Lifestyle / Du lịch

Du lịch châu Âu: Trải nghiệm đi “săn” cực quang của tôi!

Tôi đã từng mê mẩn khi được đứng ngắm cực quang ngay ngoài ban công nhà mình. Trong khoảng 15 phút thứ ánh sáng xanh (đôi khi là cả hồng, tím) ảo diệu nhảy múa liên tục trên bầu trời phương Bắc.

Cách dễ dàng nhất để tôi có thể mô tả nó, là giống như cảm giác lần đầu tiên bạn thấy một chiếc cầu vồng hay một ngôi sao băng, nhưng nó mạnh mẽ hơn thế gấp 10 lần! Đó là một may mắn không phải ai cũng có được, nhất là khi cái tên cực quang hay northern lights/aurora borealis đã nhanh tróng trở thành trải nghiệm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới trong vài thập kỷ qua.

Săn cực quang khi nào? Làm thế nào để săn được nó?

Rất khó trả lời chính xác đó là khi nào, bạn chỉ có thể xác định được vị trí tốt nhất để ngắm nhìn cực quang. Và thật may mắn, chúng xuất hiện thường xuyên nhiều hơn bạn nghĩ!

Trải nghiệm săn cực quang - 01Cực quang là hiện tượng quang học có đặc trưng là những dải sáng nhiều hình thù khác nhau nhưng chuyển động và thay đổi liên tục, trông như những dải lụa trên bầu trời.

Vùng cực quang tương ứng với vòng bắc cực (arctic circle) – có nghĩa là bạn có thể nhìn rõ và đẹp nhất khi tới các nước Nauy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Iceland, Bắc Siberia, Alaska và Bắc Canada.

Nhiều người bạn đi du lịch châu Âu mạo hiểm nói với tôi họ hy vọng sẽ nhìn thấy thứ ánh sáng xanh ảo diệu của phương Bắc khi họ tới Scandinavia. Nhưng thực ra không có sự đảm bảo nào cả, không có quy luật nhất định nào để biết có cực quang hay không, chỉ có những yếu tố sẽ giúp bạn dễ dàng nhìn ngắm cực quang hơn như: ánh sáng, mây có che phủ không và sự liên quan của thời gian. Bởi vậy người ta mới gọi là đi “săn” cực quang, tức là cần thời gian, cần sự đợi chờ, kiên nhẫn để tìm kiếm và quan sát “con mồi”.

Trải nghiệm săn cực quang - 02Trong thiên văn học, cực quang là một hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh.

Để nhìn được cực quang, trời cần phải tối. Ở những khu vực dân cư thưa thớt, ít ánh sáng của đèn điện bạn sẽ nhìn cực quang rõ hơn. Còn nếu bạn ở một nơi có nhiều ánh sáng nhân tạo, hãy tìm một vùng tối hơn để xem trọn sự trình diễn tuyệt vời của ánh sáng xanh. Trời quang mây tạnh là điều kiện lý tưởng để xem cực quang, và tất nhiên điều này thì không thể dự đoán được trước. Vậy nên hãy cầu nguyện điều may mắn nếu bạn tới đây.

Đôi khi cực quang chỉ hiện thị trong vài phút, đôi khi kéo dài tới 3 giờ… và bạn cũng không bao giờ biết trước được điều này. Có một trang web dự đoán cực quang là www.aurora-service.eu nhưng chỉ có thể dự đoán được độ mạnh/yếu của cực quang trong một khoảng thời gian chứ không thể chỉ rõ cho bạn chỗ nào cực quang mạnh hơn hay yếu hơn để bạn có thể tới xem. Từ tháng 9 tới tháng 3 là thời gian tuyệt vời để bắt đầu  hành trình săn cực quang.

Trải nghiệm săn cực quang của tôi!

Tôi không rõ vì sao, nhưng người Nhật thích Northern Lights. Họ, đa phần ở độ tuổi trung niên, sẵn sàng thách thức với bóng tối và các lạnh giá của mùa đông arctic chỉ để ngắm thứ ánh sáng xanh nhảy múa trên bầu trời trong khoảng khắc của một vài tích tắc.

Trải nghiệm săn cực quang - 03Nhìn như một chú quái vật khổng lồ màu xanh, ánh sáng điện cũng không nhằm nhò gì.

Tháng 10, phía Bắc Nauy trời đã chuyển sang mùa đông, buổi tối trời lạnh 0 độ. Nếu không mặc đủ ấm, đội mũ và đeo găng tay, bạn sẽ không có đủ kiên nhẫn và sức khoẻ để đợi chờ cực quang. Tôi kiểm tra trên website dự đoán về cực quang, rồi mang máy ảnh, chân máy vào trong khu hồ ở gần trung tâm thành phố.

Cũng có hôm chúng tôi thuê xe tự lái và lái xe khoảng 30 – 45 phút đồng hồ để tới những vùng tối, thoáng và thường xuất hiện cực quang hơn, ở đó tất nhiên sẽ là nơi lý tưởng để một bức ảnh về cực quang hoàn hảo ra đời.

Trải nghiệm săn cực quang - 04Thường thì cực quang không cố định hình dáng nào cụ thể mà thay đổi biến hoá liên tục trên bầu trời.

Một trong những hiệu ứng đẹp nhất của Northern Lights là khi chúng nhảy múa trên bầu trời, di chuyển và thay đổi dạng thức trong một khoảng thời gian ngắn. Sẽ rất khó để bạn nhìn thấy được điều này bằng một bức ảnh. Thường thì thứ ánh sáng này như ma thuật vậy, nó đổi hướng và đổi hình dạng liên tục, đôi khi là dạng cầu vồng, lúc thì thành vòng tròn, lúc thì rực lên như đống lửa, và cũng có lúc chẳng có hình thù nào rõ ràng cả, chỉ như những đám mây xanh kỳ lạ. Chúng thường di chuyển khá nhanh, một cách đầy ngẫu nhiên và khó đoán định. Mỗi lần thấy cực quang tôi lại như bị thôi miên không thể nói được gì ngoài mở ngoác miệng ra đầy kinh ngạc. Nếu có âm thanh gì đó phát ra, có lẽ chỉ là “wow” lặp đi lặp lại. Rồi có khi chỉ kéo dài trong khoảng 15 phút, chúng tan biến như sự biến mất của những bà tiên trong truyện cổ thần kỳ, không dấu vết, không chút gì còn đọng lại phía trên bầu trời đen.

Trải nghiệm săn cực quang - 05Chụp ảnh cực quang trong một công viên tự nhiên giữa thành phố.

Xe buýt ở đây hoạt động tới 12 giờ đêm, có nghĩa là ngoài tự lái xe, đi bộ bạn cũng có thể bắt một chuyến xe buýt hướng về phía Bắc thành phố để săn tìm cực quang.

Lần đầu tiên nhìn thấy chúng, tôi mất khoảng vài tiếng đồng hồ để xoa dịu những dây thần kinh trước khi có thể chìm sâu vào giấc ngủ. Thật không thể tin được tôi đã nhìn thấy chúng. Mọi thứ xảy ra nhanh tới độ tôi cảm tưởng như không có ranh giới nào giữa mơ và thực. Cách dễ dàng nhất để tôi có thể mô tả nó, là giống như cảm giác lần đầu tiên bạn thấy một chiếc cầu vồng hay một ngôi sao băng, nhưng nó mạnh mẽ hơn thế gấp 10 lần!

Trải nghiệm săn cực quang - 6Cực quang trên mặt biển

Mẹo bỏ túi cho bạn:

Khi du lịch châu Âu, 4 thành phố tuyệt nhất để tới thăm và săn cực quang cùng nhiều hoạt động thú vị khác trong mùa đông là:

1. Reykjavik, Iceland

2. Tromso, Nauy

3. Abisko, Thuỵ Điển

4. Ivalo, Phần Lan

Để chắc chắn bạn sẽ có cơ hội cao để nhìn thấy cực quang khi tới những thành phố này, bạn hãy:

1. Sử dụng thông tin từ bản đồ về cực quang trên ‘Auroral Activity by Solar Rotation’ map để lên kế hoạch cho chuyến đi. Việc lên kế hoạch có thể lên trước đó khoảng 1 tháng.

2. Sử dụng tra cứu thông tin qua trang web www.aurora-service.eu vào thời điểm sát ngày bạn tới.

3. Đừng quên kiểm tra chỉ số mây, quang đãng và quan sát những nơi phù hợp (không có quá nhiều ánh sáng đèn…)

4. Những ngày rằm trăng rất sáng, nó có thể khiến việc quan sát và chụp cực quang khó khăn hơn.

5. Đặt trước để được hưởng lợi về giá từ các chuyến bay và khách sạn.

Tham khảo một tour du lịch đi ngắm cực quang tại Nauy: http://www.norway-travel.com/

— 

Xem thêm

Trải nghiệm cả châu Âu chỉ bằng một tour du lịch Pháp

Du lịch Puerto Rico – Những ngày nắng đẹp

Du lịch Châu Âu – Hái dâu dại giữa rừng Na Uy

Nhóm thực hiện

Linh Phan (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)