Chị có thể chia sẻ mục đích sáng lập chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”?
MAI ANH: Chúng tôi nghĩ chương trình này không phải là từ thiện hay tình nguyện vì tất cả đều bắt đầu từ bé Nhân. Giống như khi tôi đón bé Nhân, đó thực sự là một người mẹ đón con mình. Khi tôi chữa bệnh cho Nhân là chữa cho con mình. Trong quá trình này, chúng tôi quen với những bố mẹ khác có con bị bệnh tương tự và chúng tôi thấy cần chia sẻ thông tin để họ biết và chữa bệnh cho con mình. Đó là một hành trình của những bố mẹ có con mắc bệnh chung đi chữa bệnh cho con mình. Các bác sĩ sang Việt Nam cũng là để chữa bệnh cho Nhân rồi yêu quý và cùng chúng tôi giúp các bố mẹ khác chữa bệnh cho con của họ.
Vậy những rào cản khi các chị làm chương trình là gì?
MAI ANH: Điều khó khăn là làm thế nào để đưa thông tin truyền thông, vì từ đó nghe không mỹ miều gì. Bạn tưởng tượng nhé, có thể hát vì trẻ em mắc bệnh tim, hát vì bệnh nhi ung thư nhưng sẽ khó để nhận một tấm bằng hát vì trẻ em cần tái tạo bộ phận sinh dục phải không? Một cái khó nữa là các bố mẹ có con bị bệnh, họ cũng thường e ngại xuất hiện. Chúng tôi không thể lúc nào cũng đưa hình ảnh Thiện Nhân ra để làm truyền thông vì mỗi ca mỗi khác. Chúng tôi mong muốn chính các bố mẹ và các bé xuất hiện để có được sự chung sức từ cộng đồng, cũng như đưa thông tin khám chữa tiếp cận đến những bố mẹ có con đang bị bệnh.
NA HƯƠNG: Cứ lặng lẽ làm và một ngày, mọi người nhận ra có chúng tôi cứ bền bỉ như vậy, giúp khám được gần 600 trường hợp rồi mổ hơn trăm ca để các em bình thường. Mọi người cũng hiểu ra rằng, việc mất bộ phận sinh dục là bình thường, không phải chỉ riêng Nhân mà tỉ lệ trẻ em bị như vậy là khá nhiều. Có trường hợp bé Sophean từ Campuchia bị bố mẹ bỏ rơi từ bé vì khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Giám đốc trại trẻ cùng bé sang đây không biết tiếng, lạ lẫm nên phải nhờ các mẹ hàng ngày chia ca chăm sóc không khác gì trông con mình cả. Vì thế, chỉ xuất phát từ chính trái tim mình mới có thể dành thời gian cho những việc tỉ mỉ như vậy. Đôi khi, chúng tôi nói với nhau, làm những gì có thể mọi người thấy được lại dễ hơn.
Hành trình của “Thiện Nhân và những người bạn” như vậy không chỉ dừng ở Việt Nam chị nhỉ?
MAI ANH: Đúng vậy, hiện tại chương trình đang giúp chữa bệnh cho hai bé đến từ Campuchia và Ukraine. Lúc đầu, mọi người cũng phân vân là tại sao giúp trẻ con nước khác. Với chúng tôi, trẻ con là trẻ con, không có gì khác biệt. Ngay cả đội ngũ bác sĩ họ cũng từ nước ngoài sang để giúp cho trẻ con Việt Nam, vậy tại sao mình phân biệt. Chương trình không phân biệt trẻ con giàu nghèo, trẻ con đến từ đâu bởi chúng tôi muốn cho trẻ con cơ hội chữa bệnh.
Mấy năm trước khi tôi đón Nhân, chưa biết đưa con đi đâu chữa bệnh đã mệt lắm rồi chứ đừng nói chuyện có đủ tiền hay không. Vì thế, khi có thông tin, cơ hội mang đến cho các con điều tốt đẹp nhất, tại sao chúng ta không chia sẻ, không hành động. Cơ hội được khám bệnh, được có thông tin chữa bệnh còn quý hơn cả tiền bạc, chứ không chỉ đưa lên bàn mổ mới là tiền.
Chúng tôi rất vui được chia sẻ trong cuộc trò chuyện này để mọi người hiểu. Khi họ hiểu thì họ sẽ mang con đến chữa, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho trẻ con.
Vậy tại sao các chị không thành lập Quỹ mà chỉ dừng lại ở mức chương trình?
NA HƯƠNG: Thực ra, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thuộc Quỹ Phòng chống thương vong châu Á – một tổ chức phi chính phủ của Mỹ do cha đỡ đầu (anh Greig) của Nhân thành lập tại Việt Nam năm 1999. Thực ra, một vài lần chúng tôi cũng tìm hiểu thủ tục thành lập quỹ nhưng khá phức tạp, chẳng hạn theo quy định thì cần một số vốn nhất định. Thật sự, tiền mổ cho các con chưa đủ thì việc có một số vốn lớn như thế nằm ngoài khả năng.
Việc gọi là Quỹ hay Chương trình với chúng tôi không quan trọng bằng việc lấy tư cách gì để phối hợp, làm việc với bệnh viện cũng như làm thủ tục để bác sĩ vào Việt Nam. Danh sách bệnh chờ còn rất dài, bác sĩ cũng nhiều tuổi rồi nên việc chúng tôi ưu tiên bây giờ là làm sao giúp được càng nhiều em càng tốt.
Hai chị cùng đồng hành là do cơ duyên nào vậy?
NA HƯƠNG: Tôi biết chị Mai Anh là từ Nhân. Tôi bắt đầu tham gia vì tình cảm dành cho chị Mai Anh. Nhưng lúc đó tôi chưa có con nên chưa cảm nhận được tình mẫu tử sâu sắc thế nào. Rất nhiều lần thấy chị Mai Anh vật lộn nào là chăm 3 đứa con, nào là gia đình, công việc, tôi vẫn hỏi tại sao chị lại đón bé Nhân. Tôi lúc đó thật sự chưa hiểu trái tim một người mẹ nhìn thấy một cậu bé bị bỏ rơi rồi chịu nhiều đau đớn như vậy thấy thế nào. Trong suốt quá trình đi chữa bệnh với Nhân, câu hỏi ấy vẫn trong đầu tôi.
Chỉ đơn giản tôi quá thương chị, quá yêu chị và bây giờ khi đã làm mẹ thì tôi hiểu rằng, trong cái “sự điên” của Mai Anh không có tính toán, không có suy nghĩ, chỉ làm theo bản năng. Đến bây giờ, hai chị em không thể dừng được nữa khi chứng kiến quá nhiều nỗi đau của bố mẹ và bất hạnh của trẻ con.
Có bao nhiêu thành viên cùng hoạt động với các chị?
NA HƯƠNG: Ngoài đội ngũ bác sĩ, chúng tôi có 3 người hoạt động chính là anh Greig, chị Mai Anh và tôi; ngoài ra có bạn Ánh là thư ký của anh Greig hỗ trợ các việc văn phòng. Nhiều người cũng hỏi tại sao không tuyển thêm người nhưng rất khó nếu họ không xuất phát từ tấm lòng. Họ sẽ không thể túc trực trong bệnh viện để chăm sóc các em. Chẳng hạn như trường hợp của bé Sophean từ Campuchia, chúng tôi phải chăm sóc em từng li từng tí một.
Hơn nữa, các ca phẫu thuật này thường kéo dài vài tháng, có trường hợp 3 năm sau mới mổ lại, do đó nếu tình nguyện viên họ không đi đường dài được sẽ rất khó theo dõi bệnh tình các em, nhắc nhở trích thuốc… Đợt cao điểm, chúng tôi kiêm nhiệm và phân chia nhau từ việc ký hợp đồng mua thiết bị, đến việc xin visa cho bác sĩ, sắp xếp lịch mổ, chăm sóc các bé…
Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia có ý nghĩa thế nào đối với mọi người?
MAI ANH: Chương trình đã được các cá nhân bố mẹ ủng hộ, cộng đồng ủng hộ và giải thưởng là một sự ghi nhận mang tính chất Nhà nước. Đó là sự động viên lớn với chúng tôi để giúp đỡ càng nhiều trẻ em càng tốt và không chỉ dừng lại ở Việt Nam. Đồng thời, giải thưởng cũng giúp chúng tôi “chính thức” hơn với những công việc mình đang làm, giúp ích truyền thông hơn và sẽ có cơ hội giúp bọn trẻ con hơn bởi danh sách chờ còn rất dài.
Chia sẻ của bác sĩ người Ý – Roberto Decastro – Người trực tiếp phẫu thuật cho các bé
“Mai Anh, Greig, Na Hương và tôi tạo ra chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” xuất phát từ suy nghĩ việc Thiện Nhân sẽ phải đối mặt với bi kịch của cuộc đời, sẽ gặp những khó khăn mà bé đã, đang gặp và phải đối mặt với nó; suy nghĩ chúng tôi sẽ phải làm gì để giúp bé đạt được một cuộc sống có chất lượng ở mức có thể chấp nhận được; suy nghĩ để dành một phần quan trọng của thời gian, nguồn lực, kỹ năng chuyên nghiệp của chúng tôi cho trẻ em Việt Nam và các nước khác trên thế giới đang có những khó khăn tương tự. Vì vậy, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” giúp tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi nghĩ về chương trình hàng ngày, không chỉ khi tôi di chuyển đến TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng để họp với các bác sĩ hay thăm khám các cháu. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đời tôi, công việc khó khăn nhưng cũng có thể nó là một đặc ân lớn lao khi tôi nhận lại được lòng biết ơn và sự đánh giá cao từ các cháu nhỏ và gia đình”.
Nhóm thực hiện
Bài: Nana Phạm - Minh họa: Trọng Đức