Tôi bay đến Đà Lạt và ngủ lại ngôi nhà cổ đường sắt một đêm, sớm hôm sau khi chim bắt đầu hót líu lo ngoài vườn kèm theo ánh sáng xiên qua ô cửa sổ là lúc tôi bắt đầu thuê chiếc xe máy của người dân và nhìn bản đồ đi men theo con đèo Dran xuống Phan Rang. Vùng đất này từng là kinh đô Panduranga của Vương quốc Champa cổ, nhiệt độ thay đổi dần từ trên đèo, nóng bức và khó chịu hơn đôi chút. Khi đến thành phố cũng đã sập tối, tôi nghỉ tại một khách sạn, tối lọ mọ đi ăn. Những món ăn vỉa hè ở nơi đây khá rẻ và rất ngon, vì nơi này không phát triển nhiều về du lịch nên mọi thứ không bị chặt chém như những nơi du lịch sầm uất và chuyên nghiệp khác.
Khu mộ đá người Chăm
Sáng hôm sau tôi gửi ba lô đồ đạc lại khách sạn, chỉ cầm theo máy ảnh với tâm trạng đầy háo hứng khám phá những văn hóa nơi đây. Nơi tôi mong mỏi đến nhất là mộ của người Chăm tại xã Văn Lâm. Vẻ đẹp nguyên thủy của nét đẹp văn hóa người Chăm vẫn tồn tại không chỉ trên những bộ quần áo mà rõ nhất đó là trên những ngôi mộ đá mộc mạc xù xì theo năm tháng. Người Chăm Ninh Thuận – Bình Thuận có hai nhóm chính phân theo tín ngưỡng là Chăm Ahier (Chăm Bàlamôn) và Chăm Awal (Chăm Bàni).
Tôi hỏi người dân và tìm đến nghĩa trang làng Văn Lâm nằm trên bãi cát rộng mênh mông, xung quanh là cây xương rồng chi chít. Điều đặc biệt nhất như đã nói, đó là hàng ngàn viên đá xếp trên mặt cát thành những hàng dài có dự tính nhất định. Những hòn đá tượng trưng bia mộ không khắc tên tuổi nhưng những gia đình vẫn nhận ra đâu là người của gia đình mình.
Tôi ngồi đây hàng giờ không biết chán, nhưng có vẻ nơi đây âm thịnh dương suy, tâm linh cũng có nên ở lại lâu là điều tối kỵ, trời cũng đã có mây đen, có vẻ sắp có cơn mưa để làm cho những ngôi mộ nơi đây dường như thanh khiết hơn. Quay lại thành phố Phan Rang, tôi nghỉ ngơi để lấy đà cho chuyến đi sáng sớm mai.
Những chú cừu
Hỏi đường đến thôn An Hòa – xã An Xuân, được một người bạn cho biết trang trại ông Hòa Tiên là nơi nuôi nhiều cừu nhất tại đây, có hơn 1.000 chú cừu đẹp vô cùng. Thăm hỏi mãi mới thấy trang trại nằm sâu trong con đường đất vắng hoe. Lúc đó là 8h sáng, những chú cừu được lùa lên núi vì đàn cừu số lượng lớn, những bãi cỏ nhỏ xung quanh chuồng không đủ cho chúng ăn nên người chăn cừu phải lùa chúng lên đồi, lên núi để có những tràng cỏ hoang còn rậm rạp trên đó.
Tôi đi theo người dân chăn cừu khoảng hai đến ba km gì đó. Dưới đất, mặt trời như thiêu trụi mọi thứ, khói bay mù mịt như sương mù của rừng núi phương Bắc, nhưng cái khác ở đây là do 1.000 chú cừu tạo ra. Chúng hôi chẳng khác nào con bò con dê cả, lông thì trụi sạch và nham nhở vì khí hậu không tốt cho việc nuôi lông. Chúng dừng lại ở bãi cỏ rồi cùng nhau cúi đầu xuống gặm, bứt những ngọn cỏ xanh mơn mởn rồi nhồm nhoàm nhai trong miệng thực sự đẹp và hấp dẫn tôi như đang được xem một bộ phim sống động đến không ngờ.
Phan Rang là vậy đó, ngoài nắng và gió còn lưu giữ lại những thứ tuyệt vời như mộ đá của người Chăm hay những đàn cừu trắng. Đến đây chẳng khác nào lạc vào một nước khác của Việt Nam, nơi không thể không đến một lần.
Xem thêm những điểm đến hấp dẫn khác
>> Mai Châu Ecolodge – Điểm đến xanh cho hè rộn ràng
>> Sơn Đoòng – kỳ quan lộng lẫy
>> 9 điểm đến du lịch không thể bỏ qua
Nhóm thực hiện
Bài & ảnh: Đoàn Mạnh