Bảo tồn & cải tạo – Cuộc sống vẫn sinh sôi tại phố cổ Hà Nội
Có những khi không tránh khỏi việc rời bỏ nơi chốn cũ, nói lời tạm biệt với mất mát. Nhưng dù có đổi thay đến thế nào đi nữa, dưới góc mắt của nhiếp ảnh gia nổi tiếng James Dương di sản ký ức bằng hình ảnh về Hà Nội với những con phố và ngôi nhà cổ kính, mãi được nối dài sức sống qua các câu chuyện kể bất tận. Với anh, trong cái chật chội của đất Hà Nội, người ta vẫn loay hoay ra nhiều niềm vui.
Quá trình tái thiết đô thị ở các thành phố lớn tại Việt Nam từ bao lâu nay đã phải đối mặt với bài toán đầy thách thức giữa bảo tồn và cải tạo. Đặc biệt là khu phố cổ Hà Nội, nằm ngay trung tâm thủ đô với nhiều ngôi nhà cổ. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quan trọng đang ngày càng trở nên khác biệt, phức tạp với nhịp độ phát triển của đời sống, mật độ dân cư sinh sôi và xu hướng hiện đại hóa.
Rõ ràng, những ngôi nhà cổ ở phố cổ Hà Nội tuy đang già nua, phai màu nặng nề theo dấu vết thời gian thì những giá trị kiến trúc mang tính hiện hữu của lịch sử và cá tính đô thị vẫn là những yếu tố cốt lõi cần phải được gìn gữ.
ELLE hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc những bức ảnh sống động quanh đời sống thường nhật ở những ngôi nhà cổ trong lòng Hà Nội hiện đại cùng lời bình là các câu chuyện được ghi chép lại từ chính tác giả, nhiếp ảnh gia James Dương. Với anh, trong cái chật chội của đất Hà Nội, người ta vẫn loay hoay ra nhiều niềm vui.
.
– Xấu bỏ mẹ, mày chụp làm cái gì?
Bà nội tôi lúc nào cũng nói thế, mỗi khi tôi chụp căn gác nhỏ trên phố hàng Bông, kể cả trong bức ảnh này. Nhưng hôm nọ biết tôi đi chụp ảnh bìa phố cổ, bà lại đích thân dắt tôi đi hết nhà nọ đến nhà kia để cho tôi được thoải mái, tự do chụp nát cả ống kính. Chính yếu là do tính tôi hay bị mải mê, quấn quýt bên những câu chuyện nên cho tôi thỏa ngắm nhìn, ngẫm nghĩ. Trong đời mình có vô vàn những câu chuyện đã từng và rồi sẽ còn được chứng kiến nhưng chẳng thấm vào đâu so với những khoảnh khắc đã có, đã xảy đến và đã biến mất trước khi có mình ở cái mảnh đất này, trong những khu nhà mỗi ngày một cũ kỹ nhưng nhịp sống mới không ngừng sinh sôi.
– Bà ơi, ngày xưa ông cưa bà như thế nào?
– Thằng này hỏi vớ vẩn!
Ấy vậy mà bà vẫn kể, lại còn kể say sưa về ông và chuyện ngày cũ như mới gặp ông chiều qua dù ông đã mất gần 30 năm rồi. Có lẽ với một số những đứa trẻ lớn lên từ khu phố này, những câu chuyện đẹp nhất thời thơ ấu không phải là cổ tích Andersen hay cổ tích Grim mà chính là những câu chuyện được nghe kể lại người lớn về con người đã sống thế nào ở đây. Đó là ký ức thật đẹp của tuổi thơ, một Hà Nội mà khi ấy người nghèo cũng cảm thấy hạnh phúc.
.
Xu hướng thời đại là sự phát triển đến văn minh. Những khu tập thể tồi tàn dần được thay thế bằng những chung cư cao cấp. Có muốn hay không, người ta vẫn phải tập làm quen với sự thay đổi.
Hồi bé, bác tôi cứ bảo: “Bác phải đọc báo đầu tiên trong phố”. Người ta đói thông tin là thế. Bây giờ có bước mòn gối cũng chỉ thấy lác đác vài tờ báo bên ly cà phê buổi bình minh.
Cạnh nhà tôi có căn nhà chật nhất phố cổ, ba người cùng sống trong 10 mét vuông. Bước vào nhà đồng nghĩa với việc phải phi thẳng lên giường. Mọi thứ đúng nghĩa nép nương nhau mà sống. Cái chốn chật chội tưởng tù túng là nơi dung dưỡng câu chuyện tình yêu lãng mạn, chắp cánh cho cuộc sống của hai kiếp người tuổi đã xế chiều, ngoài 40 tuổi mới biết tới sự rung động lần đầu tiên của trái tim.
.
Hà Nội đang chuyển mình vào Thu, thời khắc đẹp nhất của những chiều hoàng hôn và cả những cơn gió thoảng. Gợi lên niềm cảm hứng cho bao tâm hồn thi ca nghệ sĩ tạo nên nhiều tác phẩm nổi tiếng. Tôi không phải là nghệ sĩ, đơn giản chỉ là sở thích ghi chép những góc phố, những hình ảnh đang dần biến mất khỏi Hà Nội bằng chiếc máy ảnh của mình. Đó là cách tôi vẫn lưu lại ký ức của mỗi ngày, có khi trong ký ức ấy tôi còn được bắt gặp lại dấu vết tuổi thơ tôi.
—
Xem thêm
Họa sĩ Tạ Huy Long nói về “Cửa sổ” & Hà Nội
May Ngô
Ảnh và lời bình: James Dương