Pháp đứng đầu châu Âu và đôi khi là đứng đầu thế giới về phát triển nông nghiệp, công nghiệp hàng không, công nghiệp chế tạo ô tô, công nghiệp sản xuất hàng hoá xa xỉ, ngành du lịch và năng lượng hạt nhân. Thú thật, khi nhắc đến nước Pháp tôi không hề nghĩ đến một nền kinh tế vững mạnh và tăng trưởng đến chóng mặt như vậy. Bởi đến du lịch Pháp bạn sẽ thấy nước Pháp chậm rãi và lãng mạn vô cùng. Họ sẽ dành cả ngày dài tản bộ và ngồi cafe tán gẫu hay chăm chú say sưa vẽ một bức tranh phong cảnh hơn là lao đi vội vàng trong ga tàu điện để kịp giờ làm. Cá nhân tôi cảm nhận một sự sâu lắng và hoài cổ đến kỳ lạ ở đất nước này. Người Pháp làm sao hối hả bằng người Đức, làm sao hiện đại bằng người Hà Lan. Về thái độ sống, người Pháp làm sao lạnh lùng như người Anh, nhưng cũng chẳng thân thiện đến xuề xoà như người Tây Ban Nha. Chỉ có một điểm đặc trưng duy nhất mà chẳng dân tộc nào có được, đó là chất nghệ sĩ, sự điềm tĩnh và tinh tế. Đứng ngoài cuộc đua về kinh tế dường như chỉ dành cho những nhà chính khách, người dân Pháp sống mãi với quá khứ. Sự hoài cổ hiện hữu trong từng sinh hoạt hằng ngày, trong từng bộ cánh họ khoác lên người, trong từng sự kiện văn hoá, thậm chí trong từng cử chỉ, dáng điệu.
BÀI LIÊN QUAN
Để tôi nói cho bạn nghe một ngày sống như một người Pháp thực thụ là như thế nào. Hãy vứt bỏ hết những cuốn cẩm nang du lịch Pháp bỏ túi và bỏ qua mọi địa điểm mà theo như các anh chàng tour guide nói là cần – phải – đến. Nước Pháp đẹp hiện hữu, đẹp không cần tranh cãi nhưng qua cảm nhận của mỗi người, vẻ đẹp ấy lại được thiên biến. Với cá nhân tôi, nước Pháp đẹp trong sự cũ kỹ đặc trưng không nơi nào có được.
Văn hóa chợ đồ cũ
Mọi sinh hoạt của người Pháp đều dường như được diễn ra từ hàng ngàn năm nay. Brocante (thường được dân Việt Nam quen gọi là chợ đồ cũ) là một trong những nét văn hoá đặc trưng của người dân Pháp. Chợ đồ cũ là nơi mua bán trao đổi đồ đã qua sử dụng. Những món đồ được bày bán chủ yếu là đồ gia dụng. Người bán có thể là bất kỳ ai. Đôi khi bạn du lịch Pháp có thể mua được một bộ tách uống trà tuyệt đẹp và hợp ý từ chính người hàng xóm của mình. Hoạt động này thường được tổ chức vào ngày Chủ nhật và trong những dịp lễ kỷ niệm. Ban đầu, chợ đồ cũ họp với quy mô nhỏ giữa các hộ dân trong khu với nhau. Dần dần, hoạt động này được nhân rộng và xuất hiện những người buôn đồ cũ chuyên nghiệp. Buôn bán đồ cũ dần trở thành nghề kiếm sống. Nhiều nhà buôn đồ cũ chọn cuộc sống trên những chiếc xe nhà kéo rong ruổi khắp chiều dài nước Pháp để họp chợ lưu động ở bất cứ đâu họ đi qua. Đây cũng là sân chơi yêu thích của những nhà buôn đồ cổ và những người có thú chơi “đồ cổ lỗ” này. Nếu thực sự quan tâm và chịu khó “lục lọi” bạn có thể tìm thấy những món đồ cổ thật sự quý giá có tuổi đời đến hàng trăm năm với một mức giá không thể hời hơn.
Một góc “lộn xộn” đặc trưng của những phiên chợ brocante.
Mỗi năm hàng nghìn hội chợ đồ cũ lớn nhỏ được họp tại thành phố Lille và Amiens chỉ tính vào trung tuần tháng 9 đủ để thấy văn hoá mua bán trao đổi đồ cũ được ưa chuộng như thế nào. Ngoài ra, hầu như mỗi thành phố đều có riêng một sự kiện họp chợ đồ cũ đặc trưng của mỗi vùng.
Có thể liệt kê ra một vài hội chợ mà bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ khi du lịch Pháp:
1. Chợ đồ cũ của thành phố Lille tụ họp hơn 10.000 gian hàng trên 100 km vỉa hè được tổ chức vào tháng 9 hàng năm
2. Chợ đồ cũ tại Amiens thu hút 2.000 gian hàng chuyên nghiệp lẫn không chuyên được tổ chức 2 lần/năm
3. Hội chợ ở Leyment có hơn 1.700 gian hàng trải dài trên 20 km vỉa hè họp thường niên từ năm 1978 đến nay
4. Hội chợ tại thành phố Toulouse là sân chơi của hơn 1.200 nhà buôn và cả nghệ nhân truyền thống gặp gỡ nhau trong không khí hồ hởi và cởi mở với tinh thần bán như cho. Ở đây mục đích thương mại không quan trọng bằng cơ hội đàm đạo với nhau về đồ cổ.
5. Hội chợ của thành phố Strasbourg (nơi được mệnh danh là thủ đô Giáng sinh của châu Âu) là một trong những hội chợ nổi tiếng nhất, là nơi bạn có thể tìm thấy những sản phẩm truyền thống đặc trưng của vùng Alsace
6. Hội chợ tại Pre-Saint-Gervais kết hợp cả văn hoá ẩm thực vùng miền vô cùng độc đáo
Người dân Pháp yêu thích những món đồ “cũ kỹ” đến mức nhiều gia đình dành cả kỳ nghỉ dài chỉ để rong ruổi hết các chợ đồ cũ trên toàn nước Pháp thay cho những chuyến nghỉ dưỡng hạng sang.
Kiến trúc gothic hoài cổ
Phong cách thời trang cổ điển
Nước Pháp là biểu tượng thời trang của thế giới. Điều đó không cần bàn cãi nữa.
Bên cạnh London, Milan và New York, Paris là một trong những kinh đô thời trang với những nhà mốt nổi tiếng đã thành huyền thoại và dòng Haute couture đã trở thành đế chế. Nền công nghiệp thời trang xa xỉ bắt đầu từ thời vua Louis XIV và nhanh chóng gây sức ảnh hưởng to lớn đến nền thời trang thế giới. Hoàng gia Pháp tạo nên gu thời trang cho cả châu Âu. Chính thuật ngữ “haute couture” có nguồn gốc từ Paris từ năm 1860. Thậm chí được bảo hộ bởi luật pháp mang trong nó những quy chuẩn hà khắc về tầng lớp thời trang quý tộc.
BÀI LIÊN QUAN
Đến ngày nay, những cô gái Pháp vẫn mang một vẻ đẹp, tác phong và phong cách thời trang lịch lãm đặc trưng. Màu son đỏ, mái tóc buông thả hay búi lên một cách lộn xộn, đôi giày bệt màu đen, chiếc quần jeans hơi sờn, chiếc áo lụa cachemire phóng khoáng, khoác ngoài là chiếc áo trench coat huyền thoại, những cô gái Pháp họ luôn như vậy từ bao năm nay. Người Pháp dẫn đầu xu hướng ăn mặc của thế giới nhưng tất cả đều lấy cảm hứng từ những món đồ từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Đó là những món đồ kinh điển không bao giờ hết mốt mà họ đã mặc và chắc chắn sẽ luôn luôn mặc chúng. Bởi nó đã tạo nên phong cách Pháp khó lẫn lộn và chẳng dễ gì bắt chước.
Nghệ thuật bác học và đại chúng
Du lịch Pháp, như tôi đã rất thường xuyên phải cảm thán lên rằng “người Pháp ai cũng là nghệ sĩ”. Họ phóng tác nghệ thuật mọi lúc mọi nơi. Nghệ thuật đại chúng hay nghệ thuật đường phố có khi còn đặc sắc và muôn màu hơn nghệ thuật bác học hàn lâm. Vẻ đẹp nghệ thuật kiểu Pháp thì nhất định phải là vẻ đẹp hoài cổ.
Người Pháp thích đi xem nhạc kịch, thích nhảy cổ điển, văn nghệ tạp kỹ, nghe opera và đặc biệt thích thú với những buổi diễn đường phố đầy ngẫu hứng. Những ca khúc từ thập niên 60s cứ vang lên đầy cảm hứng, được thể hiện bởi những chàng nghệ sĩ râu kẽm đầu đội mũ bê rê trên người khoác chiếc gilet có thể là kỷ vật của người ông quá cố, tay cầm đàn guitar say sưa phiêu cùng điệu nhạc.
Tựu trung lại, nước Pháp thực sự là nguồn cảm hứng hoài cổ bất tận của những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất từ hội hoạ đến thi ca. Nếu bạn là người luôn nặng lòng với quá khứ và say mê với những gì “cũ kỹ” thì Pháp là điểm đến không thể bỏ qua.
—
Xem thêm
Trải nghiệm cả châu Âu chỉ bằng một tour du lịch Pháp
Nhóm thực hiện
Loan Phùng (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)