Sắc men của trời xanh

Hầu như ai yêu đồ gốm cũng sở hữu ít nhất một món đồ mang màu xanh nền trắng, và “trung tâm gốm” nào của thế giới cũng sản xuất ra các sản phẩm mang màu sắc này. Sắc men xanh được tạo ra từ ô-xít cobalt mang lại cảm giác dễ chịu, nhã nhặn và thanh lịch, và có lẽ đó là lý do giúp nó thành màu men được yêu thích nhất.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bằng chứng về màu xanh tô trên gốm đầu tiên từ 2000 năm trước Công nguyên tại vùng Lưỡng Hà, dù chủ yếu ở dạng mực vẽ. Khoảng 5 thế kỷ sau đó, người Ai Cập đã sử dụng ô-xít cobalt để nhuộm đồ gốm. Tuy nhiên, vì phương thức nhuộm này không hiệu quả, màu trên gốm sẽ bị phai theo thời gian. Các thợ gốm đã nghĩ ra cách phủ men lên trên mực. Và đây là phương thức tạo nên gốm xanh trắng duy trì đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 14, gốm sứ xanh trắng mới được hoàn thiện. Đó là khi giao thương đã phát triển, cho phép các “trung tâm gốm” của thế giới có thể gặp gỡ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Màu xanh cobalt vốn là thế mạnh của gốm vùng Trung Đông và tìm được cách kết hợp với xương gốm trắng cùng lớp men trong suốt mịn màng của người Trung Hoa. Gốm xanh trắng vươn đến đỉnh cao với các sản phẩm gạch lát sàn và tường của khu vực Trung Đông, được kết hợp với công nghệ nung sứ (sản phẩm gốm được nung với nhiệt độ cực cao, từ 1.200 đến 1.400 độ C) tại vùng Đông Á.

 

ellevn-decor-dogom-5
1.Ấm trà vẽ tay được sản xuất tại Bát Tràng 2.Đĩa gốm Iran, thế kỷ 13 3.Hộp đựng bằng gốm, Ba Tư 4.Bình gốm Florence (Pháp), thế kỷ 15

Những sản phẩm gốm sứ men xanh trắng nổi tiếng nhất hẳn phải là gốm sứ thời Nguyên và Minh tại Trung Hoa. Đấng vương giả thời Minh rất chuộng màu men này, chính vì thế, hai họa tiết quen thuộc nhất của gốm xanh trắng thời đó là rồng và phượng. Một số hình vẽ khác như hoa lá, động vật và nội sảnh cũng được các nghệ nhân vẽ gốm ưa chuộng. Gốm sứ xanh trắng thời Nguyên – Minh cho đến giờ vẫn là niềm tự hào của người Trung Quốc về sự đa dạng bất tận sắc lam của các sản phẩm.

Đây cũng là loại men sớm nhất được sử dụng tại Bát Tràng, Việt Nam. Ngay từ thế kỷ 14, các nghệ nhân Bát Tràng đã sử dụng ô-xít cobalt làm màu vẽ gốm, và biến nó thành một trong những sắc màu đặc trưng của xứ gốm này, bên cạnh màu men nâu (không cần phải phủ men thủy tinh bên ngoài). Gốm xanh Bát Tràng cũng có nhiều mức độ ngả lam, từ xanh chì đến xanh rất sẫm. Tuy nhiên, nhìn chung, màu xanh lam của gốm Bát Tràng có sắc trầm, nhã nhặn, tương đối khác biệt với màu xanh có phần tươi tắn của gốm sứ Trung Hoa cùng thời.

 

Sắc xanh trắng của gốm mang lại cảm giác mướt mát cho căn phòng.
Sắc xanh trắng của gốm mang lại cảm giác mướt mát cho căn phòng.
Vượt ra khỏi lãnh địa của gốm, màu men xanh được ứng dụng trên nhiều sản phẩm nội thất khác.
Vượt ra khỏi lãnh địa của gốm, màu men xanh được ứng dụng trên nhiều sản phẩm nội thất khác.

Điều đặc biệt là dù đã có một lịch sử phát triển lâu dài như vậy, nhưng sắc men xanh trắng chưa bao giờ lỗi mốt. Cho đến nay, hầu hết các công ty sản xuất gốm đều lựa chọn màu men này để trang trí cho các sản phẩm gốm sứ của mình. Có lẽ, đó là bởi vẻ đẹp của gốm sứ xanh trắng luôn tìm được cách trở nên hài hòa với mọi hoàn cảnh.

Dù ở sắc độ lam nào, màu xanh trắng của gốm sứ cũng luôn gợi nhắc cho chúng ta về màu trời xanh, màu biển, màu của những rặng núi xa xa trong ánh chiều. Sắc xanh được lấy cảm hứng từ những hình ảnh tự nhiên vĩ đại nhất này rất giản dị, nhưng lại không quá mộc mạc như những màu men xuất hiện từ sớm khác như đỏ hay nâu.

Điểm thú vị của gốm sứ men xanh là nhờ sự trung tính trong màu sắc và đa dạng sắc độ của mình, chúng có thể kết hợp với nhiều phong cách nội thất, dù là cổ điển hay hiện đại. Màu xanh lam của gốm sứ cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều nghệ sĩ. Sắc xanh trắng này vượt qua khỏi địa hạt của gốm, trở thành màu sắc được ứng dụng trên nhiều sản phẩm nội thất khác như giấy dán tường, rèm cửa, gối, khăn trải, các tấm lót hay thảm trải sàn.

 

Cả màu sắc lẫn các thiết kế gốm xuất hiện trên gối và sofa.
Cả màu sắc lẫn các thiết kế gốm xuất hiện trên gối và sofa.

 

Màu xanh và trắng của gốm sứ trở thành màu chủ đạo tại khách sạn JK Place (Capri)
Màu xanh và trắng của gốm sứ trở thành màu chủ đạo tại khách sạn JK Place (Capri)

Và tất nhiên, nghệ thuật gốm sứ xanh trắng đã đi vào thời trang. Các nhà mốt như Dior, Roberto Cavalli, Valentino đã lần lượt ra mắt những bộ sưu tập lấy cảm hứng từ gốm sứ xanh trắng, cả ở dòng hàng may sẵn và cao cấp haute couture.

Điều đó góp phần khẳng định khả năng ứng dụng không giới hạn và tính mỹ thuật cao của màu xanh lam gốm. Những họa tiết cầu kỳ như tại vùng Ba Tư hay Trung Hoa, hay tiết giảm hơn như tại châu Âu, mộc mạc hơn như tại Việt Nam vẫn tiếp tục được phát triển và duy trì trong đời sống hiện đại và khẳng định cho sức trường tồn của một màu men xuất hiện từ thời cổ đại.

 

1.Một thiết kế lấy cảm hứng gốm xanh trắng của Roberto Cavalli 2.Một mẫu đầm ren của Valentino
1.Một thiết kế lấy cảm hứng gốm xanh trắng của Roberto Cavalli 2.Một mẫu đầm ren của Valentino

Xem thêm Gốm sứ cổ – Nghề chơi lắm gian nan

Xem thêm Học làm gốm Việt kiểu Nhật

Xem thêm Nét & Hồn của hoa văn gốm

Xem thêm Trở lại làng gốm

Xem thêm Gốm Nhân và nghệ sĩ gốm Bạch Văn Nhân

Xem thêm Gốm Raku của Khưu Đức

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Hà, Phương Thủy - Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)