Giải trí Hàn Quốc, tấm gương không dễ học theo

Hình ảnh cả nghìn bạn trẻ xếp hàng chờ được thấy thần tượng trước một cửa hàng cà phê Hàn Quốc mới khai trương một lần nữa khiến ta phải tự hỏi: Chuyện này sao chỉ người Hàn làm được?

Giải trí kiểu công nghiệp

Hàn Quốc từ một quốc gia vô danh trên bản đồ văn hóa giải trí đã trở thành một cường quốc trong ngành công nghiệp này. Đã từ lâu, người ta vẫn nghĩ rằng đó là bởi đất nước này đã biến giải trí thành một ngành “công nghiệp nặng”. Ngay từ các cuộc thi tuyển chọn “học viên”, các công ty giải trí Hàn Quốc đã có những tiêu chí rất nghiêm ngặt để chọn ra được những nhân tố có thể phát triển thành “sao”. Tiếp đó là quá trình đào tạo còn khắc nghiệt hơn cả một kỳ nghĩa vụ quân sự. Trong quá trình đào tạo này, nếu các học viên hay còn gọi là thực tập sinh có thể đỗ các kỳ thi kiểm tra về giọng, nhạc, sáng tác, nhảy… mới được “debut” (ra mắt công chúng). Nếu ai chưa thể vượt qua một bài kiểm tra nào đó thì dù có luyện tập cả 5-6 năm trời vẫn chỉ là một thực tập sinh.

Để một thực tập sinh có thể ra mắt công chúng, công ty giải trí đã phải chuẩn bị một kế hoạch chi tiết đến từng hoạt động. Thần tượng mới sẽ được định hình đi theo phong cách nhạc nào? Xuất hiện vào thời gian nào là tốt nhất? Phong cách thời trang ra làm sao? Chiến lược truyền thông như thế nào?… Nghệ sĩ gần như chẳng có quyền được tự quyết việc gì. Từ lúc thực tập sinh được các ông bầu duyệt cho ra mắt công chúng tới lúc chính thức ra mắt có khi mất đến vài năm.

ellevn-art-48-1

Hầu hết các thần tượng Hàn Quốc trước khi ra mắt đã có một lượng người hâm mộ nhất định. Sau khi ra mắt, lượng fan đó phải tăng lên và tên tuổi của Idol phát triển như thế nào cũng là cả một kế hoạch dài hơi của các công ty quản lý. Có những ban nhạc Hàn Quốc, được thành lập ở Hàn, nhưng khi ra mắt lại xuất hiện lần đầu ở nước ngoài và chỉ tập trung “đánh chiếm” thị trường âm nhạc tại đất nước đó. Các nhóm ra mắt trong nước cuối cùng cũng sẽ bành trướng ảnh hưởng ra nước ngoài.

Hiện nay, nhiều nhóm nhạc đã bắt đầu chinh phục châu Âu và châu Mỹ. Đi đầu cho “cuộc cách mạng Kpop” đổ bộ trên toàn thế giới chính là Super Junior, nhóm nhạc đông thành viên nhất của Hàn Quốc, 13 thành viên. Tuy hiện giờ, một vài thành viên của nhóm vắng mặt, nhưng SJ vẫn là nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới. “Super Junior Super Show 5 World Tour concert” của họ đã đến châu Âu, châu Mỹ và cộng đồng fan E.L.F có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Khi làn sóng Hallyu phát triển quá mạnh mẽ thì lẽ dĩ nhiên, họ sẽ là một tấm gương tốt để các công ty giải trí của các nước khác noi theo. Và các nghệ sĩ, những người yêu âm nhạc Hàn Quốc của Việt Nam cũng nhanh chóng bị cuốn vào dòng “lũ xoáy” của cơn bão Hallyu. Tuy nhiên, không phải cứ muốn bắt chước là được.

Cái khó của việc bắt chước

Khi làn sóng Hallyu vào Việt Nam, các thần tượng Hàn đã chiếm một phần rất lớn trong trái tim của người hâm mộ Việt. Ảnh hưởng từ các thần tượng tới giới trẻ Việt có thể nhìn nhận ở những vấn đề lớn: thời trang, hát, vũ đạo. Mỗi khi các ngôi sao Hàn Quốc ghé thăm Việt Nam, các bạn trẻ lại đổ xô ra sân bay tìm cách tiếp cận thần tượng, gây đủ cảnh dở khóc dở cười. Cách đây 6-7 năm, các trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội), Đại học Ngoại thương, nơi có khoa đào tạo tiếng Hàn thường có rất ít sinh viên tham gia dự thi và được đào tạo. Mỗi khóa chỉ có một lớp và mỗi lớp chỉ có 25 – 30 sinh viên. Tuy nhiên, đến nay, mỗi khóa đã có 3 lớp và mỗi lớp cũng nhiều hơn con số 30, chưa kể đến các lớp tiếng Hàn tại các trung tâm ngoại ngữ.

Và khi giới trẻ đang ngày một yêu mến làn sóng Hallyu thì để “chạy” theo thị hiếu, các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam cũng phải nhanh chóng đổi mới mình.

Từ những cái tên lớn như Hà Hồ, Mỹ Tâm… đến các ca sĩ trẻ như Khắc Việt, Bùi Anh Tuấn, Đông Nhi, Hoàng Thùy Linh… đều đang học theo Kpop. Từ âm nhạc đến thời trang, biểu diễn, cách trang điểm… đều đã Hàn hóa. Các ban nhạc như V-Music, 365 được tuyển chọn và quản lý không khác gì các ban nhạc Hàn hiện nay. Mỹ Tâm, Nam Cường… còn sang Hàn Quốc học vũ đạo và thanh nhạc. Nhiều ca sĩ khác thì “phải” sang tận xứ sở kim chi để quay MV, thực hiện các tác phẩm âm nhạc để phục vụ công chúng Việt. Các nghệ sĩ Việt đang muốn đáp ứng nhu cầu của giới trẻ – những người đang mê mẩn nhạc Hàn và lôi kéo họ về phía mình. Vậy nên, việc các sản phẩm âm nhạc, những MV được đầu tư khá kỹ lưỡng của ca sĩ Việt rất dễ nhìn thấy thấp thoáng chất Hàn Quốc ở trong đó.

ellevn-art-48-2

Tuy nhiên, học hỏi phong cách thì được, nhưng học theo kiểu quản lý của Hàn Quốc không phải là chuyện dễ. V-Music hiện đã tan rã, ban nhạc 365 thì gây ra một vụ ồn ào trong giới showbiz khi một thành viên tách nhóm đột ngột và tung cả ảnh chụp bản hợp đồng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, không có một vụ kiện tụng nào xảy ra tiếp theo. Có lẽ, các điều khoản đào tạo ngôi sao của Việt Nam không thể khắc nghiệt như tại Hàn Quốc.

Các ngôi sao tại Việt Nam dù đã cố bắt chước phong cách Hallyu đến đâu cũng chưa thể trở thành một ngôi sao hoàn hảo kiểu Hàn. Chuyện các sao đốp chát lại anti-fan trên mạng xã hội, ăn mặc lôi thôi khi ra đường, đến muộn không xin lỗi hay cư xử thiếu lễ độ nơi công cộng không hiếm. Trong khi đó, các ngôi sao Hàn không bao giờ được phép làm như vậy.

Và tất nhiên, Hàn “nhái” thì khó mà thắng nổi Hàn “thật”. Các cuộc thi mang dáng dấp của việc tuyển chọn ngôi sao đã được nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc tổ chức tại Việt Nam. Năm 2012, lần đầu tiên chương trình tìm kiếm tài năng Kpop Star Hunt được tổ chức, đã tạo nên cơn bão to lớn và thu hút cả nghìn fan Kpop tham gia. Gần đây hơn, đầu năm 2014, gameshow truyền hình mới được phát sóng trên VTV3 “Ngôi sao Việt” là một phiên bản đậm chất Hàn Quốc. Các thí sinh Việt sẽ có cơ hội được đào tạo theo một chu trình Kpop chuyên nghiệp từ khâu tuyển chọn, huấn luyện đến việc lên kế hoạch các dự án âm nhạc, sản xuất album… Cuộc thi này có lẽ là minh chứng rõ nhất cho “giấc mơ Hàn Quốc” của giới trẻ.

ellevn-art-48-3

Bên cạnh đó, các ban nhạc Hàn Quốc cũng đã nhận ra Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Thế nên, trong vài tháng gần đây, những ban nhạc, ca sĩ hàng đầu của Hàn Quốc liên tiếp đến Việt Nam. Các nhãn hàng cũng nô nức đưa các ngôi sao của họ sang để giao lưu trực tiếp với fan, gây ra không ít cuộc tranh cãi về văn hóa thần tượng.

Thế nên, dẫu đã biết rõ các thủ thuật và phương pháp quản lý ngôi sao của Hàn Quốc, nhưng học theo được nước bạn không phải là một chuyện đơn giản. Có lẽ, để có được những thần tượng lớn, chúng ta cần phải có những ông bầu đã thực sự được rèn luyện trong môi trường quản lý ngôi sao của Hàn Quốc mà vẫn có bản sắc của riêng mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Kim Anh
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)