Lifestyle / ELLE Voice

Doanh nhân Anoa Dussol Perran: Phải trở về Việt Nam

Gặp gỡ doanh nhân Anoa Dussol Perran một người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé có cách nói chuyện thân tình, chân thành và cởi mở, tôi vẫn không thể hình dung được trước mặt tôi chính là người phụ nữ ấy. Người đã thực hiện một chuyến bay trực thăng lịch sử bay từ Paris đến Hà Nội trong vòng 3 tuần lễ, bay qua 22 nước với 41 chặng dừng để bằng mọi giá trở về quê hương Việt Nam.

Chân dung doanh nhân Anoa Dussol Perran
Chân dung doanh nhân Anoa Dussol Perran

Theo gia đình rời Việt Nam từ năm 4 tuổi, chị lập nghiệp sớm rồi thành công khi còn rất trẻ nhưng chị vẫn quyết định quay trở về Việt Nam và được xem là một trong những người đi tiên phong khai phá những dự án mới, táo bạo đóng góp vào sự phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới. Sở hữu khu du lịch biển đạt chuẩn 4 sao đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Anoasis Beach Resort) và tiếp theo là Khu biệt thự cao cấp An Hoa Residence là 2 hoạt động đầu tư thành công để chị tiếp tục tiến tới gây dựng và phát triển thêm nhiều dự án khác nhằm xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Vinh dự nhận Giải thưởng tôn vinh Gương mặt nhà Quản lý Tài năng trong Thời kỳ Hội nhập Quốc tế cuối tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, chị Anoa là một trong những doanh nhân tiêu biểu góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, đạt thành tích xuất sắc và vượt qua khó khăn thời khủng hoảng kinh tế để hội nhập quốc tế.

Trong khuôn viên của khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Việt Nam và trên thế giới – Sofitel Metropole Hà Nội, nơi chị với vai trò là cố vấn đối ngoại tham gia dự án cải tạo khách sạn vào năm 1992, Elle Việt Nam đã có buổi trò chuyện thú vị với người đàn bà mang trong mình một tình yêu quê hương tha thiết – chị Anoa Dussol Perran.

HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG

Điều gì thôi thúc chị quay trở về quê hương đến vậy?

Năm 1961, tôi theo gia đình rời Việt Nam từ năm 4 tuổi. Trong ký ức tuổi thơ tôi, những gì còn đọng lại về Việt Nam chỉ là mùi hương cây cỏ đồng quê, mùi vị các loại trái cây nhiệt đới, tiếng rao bán hàng rong ngoài đường phố và một vài hình ảnh vui thú của anh chị em chúng tôi nhảy nhót chơi đùa trong những vũng nước sau nhà. Tôi rời Việt Nam khi còn rất nhỏ tuổi và khi lớn lên, tôi chỉ biết Việt Nam qua những hình ảnh trên đài truyền hình Pháp, thông tin về sự khốc liệt của chiến tranh Việt Nam, những cuộc dội bom, sự tuyệt vọng bế tắc của người dân và nhất là hình ảnh chiếc máy bay trực thăng bị lộn nhào rơi xuống sân thượng Dinh Độc Lập vì có quá nhiều người đang níu kéo ở dưới càng máy bay.

Những cảnh tượng kinh hoàng ấy khắc sâu vào tâm trí non trẻ của tôi. Tôi lén lút khóc thầm. Tôi xót thương cho quê hương tôi. Sợi dây tình cảm thiêng liêng kết nối tôi với Việt Nam chưa bao giờ đứt. Với tất cả bạn bè trên thế giới, tôi luôn khẳng định không ngừng rằng đất nước Việt Nam của tôi là một đất nước rất đẹp, dân tộc tôi kiên cường bất khuất. Chúng tôi tự hào về dân tộc mình, kể cả trong lúc còn muôn vàn khó khăn. Từ đó, tôi đã tự hứa với lòng mình rằng sẽ có ngày trở về quê hương cống hiến tất cả khả năng của mình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Lý do khiến chị quyết định quay trở về Việt Nam bằng cách “có một không hai”, tự lái máy bay trực thăng?

Ở Pháp, việc kinh doanh của tôi rất thành công. Tôi có nhiều đam mê, trong đó có lái máy bay trực thăng bởi tính nhanh chóng và hiệu quả của nó. Tôi thường xuyên tự lái chiếc trực thăng của mình, đậu tại sân bay Heliport tại Paris (Porte de Versailles) để đi khắp nơi như thành phố Nantes, Bordeaux, Lyon… hoặc qua các nước láng giềng như Belgique, Geneve (Thụy Sĩ)… Năm 1992, tôi quyết định trở về Việt Nam sau 35 năm sống tại Pháp.

Thời điểm đó Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới nên còn rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, dịch vụ du lịch chưa phát triển, các khách sạn cao cấp, các phương tiện vận chuyển giao thông hiện đại hầu như chưa có gì. Khách du lịch muốn đi từ Hà Nội đến Vịnh Hạ Long phải mất hơn 6 tiếng, trong khi đó nếu bay bằng trực thăng thì chỉ mất 45 phút. Ngay lập tức, tôi nghĩ đến việc tại sao không sử dụng dịch vụ bay trực thăng để làm du lịch vì đây là phương tiện hiện đại, nhanh chóng và hiệu quả. Tôi đã trở về Pháp để chuẩn bị cuộc hành trình phi thường đó: bay trực thăng từ Thủ đô Paris đến Thủ đô Hà Nội.

Kể cho chúng tôi nghe về hành trình ấy nhé?

Thật sự là một thử thách vô cùng lớn đối với tôi khi thực hiện chuyến bay trực thăng Paris – Hà Nội vào năm 1993. Phải nói là cực kỳ mạo hiểm, đầy những rủi ro, nguy hiểm đến mức tôi cũng đã tiên liệu với gia đình trước khi khởi hành rằng có thể đây là lần cuối chúng tôi gặp nhau, có thể đây là chuyến bay cuối cùng trong đời tôi khi muốn “trở về quê hương”. Ba mẹ tôi rất lo âu. Khi thực hiện chuyến bay, tôi muốn chứng minh cùng Chính phủ Việt Nam rằng, máy bay trực thăng không phải chỉ là một công cụ chiến tranh để đi ném bom như người ta thường thấy. Tôi muốn chứng minh rằng có thể khai thác máy bay trực thăng trong lĩnh vực du lịch hàng không, trong khuôn khổ hiện đại hóa sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Phương cách duy nhất để chứng minh điều này chính là tự mình thực hiện chuyến bay lịch sử Paris – Hà Nội, kéo dài trong vòng 3 tuần lễ, đi qua 22 nước với 41 trạm dừng chân (khởi hành tại Paris ngày 1/6/1993 tại sân bay Versailles, đến Hà Nội ngày 21/6/1993). Bây giờ khi nghĩ lại, đây đúng là một cuộc phiêu lưu không tưởng nhưng lúc đó tôi rất quyết tâm bằng mọi giá “Phải trở về Việt Nam” và không gì cản tôi được – như một chiến binh kiên cường sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, cho dù có phải hy sinh cả mạng sống. Với thành công của chuyến đi này, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận cho tôi liên doanh với công ty bay dịch vụ VASCO để nhập máy bay trực thăng và khai thác kinh doanh du lịch bằng tour trực thăng.

 

Anoa Dussol Perran bên chiếc trực thăng đã làm nên lịch sử
Anoa Dussol Perran bên chiếc trực thăng đã làm nên lịch sử

KHỞI NGHIỆP TRÊN ĐẤT MẸ

Chị đã bắt tay vào việc tạo dựng cuộc sống của mình thế nào từ khi trở về?

Trở về quê hương, việc đầu tiên tôi phải làm là dành ra 1 năm để học thông thạo tiếng Việt và tìm hiểu về quê hương Việt Nam. Sau đó, tôi bắt đầu công cuộc kinh doanh với mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Suốt 23 năm qua, tôi đã dốc toàn bộ tài sản, tâm huyết để đầu tư nhiều dự án kinh doanh, có thành công và thất bại. Nhưng với quyết tâm cao, lòng kiên trì và đam mê công việc, tôi đã vượt qua được sóng gió cuộc đời để đứng vững đến ngày nay. Tôi luôn xem những thất bại là bài học kinh nghiệm quý giá giúp tôi vững vàng và thành công
ở tương lai.

Chị đã làm gì để đi qua con đường trải  “gai hoa hồng” ấy?

Tôi không thể tìm được ngôn từ nào để diễn tả mức độ quá khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Bạn thử tưởng tượng, chỉ trong nay mai, khi đã sinh sống 30 năm trong một môi trường sống hiện đại tiện nghi, bạn bỗng rơi vào tình trạng như một người khuyết tật lạc lõng trong xã hội, không biết nói chuyện, không biết đọc, không biết viết. Các thủ tục hành chính lúc bấy giờ rườm rà, các quy định rắc rối, những ghen ghét đố kỵ… đôi khi đã làm nản lòng các nhà đầu tư.

Triết lý sống của tôi là: “Cuộc đời không phải chỉ toàn trải hoa hồng, sẽ có lúc là thiên đường, có lúc là địa ngục. Nó cũng như thời tiết: có khi là nắng ấm chan hòa, có khi lại là mưa gió bão bùng khủng khiếp. Mình phải cố gắng chịu đựng để vượt qua gian khổ, giảm thiểu thiệt hại và giành được chiến thắng”. Tính tôi rất kiên trì, bền gan. Tôi luôn tự nhủ: “Phải quyết tâm và quyết tâm hơn nữa, kiên trì và nhẫn nại với lòng yêu nước cao độ, tôi không bỏ cuộc và sẽ vượt qua tất cả” và như vậy mới đạt được chiến thắng cuối cùng.

 

Bà đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Pháp
Bà đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Pháp

Người luôn sát cánh bên chị trong những lúc khó khăn đó?

Trong suốt quá trình kinh doanh, tôi may mắn được sự hỗ trợ rất tích cực của người bạn đời là ông Ricardo Perran, nguyên Tổng Giám đốc khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Với bề dày kinh nghiệm hơn 40 năm điều hành khách sạn cho tập đoàn Accor nên ông đã giúp tôi nhiều kinh nghiệm trong hoạt động khách sạn du lịch. Ngoài ra tôi cũng may mắn hợp tác với một người bạn thân tin cậy, người đã theo tôi suốt 23 năm qua như một cái bóng, chia sẻ vui buồn, gian khổ trong cuộc sống và cùng tôi thực hiện tất cả các dự án kinh doanh.

Điều gì chị hài lòng nhất trong những năm làm nghề của mình? 

Đó là tôi luôn là người tiên phong, sáng tạo với những dự án đi trước thời đại. Bằng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được ở Pháp, tôi đã cống hiến tất cả cho đất nước mình, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của đất nước.

TRĂN TRỞ VÀ NỖ LỰC ĐƯA VIỆT NAM RA THẾ GIỚI

Đánh giá của chị về thực trạng du lịch của Việt Nam và những tiềm năng của ngành du lịch?

Ngành công nghiệp Lữ hành và Du Lịch tại Việt Nam có phát triển, nhưng chưa làm thỏa mãn du khách ở khía cạnh dịch vụ, về tính chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm. Còn có rất nhiều việc cần phải làm hơn nữa nếu muốn phát triển du lịch. Ngoài một số dự án du lịch được điều hành bởi các Tập đoàn quản lý nước ngoài nổi tiếng hoạt động đúng tiêu chuẩn quốc tế, còn có rất nhiều các khách sạn, resort hoạt động không theo tiêu chuẩn quốc tế, không có chiến lược đầu tư trung và dài hạn. Đây là điều đáng tiếc cho ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam, vì chúng ta phải quan tâm đến chất lượng hơn số lượng.

Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất nhiều, chúng ta có thể tự tin về điều đó, nhưng giá cả du lịch của chúng ta lại quá cao, không thể cạnh tranh với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia… Hơn nữa hệ thống giao thông chưa an toàn, cơ sở hạ tầng không phát triển đồng bộ, giá cả không hợp lý,… tất cả đã khiến cho ngành du lịch Việt Nam vẫn còn chậm một bước so với các nước châu Á khác. Muốn phát triển ngành thì phải khắc phục tất cả những mặt yếu kém trên.

Những nỗ lực của chị để giới thiệu hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế? 

Tôi rất đam mê các hoạt động bảo tồn và vinh danh các giá trị văn hóa lịch sử. Đối với tôi, hai khái niệm du lịch và văn hóa phải luôn kết hợp với nhau, không thể tách rời. Hiện nay tôi đang tiến hành thực hiện một dự án mà tôi ấp ủ bao lâu nay: đó là xây dựng một ngôi nhà Việt Nam (La Maison Du Vietnam) tại thành Phố Puteaux (Vùng đô thị Thủ đô Paris – Pháp). Ngôi nhà này sẽ giúp phát triển hợp tác hữu nghị trao đổi giao lưu văn hóa, thương mại và mở rộng quan hệ kinh tế xã hội giữa hai nước Việt – Pháp.

Ngôi nhà chính là nơi trưng bày và giới thiệu cùng công chúng quốc tế các sản phẩm văn hóa độc đáo của Việt Nam như Bộ sưu tập Áo dài cổ điển, Hội họa Nghệ thuật Việt Nam, thiết kế không gian mang phong cách quê hương ấm cúng để khách cảm nhận hồn Việt và thưởng thức các sản phẩm trà, cà phê đặc sản có tính truyền thống của dân tộc. Đây cũng sẽ là nơi tổ chức các sự kiện tìm hiểu, trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt-Pháp, một cầu nối gắn bó đất nước Việt Nam với cộng đồng Việt kiều tại Pháp.

 

Doanh nhân Anoa cùng bà Joelle Ceccaldi - người đồng hành với dự án Ngôi nhà Việt Nam
Doanh nhân Anoa cùng bà Joelle Ceccaldi – người đồng hành với dự án Ngôi nhà Việt Nam

Xây dựng được hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong lòng nước Pháp chính là một đòn bẩy hữu hiệu để đẩy mạnh các dự án đầu tư nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nước nhà. Đặc biệt ngôi nhà Việt Nam sẽ là địa điểm quảng bá tích cực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.

Ngoài ra hiện nay tôi là thành viên Ban Chấp hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp (ABVietfrance) và là đại diện của ABVietfrance tại Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi cũng đang tích cực hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, hy vọng tôi sẽ là cầu nối gắn kết chặt chẽ các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp ở Pháp, góp phần giới thiệu điểm đến Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

GỬI GẮM THẾ HỆ DOANH NHÂN TRẺ

Thế hệ Nữ Doanh nhân trẻ ngày nay có nhiều điều kiện để thành công: có kiến thức, có trình độ cao trong chuyên môn nhưng mỗi người phải tạo dựng cho mình một mục đích trong cuộc sống, phải quyết tâm đạt được mục đích ấy bằng tấm lòng và đam mê công việc. Họ cần phải có cái tâm khi làm việc và một yếu tố nữa để thành công: đó là may mắn.

Xem thêm

Diễn đàn Nữ doanh nhân – Sẵn sàng hội nhập 2015

Đường xa chớ ngại: Bí quyết thành công của các nữ doanh nhân

Cách phụ nữ thành công đưa ra phản hồi thuyết phục

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh - Ảnh: Thành Nam, nhân vật cung cấp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)