Review phim The Broken Circle Breakdown – blog Tuấn Lalarme
Một bộ phim dài, đủ để kể được hết về một câu chuyện tình yêu, đẹp tuyệt vời nhưng lại buồn đến nao lòng.
Một bộ phim của Bỉ không nói tiếng Anh lại dùng nhạc đồng quê của Mỹ làm sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, tạo một mạch liền cho câu chuyện mà trạng thái cảm xúc mang lại không hề đơn giản, nó là sự bấp bênh của số phận, của cuộc đời. Một thứ âm nhạc để kể về mọi cung bậc cảm xúc như vậy là điều mà đạo diễn Felix Van Groeningen dựa theo vở kịch của Johan Heldenbergh – cũng là người đóng vai chính đã làm được và làm rất tốt, một sản phẩm xứng đáng lọt vào danh sách rút gọn đề cử cho giải phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất cho mùa Oscar 2014.
Có thể kể lại bộ phim một cách đơn giản bằng cách chia nội dung làm 3 chương lớn trong cuộc sống bên nhau của nhạc công Didier và cô gái làm việc tại một tiệm săm mình Elisa (Veerle Baetens vào vai). Họ đến với nhau, yêu nhau, một thứ tình yêu say mê, nồng nhiệt. Cuộc đời họ mở sang chương mới khi họ mang thai Maybelle, một bé gái xinh xắn, hạnh phúc tưởng như vẹn toàn và không còn gì để có thể than phiền nữa trong những nụ cười và niềm vui bất tận, thì chương 3 của họ mở ra, Maybelle bị máu trắng, và qua đời, nỗi thống khổ, sự tuyệt vọng và suy sụp ùa đến với họ cho đến lúc Elisa không chịu nổi nữa và tự sát.
Câu chuyện đơn giản vậy, dùng căn bệnh ung thư để làm đầy mạch chuyện là một cliché cơ bản của nhiều bộ phim. Nhưng hành trình của bộ phim không vì thế mà kém hay, kém đẹp và thiếu cảm xúc. Ngược lại, với âm nhạc đồng quê làm chủ đạo, căn bệnh quái ác làm mối nối, bộ phim là một bản tổng phối của hạnh phúc và khổ đau, vui tươi và buồn bã, lạc quan và tuyệt vọng, nó chuyển đến người xem những xúc cảm mãnh liệt, sự thương xót và niềm cảm thông sâu sắc khiến dư vị phim trong vẻ đẹp của nỗi buồn là vĩnh cửu, nó đọng lại và thẩm thấu vào khán giả khiến tôi thực sự yêu thích bộ phim này.
Tất nhiên câu chuyện không được kể theo thứ tự tuyến tính về mặt thời gian như vậy, nó là một sự sắp đặt song song quá khứ và hiện tại, nhưng với một sự chủ ý rất rõ về sự tương thích của hiện tại với một sự tương phản trong quá khứ, theo nghĩa rằng quá khứ không phải bắt đầu bằng việc họ gặp nhau như thế nào. Quá khứ trong cách kể sao cho nó phản chiếu hiện thực. Bắt đầu phim kể về 6 năm trước vào năm 2000, họ dẫn nhau về ngôi nhà thôn quê của Didier, một nhạc công, một gã cowboy, một anh nông dân chính cống của châu Âu nhưng có niềm đam mê với nước Mỹ “vùng đất của những kẻ mộng mơ”. Cứ vậy họ yêu nhau, làm tình nồng say cuồng nhiệt, đan xen vào đó ở hiện tại, con gái của họ đang phải xạ trị cho căn bệnh ung thư quái ác, trên khuôn mặt họ không còn vẻ tươi vui, không còn sự mơn mởn của tình yêu của hai cá thể nữa, tình yêu của họ dành cho đứa con mình, cá thể thứ ba đang mang bệnh nặng… Đứa con cuối cùng cũng không chống lại được căn bệnh của mình là nút thắt thắt lại cái mạch tươi vui của quá khứ và cái buồn bã nhưng vẫn còn hy vọng của họ. Để rồi quá khứ vui tươi được kể lại sau đó, về lần đầu gặp gỡ, về những khoảnh khắc tuyệt vời của họ khi họ có Maybelle chỉ còn là những lát cắt đau đớn cho một hiện thực đang vụn vỡ từng ngày trong mối quan hệ của họ, trong bản thân tâm hồn họ. Cảnh phim quay chiếc tivi đang chiếu tin về vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ trong ngôi nhà nơi Maybelle đang hạnh phúc cùng bố mẹ bước những bước chập chững đầu tiên trên đời, là một cảnh phim ý nghĩa, nó mang ý nghĩa rằng cuộc sống này họ đang chỉ cần nhau, bên nhau mà bỏ qua mọi thứ liên quan đến thế giới rộng lớn bên ngoài, người ta cho rằng nó ích kỉ cũng được, nhưng người ta cũng có thể nghĩ rằng họ đang hạnh phúc, hạnh phúc tột cùng. Nhưng với mọi sự vụn vỡ về sau, liệu có điều gì giúp họ hàn gắn lại được tâm hồn và mối quan hệ giữa họ không?
Elisa là một tâm hồn yếu đuối, trên cơ thể cô xăm rất nhiều hình, trong những hình đó có nỗi đau của cô, có quá khứ của cô mà cô lại xóa đi mỗi khi va vấp và không thể tiếp tục đối diện. Tình yêu nồng cháy dành cho Didier đã biến anh thành một phần cơ thể cô. Nhưng Didier lại là một người quá lý tính, vô thần, anh không thể chấp nhận được những thứ hão huyền mơ mộng về Chúa, thiên đường về tôn giáo. Chính vì lẽ đó mà sự rạn vỡ càng lớn khi sự tuyệt vọng khiến một tâm hồn Elisa cần tôn giáo để cứu rỗi chính bản thân mình, còn Didier lại là người không chấp nhận điều đó. Họ đi với nhau trên cùng con đường, họ đã hạnh phúc trong nửa đầu, cùng nhau gây dựng nửa sau, nhưng lại chính họ tự tay phá bỏ đi nửa cuối của mình. Đó phải chăng là tính bất nhất của đời sống, là vết rạn của thời gian mà ai cũng phải trải qua, nếu không đủ dũng cảm để đương đầu thì tất cả sẽ sụp đổ.
Một bộ phim dài, đủ để kể được hết về một câu chuyện tình yêu, đẹp tuyệt vời nhưng lại buồn đến nao lòng. Tất nhiên bộ phim không tránh khỏi những điều khiến nó trở nên không hoàn hảo, đó là tính văn học nhiều hơn tính hiện thực, nó đẹp và mong manh như một cuốn tiểu thuyết của một gã mơ về nước Mỹ hơn là một câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn hiện thực. Tất nhiên chẳng ai muốn một bộ phim lại nói nhiều về hiện thực, nhưng một bộ phim tốt là một bộ phim làm biến mất cái chất văn học để khiến người xem theo dõi mạch truyện mà không nghĩ rằng tình tiết này tình tiết kia được sắp đặt có chủ ý một cách lộ liễu quá từ bàn tay biên kịch. Một bộ phim dài như vậy, dùng âm nhạc để dẫn lối, âm nhạc đó chính là tôn giáo của Didier, là cứu cánh cho sự tuyệt vọng của cuộc đời, là sợi dây nối dài tình yêu giữa hai người họ. Âm nhạc đến đúng lúc, những bản nhạc đặt đúng chỗ đã khiến người ta không khỏi liên tưởng đến những bộ phim âm nhạc vô cùng xuất sắc khác như Once của đạo diễn John Carney, hay Inside Llywen Davis của anh em nhà Coens. Nhưng không chọn cách kể về một khía cạnh đời sống như hai bộ phim trên, The Broken Circle Breakdown lại tham vọng hơn nhiều khi kể hết một vòng sinh tử của tình yêu, sự tham vọng đó có lẽ đã hơi nằm quá tầm với khiến sự xuất sắc của bộ phim giảm đi đôi phần. Tuy nhiên, The Broken Circle Breakdown xét cho cùng hoàn toàn xứng đáng nằm trong danh sách rút gọn gồm 9 tác phẩm điện ảnh được đề cử vào danh sách cho giải thưởng phim truyện nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, vì diễn xuất tuyệt vời của Johan Heldenbergh và Veerle Baetens đã thực sự thêm điểm cộng rất nhiều cho bộ phim. Cảm xúc mang lại từ bộ phim là điều đáng trân trọng và đáng được tôn vinh trong nhiều khía cạnh của đời sống.
Blog Tuấn Lalarme