Gốm – tâm hồn của những nền văn minh

Đúc gốm là một trong những ngành công nghiệp cổ xưa nhất trên thế giới. Loài người, đặc biệt là ở những vùng châu thổ của các con sông lớn, đã sớm phát hiện ra đất sét khi nhào với nước cho dẻo và đốt trong lửa sẽ trở thành các vật dụng hữu ích. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy, vùng Trung Đông, Lưỡng Hà nơi xuất hiện mô hình sản xuất nông nghiệp đầu tiên, cũng là nơi gốm xuất hiện sớm nhất. Sau hàng chục nghìn năm phát triển, gốm giờ đây không chỉ là một ngành công nghiệp gia dụng, mà còn được ứng dụng trong công nghệ và trở thành các tác phẩm nghệ thuật.

Bình đựng nước với quai hình rồng đời Tống (Trung Hoa)
Bình đựng nước với quai hình rồng đời Tống (Trung Hoa)

Hành trình của kỹ thuật

Từ 24.000 năm trước Công nguyên, những bức tượng hình động vật và người đã được nặn từ đất sét và các vật dụng khác, rồi nung trong những lò đào sâu dưới đất. Những kỹ thuật thô sơ cơ bản đó được duy trì suốt 10.000 năm, cho đến khi những cộng đồng người đã được hình thành, nhu cầu xây dựng nhà cửa xuất hiện và người vùng Lưỡng Hà, Ấn Độ phát minh ra gạch lát. Tất cả vẫn còn hết sức đơn giản và thô sơ. Cho đến khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, những chiếc bình, chum, vại dùng để dự trữ nước và thực phẩm bắt đầu xuất hiện, cùng lúc với gạch nung.

Việc phát minh ra gốm giúp loài người giải quyết được rất nhiều nỗi lo lắng. So với kim loại và đá, đất sét dễ tìm thấy hơn, dễ dàng tạo hình hơn, và có khối lượng nhẹ hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, đây là một vật liệu bền, chống ẩm tốt và dễ sản xuất. Để tạo ra được sự nhẵn nhụi cho gốm, những người thợ làm gốm cổ đại đã đánh bóng bề mặt của đất sét bằng đá hoặc gỗ cứng trước khi nung. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, gốm được nung trong lò nướng thông thường, dễ bị vỡ, dễ ám màu khói và bề mặt không chống thấm nước tốt. Đất nước nổi tiếng với đồ gốm, Nhật Bản, cũng là một trong những nơi sớm xuất hiện nghề gốm. Trong giai đoạn Jomon (12000 đến 8000 năm trước Công Nguyên), những người thợ gốm tại Nhật đã sáng tạo ra những chiếc bình, chậu bằng gốm với cấu trúc khá cầu kỳ và hoa văn phức tạp. Điều thú vị là cái tên Jomon chỉ cả một giai đoạn lịch sử này trong tiếng Nhật nghĩa là “vết dây thừng”, mô tả việc những người thợ đã sử dụng dây thừng lăn lên đất sét ướt trước khi nung để tạo thành hoa văn trên thành gốm.

1.Venus of Dolní Věstonice - Bức tượng gốm cổ nhất từng được khai quật (Czech) 2.Đèn dầu thời Ai Cập cổ đại 3.Chậu gốm Jomon (Nhật Bản) 4.Bình gốm đen cổ đại (Trung Hoa).
1.Venus of Dolní Věstonice – Bức tượng gốm cổ nhất từng được khai quật (Czech) 2.Đèn dầu thời Ai Cập cổ đại 3.Chậu gốm Jomon (Nhật Bản) 4.Bình gốm đen cổ đại (Trung Hoa).

Người Ai Cập cổ đại và người Trung Đông đã trở thành những người đầu tiên phát triển gốm lên một bước mới. Trong giai đoạn 5000 năm đến 4000 năm trước Công nguyên, với phát minh ra bàn xoay và cách xây lò mới, người Ai Cập đã sản xuất gốm với quy mô lớn phục vụ cho nhu cầu xây dựng và sinh hoạt của mình. Họ đã tìm ra cách để nung gốm trong lò nóng hơn, tách sản phẩm ra khỏi củi đốt lò để không bị ám khói. Men gốm được phát hiện nhờ việc nung quá lửa một số vật liệu, và giúp gốm trở nên hữu dụng hơn nữa trong đời sống hàng ngày. Các sản phẩm gốm của họ nhờ thế cũng bền hơn và vẫn còn nhiều di tích nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Trong khi đó, người Trung Hoa cổ đại đã bắt đầu sản xuất những đồ gốm màu đen với hoa văn đơn giản. Khoảng 1000 năm trước Công nguyên, người vùng này đã sử dụng bàn xoay và cải tiến men gốm để đạt tới một trình độ cao hơn.

Tuy nhiên, phải đến khi người Hy Lạp nâng cấp công nghệ nung thành ba bước (Bước một: Vừa nung vừa mở lò, cho phép cả phần nền và phần sơn chuyển sang màu đỏ; Bước hai: Nung với lò đóng kín, nhiệt độ cao hơn, biến cả phần nền và phần sơn chuyển sang màu đen; Bước ba: Mở cửa lò cho lò nguội dần, phần sơn giữ màu đen và phần nền chuyển về màu đỏ). Những bình gốm được nung với nhiệt độ cao lên tới 950 độ C này rất bền (rất nhiều sản phẩm còn tồn tại đến ngày nay), biến gốm Hy Lạp trở thành loại gốm tiên tiến nhất so với gốm của tất cả các nền văn minh khác đương thời. Và tất nhiên, đây cũng là loại gốm nghệ thuật nhất với những hoa văn đỏ, đen, và trắng miêu tả lại đời sống, tín ngưỡng con người trong xã hội này.

1.Bình đựng thời Jomon (Nhật Bản) 2.Sản phẩm gốm nền đen họa tiết đỏ (Hy Lạp) 3.Bình đựng gốm (Maya) 4.Bình gốm đỏ họa tiết đen (Hy Lạp)
1.Bình đựng thời Jomon (Nhật Bản) 2.Sản phẩm gốm nền đen họa tiết đỏ (Hy Lạp) 3.Bình đựng gốm (Maya) 4.Bình gốm đỏ họa tiết đen (Hy Lạp)

Sự phát triển của gốm chưa bao giờ dừng lại ở tất cả các nền văn minh. Cho đến khoảng thế kỷ I trước Công nguyên, gốm đã là một ngành công nghiệp tương đối hoàn thiện. Các sản phẩm từ gốm cũng hết sức đa dạng (chum vại để dự trữ, chậu rửa, bình đựng chất lỏng, nồi chế biến thực phẩm cũng như chén, bát, ly, tách). Tuy nhiên, phải đến thế kỷ thứ VIII, gốm mới được buôn bán như một mặt hàng lớn. Trước đó, các xưởng gốm chỉ bán sản phẩm của mình tại chợ với hình thức nhỏ lẻ, và năng suất của các lò gốm cũng không mấy đáng kể.

Nét mỹ thuật bừng nở

Kể từ khi mới phát minh ra gốm, loài người đã coi các sản phẩm này không chỉ như vật dụng thông thường, mà còn là tác phẩm sáng tạo thực sự. Các chậu đựng thời Jomon cho đến nay vẫn còn khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc về sự cầu kỳ trong cách làm quai xách và tay cầm. Với sự xuất hiện của men gốm và bước phát triển vượt bậc của kỹ thuật nung, nghệ thuật với gốm thăng hoa. Hàng loạt loại màu men được các nghệ nhân gốm nghiên cứu và cải tiến, biến gốm thành một dạng thể khác của hội họa và điêu khắc. Từ việc chỉ muốn tạo ra các sản phẩm dùng trong sinh hoạt đời thường, con người đã biến gốm thành các tác phẩm trang trí ở cả quy mô lớn (như gạch lát phòng và lát tường có mặt rất sớm tại khu vực Trung Đông) và nhỏ (bình hoa, tượng, gác đũa…).

1.Chum có nắp (Ai Cập cổ đại) 2.Gạch trang trí tường khoảng thế kỷ XVI (Trung Đông)
1.Chum có nắp (Ai Cập cổ đại) 2.Gạch trang trí tường khoảng thế kỷ XVI (Trung Đông)

Các sản phẩm gốm Hy Lạp là nơi lưu lại những câu chuyện thần thoại, vẽ hình các vị thần, chiến binh và hoạt động ngày thường. Những nghệ nhân của nền văn minh Maya cũng đã sớm thể hiện mong muốn chinh phục tự nhiên và tín ngưỡng của mình qua các hoa văn trên gốm. Trong khi đó, bất chấp chiến tranh liên miên trong nhiều thế kỷ, hội họa trên gốm cũng trở thành một phần văn hóa Trung Hoa. Mỗi quốc gia châu Âu lại có một hướng phát triển riêng với đồ gốm của mình. Không chỉ dừng lại với việc vẽ hoa văn trên gốm, các nghệ nhân còn biến chúng thành những công trình điêu khắc thực sự.

Cho đến thời điểm này, gốm đã trở thành một dòng nghệ thuật riêng. Ngay cả khi gốm được sản xuất hàng loạt, vẫn không gì thay thế được cái hồn và sự tỉ mỉ của một nghệ nhân với sản phẩm gốm. Sự thành công về mặt mỹ thuật của một sản phẩm gốm được xây dựng từ hình dáng, kỹ thuật tráng men, màu men, sự kết hợp hài hòa giữa các sắc màu, sự tinh tế và sức mạnh truyền cảm từ họa tiết, và cả thông điệp của người nghệ sĩ truyền tải qua tác phẩm của mình.

Xem thêm Gốm sứ cổ – Nghề chơi lắm gian nan

Xem thêm Dạo “chợ Kiều” xem gốm sứ cổ – kim

Xem thêm Học làm gốm Việt kiểu Nhật

Xem thêm Gốm & sắc men của trời xanh

Xem thêm Nét & Hồn của hoa văn gốm

Xem thêm Trở lại làng gốm

Xem thêm Gốm Nhân và nghệ sĩ gốm Bạch Văn Nhân

 

Nhóm thực hiện

Tuyển chọn & Biên tập: Nguyễn Danh Quý - Từ Phương Thảo - Phương Thủy Bài: Hà Thanh - Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)