Lifestyle / Du lịch

Một vòng các bảo tàng tìm hiểu về lịch sử Việt Nam

Không có cách nào để hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam bằng việc tham quan các bảo tàng từ Nam đến Bắc.

Bảo tàng Dân tộc học – Không gian đồng điệu

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 1

Ra đời 1997, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện là một trong những điểm đến hoàn hảo để khám phá và tìm hiểu một cách khái quát nhất về cộng đồng 54 dân tộc Việt, cùng những dân tộc khác thuộc khu vực Đông Nam Á và thế giới thông qua hệ thống hiện vật, hình ảnh, phim tư liệu, các không gian kiến trúc… Tất cả được sắp đặt, phân bố, nối kết hài hòa, tạo nên sự đồng điệu đầy hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh với du khách tham quan.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 2

Ba phân khu trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đưa người xem vào ba thế giới tách biệt, đầu tiên là tòa nhà Trống Đồng, nơi trưng bày đề tài về cộng đồng 54 dân tộc Việt. Tính dân tộc thể hiện rõ qua từng cụm hiện vật được phân mảng, theo đề tài từ đời sống thường nhật đến hoạt động tâm linh, đồ dùng truyền thống. Mỗi hiện vật thể hiện một đặc tính cụ thể về mỹ thuật, không gian, thể hiện đậm nét ở các khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với từng dân tộc.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 3

Không gian trưng bày ở tòa nhà Trống Đồng được sắp xếp theo bố cục 8 nhóm gồm: Việt – Mường, Tày – Thái, Hán, Tạng – Miến, H’mông – Dao, Kađai, Nam Đảo, Môn – Khơme. Không gian mở nơi sân vườn bảo tàng là khu vườn kiến trúc dân gian gồm 10 công trình nhà ở của các dân tộc như Việt, Chăm, Bana, Êđê, Hà Nhì, Tày, Dao, H’mông… được chính cộng đồng tạo dựng theo nguyên bản, tạo nên một sự tập hợp đa dạng để người xem dễ dàng phân định và cảm nhận những nét văn hóa đặc thù dựa trên không gian sống và sinh hoạt của từng dân tộc qua kiến trúc nhà ở.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 4

Điểm nhấn nổi bật ở cả kiến trúc lẫn nội dung trưng bày hiện nay của bảo tàng là tòa nhà Cánh diều, chính thức khai trương từ 30/11/2013 – nơi trưng bày văn hóa cư dân các dân tộc Đông Nam Á và hiện vật của các nhà nghiên cứu, sưu tập tư nhân dành tặng cho bảo tàng gồm: Dân tộc học loại hình châu Á (GS. Kaneko Kazushige, Nhật Bản), Tranh kính Indonesia (TS.Rosalia – Sciortino, Ý), và Một thoáng văn hóa thế giới (GS. Lê Thành Khôi, Việt kiều Pháp).

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 5

Những hiện vật đậm nét văn hóa dân gian hòa hợp vào không gian đương đại, sự tương phản ấy đã tôn lên giá trị và nêu bật tính hoa mỹ trong văn hóa đa dạng của các dân tộc. Sự tiết chế trong bài trí, chú thích rõ ràng, khoảng cách tiếp cận gần gũi, và lối sắp đặt theo tổng thể để người xem có điều kiện hình dung về từng không gian sống cụ thể, tất cả tạo nên sự liền mạch xuyên suốt để người xem có thể nghe – nhìn – tương tác, tạo nên không khí sống động chung trong các phân khu trưng bày. Sự đồng điệu giữa dấu ấn của văn hóa dân tộc và không gian hiện đại góp phần đưa Bảo tàng Dân tộc học trong danh sách nhóm dẫn đầu các bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 6

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 7

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 8

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Kiến trúc mang phong cách Đông Dương

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 9

Bên cạnh bộ sưu tập đồ sộ, với 15 hiện vật thuộc danh mục “Bảo vật quốc gia” như thạp Đào Thịnh, trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ (thuộc văn hóa Đông Sơn), chum gốm hoa lam vẽ thiên nga (thời Lê sơ)… chính bản thân kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng là một giá trị nghệ thuật bởi sự hòa trộn, giao thoa đặc biệt giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Tiền thân của tòa kiến trúc này là Bảo tàng Louis Finot – tên gọi vị giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ – do người Pháp xây dựng từ 1926, và ngay từ khi hình thành đã trở thành một biểu tượng của kiến trúc bảo tàng trên toàn cõi Đông Dương bởi vẻ đẹp khác lạ, bề thế cùng những hiện vật sưu tầm độc đáo. Đã gần trăm năm tồn tại, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn giữ nguyên vẹn giá trị xưa, là điểm đến hấp dẫn để khám phá nét đẹp về kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa, lịch sử dân tộc Việt từ những ngày đầu của thời kỳ dựng nước.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – kể chuyện đời về giới

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 10

Câu hát chầu văn cùng những giá đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu thoát khỏi không gian đền – phủ, mảng chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, đôi quang gánh chợ quê hòa vào đương đại nhờ sự kết hợp của trưng bày, hội họa, trình diễn, sắp đặt cùng âm thanh, ánh sáng, biến không gian bảo tàng trở thành một “sân khấu” đầy thú vị.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 11

Những chi tiết kể trên chỉ là một phần trưng bày rất nhỏ trong tổng số 25.000 hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – một bảo tàng với rất nhiều bước đột phá, từ không gian trưng bày đến cách chọn đề tài, giới thiệu hiện vật bằng ngôn ngữ đa phương tiện, khách tham quan tương tác trực tiếp với hiện vật thông qua từng câu chuyện cụ thể, tạo nên sự kết nối giữa hiện vật và người xem.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 12

Lấy ví dụ là mảng sắp đặt hình ảnh chân dung, phim tư liệu, hiện vật trưng bày, trong câu chuyện sử dụng xe máy Chaly vượt 35.600km qua 63 tỉnh thành để họa lại chân dung người mẹ Việt Nam của họa sĩ Đặng Ái Việt từ 2010 – 2012. Không gian trưng bày khiến người xem choáng ngợp với mảng chân dung bởi số lượng, và cảm phục tinh thần của người họa sĩ bởi sự “mong manh” nhỏ bé từ chiếc xe, đến chặng đường chinh phục và kết quả là những bức họa chân dung thật đặc biệt, gói trọn trong đó là tình cảm, tình yêu của người họa sĩ đến các mẹ Việt Nam anh hùng.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 13

Xuyên suốt qua các không gian trưng bày ở bảo tàng dù ở đề tài cuộc sống, tôn giáo, dân tộc, ngành nghề, sự sáng tạo… đều gắn liền với lịch sử Việt Nam, vấn đề giới, nhân học xã hội. Các cuộc sắp đặt, trưng bày đã vượt khỏi khuôn phép, giới hạn của lối trưng bày hiện vật chết (hiện vật tủ kính), vốn rất dễ tạo nên sự buồn tẻ, nhàm chán cho bảo tàng. Không gian tưng bừng, rộn ràng, tươi vui, đầy sức sống chính là bầu không khí chung ở khắp các gian trưng bày theo chủ đề Phụ nữ trong gia đình, trong lịch sử và phụ nữ với thời trang. Những bước đột phá của Bảo tàng Phụ nữ đã tạo một luồng sinh khí mới, một lối tư duy mới trong lĩnh vực bảo tàng, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, trở thành bảo tàng ăn khách nhất Hà Nội hiện nay.

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 14

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 15

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 16

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 17

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – kho tàng mỹ thuật Việt 

Mot vong cac bao tang tim hieu lich su Viet Nam 18

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sở hữu các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực hội họa, điêu khắc, gốm sứ với số lượng hiện vật trưng bày lên đến hơn 2.000 ở các mảng đề tài mỹ thuật từ tiền sử – sơ sử, mỹ thuật thế kỷ XI – XIX, mỹ thuật thế kỷ XX – nay, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật dân gian… với nhiều hiện vật độc bản như tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Bảo vật quốc gia), cùng tác phẩm hội họa của những tác giả tên tuổi trong làng mỹ thuật Việt như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh… Hành trình khám phá mỹ thuật Việt ở bảo tàng dẫn dắt người xem theo trình tự từ quá khứ đến hiện tại. Những biến thiên, đột phá của nền mỹ thuật Việt Nam được diễn giải bằng hiện vật, tác phẩm cụ thể một cách khái quát, gần gũi ở các phòng trưng bày, xứng đáng là kho báu của nền nghệ thuật tạo hình, là địa chỉ văn hóa dành cho người yêu thích các giá trị mỹ thuật Việt mọi thời đại.

—-

Xem thêm

Bảo tàng của búp bê – hoài niệm hình ảnh người Nhật một thời

Kiến trúc Đông Dương – Giữ bước thời gian

Bảo tàng, nhất định phải có

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)