và chỉ có yêu thương chính là cách duy nhất để con người sống ổn thỏa bên nhau.
——-
Xem thêm:
Bức thư tình tôi đặc biệt gởi anh, tình yêu của đời tôi
Khoảnh khắc tình yêu qua ống kính nhiếp ảnh gia đường phố
10 cách ứng xử trong tình yêu có thể bạn muốn biết
Nhóm thực hiện
Bài: Aélie Hanoi - Ảnh: Corbis & sưu tầm