Thăm một góc Hà Nội rất mộc của kẻ ẩn sĩ
[Tạp chí ELLE Decoration – 12/2015] Lê Hồng Thái là một tên tuổi được coi trọng trong làng nghệ thuật Việt Nam. Những bức sơn mài của anh được nhiều người mến mộ. Tranh màu nước trên giấy dó của anh rất tinh xảo. Và những ý tưởng về lịch sử, xã hội, con người trong thời đại đua chạy được gói ghém trong những tác phẩm của anh được trưng bày ở Pháp, Nhật, Mỹ. Cách đây gần 10 năm, chính phủ Pháp đã trao tặng cho anh huân chương và tước “Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học” (Chevalier des Arts et des Lettres). Thế nhưng, ở Hà Nội chẳng dễ gì mà… tìm thấy anh!
LÊ HỒNG THÁI ĐÃ KHÔNG CÓ MỘT CUỘC TRIỂN LÃM NÀO TRONG NƯỚC TRONG HƠN MỘT THẬP NIÊN
Có chăng là dăm người bạn quý báu có được một vài bức tranh của anh và treo ở văn phòng, cơ sở kinh doanh, hay ở nhà riêng. Còn thì Lê Hồng Thái là một tên tuổi nhiều người biết nhưng ít ai gặp.
Một phần vì anh không cảm thấy gần gũi với giới nghệ thuật mặc dù trước đây anh cũng là bạn thân quen với những họa sĩ, nghệ sĩ ở Việt Nam. Những gì anh nói trong các tác phẩm của mình cũng không phải là cái mà giới làm văn hóa có thể yêu thích. Và Lê Hồng Thái dần dà tránh ra xa. Anh sang bên kia cầu, tạo cho mình một không gian vắng lặng ở một khu đất của Gia Lâm, một góc Hà Nội.
Có thể nói anh là một nghệ sĩ ở ẩn. Không biết anh còn bức xúc với những sự phi lý, những đua chạy vô lối trong xã hội hay không? Cũng không ai biết anh có vẽ gì nữa hay không? Nhưng nếu ai may mắn được anh mời đến nhà, có lẽ người đó sẽ dễ dàng kết luận anh là người tự tại, bình tâm.
.
Hãy bước qua ngưỡng cửa và chậm chân lại với sân vườn trải sỏi rộng mở, từ từ nhìn ngắm hàng trăm cây lá tí hon. Chưa gặp chủ đã thấy không gian nơi đây đầy cái ý thích an nhàn.
Trong 10 năm, vườn và nhà của anh đã thay đổi khá nhiều. Nhưng lần nào cũng có một điểm chung: sự nhẹ nhàng, trang nhã trong màu sơn, chiếc ghế, hay trong cách bài trí đồ vật.
Lúc ban đầu, đây là một căn nhà sàn của người dân tộc H’mong, mang từ Hòa Bình về. So với những nhà sàn khác, đây là một căn nhà khá lớn. Lê Hồng Thái làm một cái hồ, nhà sàn nằm bên trên, chừa lại một khu vực làm xưởng vẽ.
Vài năm sau, căn nhà lại được nâng cao, có thêm các tường gạch bao quanh, và một cái hồ nước hình chữ nhật phía trước. Lê Hồng Thái tinh nghịch đặt trên cao một máy khâu cũ kỹ, rồi làm vòi nước chảy từ trên xuống hồ. Lúc đó, đã thấy cái tinh thần tự nhiên ở người họa sĩ. Cứ để cái máy khâu rỉ sét dần, kệ thôi, không phải trưng bày như một món đồ cổ vô tri. Ở đây, cái máy khâu có tí hài hước, có tí năng động, có linh hồn và cuộc sống với nắng mưa, mây nước.
.
Cái tài tình và óc thẩm mỹ của Lê Hồng Thái còn được bộc lộ qua cách anh ghép các ô cửa kính cũ vào căn nhà sàn thô sơ. Thoạt trông đây có vẽ như là một biệt thự hiền từ đâu đó ở Pháp, hay Tây Ban Nha. Đi qua cây cầu nhỏ thì lại có cảm giác đang thăm một vườn Nhật. Vào trong, lại trở sang Pháp với lò sưởi ở một bên.
.
Nhưng hãy ngước mắt lên, bắt đầu thấy cột, xà, mái phên nứa, v.v… và nhận biết mình đang ở trong một nhà sàn dân tộc. Không gian phòng ăn, phòng khách có sự phân chia, nhưng rất uyển chuyển, chủ nhà, bạn bè muốn ngồi thế nào cũng được, ở đâu cũng thoải mái.
Nhưng lần nào đến nhà Lê Hồng Thái, việc ngồi lâu một chỗ là điều khó khăn. Bước quanh là bắt gặp một cái tủ cổ tuyệt hay, một bình rượu sake, một thanh kiếm, cái đồng hồ từ thuở nào. Cái đèn là lạ, một bức tranh, bồn tắm nằm không phải chỗ mình trông đợi. Sao lại có cái tivi bé tí tẹo nằm trong tường xi? Cửa lên phòng thờ thì chỉ vừa để chui qua chứ không đi qua dễ dàng. Bàn ăn ở bếp thì chạy vòng quanh cột trụ. Sao lại thế?
Lê Hồng Thái là một người thích sưu tập, nhưng anh không trưng bày nhiêu khê. Các đồ vật nằm đây đó, tất nhiên là có sự sắp đặt, nhưng theo một lối tự nhiên, thiếu khoe khoang. Đó là cái thiền của chủ nhà.
Từ khu sinh hoạt tầng dưới đến khu ngủ nghỉ tầng hai, đâu đâu cũng là những góc kỳ thú, những chỗ muốn ngồi xuống, nhặt cuốn sách, với cây đàn, uống cốc trà.
.
Lê Hồng Thái, ẩn sĩ hay họa sĩ? Thiết kế như thế này thì vượt tài của các tay chuyên nghiệp, nhưng lại chẳng khoe khoang hoạnh họe. Cứ thế mà sống. Anh là họa sĩ. Anh là ẩn sĩ. Anh có tư tưởng như một nhà sưu tập quý phái, nhưng phong cách của anh thì bình dị. Anh có khi có vẻ lập dị nhưng cứ nói chuyện một lát thì lại thấy lấp ló cái khiêm nhường. Có khi anh nhanh miệng với những đối đáp sâu xa, có khi anh chỉ cười trầm tư. Anh là triết gia đang luyện võ. Nhạc sĩ đàn đáy tự học, đầu bếp chẳng kém ai. Nhưng sẽ phải có thời gian để biết con người này tường tận hơn.
.
Bây giờ hãy cứ mong ước anh rỗi rảnh, lại cho mình ghé qua ở lại dăm ba hôm, thuê căn nhà mà nghỉ ngơi. Anh vui lại nấu cho buổi cơm thân mật. Và như thế, mình bình thản mà đón nhận cái thiền, cái tự tại của chủ nhà, của kẻ ẩn, của cột gỗ, ghế mộc và cây lá ngây ngô.
.
—
Xem thêm
Căn hộ nhỏ và mối tình lớn với nghệ thuật
Thực hiện: Sarah Nguyễn
Hình ảnh: Lukas Lã
Bài: Nguyễn Quí Đức