Là một 9X đời đầu (1990), chàng trai Bùi Lý Tiến Nguyên vốn dĩ là một sinh viên chuyên ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính (Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh), nhưng anh lại có niềm đam mê với hình ảnh đẹp của thực phẩm nên đã tự mày mò học tập theo những thông tin trên mạng, TV và sách báo để trở thành một food stylist.
Food stylist là một công việc đã có từ rất lâu đời trên thế giới, nhưng chỉ mới du nhập vào Việt Nam gần 10 năm trở lại đây. Nói nôm na đây chính là việc “trang điểm” cho món ăn, khiến nó trở nên ngon mắt và làm người xem có cảm giác “thèm ăn” ngay lập tức.
Tuy đến với công việc trái ngành này khá muộn (2012), nhưng Tiến Nguyên đã đạt được một số thành tựu đáng nể, anh đã phụ trách “làm đẹp” cho hàng trăm sản phẩm quảng cáo trên truyền thông của các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như bánh, kem, fastfood, pizza, nước mắm, nước ngọt… như Kinh Đô, Highland coffee, Pepsi, Domino Pizza, Ajinomoto, Huda beer…
Tiến Nguyên cho biết, food stylist là nghề dành cho ai đam mê sáng tạo với đồ ăn, không dừng lại ở việc chọn thực phẩm, sắp đặt mà còn là nghệ thuật của trình diễn và tạo kiểu để lên hình cho các sản phẩm in ấn, quảng cáo, TVC, menu nhà hàng và phải nắm vững các kĩ thuật cơ bản trong nấu nướng…
Khác với đầu bếp nấu những món ngon và đẹp mắt, food stylist đòi hỏi tính sáng tạo, óc tổ chức và con mắt thẩm mĩ cao. Đó là sự kết hợp giữa cảm quan mắt nhìn và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, giúp món ăn khoe được nét đẹp tự nhiên của thực phẩm giúp người xem thích thú, thèm ăn.
Thu nhập của của anh và ê-kíp cho mỗi đơn đặt hàng thường dao động trong phạm vi vài ngàn USD. Ngoài ra, anh còn làm thêm các ngành nghề khác để mang lại kĩ năng cho mình như: viết bài cho tạp chí, quản lý fanpage, làm copywriter cho các sản phẩm thuộc chương trình truyền hình về ẩm thực.
Ước mơ của Tiến Nguyên là mở một lớp đào tạo về food stylist tại Việt Nam.
Website của Bùi Lý Tiến Nguyên: http://www.foodstylistvn.com/
Nhóm thực hiện