Trong đời, có những người, dù ít gặp nhau, nhưng qua những gì họ đã làm, tự mình cảm thấy gần gũi, mến phục. Với tôi, trong số người đó có Kim Hạnh. Gọi chị là nhà báo, không sai, nhưng có lẽ tầm vóc của con người ấy không chỉ có thế. Có thể gọi chị là một nhà hoạt động xã hội với các ý nghĩa tích cực nhất thì đúng hơn.
1. Cách đây chừng hơn 20 năm, tôi có khoảng thời gian ngắn công tác tại báo Tuổi Trẻ. Theo quy định chung, mỗi sáng thứ Hai đều có cuộc họp giao ban tòa soạn. Phía chủ tọa là Tổng biên tập Kim Hạnh, hai phó tổng Huỳnh Sơn Phước và Huỳnh Quý, nhằm trao đổi những thông tin liên quan đến thời sự, công việc trong tuần với các phóng viên.
Nói thật chứ chẳng phải nịnh nọt, đến nay, nữ nhà báo Việt Nam hùng biện, có tài nói chuyện trước công chúng khiến tôi khâm phục nhất vẫn là Kim Hạnh. Chị có thể phát biểu nhiều vấn đề trong suốt một, hai tiếng đồng hồ với lượng thông tin ngồn ngộn và cách diễn đạt khúc chiết, rõ ràng. Ở chị có điều gì đó vừa thân tình, nhưng lại nghiêm khắc. Mãi đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in mẩu chuyện nhỏ chị kể trong lúc giao ban. Có nhà báo nước ngoài hỏi rằng, báo chí Việt Nam có kiểm duyệt không? Câu hỏi ấy, “hóc búa” chứ? Trả lời thế nào cho “phải đạo”? Chị bảo, ở Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt vì nhà báo chúng tôi đã tự kiểm duyệt ngay từ trong đầu!
Có lẽ, một trong những bài báo tạo ấn tượng lớn nhất với bạn đọc của chị Kim Hạnh là chuyến đi Triều Tiên tham dự Liên hoan dân chủ thế giới vào năm 1989. Sau chuyến đi đó, chị đã viết một bài báo khiến mọi người ngỡ ngàng, kinh ngạc về một thế giới khác. Tiếc rằng, tập sách Báo Tuổi Trẻ đã viết (NXB Trẻ) ấn hành nhân Kỷ niệm 40 năm thành lập đã không chọn in lại. Thật ra, cũng chẳng sao. Đố ai có thể “thống kê” được một nhà báo đã viết bao nhiêu bài, ngay chính tác giả cũng “chịu chết”. Nói như thế để thấy rằng, Kim Hạnh thuộc hạng viết “có nghề”. Đến nay, có điều tôi lấy làm lạ, không rõ vì sao chị chưa tuyển chọn và in lại thành tập những gì đã viết?
2. Năm 1983, lúc 32 tuổi, Kim Hạnh là Tổng biên tập trẻ nhất trong làng nhà báo Việt Nam thời bấy giờ. Sức bật của tuổi thanh xuân qua Kim Hạnh mới ghê gớm. Lại một chuyện cũ: Giữa năm 1983, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt làm việc với báo Tuổi Trẻ và đặt câu hỏi: “Tại sao trước năm 1975 ở Sài Gòn ai làm chủ báo cũng giàu, mà bây giờ các bạn phải ngửa tay xin tiền Nhà nước?”. Câu hỏi này là một gợi ý giúp Tuổi Trẻ có những bước tiên phong: thành lập cơ sở làm bột giấy để tăng nguồn thu; ra mắt Tuổi Trẻ Cười – tờ báo trào phúng duy nhất của cả nước lúc đó; phát hành chuyên đề Tuổi Trẻ ngoại thành; thành lập Xí nghiệp in Lê Quang Lộc, phát động chương trình Vì ngày mai phát triển… Những việc làm tích cực này, tất nhiên góp sức của cả tập thể, nhưng không thể nhấn mạnh đến vai trò của Kim Hạnh. Xin trích câu tập sách báo Tuổi Trẻ 40 năm hình thành & phát triển đã ghi nhận: “Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh (1983-1991) đã để lại nhiều dấu ấn trong thời kỳ Tuổi Trẻ chuyển tiếp từ cơ chế cũ sang cơ chế mới. Cùng với việc mở đầu quá trình tìm tòi tự chủ tài chính, tạo dựng cơ sở vật chất, chị và đội ngũ còn truyền cho nhau lòng say mê, nhiệt huyết, kinh nghiệm, quản trị… để báo Tuổi Trẻ có một thời phát triển đột phá” (tr.125).
3. Ai đó đã bảo, với một người tài năng, dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng tạo dựng được sự nghiệp, dù khởi đầu bằng hai bàn tay trắng. Trường hợp nhà báo Việt Nam Kim Hạnh: Nhìn từ xa Kim Hạnh là một thí dụ. Năm 1991, rời Tuổi Trẻ, chị bắt tay vào làm tờ Sài Gòn Tiếp Thị, số đầu tiên phát hành ngày 15/4/1995.
Nếu chỉ như những tờ báo khác thì Sài Gòn Tiếp Thị cũng “bình thường thôi”, dù rằng nó góp phần định hướng thông tin, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Dấu ấn lớn nhất từ tờ báo này, theo tôi vẫn là chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, khơi dậy một ý thức mới cho những nhà sản xuất người Việt. Tầm nhìn chiến lược rất đáng ghi nhận ở Kim Hạnh là chị cùng cộng sự tiếp tục nối bước các bậc tiền bối đáng kính như chí sĩ Lương Văn Can, các nhà Nho cấp tiến trong Phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… làm sống lại tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”.
Giữa lúc hàng ngoại nhập đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, chỗ nào cho hàng hóa Việt Nam? Sự cạnh tranh khốc liệt ấy, thời nào cũng có. Làm thế nào khơi dậy nội lực của dân tộc? Tôi trộm nghĩ, ở Kim Hạnh, chị còn có “tham vọng” sâu xa hơn nhằm đi tìm câu trả lời: “Đâu là thương hiệu Việt”? Nếu chỉ chọn trong vòng 100 năm, đâu là Công ty nước mắm Liên Thành, Xưởng đóng tàu Bạch Thái Bưởi, Xà bông Cô Ba, Nhà may áo dài Thiết Lập, Nhà in Tân Dân, NXB Mai Lĩnh, Nhà sách Khai Trí, Mô hình giáo dục Đông Kinh Nghĩa Thục? v.v… Thương hiệu của một sản phẩm không chỉ hàng hóa mà còn chính là lòng tự hào của một dân tộc.
Chạm đến ý nghĩa thiêng liêng đó cũng là nhằm chấn chỉnh, thay đổi tính cách, thói xấu của người Việt ngay từ nhận thức. Đáng quý thay, với vai trò tiên phong, Kim Hạnh đã từng bước xây dựng lấy các thương hiệu mới. Còn sau đó, nó giữ được tính cách lâu bền không lại là một câu chuyện dài. Trên số báo cuối cùng (nhằm sắp xếp lại nội dung, nhân sự) có một câu rất khéo: “Danh hiệu này thuộc về một chủ thể quan trọng hơn tất cả. Chính là người tiêu dùng”. Vâng, một khi người tiêu dùng đã đồng hành, đó chính là sự thành công đấy thôi!
Trong rủi luôn có may. “Tái ông thất mã” là câu chuyện ai cũng biết. Năng lực của một con người, đôi khi cần gặp “sự cố” lại là động lực thể hiện bản lĩnh của họ. Đôi lúc, tôi tự hỏi nếu năm 1991, không rời báo Tuổi Trẻ, liệu Kim Hạnh có phát huy hết khả năng? Điều khiến tôi ngạc nhiên, với một nhà báo, thông thường khi rời khỏi nghề, hoặc vẫn làm nghề báo; hoặc chỉ “mờ mờ nhân ảnh”, điều gì đã giúp chị “vượt lên chính mình” khi bước sang một sân chơi khác vốn dành cho các doanh nhân, doanh nghiệp? Từ sự tự học chăng? Và gì nữa? Có lần chị bảo: “Tôi giống người Sài Gòn ở lối suy nghĩ nhanh, kết nối những nguồn lực nhanh và kiên nhẫn theo đuổi sự kết nối này. Tôi không ngại thất bại, làm không tốt thì mình hoàn thiện dần dần”.
4. Khi viết về nhân vật nổi tiếng, đã thuộc người của công chúng, bao giờ bạn đọc cũng muốn biết thêm những câu chuyện “phía sau” của họ. Chẳng hạn, một người phụ nữ khi dấn thân vào nghề báo, gánh vác công việc xã hội thì họ quán xuyến việc gia đình, chăm sóc con cái như thế nào v.v… Thú thật, tôi không thể đáp ứng được đòi hỏi chính đáng ấy. Và một phần, tôi quan niệm, nếu muốn viết ở góc độ tế nhị này, cần phải có quá trình thân thiết, thật thấu hiểu về họ thì mới có thể viết, bằng không nên tránh cho lành. Chuyện gia đình, vợ chồng, con cái vốn riêng tư của mỗi nếp nhà, ta khó có thể cảm nhận theo cái nhìn chủ quan. Với trường hợp chị Kim Hạnh, tôi chỉ là người quan sát chị từ xa, từ nhiều năm bằng tất cả sự ngưỡng mộ. Vậy thôi!
Trước năm 1975, nhà báo Vũ Kim Hạnh hoạt động trong phong trào đấu tranh sinh viên – học sinh tại đô thị miền Nam. Năm 1983 – 1991: Bà giữ vị trí Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ. 1995: Thực hiện báo Sài Gòn Tiếp thị; cùng cộng sự khởi xướng ra chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Sau đó Kim Hạnh giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC); Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA).
__
Xem thêm:
Top 10 nữ nhà báo đẹp nhất thế giới
Những câu nói hay về nghề báo nhân Ngày báo chí Việt Nam 21/6
Top 10 show truyền hình thực tế hấp dẫn bạn nên xem
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái đẹp ELLE