Lòng yêu nước mà có kịch bản chỉ là nông cạn và nhất thời
[Tạp chí ELLE – số tháng 9/2016] Bàn về chủ đề lòng yêu nước, tháng 4/1967, chàng thanh niên 25 tuổi người Mỹ, Cassius Marcellus Clay Jr. kiên quyết từ chối giấy gọi nhập ngũ, với tuyên bố: “Tôi không đi đánh nhau với người Việt Nam. Tại sao tôi phải đi 10.000 dặm để thả bom lên đầu người Việt vô tội trong khi những người da đen ở Louisville vẫn bị đối xử tệ bạc và không thể nhận quyền con người cơ bản?”.
Thông điệp đó đã được truyền đi khắp nước Mỹ, thổi bùng lên làn sóng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà chính phủ Mỹ đang hao người tốn của. Luật sư nổi tiếng nhất nước Mỹ lúc đó – Martin Luther King tuyên bố ông ủng hộ lựa chọn của người thanh niên này. Cassius Marcellus Clay Jr. là tên khai sinh của huyền thoại quyền anh vĩ đại nhất mọi thời đại: Muhammad Ali.
Chống lệnh nhập ngũ, Muhammad Ali bị đe dọa tước ngôi vô địch thế giới, cấm thi đấu, phạt tiền rất nặng, và thậm chí bị kết án 5 năm tù giam. Nhưng anh chấp nhận tất cả.
Đó là câu chuyện của nửa thế kỷ trước. Nếu là bây giờ, hình ảnh và thông điệp của Muhammad Ali chắc chắn sẽ còn lan tỏa kinh khủng hơn rất nhiều, trên đủ các kênh truyền thông, và nhất là mạng xã hội (hẳn chưa ai quên, cậu bé 17 tuổi Hoàng Chi Phong, đủ sức khơi dậy cả một cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng trời, tê liệt cả Hồng Kông năm 2014). Những người nổi tiếng, những vận động viên thể thao hàng đầu, các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thời trang… là những “kênh” truyền thông vô cùng hiệu quả, không chỉ của các nhãn hàng thương mại. Tuy nhiên, khác với khái niệm social media (truyền thông đại chúng) trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, khi các ngôi sao sử dụng sự nổi tiếng của họ để định hướng công chúng vì động cơ chính trị, thì đó gọi là propaganda (tuyên truyền).
Vừa qua, hàng loạt ngôi sao Trung Quốc, sau phán quyết của Tòa án quốc tế phủ nhận bản đồ 9 đoạn do Bắc Kinh đơn phương đưa ra đã đồng loạt tuyên truyền các thông điệp kêu gọi “Một tấc đất cũng không thể thiếu”. Hành động này đã gây thất vọng lớn cho các fan hâm mộ của Việt Nam, dẫn đến làn sóng tẩy chay của sao giải trí Trung Quốc. Thậm chí, một đài truyền hình địa phương đã ngừng chiếu một bộ phim Trung Quốc vì diễn viên chính trong phim đó có đưa ra thông điệp ủng hộ “đường lưỡi bò”. Thái độ của công chúng Việt Nam là dễ hiểu, nhưng khách quan mà nói, động thái của những sao giải trí người Hoa cũng hoàn toàn hợp lý. Bởi ngay cả khi không tính khả năng có yêu cầu từ phía nhà cầm quyền (không có bằng chứng xác thực), thì việc những ngôi sao này thể hiện quan điểm kiểu ái quốc cực đoan như vậy chính là cách để lấy lòng công chúng. 1,3 tỷ người Trung Quốc, đó là thị trường khổng lồ không gì sánh được, và khi đó “lòng-ái-quốc-nhân-bản-vô-tính” là điều dễ hiểu. Chỉ cần để ý một chút sẽ dễ dàng nhận ra các thông điệp được trưng ra trên các trang cá nhân của các ngôi sao nói trên đều có nội dung giống nhau, đi kèm với những bản đồ minh họa giống nhau, thậm chí cùng đăng vào thời điểm như nhau. Lòng yêu nước mà có kịch bản, thì suy cho cùng cũng chỉ là nông cạn và nhất thời.
Bởi vậy, thứ cần được đánh giá cao hơn là thái độ của những ngôi sao giải trí Việt Nam. Có lẽ, tiên phong trong đợt “cao trào” phản đối “đường lưỡi bò” nhân câu chuyện về lòng yêu nước thời gian này là nghệ sĩ Thành Lộc. Lời chia sẻ trên trang facebook của anh được hàng trăm ngàn người hưởng ứng và hàng chục nghìn người chia sẻ. Câu hỏi Thành Lộc đặt ra với động thái của các sao Hoa ngữ, được xem rất thẳng và trúng: “Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không?”. Lời kêu gọi của anh: “Nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt”, đã khiến hàng loạt sao giải trí Việt Nam bày tỏ thái độ phản đối đường phân định tự phong của Trung Quốc trên biển Đông.
Lẽ phải chỉ có một. Có rất nhiều sao Hoa ngữ, ở đại lục cũng như Hồng Kông, đã không tham gia vào làn sóng tuyên truyền. Họ vấp phải áp lực mạnh mẽ của công chúng trong nước, nhưng họ dũng cảm đương đầu. Tháng 10/2014, tờ nhật báo nổi tiếng nhất nước Mỹ – New York Times – đã dành nguyên một trang trắng, với hàng chữ ở chính giữa: “Imagine all the people living life in peace” (Hãy tưởng tượng, tất cả nhân loại sống trong hòa bình). Đó là câu hát bất hủ trong ca khúc Imagine của John Lennon, thủ lĩnh ban nhạc The Beatles, ra đời tháng 10/1971. Đó không phải chủ đích của tờ báo, mà thực ra là một trang được mua với giá quảng cáo để truyền đi thông điệp. Người bỏ tiền thuê trang, là quả phụ của Lennon, bà Yoko Ono. Sau khi John bị một kẻ cuồng hâm mộ bắn chết, trong suốt nhiều năm sau đó, Yoko theo đuổi việc truyền bá tinh thần mà chồng mình còn dang dở: Hướng con người đến khát vọng hòa bình.
Nghệ sĩ Thành Lộc nói đúng, nghệ sĩ trước hết là công dân. Và một công dân có ý thức về quyền lợi quốc gia, có lòng yêu nước, trước hết là một công dân có nhận thức về danh dự của Tổ quốc. Toàn vẹn lãnh thổ là danh dự, nhưng bóp méo lịch sử bất chấp công luận quốc tế thì không. Muhammed Ali đã nói “Không!” để bảo vệ danh dự của chính Tổ quốc mình. Và thời gian chứng minh rằng, ông đã đúng.
—
Xem thêm
Những cột mốc chủ quyền của lòng người
Hillary Clinton mạnh mẽ trước “Những lựa chọn khó khăn”
Câu nói truyền cảm hứng từ những phụ nữ thành công nhất thế giới
Tạp chí Phái đẹp ELLE