Thành phố Venice – Bức tranh hoàn hảo
Có rất nhiều bài viết tả về Venice, nhưng chỉ khi thật sự đặt chân đến đây, lang thang trên từng con phố nhỏ, bạn mới hiểu được trọn vẹn vẻ đẹp của thành phố này. Gọi là thành phố nghệ thuật không hề sai, vì bất kỳ một hình ảnh nào của Venice cũng có thể trở thành một bức tranh hoàn hảo.
Thành phố Venice trong tôi
Hình ảnh những con thuyền dập dềnh trên sóng nước. Trời xanh, biển xanh và cả màu xanh ánh mắt cô thiếu nữ vùng Địa Trung Hải duyên dáng đến say lòng.
Là thành phố của bình yên, của những buổi sáng đón nắng mặt trời lung linh trên biển hòa cùng tiếng hát của những người thủy thủ, của những đôi vợ chồng già thong thả tận hưởng thời khắc chậm trôi để biết rằng cuộc đời còn mong gì ngoài hạnh phúc và an nhiên.
Lạc lối ở Venice, tìm đến những ngôi nhà trong hẻm hóc, những ngóc ngách nho nhỏ từ đường bộ đến đường thủy, khơi gợi lên những cuộc khám phá vô định dành cho những người tìm kiếm phiêu lưu.
Hòa nhập vào cuộc vui đường phố, nơi những nghệ sĩ say sưa biểu diễn khúc vĩ cầm, hoặc những bảo tàng nghệ thuật, nơi tập trung những nam thanh nữ tú thanh lịch nhất xứ này để cùng chia sẻ đam mê về nghệ thuật. Khám phá kiến trúc nhạc viện Palazzo Pisani cùng những sáng tác nghệ thuật sắp đặt được trưng bày ở những hành lang quanh co như lạc vào một mê cung kỳ bí hòa cùng những cung nhạc khi trầm khi bổng.
Biennale lần thứ 56
Bản thân Venice đã là một kiệt tác nghệ thuật của thiên nhiên và bàn tay của con người, và Biennale, một trong những triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới diễn ra ở Venice, cũng là nơi thu thập giới thiệu những kiệt tác nghệ thuật của con người, từ nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, đến điện ảnh, âm nhạc, khiêu vũ, và sân khấu.
Năm nay, Biennale lần thứ 56, diễn ra từ 9 tháng 5 đến 22 tháng 11, như mọi khi, thu hút hàng trăm nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Đến nơi đây, bạn phải dành cho mình thời gian ít nhất là 3 ngày để có thể chiêm ngưỡng tất cả những tác phẩm trưng bày tại đây. Chiêm ngưỡng là một lẽ, còn phải đủ thời gian để cảm thấu những thông điệp nghệ thuật mà người nghệ sĩ muốn truyền tải.
Mỗi nước có một pavillon riêng, và đều có những cách thể hiện rất riêng, rất nghệ thuật.
Với tác phẩm The Key in the Hand của Chiharu Shiota, Nhật Bản đưa con người quay trở về với câu hỏi mang đậm tính karma, chúng ta từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu qua hình ảnh những sợi chỉ đỏ đan xen chằng chịt cùng những chiếc chìa khóa treo lủng lẳng. Một chiếc thuyền gỗ, chìa khóa vàng, chỉ đỏ, bóng hắt trên tường, trên mặt sàn, tất cả hòa quyện vào nhau huyền ảo và ma mị.
Hàn Quốc chọn kênh Multichannel film, The ways of folding space & Flying của Moon Kyungwon và Jeon Joonho để diễn tả những hình ảnh mang tính chủ nghĩa vị lai. Điều đó cũng thể hiện mong ước của con người vượt qua những vật cản vật thể để đạt đến những gì không tưởng nhất.
Khu trưng bày của Canada khiến người xem có cảm tưởng như bước vào một siêu thị cũ với logo Loto Quebec và những món hàng ngày trước mà giờ đây hiếm khi xuất hiện trên thị trường. Qua khỏi khu siêu thị là một xưởng vẽ cũ với những ống lon đổ nhiều màu sơn xếp chồng chất tạo thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Dường như ý đồ của tác giả là để chúng ta có thể nhìn thấy nghệ thuật ở bất kỳ nơi đâu, tồn tại dưới bất cứ phom dáng hay định dạng nào, từ một vỏ hộp bình thường nhất.
Ngoài ra còn có những tác phẩm nói về sự sống, về nhân quyền, về sự bình đẳng giữa con người và con người, về thiên nhiên, từ vĩ mô đến vi mô.
Hãy chuẩn bị cho mình một thiết bị chụp ảnh với bộ nhớ cực đại, dù là máy chụp hình chuyên nghiệp hay chỉ là chiếc điện thoại smartphone, bởi vì tôi chắc chắn rằng bất cứ ở nơi nào của Venice, bạn cũng có thể lưu lại những ký ức đẹp nhất cho chính mình.
—
Xem thêm:
Du lịch Ý – Lãng đãng chiều Milan
Du lịch Paris – Những ngày thơm mùi cà phê & bánh nướng
Bài & ảnh: Lynn Nguyễn