Mạc Hồng Quân: “Tôi không nghĩ mình là Việt Kiều”

Liên tục di chuyển, về lại Cộng hòa SÉC để học và thi, nhưng khi có lịch tập trung của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, Mạc Hồng Quân lại có mặt ở Việt Nam. Với anh, Việt Nam sẽ là ngã rẽ mới của sự nghiệp…

Rời Việt Nam lúc 8 tuổi, 21 tuổi – Mạc Hồng Quân trở về và xuất hiện trong đội hình Đội tuyển quốc gia Việt Nam vào thời điểm bóng đá Việt Nam đang ở thời kì khủng hoảng. Ngay lập tức, Quân được chú ý. Với lý lịch “cầu thủ gốc Việt sáng giá nhất tại CH Séc”, gương mặt tài năng có ngoại hình thu hút cùng “gu” ăn mặc khá thời trang này thu hút không ít người hâm mộ trẻ tuổi. Nhiều người xem Quân là “Idol” bóng đá mới. Fanpage của Quân trên Facebook có gần 10.000 người theo dõi, điều khá “hi hữu” với giới vận động viên thể thao Việt Nam.

mac-hong-quan

BÓNG ĐÁ VIỆT NAM CÓ NHIỀU ĐIỀU THÚ VỊ

Anh có muốn tập trung phát triển sự nghiệp bóng đá tại Việt Nam?

Khá nhiều người nói rằng bóng đá Việt Nam kém phát triển hơn so với châu Âu, nhưng bản thân tôi luôn quan niệm mỗi thứ trên đời đều do số phận muốn mang cho tôi một bài học. Bóng đá Việt Nam có rất nhiều điều thú vị mà có lẽ, chẳng nơi đâu ở châu Âu có được. Ví dụ như lần tôi cùng đội tuyển thi đấu tại sân Lạch Tray, hàng nghìn cổ động viên đã vây lấy tôi chỉ để nói một câu động viên. Ở châu Âu, các ngôi sao lớn nhất cũng chẳng mấy người có được những món quà như vậy từ các người hâm mộ để làm động lực cho mình trong sự nghiệp.

Nhiều cầu thủ Việt kiều luôn cảm thấy khó khăn khi hòa nhập, anh có dặn mình phải thận trọng?

Tôi nghĩ, khi tiếp xúc với truyền thông, ai cũng cần phải cẩn trọng chứ không riêng gì cầu thủ Việt kiều. Mà quả thật, tôi lạ lắm, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là… Việt kiều cả, tôi là cầu thủ Việt nên tôi hiểu văn hóa ứng xử của người Việt. Mỗi khi cần phát ngôn gì đấy, tôi luôn lường trước dư luận, CĐV, họ sẽ nghĩ gì về mình nên tôi phải cân nhắc. Khó khăn chắc chỉ là chuyện thời tiết. Ở Séc nhiều năm nên tôi chịu lạnh giỏi chứ khi thời tiết khoảng 28 hay 29 độ C là tôi thấy nóng lắm rồi.

Trong cuộc sống, anh sợ điều gì?

Gia đình và bóng đá là hai điều quan trọng nhất đối với tôi. Nếu chẳng may phải xa gia đình hoặc xa bóng đá, chắc chắn đó sẽ là điều tệ hại nhất và khiến tôi sợ nhất. Tôi thật không dám nghĩ đến những tình huống đó. THẤY LẠ VÌ ĐƯỢC KHEN “RẤT VIỆT NAM” Nhiều người sau khi gặp anh thường nhận xét anh rất Việt Nam.

Anh nghĩ thế nào về lời nhận xét đó?

Thú thực là tôi thấy khá khó hiểu khi được nhiều người mới quen khen là nói tiếng Việt giỏi. Có thể họ nghĩ rằng tôi là Việt kiều, sống ở Séc từ bé nên không nói được tiếng Việt. Thực tế thì năm 8 tuổi tôi mới sang Séc và gia đình tôi vẫn dùng tiếng Việt hàng ngày. Không chỉ chuyện ngôn ngữ mà những thói quen, cách ăn uống của gia đình tôi vẫn được giữ như khi còn sống tại Việt Nam. Vì vậy, ban đầu tôi thấy lạ khi được khen là “rất Việt Nam”. Tôi từng nghe đến câu “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ tìm đến trái tim”. Vì tôi luôn là một người Việt Nam nên lời khen “rất Việt Nam” có lẽ là hơi thừa. Tôi tiếp xúc với một số người bạn của tôi, họ cũng là Việt kiều và khi trở về nước, họ luôn mang một mặc cảm khó hình dung và khó gọi tên… Tôi hiểu ý anh. Tuy nhiên, khi tôi về Việt Nam, tôi không cảm thấy điều gì khác lạ hết. Những ngày đầu tiên lên tập trung cùng Đội tuyển quốc gia, tôi cũng cảm thấy một chút cô đơn. Khi ấy, có thể vì tôi chưa quen các đồng đội nên sau giờ tập luyện, tôi chỉ ở trong phòng học bài và vào Internet, lướt Facebook nên cũng khá buồn. Tuy vậy sau vài ngày, khi đã quen hết mọi người, tôi thấy rất thoải mái và cũng chẳng ai nghĩ tôi là người khác biệt với cả đội chỉ vì mang cái mác Việt kiều.

Vậy khi mới chuyển qua Séc, anh có gặp phải các khó khăn, đối mặt với khoảng cách giữa mình và những đứa trẻ khác?

Khi mới sang Séc, tôi đã gặp khá nhiều khó khăn. Không biết tiếng bản ngữ nên ban đầu tôi chẳng có bạn bè nào bên đó. Phải mất một thời gian dài, tôi mới có những người bạn đầu tiên. Cũng may là ở Srcs, cộng đồng người Việt khá đông và đã hòa nhập tốt, tham gia vào nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế nên người bản xứ không hề có sự phân biệt, kì thị nào dành cho người Việt tại đây cả.

Rốt cuộc, anh đã làm gì để hòa nhập hoàn toàn với đời sống bên ấy?

Đó là bóng đá, bóng đá cũng là thứ ngôn ngữ chung và là sợi dây vô hình kết nối tôi với cộng đồng bên đó trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Từ lúc chưa biết nhiều tiếng Séc, tôi đã gia nhập Câu lạc bộ FK Tachov để tập luyện. Bóng đá mang đến cho tôi nhiều bạn bè hơn và tôi đã học tiếng Séc từ chính các đồng đội thời nhỏ.

Có bao giờ bóng đá khiến anh phải rơi nước mắt?

Tôi nghĩ trên con đường từ một cậu bé trở thành một người đàn ông, bất kỳ ai cũng từng phải khóc và tôi cũng vậy thôi. Hồi tôi 16 tuổi, tôi được ban huấn luyện của đội tuyển U17 Séc chấm vào đội hình dự giải vô địch châu Âu. Nhưng khi tiến hành làm các thủ tục thì tôi phải ra về vì không có quốc tịch Séc. Vào đội tuyển U17 Séc là mơ ước của rất nhiều đồng đội tôi hồi ấy. Trong khi đó, tôi được chọn rồi lại phải ra về. Về nhà, tôi đã khóc khá nhiều. Nhưng đến bây giờ, mỗi khi nhớ đến kỷ niệm ấy, tôi lại thầm cảm ơn ông trời vì nếu không có nỗi buồn đó thì có lẽ, tôi sẽ trở thành một thành viên của đội tuyển quốc gia Séc và không thể có cơ hội thi đấu trong màu áo đội tuyển Việt Nam.

Có vẻ anh là người dễ thích nghi?

Cũng có thể như vậy. Thực ra, tôi xa Việt Nam nhưng tôi không thấy lạ, vì trong 13 năm ở Séc, tôi vẫn có thói quen thường xuyên đọc các tin tức về Việt Nam qua Internet và biết rằng nước mình đang có những bước phát triển mạnh ở một số lĩnh vực. Trong tôi vẫn lưu giữ những hình ảnh, những kỷ niệm về Việt Nam. Tôi nhớ nhất là không khí ngày Tết, nhớ bánh chưng và không khí ấm cúng khi gia đình họ hàng sum vầy.

KHÔNG THỂ XUỀ XÒA VỚI HÌNH ẢNH BẢN THÂN

mac-hong-quan

Trên trang Fanpage của anh, tôi thấy anh rất trau chuốt hình ảnh của mình. Dường như anh ý thức được việc xây dựng hình ảnh một ngôi sao thể thao?

Khá bất ngờ khi thấy anh hỏi tôi câu này. Tôi chưa hề nghĩ rằng mình phải xây dựng hình ảnh bản thân để làm điều gì đó. Tôi cập nhật hình ảnh của mình vì tôi… thích thế mà thôi. Hơn nữa, tính cách tôi vốn thân thiện, cũng chẳng chảnh với ai được, tôi chỉ mong mang đến niềm vui cho mọi người xung quanh. Tôi cũng có quan điểm là một cầu thủ chuyên nghiệp không thể xuề xòa với hình ảnh bản thân. Tôi chỉ chú ý một chút trong việc hình ảnh, cũng như cách ăn nói trong đời sống hàng ngày. Đó cũng là sự chuyên nghiệp cần có trong môi trường làm việc dễ được chú ý như bóng đá. Từ nhỏ, tôi đã được dạy dỗ kĩ lưỡng về việc chú ý đến cách ăn mặc. Giữ áo quần của mình tươm tất cũng là cách bày tỏ sự tôn trọng những người xung quanh. Tôi còn khá trẻ nên thường chọn phong cách hơi “đường phố” một chút. Tuy nhiên, tùy vào từng hoàn cảnh, trang phục mà tôi chọn sẽ khác nhau, miễn là luôn đảm bảo lịch sự, phù hợp, không khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu và bản thân tôi phải thấy thoải mái với trang phục ấy.

David Beckham – thần tượng của anh, ngoài bóng đá ra, có ảnh hưởng đến những khía cạnh nào khác trong cuộc sống của anh?

Ngoài bóng đá, Beckham còn là một người chồng, người cha tuyệt vời. Tôi cũng muốn sau này khi có gia đình, có con thì tôi cũng có thể vừa chơi bóng, vừa dành cho chúng sự quan tâm, chăm sóc như Beckham đã mang đến cho bốn đứa con của anh ấy. Ngoài ra, Beckham còn là một người rất giàu nghị lực. Anh ấy là một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất nhờ luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn. Tôi biết mình sẽ gặp không ít thử thách trong cuộc sống, sự nghiệp và sẽ học Beckham về bản lĩnh và sự kiên định của anh ấy.

Bên cạnh bóng đá, việc duy trì học tập của anh như thế nào?

Tất nhiên, nếu không chơi bóng, học tập là ưu tiên hàng đầu của tôi. Bố mẹ tôi luôn rất coi trọng việc học của tôi và đã “du di” cho khá nhiều lần tôi xin bảo lưu kết quả học để theo đuổi bóng đá. Tôi học cũng không tệ và khá nhất là môn Toán. Trước đây tôi từng học lớp chuyên Toán mà.

Với anh, thế nào là phụ nữ đẹp?

Tôi không kén chọn hình mẫu phụ nữ hay đặt ra tiêu chuẩn nào cả. Nếu có duyên, người đó sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho tôi dù trong mắt người khác, cô ấy không thể không có khiếm khuyết. Với tôi, phụ nữ đẹp là người phải có học thức, giáo dục để biết cách chăm lo cho gia đình.

Anh có chủ đích đi tìm kiếm mẫu phụ nữ tiêu chuẩn như anh nói làm bạn gái?

Như tôi đã nói, chuyện tình cảm là duyên số. Mà một khi đã là duyên số thì người phụ nữ đó không gặp tôi bằng cách này, cũng sẽ gặp bằng cách khác nên tôi không nghĩ là mình phải vội vã đi tìm. Nếu chưa đến lúc thì cố tìm đến mấy cũng vô ích mà thôi.

Nhóm thực hiện

Phỏng vấn: Vĩnh Khang Hình ảnh: Benedikt Renc Stylist: Jan Kra Licek Trang điểm & Làm Tóc: Adriana Bart Osova
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)