Tâm lý Bụt chùa nhà không thiêng. Thỉnh thoảng, thấy bạn bè trên FB chia sẻ clip rồi up hình đi bộ ở hồ, thấy sao thanh bình yên ổn, thấy sao trong lành Hà Nội thế. Tôi đâm ra… tò mò.
Tôi nghĩ đây là ý tưởng hay, sáng suốt, và cả… lãng mạn. Người dân có một nơi lành lặn để ung dung đi dạo mà không sợ… hàng quán chèn ép lấn chiếm hè đường, không sợ xe cộ đan xen như dao găm phi tiêu tứ phía, không sợ khói xe om sòm ô nhiễm bủa vây gây sặc đường thở. Tôi tưởng tượng quanh hồ, người ta sẽ có những buổi triển lãm tranh ảnh nho nhỏ, những buổi tọa đàm nhỏ xinh, những nghệ sĩ đường phố vẽ vời, những ban nhạc – ca sĩ nghêu ngao giai điệu nhẹ nhàng dễ thương. Và người đi bộ, phởn phơ ung dung cảm nhận một Hà Nội trầm lắng, tinh tế, nên thơ.
Và, tưởng tượng của tôi… hóa ra đúng thật. Quanh hồ, một vài chỗ, người ta dựng mấy cái giá bày nghệ thuật nhiếp ảnh phong cảnh, nom hay ho phết. Bên cạnh mấy cái giá trưng bày ảnh nghệ thuật, có mấy ôm già kéo vi ô lông, gảy ghi ta, gõ trống mấy bản nhạc Trịnh khá da diết hoài cổ. Âm thanh trong trẻo được “khàn đục hóa” ở volume to nhất nhờ cái loa kích âm hết sức thô bỉ và ồn ã. Mặt hồ yên ắng vậy. Lòng người êm ả vậy. Thế mà nỡ lòng nào các cụ nghệ sĩ lại “chơi” cả cái loa khuếch trương nghệ thuật đường phố hết sức “đường phố” như thế! Tôi có chút phản cảm, định ra góp ý các cụ, thì phát hiện ra, các cụ đang bất lực cạnh tranh với thế lực nghệ thuật suy đồi đối diện bên kia đường, một ban nhạc trẻ ầm ĩ mua vui cho quán cà phê sang trọng view hồ. Cứ thế nhạc Trịnh chiến đấu với nhạc trẻ hoa lá cành. Tan hoang một góc hồ Gươm. Tôi khiếp vía trước thảm họa nghệ thuật đường phố kiểu này, vội “sơ tán” ra góc hồ khác. Chen chúc trong dòng người hồ hởi, vượt qua những cô chú Mickey Gấu Chó được các cháu bé thích thú xin được chụp ảnh để rồi đổi lại mời các cháu mua kẹo xanh đỏ trông rất rợ mắt, tôi bỗng thấy mình như luyện được phép thần thông, như thoát tục, chân như gắn mô tơ, cứ thế tăng tốc quáng quàng, cốt là để mau vượt qua những cơn bão âm nhạc đúng nghĩa đen. Đàn nhị tì bà trống chiêng được kích âm max volume đủ phong cách Tàu EDM Bô lê rô cứ tán loạn xì ngậu không ra Tết nhất cũng không ra phá hoại… Đứng bên này hồ với đàn nhị đàn tì bà ra sức gào rống, tôi vẫn thấy văng vẳng nhạc sàn tưng tưng bên kia hồ vọng lại. Tiu nghỉu xen lẫn mệt mỏi, tôi quyết định “rút lui”.
Sáng chủ nhật rồi, trên TV có phát một trương trình khá hay, hỏi cảm nghĩ của những hộ dân sống quanh hồ, về hoạt động phố đi bộ cuối tuần. Tôi xem mà thấy đồng cảm. Nghĩ xem, mình chỉ tha thẩn quanh hồ có 1 tiếng mà đã phải vội vã ra đi. Huống hồ người ta phải chịu đựng bão lũ người người chen chúc tạp âm ầm ào vào mỗi thời điểm đẹp nhất trong tuần. Ai mà chịu thấu!
Trong lúc thất điên bát đảo vượt qua cơ man nào là trướng ngại vật, tôi bất ngờ phát hiện ra ở một góc phố đi bộ, khá yên ắng và đẹp mắt, một nhóm các bạn trẻ rủ nhau dạy nhau chơi ô ăn quan, ôn lại những trò chơi cổ truyền thơ ấu. Tôi giảm tốc lực, đi chậm lại, tranh thủ ngắm và cảm nhận một khung cảnh đẹp và đậm chất bắc an lành.
Phố đi bộ mới được hình thành thôi. Nên hẳn nhiên là còn nhiều cái ngô nghê nhiều cái lệch lạc. Và tôi hi vọng, sẽ sớm, khu phố đi bộ này sẽ đi vào nề nếp, sẽ có nét riêng đúng nghĩa. Khi đó, chúng ta sẽ quay lại hồ Gươm, cùng chơi lại trò ô ăn quan thời thơ ấu. Tôi hứa
—
Xem thêm
Nhóm thực hiện
ChQcQ (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE, Ảnh: ngoisao.net và dantri.com)