Pianist Trang Trịnh: Người chở nhạc
Tốt nghiệp Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh, có trong tay đầy đủ mọi điều kiện để tỏa sáng trên những sân khấu quốc tế danh giá, thế nhưng Trang Trịnh lại chọn cho mình một con đường lặng lẽ hơn, đó là trở về Việt Nam, với mong muốn biến âm nhạc cổ điển trở nên thật gần gũi với những con người sống xung quanh mình.
Trang Trịnh là một người có khát vọng lớn. Bởi để thay đổi cảm quan về nhạc cổ điển của phần đông người Việt Nam hiện nay vẫn là chuyện không dễ, thế nhưng cô đã chọn con đường ấy, và luôn lạc quan với quyết định của mình.
Vì sao bạn chọn trở lại Việt Nam khi đã có trong tay tấm bằng thạc sĩ của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh?
Tôi muốn được trở thành một mắt xích quan trọng trong sợi dây gắn kết khán giả Việt Nam với vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển. Và để theo đuổi ước mơ ấy, tôi vẫn đang cố gắng hàng ngày, không chỉ trong những công việc tại Việt Nam, mà cả trong những chuyến lưu diễn, công tác, học tập tại nước ngoài.
Kể từ khi trở về Việt Nam, định hướng trong con đường sự nghiệp của bạn là gì?
Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn – giáo dục (animateur). Tuy khá phổ biến trên thế giới nhưng có lẽ là một định hướng còn mới mẻ ở Việt Nam, khi một người nghệ sĩ kết hợp khả năng biểu diễn chuyên nghiệp với công việc giáo dục. Giáo dục ở đây không chỉ có nghĩa là giảng dạy piano mà là việc chia sẻ, gợi mở, giới thiệu về âm nhạc nói chung một cách sáng tạo.
Các hoạt động hoặc dự án âm nhạc mà bạn tâm đắc nhất tại Việt Nam trong hơn 2 năm qua?
Tôi đã thử nghiệm biểu diễn sáng tạo với 3 chương trình: Nhật Ký Dương Cầm, Độc tấu (Khúc Dạo Đầu) và Beethoven Fantasy. Nếu Nhật ký Dương Cầm dùng một câu chuyện để dẫn dắt, thì Độc Tấu dùng nhạc mục kết cấu, còn Beethoven Fantasy dùng video-joker để đưa khán giả vào thế giới của âm nhạc cổ điển.Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc khi được khán giả đón nhận, dù loại hình biểu diễn này là hoàn toàn mới.
Trang Trịnh đã tổ chức show diễn riêng với mong muốn đưa nhạc cổ điển vào gần hơn với đời thường, vậy bạn thấy được sự thay đổi gì từ phía cộng đồng sau những show diễn như vậy?
Ngoài số ít người yêu nhạc cổ điển với tai nghe sành sỏi, hầu hết khán giả khi mới tiếp cận đều ít khi đưa ra nhận định cá nhân. Sự rụt rè này đến từ những định kiến rằng nhạc cổ điển bác học, trừu tượng. Tuy nhiên, dần dần đã có rất nhiều khán giả phản hồi về tính logic trong cách sắp xếp nhạc mục của tôi, hoặc bàn luận về tính chất âm nhạc. Chỉ khi khán giả cảm thấy họ có thể đánh giá, lúc đó họ mới thực sự được kết nối với âm nhạc.
Bạn có nghĩ đến việc mở trường dạy nhạc để truyền tình yêu âm nhạc cổ điển cho thế hệ tiếp theo?
Tôi thích Tốt-Tô-Chan và ngôi trường của cô bé ấy, một nơi đầy sáng tạo, niềm hy vọng và tình yêu thương. Tôi cũng mong ước sẽ được giảng dạy âm nhạc trong môi trường như vậy, và nhất là cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo bạn, nhạc cổ điển hiện nay đang ở vị trí nào đối với người yêu nhạc Việt Nam và liệu điều này sẽ thay đổi thế nào trong tương lai?
Nhạc cổ điển vẫn là một món ăn lạ lẫm với phần lớn người yêu nhạc Việt Nam, không phải vì nó đắt tiền mà vì nó không phổ biến. Tuy vậy, tôi lạc quan với tương lai, vì những hoạt động âm nhạc cộng đồng như Luala Concert vẫn được khán giả đón nhận. Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng những tín hiệu mừng đã xuất hiện ngày càng nhiều.
Điều mà Trang Trịnh muốn thực hiện trong 10 năm tới là gì?
Là vẫn sẽ vững bước trên con đường tôi đã chọn.
Đôi nét về pianist Trang Trịnh
Trang Trịnh (tên thật là Trịnh Mai Trang) sinh năm 1986 tại Hà Nội. Cô từng tốt nghiệp xuất sắc khóa đại học và thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM) từ 2004 đến 2010 và đã thực hiện 2 chuyến lưu diễn thành công tại Châu Âu (2010-2012). Trang Trịnh từng giành các giải thưởng như giải Nhì trong cuộc thi Beethoven 2008, giải Mozart Prize 2009, giải nhì cuộc thì Liszt International Piano Competition 2011.
Tại Việt Nam, Trang Trịnh thực hiện thành công dự án đầu tay có tên “Nhật Ký Dương Cầm” vào tháng 2/2011 và đêm Độc tấu Piano tại L’espace, 11/2011, đêm nhạc “Beethoven Fantasy” tháng 12/2012, tham gia, tham gia Luala Concert tháng 12/2013.
Bài: Bình Phạm – Ảnh: Trang Trịnh