Bỏ qua bối cảnh kỳ vĩ đã xuất hiện trong phim Avatar tại Trương Gia Giới, tôi lên tàu rồi đổi xe tới thẳng Phượng Hoàng cổ trấn vì tò mò. Không phải bởi thành quách bên sông (nếu bạn dịch chuyển nhiều ở Trung Hoa, đặc biệt là ở vùng Giang Nam sẽ thấy các cổ trấn đều gần giống như nhau) mà vì muốn xem đây có thực là thánh địa của cổ dược hay không. Trong các truyện kiếm hiệp và phim cổ trang, dải đất Hồ Nam trải xuống Vân Nam nổi tiếng là nơi có nhiều bộ tộc và môn phái dùng độc. Quả thực khi bước xuống chân thành ngắm nhìn dòng sông lấp lánh màu đỗ xanh, tôi nhớ đến điệu bộ phóng khoáng và xinh đẹp của Lam Phượng Hoàng, nữ giáo chủ Ngũ Tiên Giáo vừa chèo thuyền vừa ca hát đi tìm Lệnh Hồ đại ca của mình. Dòng Đà Giang này là huyết mạch của cổ trấn, cũng là nơi lưu giữ nhiều dấu tích cổ xưa. Ban đầu Phượng Hoàng chỉ là một thành cổ nằm ở một phía bờ sông, người dân thường ra sông tắm giặt. Sau này, khi thành mở rộng, phía đối diện trở thành một con phố những cửa hiệu, quán bar tấp nập. “Hậu trường” ấy khiến những cây cầu đá, bức phù điêu, tượng điêu khắc… ở phía bên kia trở thành các địa điểm chụp hình tuyệt đẹp. Dòng sông trở thành một điểm nhấn du lịch nổi bật cho cổ trấn.
BÀI LIÊN QUAN
Sương khói thành cổ
Thành Phượng Hoàng là một bảo tàng sống về văn hóa, kiến trúc với tuổi đời hơn một ngàn ba trăm năm. Các trầm tích hóa thạch, tòa lâu, hợp viện, đền đài… dọc theo tường thành được bảo tồn khá tốt từ thời nhà Minh. Vốn là một thành lũy quan trọng nhất ở vùng biên giới phía Nam, Phượng Hoàng đã trải qua nhiều biến động lịch sử, các cuộc xung đột sắc tộc và trở thành một tòa thành có văn hóa pha trộn giữa người Hán và người Miêu.
Một trong những điểm đặc trưng của cổ trấn này là phong cách kiến trúc “phượng hoàng”, được thể hiện trong cách xây dựng các hợp viện, nhà ở và những cây cầu lớn. Cầu Hồng Kiều ở trung tâm cổ trấn là một biểu tượng của phong cách này. Hồng Kiều là một cây cầu được xây dựng năm 1615 như một căn nhà lầu dài, gồm hai tầng lầu bắc qua sông Đà. Cột cầu vẫn được giữ nguyên từ thời nhà Minh đến nay với các hoa văn được khắc chìm. Mái cầu được lợp ngói cổ âm dương dày dặn, đầu mái cong vút kiêu hãnh như phượng hoàng. Kiểu kiến trúc này ngày nay vẫn thịnh hành ở cổ trấn. Các căn nhà mới xây, thậm chí là chung cư cũng ưa chuộng kiểu mái này.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn ngắm kỹ mái phượng hoàng thì có thể ghé thăm cố cư của nhà văn Thẩm Tùng Văn và “Đoạt thúy lâu” (nhà triển lãm, phòng tranh) của danh họa Hoàng Vĩnh Ngọc. Cùng với Hồng Kiều, đây là hai điểm tham quan thu vé trong cổ trấn. Các điểm tham quan khác bao gồm từ đường của các đại gia tộc nay đã trở thành bảo tàng hoặc phòng trưng bày.
Trong “Biên thành”, Thẩm Tùng Văn đã khắc họa trấn Phượng Hoàng đẹp như một bức tranh thủy mặc, chậm rãi, yên tĩnh và mong manh. Cố cư của ông có bốn hợp viện ngăn cách nhau bởi một giếng trời. Đây vốn là phủ đề đốc Quý Châu triều Thanh, ông tổ của nhà văn. Các tòa lâu cao hai tầng, mái phượng hoàng, cửa sổ khắc hoa xinh xắn và cổ kính. Qua năm tháng, những dải thường xuân đã vươn cao bám chặt vào các khung cửa, mái ngói, lặng lẽ thả mình xuống dưới. Khi tôi đến, trời đã chớm Đông bảng lảng, cây lá đã ngả vàng, tứ hợp viện đẹp đến mơ màng. Tiết trời sương khói rất hợp với vẻ cổ kính của Phượng Hoàng. Bước vào “Đoạt thúy lâu” ngắm nhìn những bức tranh mực cỡ lớn, các bức hoành phi vẽ thư pháp của Hoàng Vĩnh Ngọc được trưng bày trong từ đường, tôi có cảm giác như mình đang xuyên không về một thời gian khác. Nhưng màn biểu diễn hoành tráng tại điểm đến tiếp theo đã kéo tôi về hiện tại.
Phòng tranh của danh họa tranh mực nho nổi tiếng này nằm trong khuôn viên điện Vạn Thọ. Nằm dưới chân cầu Hồng Kiều, điện Vạn Thọ được xây dựng khá công phu và rộng lớn như một không gian văn hóa dành cho người dân. Bước qua cửa là một sân khấu kịch cao tầng. Đối diện là một khán phòng lớn dành cho các vị trưởng giả. Tôi bị thu hút bởi màn trống trận dồn dập và tiếng khèn lusheng với trống gỗ. Đó là các điệu múa dân gian của vùng này, kết hợp giữa văn hóa của người Hán và Miêu tộc. Cũng chính vì thế, tôi quyết định sẽ đến Miêu trại với mong muốn được lắng nghe tiếng khèn lusheng một lần nữa.
Đường vào Miêu trại
Tại trung tâm cổ trấn, bạn có thể gặp rất nhiều phụ nữ người Miêu bán đồ mỹ nghệ lưu niệm hoặc cho thuê trang phục để du khách chụp hình. Hình ảnh này gợi nhớ đến Sapa bởi thực chất người Miêu ở đây và người H’mong vốn cùng chung một gốc. Khác chăng, người Trung hoa xưa phân biệt sắc tộc H’mong ra làm hai: nhóm đã đồng hóa với người Hoa và nhóm còn hoang dã sống biệt lập trong rừng. Ban đầu tôi không hiểu được khái niệm này, chỉ nghĩ là cách gọi mỗi nơi mỗi khác. Nhưng sau khi trải nghiệm hành trình leo núi, lên thác xuống ghềnh đi thuyền lênh đênh trên hồ nước lớn để vào được Miêu trại, tôi mới thấm thía được ít nhiều.
Từ cổ trấn đi xe bus khoảng 30-40’, tôi đến một khu làng cũ. Đến đây bắt đầu hành trình đi thuyền qua hồ Chiyou xanh mướt, lướt qua hai bên đồi núi trập trùng đến cửa động Tiaoyue. Xưa kia, đây là nơi Miêu tộc ở. Phía trong động là một khoảng giếng trời có một thác nước lớn, cảnh rất trữ tình. Đó là nơi trai gái Miêu tộc tình tự vào các đêm trăng sáng mùa Xuân và Trung thu. Điệu múa mời bạn tình của người Miêu cũng chính là tên động – Tiaoyue (nghĩa là Nhảy múa đêm trăng) cũng gần giống với các điệu múa khèn của người H’mong tại chợ tình Khâu Vai. Ngày nay điệu múa ấy không còn được biểu diễn ở động Tiaoyue nữa bởi Miêu trại đã rời sâu vào trong núi. Và tôi tiếp tục men theo đường núi cheo leo chỉ rộng khoảng 60cm, bám sát vào vách đá đến một đường hầm. Từ chân hầm chỉ thấy chút ánh sáng leo lắt trên đỉnh. Khi leo lên, thảng hoặc tôi nghe thấy tiếng hát vừa hào sảng khuyến khích vừa du dương gọi mới. Đến đỉnh, tôi rất ngạc nhiên khi đó là tiếng hát của các em bé người Miêu, còn nhỏ tuổi mà giọng đã vang vọng và hào sảng đến thế thật khiến người ta sảng khoái sau chặng đường dài. Sau này tôi mới biết đó gần như là một tố chất của tộc Miêu. Họ đi thuyền vượt thác, leo núi vào hang đều ca hát rất vui vẻ.
Đỉnh núi là khu chợ phiên của người Miêu, còn nơi sinh sống của họ nằm sâu phía trong lòng hồ. Tôi tiếp tục lênh đênh trên thuyền thêm khoảng 20 phút thì đến nơi. Từ dưới lòng hồ nhìn lên, các căn nhà sàn nằm rải rác lẩn khuất giữa các vách đá và rừng cây. Dẫu có vài căn nhà gạch song vẻ hoang dã vẫn còn đậm nét. Đến đây, người hướng dẫn viên dặn chúng tôi không được chụp ảnh. Vừa đi anh vừa chỉ một số loài thảo dược chữa rắn cắn, bò cạp chích… cũng không ngại ngần kể các câu chuyện có thật về việc nuôi các độc vật hay dùng bùa vẫn còn hiển hiện trong các làng người Miêu.
BÀI LIÊN QUAN
Đi du lịch để mở rộng thế giới
Ai trong chúng tôi cũng có cảm giác hồi hộp cho đến khi các cô gái người Miêu xuất hiện. Trang phục của họ rất hút mắt. Tai đeo lủng lẳng đôi vòng bạc rất lớn gần bằng chum rượu, quấn quanh mình chiếc váy dài thêu hoa đủ màu sặc sỡ, thắt dây lưng nhiều màu đi trong gió thổi tung bay rất hút mắt. Trên người họ đeo các lục lạc bằng bạc, đi đến đâu reo vui tai đến đấy, vô cùng phóng khoáng. Ở cổ trấn cũng có những hình ảnh giống vậy, nhưng ở giữa núi rừng, các cô gái Miêu tộc trở nên lộng lẫy và lấp lánh hơn. Đó có lẽ là vẻ đẹp nguyên bản, vừa hoang sơ vừa kiêu hãnh như chim phượng hoàng đang chuẩn bị cất cánh bay lên trời.
—
Xem thêm
Mông Cổ – Xứ sở của vó ngựa & thảo nguyên
Tìm hiểu phong tục đón Tết của Nhật, Hàn, Thái, Trung Quốc, Philipines và Indonesia
Du lịch Trung Quốc: 6 điểm đến trong mơ
Nhóm thực hiện
Bài: Dạ Thương, Ảnh: Vương Quốc (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)