Kiến trúc tâm linh ở Chợ Lớn nhìn chung chịu ảnh hưởng mạnh của cộng đồng người Hoa đa phần mang tôn giáo chính là Phật giáo, Lão giáo, nên sự hiện diện của một ngôi thánh đường hẳn là điều lạ. Do phục vụ cộng đồng người Hoa nên rất nhiều yếu tố đậm nét văn hóa Á Đông được đưa vào công trình. Từ ngay cổng vào của nhà thờ được xây theo lối tam quan, nóc ngói âm dương, phần chính diện mang hình cây thập tự, hai bên là cặp cá chầu – một biến thể của kiểu thức “lưỡng long triều nhật” trên nóc mái hội quán, miếu vũ Chợ Lớn. Tên gọi của thánh đường nơi cổng chính cũng được phiên thành tiếng Hoa, dịch nghĩa là Phương Tế Các Thiên Chủ Đường, mặt đối xứng nhìn từ phía trong là bức đại tự Thiên Ân Dương Dật (ơn trên đầy tràn). “Phương Tế Các” chính là từ phiên của Franciscus Xaverius, tức thánh Francis Xavier.
BÀI LIÊN QUAN
Đường cong hội quán Phước Kiến
Mặt chính diện của nhà thờ Cha Tam với tòa tháp chính cao vút, bố cục các chi tiết trang trí đối xứng gồm cửa sổ, ô hộc, cột trụ cân đối, sử dụng nhiều đường cong hình cung nhọn, xen kẽ là cột trụ lớn nhỏ, kết nối theo phương đứng liên hoàn, tạo liền mạch, chặt chẽ trong kiểu thức Gothic. Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy mặt tiền Gothic ấy có nét Việt khi sử dụng búp sen nở trên ba cặp nóc trụ từ thấp lên cao. Dưới phần mái dốc của đỉnh tháp nâng thập tự, mang khối bát giác có 8 cửa sổ lấy ánh sáng trời, dưới đó là đồ hình vuông đặt tượng thánh bổn mạng Francis Xavier. Sự kết hợp hình học này ứng theo nguyên tắc Âm – Dương, ngũ hành, với Tứ Tượng – Bát Quái trong Kinh Dịch. Những chi tiết đậm đặc triết lý Á Đông của Việt – Hoa, hòa trộn khéo léo vào kiến trúc Tây Âu, tạo nên một công trình độc nhất vô nhị trong kiểu thức xây dựng thánh đường vùng Chợ Lớn.
Một sự hòa trộn Á – Âu khác ở nhà thờ Cha Tam chính là hệ liễn đối, đại tự sơn son thếp vàng mang ý nghĩa răn dạy tín hữu sống “tốt đời – đẹp đạo” được trang trí khắp công trình. Từ cửa chính, bên dòng đại tự Phương Tế Các Đường là đôi liễn: “Tư đạo thánh nhân cơ thiết mộ vô hưu hà nan tác thánh – Thị môn thiên thượng lộ hằng hành mạc chỉ khả vọng đăng thiên” (tạm dịch: Đạo của thánh nhân phải không ngừng theo đuổi mới được nên thánh – Đường đến cửa trời phải đi không ngừng mới hy vọng được lên nước trời).
Gian cung thánh cũng mang nhiều chi tiết khác biệt, với trên đỉnh thập tự ở chính giữa là chữ Phước, 4 cột sơn son phân cách không gian hoàn toàn không gặp ở các công trình kiến trúc Gothic nào khác, trên hai hàng cột son có đôi liễn ghi: “Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện – Thiên hương vĩnh phúc phương năng suy thiện tâm”, (dịch nghĩa: Vinh hoa hư ảo cõi trần không thể mãn nguyện lòng người – Tâm luôn hướng thiện mới là hạnh phúc quê trời vĩnh cửu).
BÀI LIÊN QUAN
Đã qua hơn trăm năm tồn tại, nét kiến trúc khác lạ của nhà thờ Cha Tam vẫn là một điểm nhấn đẹp trong kiến trúc của cộng đồng người Hoa vùng Chợ Lớn bởi sự hòa hợp Việt – Hoa và Tây Âu, nay không chỉ là điểm hành hương của người mộ đạo, mà còn là điểm tham quan của lữ khách trong và ngoài nước khi muốn tìm hiểu và khám phá muôn mặt vẻ đẹp kiến trúc Chợ Lớn của Sài Gòn xưa.
—
Xem thêm
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: “Sửa nhà cũng hào hứng vẽ tranh”
Ronan & Erwan Bouroullec: Ngôi sao sáng ngành thiết kế Âu châu
Kiến trúc sư, Nhà môi giới đồ cổ Stefano Vitali: Bình yên ở mái ấm
Nhóm thực hiện
Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE