Alaska – Biên giới sau cùng

Đăng ngày:

Cho đến khi đặt chân xuống sân bay Anchorage – Alaska, tôi như nghẹn lời, chỉ còn ý nghĩ: cuối cùng mình cũng đến được nơi đây.

Thông thường, người ta khó mà diễn tả được cảm xúc của mình khi thực hiện thành công một chuyện mà mình yêu thích hoặc mơ ước từ lâu. Điều đó cũng xảy ra với tôi ngay khi đặt chân đến sân bay Anchorage, thành phố lớn nhất và hiện đại nhất Alaska. Mọi cảm giác ập đến thật choáng ngợp khiến tôi không thể nghĩ ngợi gì được.

Tôi biết đến Alaska đầu tiên qua cuốn sách hình nổi Giương buồm lên mà mẹ tôi mua cho thuở nhỏ. Cuốn sách này kể về những nhà thám hiểm đại dương nổi tiếng trong Thời đại khám phá (Age of Discovery) trong đó có nhà thám hiểm người Đan Mạch Bering đã vượt qua eo biển đầy bão tố mà sau này được mang tên ông chạy giữa Alaska và Siberia. Sau này, khi đọc Jack London, tôi biết thêm nhiều về vùng đất hoang dã, vừa bí hiểm nhưng cũng đầy hấp dẫn và thách thức này qua Tiếng gọi nơi hoang dã hay Nanh trắng. Chính những tác phẩm này đã nuôi dưỡng trong tôi một mơ ước được đặt chân đến vùng đất này một ngày nào đó.

Và cuối cùng, cũng đến ngày tôi thực hiện thành công kế hoạch để đạt được thành tựu của Alex Supertramp trong phim Đi vào hoang dã là đặt chân đến được Alaska.

 

Tảng băng trôi khổng lồ Columbia.

Tảng băng trôi khổng lồ Columbia.

Kế hoạch và lên đường

Alaska, như biệt danh “Miền biên cương sau cùng” (The Last Frontier), đối với tôi, đúng là một miền biên giới xa xôi. Tuy không quá xa xôi nhưng việc lên kế hoạch và chuẩn bị tài chính tới lui cũng mất mấy năm mới hoàn thành.

Đó là vì Alaska chỉ có thể đến được bằng máy bay hoặc du thuyền nên lịch trình đã mất một đến hai ngày di chuyển. Thứ hai, khách sạn và các chi phí ăn ở không hề rẻ (ở Anchorage, khách sạn có thể lên đến 300 USD một đêm và mùa cao điểm không còn phòng trống). Thứ ba, Alaska là một vùng rộng lớn gần cực Bắc nên chỉ có thể đến đó vào mùa Hè, mùa cao điểm khách du lịch và đồng nghĩa với mọi thứ dịch vụ cũng sẽ có nhiều người đăng ký. Cuối cùng, không dễ tìm kiếm bạn đồng hành, để đi cùng chuyến đi dài và tế nhị hơn là để…cùng nhau chia phần chi phí không hề nhỏ.

May mắn cho tôi là tôi có một nhóm bạn đồng hành, với tên tự gọi có chút hài hước là: Nhóm thám hiểm Alaska. Trong đó, có người còn mê Alaska hơn cả tôi. Chúng tôi có số lượng người hoàn hảo (4 người) cho chuyến đi hoàn hảo này trong vòng một tuần lễ.

Kế hoạch của chúng tôi thành công được là nhờ công lớn của cuốn sách The Milepost (milepost.com), cuốn sách hướng dẫn du lịch Alaska duy nhất và đầy đủ thông tin cần thiết nhất, được cập nhật hàng năm. Đúng như tên gọi kim chỉ nam của du lịch Alaska, The Milepost chỉ rõ từng dặm đường một có thứ gì và địa điểm du lịch gì. Alaska cực kỳ rộng lớn, trong một tuần không thể đi hết những chỗ cần đi nên chúng tôi buộc phải chọn những chỗ mình thích đến nhất. Thời gian hành trình được chọn là tuần đầu tháng 8, khi vào cuối Hè đầu Thu ở Alaska. Đây cũng là lúc Alaska qua mùa cao điểm và bớt khách du lịch so với giữa Hè.

Để tránh chi phí cao của khách sạn, chúng tôi chọn phương tiện di chuyển là xe RV, một loại “xe nhà” cỡ lớn có cả giường ngủ, bếp, và phòng tắm, vệ sinh ngay trên xe. RV vừa tiện lợi cho chúng tôi với những nhu cầu cơ bản hàng ngày vừa thuận lợi cho chúng tôi trong việc đi lại từ nơi này sang nơi khác (có khoảng cách hàng trăm dặm) mà không phải băn khoăn tìm kiếm khách sạn hay nhà nghỉ ở những nơi chúng tôi muốn tới. Nếu thời tiết mưa gió không cho phép chúng tôi chạy xe hoặc trời quá tối thì chúng tôi có thể đậu xe bên vệ đường, tranh thủ nghỉ ngơi để sáng sớm hôm sau tiếp tục hành trình.

 

Đôi khi, chúng tôi cũng quyết định rời xe RV để cắm trại.

Đôi khi, chúng tôi cũng quyết định rời xe RV để cắm trại.

Đồ ăn khô (chủ yếu là mì gói, chả lụa, thịt hộp và các dụng cụ dã ngoại như lều và túi ngủ) được đóng gói gọn gàng trong hai thùng giấy chuyên dụng cho việc đi máy bay. Những vật dụng cần thiết như nước uống đóng chai, rau, thịt và bình gas cho bếp được mua tại chợ ở Anchorage. Tất cả đều sẵn sàng cho chuyến đi xa nửa mùa nửa dã ngoại nửa tiện nghi.

Địa điểm đến được chọn là Valdez, thành phố ven biển phía Nam nơi chúng tôi sẽ chèo kayak ngoài khơi và đi thuyền ngắm tảng băng khổng lồ Columbia, công viên quốc gia nổi tiếng Denali ở miền Trung, và Seward Highway – xa lộ phong cảnh (scenic highway) có thể nói là đẹp nhất nước Mỹ với phong cảnh một bên núi một bên biển rất hùng vĩ.

Mặc dù có thể mường tượng được cảnh thiên nhiên của Alaska qua lời kể của Jack London trong các tác phẩm của ông, trong phim ảnh, sách báo… nhưng tôi vẫn choáng váng khi trông thấy tận mắt phong cảnh thiên nhiên ở đây. Alaska có địa hình và cảnh quan rất đa dạng. Rời Anchorage, một thành phố với phong cách hiện đại, nhà cao tầng và đủ sắc dân đặc trưng kiểu Mỹ, chỉ cần lái xe đi nửa tiếng đồng hồ là như lạc vào miền thiên nhiên hoang dã. Xe trên đường thưa dần, phong cảnh đồi núi trập trùng thay cho nhà cửa, những cánh rừng thông dày đặc thay cho cột điện và dây điện, dòng sông cuồn cuộn uốn lượn thay cho đường phố. Hoa Tundra đỏ rực dọc hai bên đường là điểm nhấn ấn tượng khó quên.

 

Thuyền Kayak là một trong các phương tiện phổ biến tại Alaska.

Thuyền Kayak là một trong các phương tiện phổ biến tại Alaska.

 

Giữa điều kiện khắc nghiệt, đôi khi bạn cũng gặp những khung cảnh rất nên thơ, như con thuyền này.

Giữa điều kiện khắc nghiệt, đôi khi bạn cũng gặp những khung cảnh rất nên thơ, như con thuyền này.

Địa hình ở đây khiến chiếc xe RV tiện lợi hóa ra cũng không hẳn là hoàn hảo. Chúng tôi phải chạy chậm hơn bình thường và thật cẩn trọng trong những khúc cua trái lượn phải. May mắn thay là có rất ít xe chạy trên đường, và nếu có thì cũng là những chiếc RV tương tự.

Xa lộ chạy dọc rừng thông dày đặc thoạt trông qua cứ tưởng không có người ở nhưng nhìn kỹ lại thấy đường dây điện chạy bên trong rừng thông khoảng 5-6m. Ở bên trong đó, nhà cửa cũng được xây dựng tử tế, nhưng nhà này cách nhà kia khoảng chục mét và cách đường xa lộ cũng khoảng đó. Ngay cả cơ sở kinh doanh cá thể của người dân cũng nằm sâu ở trong rừng thông và được gắn bảng quảng cáo và chỉ dẫn đi vào bên trong ở dọc đường xa lộ.

Nhờ vậy, người sống trong khu nhà ở không bị bụi bặm từ xe cộ và cũng ít bị tiếng ồn của động cơ. Bên cạnh đó, việc không có quán xá xô bồ hai bên đường giúp người đi du hành cũng có được trải nghiệm luôn đi trong vùng hoang dã.

 

Đường xa lộ vắng bóng người, như có vẻ chất chứa nguy hiểm, nhưng cũng hết sức gọi mời những ai ưa mạo hiểm.

Đường xa lộ vắng bóng người, như có vẻ chất chứa nguy hiểm, nhưng cũng hết sức gọi mời những ai ưa mạo hiểm.

Nhóm thực hiện

Bài: Thông Đỗ

Ảnh: Thông Đỗ, Alaska Stock/corbis

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more