Vì sao bạn lại sống một cuộc sống buồn tẻ?
Khi chưa ra ngoài xã hội, hầu như con người đều có hoài bão của mình với đầy nhiệt huyết và ý chí.
Tuy nhiên, khi va chạm dần với thực tế, không ít người bắt đầu cảm thấy nản lòng và chọn một cuộc sống buồn tẻ, thậm chí vô vị ngay khi còn rất trẻ.
1. Vì bạn thất bại quá ít
.
Khi bạn cự tuyệt việc “thử và sai”, không muốn tìm hiểu và tiếp nhận những cái mới vì sợ khó, sợ phức tạp thì trong quan niệm luôn muốn né tránh mọi vấn đề, với bạn thì “Tạm thời cứ để đó”, “Mai làm vậy” là câu nói thường trực.
Thậm chí bạn đang rất chán ghét công việc hiện tại nhưng cũng không muốn tìm một công việc mới. Bạn cảm thấy mình sẽ bị từ chối. Trong khi người khác không ngừng thử thách và hoàn thiện bản thân từng ngày thì bạn lại chọn cuộc sống buồn tẻ mà “an toàn”, mặc kệ mình có thích cuộc sống như vậy hay không.
2. Vì bạn quá xem trọng cách nghĩ của người khác
.
Bạn gần như luôn đi theo trào lưu và tin rằng chỉ có cách lựa chọn an toàn là “giống như bao người” thì mới được chấp nhận. Bạn lo lắng ánh nhìn của người xung quanh dành cho mình, sợ phải đối mặt với cái tôi chân thật của mình. Bởi bạn luôn thích đánh giá người khác, vì vậy mà cũng tự cho rằng người ta cũng đang bình phẩm, đánh giá về mình.
Trong khi người ta dùng tiền bạc để đầu tư và hoàn thiện bản thân thì bạn chỉ dùng tiền cho những thứ hào nhoáng bên ngoài, từ việc mua sắm, ăn uống, đi lại như một cách làm đầy cuộc sống. Muốn có cuộc đời đầy màu sắc và thi vị thì phải khắc phục cảm giác bất an này, dám mạnh dạn thể hiện chính mình và đừng quá bận tâm những lời bàn ra tán vào từ miệng thiên hạ.
3. Vì bạn tự cho mình thông minh
.
Những thứ bạn học, bạn làm chỉ là để chứng tỏ với mọi người ta đây thông minh, chứ thật ra không hề hiểu ý nghĩ thật sự của việc mình làm. Những tri thức bạn học được chỉ là học rồi để đó, không biết áp dụng vào cuộc sống, cũng không chịu đào sâu nghiên cứu thêm, bạn nghĩ rằng mình học nhiều chính là đã biết nhiều hơn người ta rồi. Cuộc sống có ý nghĩa hay không không quyết định bởi bạn học cái gì, mà quan trọng bạn sống như thế nào, dám trải qua thử thách và trưởng thành ra sao. Khi bạn tự cho rằng mình đã biết đủ, đã thông minh có thừa thì sẽ giậm chân tại chỗ, không bao giờ tiến bộ.
4. Vì bạn thiếu lòng hiếu kỳ và không biết đặt câu hỏi
.
Bạn tiếp nhận mọi thông tin, vấn đề hay cả các mối quan hệ xã hội đều thiếu tính tìm tòi, khám phá. Sống an phận và thụ động nên bạn chỉ nhìn được bề nổi và biết như thế là đủ, không có lòng hiếu kỳ đặt nghi vấn tại sao, đúng hay sai, nguyên nhân sâu xa là gì…
Không chỉ vậy, với bản thân mình, bạn cũng chưa từng tự chất vấn xem ưu khuyết điểm của mình là gì, cần phải cải thiện điều gì, phát huy điều gì. Bạn không biết đặt vấn đề trong cuộc sống, cũng không biết tôn trọng giá trị của những ý kiến khác nhau. Vì vậy, người khác cũng rất dễ phá vỡ quan điểm của bạn, dần dần họ cảm thấy bạn quá vô vị, chỉ biết xuôi theo chiều gió của một cuộc sống buồn tẻ.
5. Vì bạn không biết đối mặt với hiện thực
.
Bạn không có tính chủ động trong cuộc sống, dù nói với bạn ngày mai xảy ra chuyện gì, bạn cũng chỉ biết chờ đợi mà không hề hành động. Vì vậy, bạn chấp nhận một cuộc sống “được ngày nào hay ngày đó”, sợ phải đối mặt với khó khăn, thử thách và lâu ngày sẽ không còn động lực nào để phấn đấu nữa.
—
Xem thêm:
3 vấn đề giúp tìm hiểu bản thân trong công việc
Thay quan điểm, chào năm mới – 15 điều cần cân nhắc
21 thói quen tích cực khi đi du học hoặc định cư tại Âu – Mỹ
Bài viết: Tạ Lê Minh Thư – Hình ảnh: sưu tầm