Dạo “chợ Kiều” xem gốm sứ cổ – kim

Đăng ngày:

Đối diện chợ Bến Thành là con phố được người ta gọi là “chợ”, dẫu không sầm uất, ồn ào, náo nhiệt so với chợ thông thường, nhưng con phố ấy đầy hấp lực với người hoài cổ, bởi là nơi tập trung buôn bán cổ vật lớn nhất nước, trong đó gốm sứ mang niên đại từ cổ chí kim là một mảng hiện vật hấp dẫn và giá trị nhất ở “chợ Kiều”.

Gốm mỹ thuật là một mảng hiện vật khá đặc trưng nơi “chợ Kiều”

Gốm mỹ thuật là một mảng hiện vật khá đặc trưng nơi “chợ Kiều”

Chợ Kiều – cách gọi ngắn gọn của dân sưu tầm cổ ngoạn mỗi khi nhắc đến con đường Lê Công Kiều, quận 1. Chỉ với chiều dài độ chừng 300m nhưng cũng đủ để gọi nơi ấy là “thiên đường” dành cho người có đam mê sưu tầm cổ vật hoặc thích tìm những giá trị xưa cũ. Bởi ở đó là một thế giới ngồn ngộn những hiện vật được trưng bày từ trên lầu, xuống nhà, tràn ra vỉa hè, quá dư để khám phá trong đó – đặc biệt trên các hiện vật gốm sứ – những đột phá về mỹ thuật tạo hình, mô típ trang trí, sắc men, nét vẽ…

 

Tượng nữ thần với sắc men “xanh đồng trổ bông” đặc trưng của gốm Biên Hòa bày bán ở chợ Kiều.

Tượng nữ thần với sắc men “xanh đồng trổ bông” đặc trưng của gốm Biên Hòa bày bán ở chợ Kiều.

Ở Kiều, ta có thể tìm thấy những hiện vật gốm mộc, chưa tráng men, đến từ nền văn hóa Phùng Nguyên (cách nay hơn 4.000 năm), rồi Đông Sơn (2000 – 2500 năm), Óc Eo… bước qua các niên đại khi nước nhà giành độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc, với các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đều là những dấu mốc gắn liền với sự hình thành và phát triển vượt bậc của gốm Việt. Tất cả những dòng gốm cổ ấy đều có thể tìm thấy ở chợ Kiều, khi trang trọng trong tủ kính gắn đèn lung linh, hay chỏng chơ nơi gầm tủ.

 

Giới sưu tầm gốm sứ ở Sài Gòn đều là khách hàng thân thiết của dì Sáu “hét”.

Giới sưu tầm gốm sứ ở Sài Gòn đều là khách hàng thân thiết của dì Sáu “hét”.

 

Khách chọn mua đồ sứ Ung Chính (1723 – 1735) - vớt từ tàu đắm Cà Mau - trong một cửa hàng trên phố Lê Công Kiều.

Khách chọn mua đồ sứ Ung Chính (1723 – 1735) – vớt từ tàu đắm Cà Mau – trong một cửa hàng trên phố Lê Công Kiều.

Lạc vào Kiều, như lạc vào một thế giới của cổ xưa, để được phiêu du theo nét trầm mặc từ gốm hoa nâu (Lý), đến nét đông thanh dịu dàng mà tao nhã (Trần), hay lặng người trước lối vẽ phóng khoáng, bay bổng của men gốm hoa lam (Lê Sơ), đến sắc men lam xám đầy huyền bí cùng nét tạo hình tinh tế của gốm Mạc… Thế nên, đi từ đầu đến cuối chợ, cứ như một chuyến du hành về quá khứ, chạm tay vào những hiện vật ngàn năm để thấy rằng ngày xa xưa ấy, những nghệ nhân gốm Việt đã đạt đến một đẳng cấp mà hậu thế hôm nay phải nghiêng mình thán phục.

Chợ Kiều cũng có cả những hiện vật đồ sứ được triều Nguyễn đặt làm tại Trung Hoa xưa, có thể gặp ở đó những dầm trà xanh trắng, vẽ tích Việt như Tư Dung Thắng Cảnh, Tam Thai Đồ, với những hiệu đề Nội Phủ, Nhược Thâm Trân Tàng, Uẩn Tàng Xuân Mỹ, Gia Tàng Định Vật…

 

Một không gian đậm nét hoài cổ ở Lê Công Kiều

Một không gian đậm nét hoài cổ ở Lê Công Kiều

Bên cạnh mảng gốm sứ cổ, chợ Kiều cũng có một mảng gốm cận đại, xuất xứ từ lò Cây Mai, đến Lái Thiêu, muộn hơn có Biên Hòa (đầu thế kỷ XX). Mỗi dòng gốm lại mang một câu chuyện, một phong cách và lối thể hiện riêng biệt. Nhiều hiện vật trong số các dòng gốm ấy là đồ xưa, cũng có nhiều món được phục chế lại, và bày bán ở Kiều, có thể gặp thể loại tượng gốm Biên Hòa với những nét khắc chìm tô men đầy chi tiết, tinh tế và khéo léo mang đậm ảnh hưởng của dòng gốm Limoges ở trời Tây.

Chợ Kiều đáp ứng đủ mọi nhu cầu, từ sưu tầm cổ vật, đến các dòng gốm sứ mỹ thuật dùng trang trí nội ngoại thất. Việc bày bán, sắp đặt chẳng theo một đẳng cấp, trình tự, mà lộn xộn, tràn lan, nhưng đấy lại là cái thú để người dạo chợ sau khi đã lượn tới lui vài vòng, nhặt nhạnh những món đồ hợp sở thích, đều cảm thấy hài lòng và mãn nguyện.

 

Bình vôi gốm cổ vẩy men lục thời Lê sơ (1428 – 1527)

Bình vôi gốm cổ vẩy men lục thời Lê sơ (1428 – 1527)

 

Hoa văn trên chén gốm thời Trần (1225 – 1400)

Hoa văn trên chén gốm thời Trần (1225 – 1400)

Con đường Lê Công Kiều – chợ Kiều – cũng là con đường hiếm hoi ở Sài Gòn từng đón các chính khách quốc tế, từ tổng thống, thủ tướng, đến thái tử… mỗi dịp công du Việt Nam, thường dành chút thời gian dạo chợ, bởi đó là nơi có thể khám phá thêm những nét lạ về văn hóa, con người Việt Nam thông qua các hiện vật bày bán, đặc biệt là gốm sứ.

 

Một góc vỉa hè với dòng gốm Biên Hòa phục chế.

Một góc vỉa hè với dòng gốm Biên Hòa phục chế.

 

Chợ đồ cổ Lê Công Kiều và những gương mặt thân quen.

Chợ đồ cổ Lê Công Kiều và những gương mặt thân quen.

 

“Chợ Kiều” tràn lan các hiện vật cổ - kim lẫn lộn.

“Chợ Kiều” tràn lan các hiện vật cổ – kim lẫn lộn.

Xem thêm Gốm sứ cổ – Nghề chơi lắm gian nan

Xem thêm Học làm gốm Việt kiểu Nhật

Xem thêm Gốm & sắc men của trời xanh

Xem thêm Nét & Hồn của hoa văn gốm

Xem thêm Trở lại làng gốm

Xem thêm Gốm Nhân và nghệ sĩ gốm Bạch Văn Nhân

Xem thêm Gốm Raku của Khưu Đức

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Nguyễn Đình

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more