Văn hóa / ELLE Interview

Đỗ Bảo: “Tôi đã đến một bến bờ nghệ thuật của mình”

Đỗ Bảo chia sẻ những thông tin về Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta, album được chờ đợi nhất trong năm 2013.

images477029_a

Đã bốn năm sau Thời gian để yêu, anh giữ đúng lời hứa với khán giả và với chính mình, chuẩn bị cho ra mắt album tác giả thứ ba?

Vâng. Cái mốc 4 năm là kế hoạch tôi định ra ngay từ đầu. Năm 2004 là Cánh cung rồi Thời gian để yêu năm 2008. Bây giờ là đĩa này. Tuy nhiên do năm vừa rồi có nhiều việc đột xuất chen vào, người cộng sự với tôi cũng bận, nên tôi đã bị lỡ nhịp không kịp ra album vào cuối năm 2012 như dự kiến, album sẽ ra chậm hơn một chút.

Mọi việc cho album lần này bắt đầu từ dịp Tết đầu năm 2012. Thực ra, thời gian đầu tôi không nghĩ được cái gì. Rất nhiều câu hỏi đặt ra đấy nhưng gần như cả tháng đó dậm chân tại chỗ, tôi nhìn cuộc sống xung quanh thấy buồn tẻ lắm không biết mình có thể làm gì, nói về điều gì cả, tôi chỉ thấy cuộc sống đầy sự giả dối, tôi không có cảm hứng, nhưng tôi nghĩ mình phải cố gắng.

Thế rồi tôi đã viết ca khúc Tháng Hai uể oải, ca khúc đầu tiên của album. Vượt qua được cái tháng Hai uể oải ấy rồi 11 bài còn lại cứ thế lần lượt được viết. Cũng phải nói rằng tôi không viết về những gì tiêu cực trong suy nghĩ của mình, album vẫn đa số là tình ca, nếu có tôi chỉ gửi gắm các vấn đề nhẹ nhàng ở một lớp lang nào đó. Cách làm của tôi từ lâu vẫn vậy.

Hai album trước, anh làm theo hình thức mỗi ca khúc do một ca sĩ thể hiện, nhưng lần này lại thay đổi hoàn toàn: Chỉ anh và Trần Thu Hà thôi. Tại sao vậy?

Ở đây cần bóc tách một chút. Thứ nhất là thay đổi về hình thức làm việc và thứ hai là Hà Trần. Tôi nghĩ đến Trần Thu Hà ngay khi bắt đầu hình dung về đĩa nhạc. Với tôi đó là lựa chọn tốt nhất trong thời điểm này.

Nó đem lại cảm giác khác so với 2 đĩa trước. Một sự thay đổi cần thiết. Cách làm đó sẽ khiến thông điệp cốt lõi trong album lần này có độ dày dặn và tập trung. Chỉ một giọng hát đại diện cho nội dung xuyên suốt của album thì thông điệp đó sẽ nhất quán hơn và khiến sự thưởng thức của người nghe tập trung hơn.

Mời Hà Trần cũng thỏa mãn được một vấn đề tôi đã mong mỏi từ lâu, cũng như việc hồi 2003-2004 Hà đã từng ngỏ ý hỗ trợ khi tôi làm album đầu tay Cánh cung. Đây là sự trở lại cộng tác cùng Hà sau thời điểm mà đáng nhớ nhất là Nhật thực cách đây rất nhiều năm rồi.

Hà và tôi trước tiên là hai người bạn nghề từ nhiều năm. Hà Trần cũng là một ca sĩ giỏi, điều này chắc hẳn không cần bàn cãi. Và Hà là người đưa những bài hát đầu tiên của tôi đến với công chúng. Với tôi đó như cái duyên của chúng tôi trong nghệ thuật ngay từ điểm khởi đầu.

Bây giờ không phải lúc tôi tạo lập một giá trị nào đó cho Hà Trần và ngược lại. Bây giờ là lúc hai con người này đều đã trưởng thành và có những thành tựu nhất định trong đời sống âm nhạc rồi đơn giản đó là một cuộc đồng hành trước khi tương lai không chắc lúc nào còn có thể làm được với nhau nữa.

Tôi cũng không nghĩ sẽ tiếp tục làm việc với các gương mặt cũ của showbiz trong tương lai. Tôi là một nhân tố cũ, sau đây muốn tập trung với những nhân tố mới mẻ, tôi muốn thấy những lớp sóng mới, khích lệ và hòa nhập với những làn nước mới.

Nhưng tại sao cứ phải là Trần Thu Hà. Anh đã từng cộng tác rất thành công với nhiều người khác đấy chứ, như Tấn Minh, Ngọc Anh, Tùng Dương…?

(Ngẫm nghĩ một chút) Trong quá trình cùng làm việc, tôi có kể với Hà về một thái độ có thể gọi là sự “có trước có sau” trong cuộc sống. Khi làm một sản phẩm như thế này, ngoài giá trị nghệ thuật, còn là sự tu dưỡng cho con người mình. Tôi muốn sống là người có trước có sau với tất cả, thậm chí là vạn vật và thực sự thì tôi cũng mong mọi người cảm nhận được điều đó trong đĩa nhạc này. Một thứ cảm giác tuy có thể rất mơ hồ nhưng với tôi lại rất quan trọng.

Chẳng hạn, Hà là người giúp tôi mang những bài hát đầu tiên đến với công chúng. Tôi cũng giới thiệu để Hà đến và tỏa sáng ở Nhật thực với Ngọc Đại và Vi Thùy Linh… Như vậy, không thể nói rằng tôi và Hà không có những sự ảnh hưởng lẫn nhau trong cuộc đời và sự nghiệp mỗi người.

Thế nhưng, trong xã hội xô bồ hôm nay, đôi khi những quan hệ bạn bè, đồng nghiệp đó bị ảnh hưởng, tâm lý bị phá vỡ và làm cho mỗi con người dễ mất những giá trị sống. Mà người nghệ sĩ theo tôi nghĩ phải là những người tốt đẹp và tử tế.

Tốt đẹp đó là gì? Họ phải như bông hoa tỏa hương trong bất cứ thời thế nào. Ít nhất về mặt tinh thần, trong thời buổi nào họ cũng phải tốt đẹp. Một trong những điều tốt đẹp căn bản với tôi là sự có trước có sau, cũng như phẩm chất cốt lõi trước sau như một của mọi con người.

Và thái độ sống của người nghệ sĩ như thế nào thì những sản phẩm nghệ thuật anh ta tạo ra cũng sẽ mang dấu ấn đó?

Chắc chắn là thế. Có lẽ đến một cái chặng, như lúc này, tôi không nghĩ những chuyện như lăng-xê nhau hay tiền bạc, lợi danh đem lại từ sản phẩm nghệ thuật mình làm ra nữa, nhưng có một miền rất mơ hồ với nhiều người mà người nghệ sĩ phải giữ được, họ tạo ra cái gì đó có giá trị bởi họ tốt đẹp, vào khi họ tốt đẹp.

Trong nhịp sống xô bồ, tôi bây giờ không bận lòng với những chuyện đĩa nhạc có được đón nhận hay không, bán được nhiều không hay có đóng góp gì cho nhạc Việt không. Thực sự những điều đó chỉ là hệ quả đến sau mà thôi, có thì tốt và tôi tin là có, như những album trước tôi cũng thấy vui.

Thái độ đó có trễ nải quá không?

Tôi không nghĩ đó là sự trễ nải. Nói như ai đó, hạnh phúc chính là trong quá trình sáng tạo. Tôi đã thu được hết niềm vui trong quá trình làm đĩa nhạc này rồi. Nó xong thì mình gói lại để phát hành ra thôi. Mọi vấn đề ở tôi, tôi phải giải quyết trong suốt chặng mình làm rồi.

Quá trình đó đối với tôi mới là quan trọng, khi đã say mê rồi, đã nhiệt thành hết sức với cuộc đời rồi tôi không cần thêm gì nữa, cũng như không có lý do gì những điều tôi làm là vô ích cả. Nó sẽ nảy sinh những cái mà trong tương lai tôi sẽ được gặt hái. Nó là những hệ quả.

Tôi đã trồng một cái cây mà tôi biết phải trồng sao cho tốt, trên một mảnh đất tốt, thời tiết tốt thì nếu chẳng may một điều không may nó đến làm cho cây đó không thu hoạch được thì tôi cũng không tiếc. Vì mình đã sống trọn vẹn rồi. Điều đó quan trọng hơn, có thể ít người hiểu tôi tại điểm này.

Nhưng ngược lại, nếu cây đó cho một mùa trái chín, nó sẽ nhân thêm niềm vui thôi. Chứ tôi sợ nhất là chặng đường mình làm, mình đã không làm như mình nghĩ thì lúc đó thấy cây đầy trái nhưng mình vẫn cảm giác đó không phải của mình. Không có hạnh phúc, niềm vui nhiều lắm đâu. Lúc đó mình sẽ mang đi bán đổi lấy tiền sống với một giá trị khác. Còn phần tâm hồn trong mình thì trống rỗng hoặc nó là những sự mâu thuẫn, nó không thông suốt nữa, chán lắm.

Anh tin ở một cách tư duy và làm nghề như vậy?

Niềm tin được tạo nên từ chính những gì tôi trải nghiệm trong cuộc sống. Tôi đã tư duy như thế từ khi mới bước vào nghề. Năm 15 tuổi, tôi hứa với mẹ 50 tuổi tôi sẽ trở thành nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam. Hồi đó nhắc đến nhạc sĩ người ta thường nghĩ đến lứa tuổi đó, bây giờ tôi 35, mẹ tôi không phải chờ lâu phải không.

Hay là khi nhìn con, tôi nghĩ: “Ồ mình đã từng mơ về những đứa trẻ xinh đẹp như thế”, điều đó là sự thật và tuyệt vời nên tôi có niềm tin mãnh liệt theo cách của mình để vui với những thành quả đủ với mình.

Nghề nghiệp, gia đình, bạn bè… ít nhất tôi luôn hạnh phúc trong thế giới riêng của mình. Tôi muốn Trần Thu Hà cũng có một cái Tôi trọn vẹn ở đây.

Khác biệt giữa sản phẩm tác giả của anh và các album anh làm với các ca sĩ là gì?

Làm sản phẩm nào tôi cũng dồn hết tâm huyết, nhưng khi làm sản phẩm của mình thì tôi có thể đưa ra một cái Tôi, những suy tư, những gửi gắm thầm kín, những mong muốn của tác giả trọn vẹn.

Tôi hỏi vậy vì nó sẽ trở lại câu chuyện album anh làm nhưng lại hợp tác với duy nhất một ca sĩ, cái Tôi sẽ được xử lý thế nào đây?

Trong phạm vi đĩa này, tôi tư duy rất đơn giản: Sẽ có hai cái Tôi chính. Một “cái Tôi tác giả” và một “cái Tôi ca sĩ” và làm sao cố gắng trọn vẹn nhất cả hai.

Tất nhiên, làm chuyện này khó hơn nói nhiều. Khi tôi nghĩ tới Hà, đồng thời tôi cũng thầm nghĩ rằng mình sẽ muốn Hà có một đặc quyền trong sản phẩm này. Đấy là Hà cũng sẽ tạo ra và gửi gắm được một cái Tôi trọn vẹn trong này.

So với những lần cộng tác trước, anh thấy làm việc với Trần Thu Hà lần này có khác gì không?

Với Nhật thực tôi chỉ làm phối khí, còn những ca khúc Hà hát trong hai đĩa trước của tôi thì đơn giản đó chỉ là những ca khúc lẻ, mức độ công việc tương đối đơn giản. Lần này là một sự cộng tác toàn diện đầu tiên giữa chúng tôi. Điều đó không có bảo đảm là chúng ta sẽ có một album hay, nhưng lại là cơ sở để hi vọng.

Khoảng cách về địa lý có ảnh hưởng nhiều tới quá trình thực hiện đĩa nhạc này?

Phải nói là rất nhiều! Suốt một năm trời, đây là công việc chiếm thời gian chính của tôi. Làm việc liên tục để viết 12 bài hát rồi đưa Hà thu, rồi trong quá trình đó lại chỉnh sửa… Tôi chỉ có những ngày nghỉ đi đâu đấy chơi chứ còn những ngày khác thì đĩa nhạc luôn ở trong đầu mình.

Về tài năng và thái độ làm việc, Trần Thu Hà vẫn giữ đẳng cấp của một nghệ sĩ giỏi, nhưng vì sống ở nước ngoài nhiều năm nên có những cái cô ấy phải làm quen lại với cách làm album ở Việt Nam.

Thế anh có phải thích nghi với Hà không?

Tôi cũng phải thích nghi với Hà, ai còn lạ gì cô ấy. Trong quá trình làm, có những bài vừa thu âm là hay luôn có những bài thu vài lần mới hay. Có những bài thu mãi không hay và Hà đã cố hết sức rồi thì tôi phải là người thay đổi theo cô ấy. Sửa bản phối, nốt nhạc, lời ca… và thu lại. Chuyện đó cũng rất mất thời gian.

Cách làm việc có vẻ phiền phức và dễ gây ức chế như vậy mà sao anh vẫn chấp nhận? Điều gì làm anh tin tưởng và theo đuổi cách làm đó?

Vì bây giờ tôi già đi, chẳng cảm thấy sợ khi mà lênh đênh giữa biển nữa. Tâm thế của mình khác rồi. Mình sẽ tìm cách giải quyết và mình tin là sẽ giải quyết được. dám chờ đợi không để những nhu cầu bình thường cấp bách mình sẽ chờ đợi được và tôi nghĩ một trong những phương châm sống bây giờ là: “Cứ sống như thế ngây thơ và biết chờ đợi”. Có bài hát tên dài như vậy đấy, Cứ mãi ngây thơ và biết chờ đợi tôi định đưa vào album này nhưng lại thôi.

Tôi thấy rằng nó chẳng phải mối đe dọa và không có điều gì ép mình cả. Hơn nữa, tôi cũng đủ lạc quan và tin tưởng công việc sẽ được giải quyết thôi. Vì sao? Cái mục tiêu ta đặt ra cho nhau, tôi trao đổi và chia sẻ với Trần Thu Hà. Nó là gì? Một cách siêu hình là để đến một bến bờ tốt đẹp thôi. Mà Hà cũng phải thấy là nó tốt đẹp. Thế thì không có lý do gì Hà không làm được cả, vấn đề là khả năng mà thôi.

Tôi chỉ cần Hà làm hết khả năng cô ấy và có thể hàng ngày cô ấy hiểu tôi làm hết khả năng của mình. Nó được đến đâu là số phận của nó, do khả năng của tác giả và ca sĩ chỉ đến thế. Nếu không được thì sửa mà sửa không được thì chờ.

Năm 2004, trong một bài phỏng vấn anh có đưa ra khái niệm “Bảo pop”. Sau này hình như anh cũng ít nhắc lại về khái niệm này. Bây giờ anh còn tư duy về nó không?

Khi tôi nói về khái niệm đó là lúc tôi làm sản phẩm đầu tiên của mình và nó nhằm để nói rằng tôi làm thứ âm nhạc của riêng tôi. Nó giống một tuyên ngôn. Sau này tôi thấy rằng mình đã tuyên ngôn rồi thì giờ mình làm thôi. Mình trưởng thành hơn và nghĩ rằng không cần tuyên ngôn nữa, âm thầm tạo dựng.

“Bảo Pop” không phải tên gọi một dòng nhạc mà nó chỉ nói rằng đó là thứ nhạc Pop của anh Đỗ Bảo. Bây giờ tôi lại tư duy âm nhạc của mình như một hệ sinh thái nho nhỏ vậy. Ở đó có đầy đủ mọi vật, mọi cảm xúc và ai tới thì tôi mời vào. Tôi vui vẻ đón tiếp mọi vị khách – người nghe và hàng ngày tôi vẫn luôn suy nghĩ và sáng tạo để mở rộng nó ra với những gì chưa có mà mình muốn có.

Đó phần nào cũng là một mục đích của đĩa thứ ba này, mở rộng hệ sinh thái âm nhạc nho nhỏ của tôi bằng những nét mới mà người nghe chưa thấy trước đây.

Chẳng hạn như…

Trước đây tôi viết nhiều bài trầm thì ở đĩa này âm nhạc sẽ có tiết tấu nhanh và sôi nổi hơn. Các ca khúc cũng mang nhiều màu sắc khác nhau như reggae, alternative… Tôi vẫn rất coi trọng vấn đề giai điệu của ca khúc. Các ca khúc trong album này sẽ có giai điệu đẹp và theo chủ quan tôi nghĩ rằng nó dễ đi vào lòng người hơn trước đây một chút.

Về nội dung ca từ, đây sẽ là đĩa nhạc cuối cùng tôi viết về tình yêu. Tất nhiên có thể trong tương lai mình vẫn viết bài này bài khác, nhưng tình yêu sẽ không còn là chủ đề quan tâm chính của tôi như những năm qua nữa. Chính vì thế tên album này tôi chưa quyết định nhưng nó coi như sẽ là Cánh cung 3 như Thời gian để yêu là Cánh cung 2. Đây sẽ là album cuối cùng của chủ đề Cánh cung.

Tình yêu đã hết gây cảm hứng cho anh rồi sao?

Tình yêu vẫn đẹp và chắc hẳn sẽ vẫn khiến tôi viết những ca khúc khác, nhưng tôi đã đến một độ tuổi khác rồi, sự quan tâm trên phương diện một con người cũng như một nghệ sĩ đã khác rồi và mình phải thuận theo sự thay đổi đó.

Giờ mình chín chắn để bình tĩnh nghĩ tới những điều tiếp theo nữa. phải xác định cái Tôi của mình trong nhân loại, phải xác lập hạnh phúc của mình là hạnh phúc trong cả nhân loại này. Có những vấn đề mình phải viết tiếp.

Gần đây có một cuốn sách gây cảm hứng cho tôi đó là cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Haruki Murakami. Trong sách, ông ấy nói rằng tầm tuổi ngoài 30, ông ấy mới bắt đầu viết những cuốn tiểu thuyết đầu tiên và thành công. Sau tuổi 30, có lẽ bắt đầu người ta có những sự tự tin hơn, những cảm giác rõ rệt hơn để làm việc gì đó vượt ra ngoài những nhu cầu và có tầm ảnh hưởng cá nhân đơn thuần.

Phải chăng cũng là thời điểm mà có những câu hỏi lớn trong cuộc đời mà anh bắt đầu có câu trả lời?

Đúng vậy. Có một bến bờ nào đó mình đến được rồi và giờ mình phải đi tiếp, tìm hiểu tiếp. Đối với tôi thời điểm này là như vậy. Tôi đã sống được giấc mơ nào đó của cuộc đời mình rồi và giờ cần tìm giấc mơ khác nữa và lại chinh phục, trải nghiệm tiếp để có chặng mới thú vị. Lại giương “cánh buồm đỏ thắm” ra khơi.

Nhóm thực hiện

Phỏng vấn Độc Cầm   
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)