Nét & Hồn của hoa văn gốm

Nhiều sản phẩm gốm bán trên thị trường hiện nay được ưa chuộng bởi các thương hiệu đã kết hợp khéo léo những kỹ thuật truyền thống Việt Nam và các kiểu hoa văn tinh tế, dịu dàng, mang tinh thần Zen. BTV ELLE Decoration đã thâm nhập vào thế giới tinh thần của nghề vẽ gốm.

ellevn-decor-feature-gom-1

Đã từ lâu, những người yêu gốm đều say mê màu men gốm của thương hiệu Authentique (hiện có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh), nhất là độ chìm nổi tinh tế mà những người pha màu phải khéo léo và hiểu rõ điều mình muốn thể hiện trên gốm là gì. Màu men và xương gốm khi thì là một, khi thì tách khỏi nhau, tạo nên một chiều sâu của mỗi họa tiết. Độ chìm nổi của màu men khiến gốm mang cái thần, cái hồn khác hẳn với những đồ sứ công nghiệp (khi xương gốm được tráng men, họa tiết được in lên hàng loạt rồi lại được phủ một lớp men khác).

Những sản phẩm sau khi lấy ra khỏi khuôn, được vuốt cho bề mặt thật mịn, rồi sau đó được đưa đến với những người vẽ gốm. Ở đây, sẽ có hai cách để vẽ gốm. Cách thứ nhất là vẽ trên men rạn (màu chàm, ít đất pha trong màu), nhúng men, vẽ rồi mới nung. Cách thứ hai là vẽ màu lên xương gốm, để màu thấm vào gốm, rồi mới nhúng men và nung. Phải có nhiều kinh nghiệm, người ta mới biết được cách pha màu với đất ra sao, nồng độ thế nào, để khi nung xong, màu trên gốm hiện ra đúng theo ý họ.

 

Những họa tiết tinh tế trên các sản phẩm gốm.
Những họa tiết tinh tế trên các sản phẩm gốm.

Thiện, cô gái trẻ hiện đang quản lý sản xuất, đưa chúng tôi đi một vòng quanh xưởng gốm tại ngoại ô Sài Gòn, cho biết vẽ gốm là một công việc vừa dễ nhưng cũng vô cùng khó. Những người muốn theo đuổi nghề này sẽ được rèn luyện trong ba tháng và sau đó bắt đầu thực hành trên xương gốm thật. Tuy nhiên, phải mất hàng năm trời họ mới được vẽ các họa tiết phức tạp. Và để có thể vẽ được những mẫu họa tiết mới, phức tạp, họ có thể phải trải qua cả thập kỷ đi theo nghề.

Chị Đoàn Minh Phượng, người sáng lập thương hiệu từng viết rằng: “Ai xem tranh cũng biết rằng cái hồn của bức vẽ nằm ở nét, và hồn của tranh nằm ở sự tương tác của các lớp màu với nhau và với nền của tranh”.

Và vẽ gốm, cũng theo đúng tiêu chuẩn đó.

Gốm có thể coi là một loại “giấy” đặc biệt, xương gốm cứng, nhưng lại có độ thấm nhất định. Cái tinh tế của việc vẽ gốm chính là việc biết độ thấm của xương gốm, của mực vẽ đến đâu. Việc chọn loại mực vẽ nào cũng gây ảnh hưởng đến việc cách người ta vẽ lên gốm. Độ chìm nổi tinh tế của màu với men, sự tương tác của chúng là cái hồn của gốm. Thế nên, Thiện cho biết không phải cứ học mỹ thuật, biết vẽ trên giấy là có thể vẽ gốm, bản thân cô cũng bỏ cả nghề kiến trúc mình từng theo đuổi mà tới đây, ngồi học vẽ như một người mới bắt đầu, để rồi tình yêu với gốm giữ cô ở lại với xưởng của Authentique.

 

Khung cảnh và không khí tại xưởng gốm (Thủ Đức, Sài Gòn) .
Khung cảnh và không khí tại xưởng gốm (Thủ Đức, Sài Gòn) .

Là sản phẩm thủ công, không có sản phẩm gốm nào giống hệt nhau. Thiện cho biết đó cũng chính là điều mà cô thấy thú vị nhất ở vẽ gốm. Là người kiểm soát chất lượng sản phẩm, cô dần dần quan sát được cá tính riêng của mỗi người thợ vẽ: “Cũng là bông hoa ấy, nhưng có người vẽ nét thanh hơn, có người vẽ nét mạnh hơn, chỉ chút xíu thôi, nhưng cũng tạo nên tính cách của từng món đồ”.

Và tất nhiên, dù là một kiểu họa tiết, nhưng màu sắc của từng đợt sản phẩm cũng có cái riêng. Ngoài nồng độ của màu, thì cả việc chọn men phủ lên và độ nóng của lò cũng tạo ra sắc thái riêng của các sản phẩm. Tất nhiên, chính sự biến thiên liên tục, tạo ra được vẻ đẹp đa dạng, cái hồn riêng của mỗi món gốm ấy lại đi kèm với những rủi ro, không phải thử nghiệm nào cũng thành công.

 

Khung cảnh và không khí tại xưởng gốm (Thủ Đức, Sài Gòn) .
Khung cảnh và không khí tại xưởng gốm (Thủ Đức, Sài Gòn) .

Trở vào phòng khách, cô đặt lên trên bàn một chiếc bình họa tiết bách hoa, lấy cảm hứng từ một chiếc áo cưới kết đầy hoa. Đây là một trong những mẫu họa tiết đang được nhiều khách hàng yêu thích.

Đoàn Thành Nghĩa, người đã đi học nghề gốm cả ở Bát Tràng, Lái Thiêu, Bình Dương nói rằng người nghệ sĩ mỗi năm có thể tạo ra hai mẫu vẽ gốm đã là rất thành công rồi. Mẫu vẽ phải có cái duyên khi áp lên gốm, và để biết điều đó, chỉ có một cách là thử. Người sáng tác mẫu hoặc tự vẽ mẫu, hoặc phải trao đổi với thợ vẽ chính để vẽ thử lên xương gốm, sau đó còn phải trải qua nhiều lần điều chỉnh để tìm được một bố cục, một họa tiết ưng ý, hài hòa. Khi mẫu vẽ đã hoàn thành, chỉ có người thợ chính mới được thực hiện nó trên gốm. Khi đã thành thục, họ sẽ dạy lại cho những người thợ phụ.

 

Khung cảnh và không khí tại xưởng gốm (Thủ Đức, Sài Gòn) .
Khung cảnh và không khí tại xưởng gốm (Thủ Đức, Sài Gòn) .

Đã gần 20 năm có mặt tại Sài Gòn và trở thành cái tên được chú ý của nhiều khách du lịch, nhưng Authentique đang muốn hướng nhiều hơn đến thị trường trong nước. Vy Huỳnh, phụ trách quản lý kinh doanh tại đây cho biết, Authentique đang dần hướng đến việc tạo ra những mẫu họa tiết trẻ trung hơn. “Người ta nói đến gốm thì nghĩ đến một không gian rất truyền thống, thế nhưng, chúng tôi muốn tìm ra sự hòa hợp giữa gốm của mình với những không gian rất hiện đại”.

Xem thêm Gốm sứ cổ – Nghề chơi lắm gian nan

Xem thêm Dạo “chợ Kiều” xem gốm sứ cổ – kim

Xem thêm Học làm gốm Việt kiểu Nhật

Xem thêm Gốm & sắc men của trời xanh

Xem thêm Trở lại làng gốm

Xem thêm Gốm Nhân và nghệ sĩ gốm Bạch Văn Nhân

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy - Ảnh: Phương Thủy, nhân vật cung cấp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)