Mẫu quý ông: những người dẫn đầu

4 người đàn ông, 4 sự nghiệp tiêu biểu. Sinh ra và lớn lên ở những đất nước khác nhau, Kim Võ, Hưng Huỳnh, Ninh Nguyễn và Minh Bùi đã trở thành những cái tên nổi bật trong lĩnh vực làm đẹp, ẩm thực và thời trang quốc tế. Sự khéo léo, phong cách riêng và trường phái độc đáo của họ được lòng cả người nổi tiếng và giới bình dân, từ Âu sang Mỹ. ELLE Man đã có cuộc gặp gỡ để nghe họ chia sẻ về con đường thành công, và cả về Việt Nam - cội nguồn cảm hứng sáng tạo cho những đôi tay, khối óc tài hoa này.

Mẫu quý ông: những người dẫn đầu
Mẫu quý ông: những người dẫn đầu

Hoa sen, bồ kết và những mái tóc Hollywood

Nhiều người đam mê những kiểu tóc mới mẻ, quyến rũ của Katherine Heigl, Goldie Hawn, Kate Hudson, Mel B… thế nhưng không phải ai cũng biết, tất cả những mái tóc đó đều do đôi tay của Kim Võ tạo hình và nhuộm màu. Kim cũng là người đã tái tạo mái tóc cho Britney Spears sau vụ cạo trọc đầu chấn động Hollywood năm 2007. “Đó là một kỷ niệm khó quên”, Kim nói, “bởi không phải khi nào bạn cũng có thể cùng với một cô gái đi hết chặng đường khó khăn, chứng kiến mái tóc cô ấy mọc lại từng centimet và góp sức làm cho từng centimet đó đẹp trở lại”.

Tuy nhiên, với Kim Võ, sự yêu mến và tín nhiệm của các ngôi sao Hollywood vừa là sự khích lệ, vừa là thử thách. “Bạn đã quen với hình ảnh một ngôi sao suốt hơn 10 năm cùng màu tóc nâu đặc trưng, nhưng nếu bỗng một ngày cô ấy yêu cầu bạn nhuộm tóc vàng thì vấn đề không còn là của cá nhân bạn và ngôi sao đó nữa”, Kim tâm sự. Cả thế giới sẽ “soi” vào mái tóc đó, nếu thành công, hàng ngàn người có thể bắt chước và tán thưởng. Nhưng nếu thất bại, Kim sẽ bị hàng triệu người chế giễu. May mắn thay, kịch bản đó chỉ mới xảy ra trong… ác mộng.

Kim theo họ mẹ, người đã nuôi lớn và ủng hộ Kim trong mọi bước đường trong cuộc sống. Hồi nhỏ, Kim ao ước được làm họa sĩ, để thỏa niềm đam mê nghệ thuật và sở thích phối hợp những màu sắc khác nhau. Năm 12 tuổi, Kim đi làm thêm ngoài giờ tại một tiệm nhuộm tóc để có tiền mua giấy vẽ. Không ngờ, đây lại là một cơ duyên. Kim đã có cơ hội theo dõi các bậc tiền bối sáng tạo với tóc và dần để ý đến công việc này. Năm 18 tuổi, Kim chính thức vào nghề. “Hồi đó mình còn nhỏ, không biết gì, không quen ai, thậm chí được sư phụ dẫn đi phụ làm tóc cho người nổi tiếng mà cũng không biết”, Kim vừa cười vừa kể.

Với đôi bàn tay khéo léo và tinh tế cộng thêm sự cố gắng, nỗ lực và tính chịu thương, chịu khó mà Kim gọi là “đức tính người Việt Nam” thừa hưởng từ mẹ, Kim đã dần nhận được sư yêu mến, không chỉ từ khách hàng mà từ cả các cộng sự. Hiện nay, Kim đã có 17 học trò trẻ cùng làm việc tại Kim Vo Salon ở Beverly Hills và Laguna Beach, Mỹ.

 

kim vo ellevn
Kim Võ cùng các khách hàng nổi tiếng

Mặc dù thường xuyên làm tóc cho các ngôi sao, Kim luôn dành thời gian để phục vụ và trò truyện các khách hàng trong tiệm. Và mỗi ngày, Kim vẫn chải, nhuộm khoảng 20-30 mái tóc. Ngoài việc bận rộn với hai cửa tiệm, Kim đảm nhận vai trò đại sứ của hãng mỹ phẩm tóc Schwarzkopf Professional (Đức) và còn tự phát triển dòng sản phẩm của riêng mình, hoàn toàn dựa trên nguyên liệu tự nhiên từ Việt Nam như bồ kết, hoa sen mà mẹ Kim vẫn thường dùng ở nhà.

Kim vẫn hay về Việt Nam thăm gia đình và mong muốn một ngày nào đó có thể mở một salon tại đây. “Tuy nhiên, một người có thể làm bao nhiêu việc cùng một lúc được chứ?”, Kim thành thật. Ngày 16/6 vừa qua, Kim tròn 30 tuổi và anh đã tự viết một bức thư gửi cho mình 10 năm sau. Trong bức thư gửi tương lai ấy, Kim nói về mong muốn phát triển công nghệ hiện đại high-touch để có thể tiếp cận mọi khách hàng một cách trực tiếp và tận tình hơn. Ngoài ra, Kim cũng nói về hy vọng có được một gia đình ấm áp, đầy tình thương, giống như mẹ Kim đã và đang cho Kim hàng ngày, hàng giờ.

Ước mơ cá kho tộ

Nhà hàng Kim’s Dragon của ba mẹ Hưng tại Pitsfield, Mỹ – là nơi Hưng đã nấu những món ăn đầu tiên vào năm 11 tuổi. Ba Hưng là người Việt, mẹ người Quảng Đông, nhờ vậy, Hưng sớm thành thạo với ẩm thực châu Á, đặc biệt là những món hải sản. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hưng quyết định xuống Puerto Rico, lúc bấy giờ là giao lộ của văn hóa và ẩm thực bốn phương.

Trở về Mỹ, Hưng theo học tại đại học Culinary Institute of America. Năm 2007, ở tuổi 29, khi đang là bếp trưởng tại nhà hàng nổi tiếng Guy Savoy tại Las Vegas, Hưng đoạt quán quân cuộc thi Top Chef mùa 3. Hưng trở thành một trong những đầu bếp trẻ tuổi hot nhất nước Mỹ khi được sư phụ nổi tiếng Paul Bocuse, người đại diện cho trường phái ẩm thực cổ điển cách điệu của Pháp, trực tiếp chấm điểm và khen thưởng.

Năm 2011, EMM Group – một trong những tập đoàn ẩm thực và giải trí phát triển mạnh nhất tại New York – mời Hưng về làm giám đốc và hợp tác mở nhà hàng Catch. Chỉ vài tháng sau đó, Catch trở thành điểm đến nổi tiếng nhất ở New York, với những món ăn như tôm chiên chua ngọt, ngao sò nướng đường. Năm 2013, Hưng tiếp tục thành công khi khai trương chi nhánh Catch tại Miami và sáng lập The General, nhà hàng ẩm thực châu Á hiện đại với bầu không khí jazz sang trọng tại New York.

 

hung huynh ellevn
Hưng Huỳnh và một số món đặc trưng của anh ở nhà hàng

Mặc dù thành công và nổi tiếng cả trong và ngoài nước Mỹ, Hưng vẫn tự tay quay những con vịt Bắc Kinh cho khách ăn hàng ngày. 36 tuổi, Hưng cũng đã trở thành thầy giáo trẻ đào tạo một thế hệ đầu bếp mới theo trường phái của riêng mình. Với Hưng, ẩm thực không chỉ tồn tại 5 hương vị cơ bản, mà là 6 vị – mặn, ngọt, chua, cay, đắng và umami. Với Hưng, “mỗi món đều yêu cầu một cách phối vị độc đáo và hoàn mỹ riêng của nó”, và đó là bí quyết độc môn của Hưng. Hưng có biệt tài tạo ra những món mới lạ với sự kết hợp Đông và Tây, Nam và Bắc, như món bún bèo tôm hùm hay nấm truffle của Pháp. Hưng hy vọng sớm mở một nhà hàng tại Việt Nam, bởi dù đã thử hết món ngon khắp thế giới, Hưng vẫn thích nhất là cá kho tộ hay mắm ruốc thịt ba rọi, những món ngày xưa bà nội dạy anh nấu ở nhà.

Thời trang không chỉ là quần áo

Để nói về thành công của NTK Ninh Nguyễn, có lẽ phải dùng đến rất nhiều mỹ từ. Tuy nhiên, đôi khi chỉ bằng một câu chuyện nho nhỏ, ai cũng thấy được những bước tiến dài của Ninh. Với BST Thu-Đông 2011 và Xuân-Hè 2013 của Ninh Nguyễn, cả phòng trình diễn 300 chỗ cũng trở thành quá nhỏ để tiếp tất cả những vị khách đến tham gia. Vì vậy, Ninh đã quyết định chuyển hình thức từ trình diễn 15 phút sang trưng bày kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ.

Tại buổi trưng bày, Ninh cũng cho đấu giá 25 tác phẩm của các họa sĩ trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới để ủng hộ quỹ trẻ em tàn tật Child Ed và Hope For The Silent Voices. Với Ninh, thời trang không phải chỉ là quần áo hay trang sức, không phải là môn triết lý trừu tượng, mà quan trọng là sự ứng dụng trong cuộc sống. Trước khi tham gia Fashion Institute of Technology ở New York, Ninh đã trải qua ngành Sinh học và Tâm lý học tại đại học Texas, Arlington (Mỹ). Nhờ vậy, Ninh có một sự hiếu biết cụ thể về cấu trúc cơ thể con người, sự ảnh hưởng của màu sắc cũng như xu hướng thời trang trong cuộc sống hàng ngày.

Sinh ra tại Pháp, chảy dòng máu Việt, lớn lên trong sự kết hợp Á-Âu, Ninh tiếp tục đón nhận nền văn hóa thứ ba khi gia đình chuyển đến định cư tại Texas. Từ lúc ý thức được nét khác biệt giữa ba nền văn hóa, sự pha trộn độc đáo đã trở thành phần quan trọng nhất trong những BST của Ninh. Thời trang của anh là sự kết hợp giữa truyền thống cắt may chuẩn mực và sang trọng của Anh với phong cách “bụi đời” của Hàn và Avant-garde của Nhật. Thêm vào đó là vẻ lãng tử của Pháp và sự mạnh bạo, thể hiện cá tính cuồng nhiệt của giới trẻ tại Mỹ.

 

Lớn lên cùng phong cách và văn hóa của 3 châu lục, vì thế Ninh Nguyễn luôn cho ra đời những BST có nét pha trộn độc đáo riêng biệt
Lớn lên cùng phong cách và văn hóa của 3 châu lục, vì thế Ninh Nguyễn luôn cho ra đời những BST có nét pha trộn độc đáo riêng biệt

Tuy nhiên, không giống với nhiều nhà thiết kế gốc Việt khác, Ninh chỉ làm trang phục cho phái nam. “Là đàn ông, tôi hiểu rất rõ cảm giác của phái nam, rằng chiếc áo này mặc sẽ ra sao, cảm giác khi mặc chiếc quần này như thế nào. Ngược lại, tôi thấy rất khó tưởng tượng được cảm giác của phụ nữ khi họ mặc váy đầm”.

Hiện tại, Ninh đang theo đuổi một dự án thời trang lớn, mà anh hóm hỉnh nói là “tiết lộ sợ mất hên”. Về con đường trước mắt, Ninh vẫn có rất nhiều dự định: “Mọi người dần tránh xa Lincoln Center vì ở đó quá đắt mà không hiệu quả. Phải tìm cách khác, tuy nhiên, mình sẽ không vắng bóng tại các show mùa này đâu”.

Mặc dù nói tiếng Việt khá sõi, thế nhưng Ninh vẫn chưa có cơ hội đặt chân đến bất cứ nơi nào tại Việt Nam và châu Á. Liên tục phấn đấu, phát triển, trong 10 năm tới, Ninh chia sẻ rằng anh chắc chắn mình sẽ có ít nhất một cửa tiệm NINH Collection ở châu Á và một buổi trình diễn chính thức tại Việt Nam.

Chàng trai banana

Lần đầu tôi gặp Minh Bùi là trong một chuyến đi công tác tại Miami (Mỹ). Minh hỏi tôi có phải là người Việt như Minh không, tôi trả lời có. Anh vui vẻ kêu lên: “Vậy cậu cũng là banana như mình rồi!”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm này. Banana, quả chuối, là cách gọi vui về những người Việt sinh ra, lớn lên ở châu Âu – bề ngoài da vàng nhưng trong ruột thì trắng do ảnh hưởng nền văn hóa, giáo dục của châu Âu. Tuy vậy, với Minh điều đó chỉ đúng một nửa. Vì càng ngày Minh càng gắn bó hơn với văn hóa Việt Nam và có nhu cầu tìm hiểu về nơi ba mẹ mình từng sinh sống. Trong album ảnh, Minh vẫn giữ tấm hình mẹ mặc áo dài trắng, đạp xe đi học. Với Minh, hình ảnh đó nói lên hết những gì anh thường nghĩ về Việt Nam.

 

ellevn minh bui
Jacket: Marc Stone, Áo T-Shirt: Zara, Quần: Từ một cửa hiệu địa phương tại Đài Loan

Blog thời trang iminhtouch.com của Minh mới được thành lập năm ngoái nhưng hiện đã có các nhà tạo mẫu, nhiếp ảnh thời trang và bloggers nổi tiếng nhất Thụy Sĩ như Marc Stone, Philippe Girard và Sher Min T gửi lời mời hợp tác, phỏng vấn. Minh tiếp nhận những lời mời đó một cách chọn lọc và từ tốn, không phải vì kiêu ngạo mà là bởi tính cách cẩn trọng. Với bằng Thạc sĩ Kinh tế ở Thụy Sĩ và 8 năm kinh nghiệm làm PR cho một nhãn hiệu thời trang quốc tế, Minh hiểu rằng muốn đến đích thì phải trải qua một con đường dài, không thể đi tắt.

Anh muốn cách phối đồ và câu chuyện của riêng mình về những bộ trang phục có thể trở thành nguồn cảm hứng cho giới gentlemen khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở châu Âu mà còn cả ở châu Á và đặc biệt là Việt Nam. Đây cũng là nơi Minh đang ngày càng gắn bó hơn. Sắp tới, Minh cho biết sẽ viết trên blog của mình bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, bởi lẽ: “Tôi thấy chưa có blog thời trang nào dành cho đàn ông bằng tiếng Việt, trong khi đàn ông Việt thì ngày càng cởi mở với phong cách hiện đại, sang trọng và lịch lãm”.

 

Minh Bùi đã thực hiện riêng một bộ ảnh cho bài viết này, hầu hết trang phục được lấy từ BST Thu-Đông đặc biệt của Marc Stone. Bộ hình được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Philippe Girard. Trang phục: Marc Stone
Minh Bùi đã thực hiện riêng một bộ ảnh cho bài viết này, trang phục được lấy từ BST Thu-Đông đặc biệt của Marc Stone. Bộ hình được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Philippe Girard.

Nói về những người đàn ông ở Việt Nam, Minh yêu thích phong cách của Thiên Minh và Trần Quang Đại. Còn về các nhân vật quốc tế, Minh thường học hỏi từ Nick Wooster và Tom Ford. Theo Minh, chúng ta đang sống trong thời hoàng kim của ngành thời trang nam. Chưa khi nào trong lịch sử, phái mạnh có nhiều sự lựa chọn và được tự do thể hiện phong cách riêng như bây giờ.

Với Minh, thời trang chính là cách để thể hiện và khám phá bản thân. Bởi thế, thời trang sẽ không nằm ở nhãn hiệu mà quan trọng là việc tìm ra sự kết hợp làm cho bạn cảm thấy thoải mái, tự tin và mới mẻ nhất.

Xem thêm: Đi tìm người đàn ông hoàn hảo

Nhóm thực hiện

Bài: Cathy Nhung - Ảnh Tư liệu

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)