Nữ doanh nhân Đường Thị Ngân: Sau thành công là gia đình nhỏ
Những nữ lãnh đạo thời hiện đại cần nhất điều gì? Họ cần chính xác những điều mà một người đàn ông luôn cần: một hâu phương vững chãi & những giá trị gia đình được duy trì bằng việc kết nối giữa nhiều thế hệ.
Giọng nói ngọt ngào, dễ truyền cảm hứng sôi nổi và tính cách trẻ trung, hiện đại dù đã ở tuổi trung tuần là những gì mà người đối diện có thể dễ dàng cảm nhận được từ chị Đường Thị Ngân. Niềm đam mê sống, cống hiến cho công việc đã được chị nuôi dưỡng trong suốt những năm làm nghề của mình. Thế nhưng, một phần quan trọng nhất mà họ luôn hướng về, đó là gia đình.
Là một nữ doanh nhân bận rộn, chị phân bổ thời gian cho công việc và gia đình mình như thế nào?
Là một nữ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, công việc hàng ngày của tôi là điều động nguồn hàng, giao dịch với khách hàng trong và ngoài nước, xây dựng những phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng chiến lược quản trị công ty.
Những tưởng công việc như vậy đã chiếm hết thời gian trong ngày của tôi, vậy mà không đâu. Hàng ngày, tôi luôn được nghe các câu hỏi rất quen thuộc: “Mẹ ơi, hôm nay ăn gì đấy? Mẹ ơi, con học thêm môn Toán, môn Lý nhé! Mẹ tìm chỗ học cho con đi? Mẹ ơi, cuối tuần này nhà mình đi chơi ở đâu?…”. Cứ như thế các câu hỏi, lời đề nghị của con rồi nhiều khi cả của ông xã nữa mà tôi vẫn giải quyết hết, bằng cách nào nhỉ? Tôi kết hợp chăm sóc gia đình trong những chuyến đi công tác. Ở mỗi nơi đi qua tôi thường dừng chân mua những đặc sản nơi đó, hoặc kết hợp mua sắm đồ cho gia đình trong những chuyến đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài.
Có thời điểm, tôi rong ruổi trên từng cây số và việc chăm sóc con cái học hành phải nhờ phải chiếc điện thoại cầm tay để “điều hành” công việc ở nhà. Cứ như vậy, mọi công việc hàng ngày vẫn trôi đều và tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Tôi đã đúc kết lại là cứ đam mê, cứ ham muốn, cứ tâm huyết là sẽ sắp đặt để làm được tất cả.
Đối với chị, gia đình có ý nghĩa như thế nào?
Tôi luôn coi gia đình là trên hết. Thứ nhất, mọi công việc của tôi đều thông qua ý kiến của ông xã. May mắn là tôi luôn được ông xã ủng hộ hết những công việc tôi đã và đang làm. Thứ nữa, con cái đối với tôi là “của để dành”. Bao nhiêu trí tuệ, vật chất đều đắp cho cái “của để dành” này và thấy chúng cũng không phụ công.
Vậy là mình thấy hạnh phúc rồi.
Cuộc sống gia đình ảnh hưởng như thế nào tới mỗi thành viên?
Mặc dù gia đình tôi chỉ có hai thế hệ chung sống nên sự chênh lệch giữa các thế hệ không thể hiện rõ nét như nhiều gia đình chung sống ba, bốn thế hệ trong một ngôi nhà. Tuy nhiên, hàng tuần tôi thường đưa các cháu về thăm ông bà hoặc đón ông bà đến nhà mình chơi hay mời ông bà đi du lịch cùng nên gia đình mọi người rất gần gũi. Tôi coi đây là biện pháp giáo dục các con biết trân quý tình cảm yêu thương gia đình một cách sâu sắc.
Là một người của thế hệ trước, bản thân chị có thấy khó khăn gì khi hòa nhập với thế hệ sau của mình?
Việc này là rất khó đấy. Có những lúc mình đã lấy quyền làm bố mẹ mà áp đặt hay tự cho mình luôn đúng rồi nhận lại những phản ứng rất mạnh từ các con. Vậy là không được rồi, “thua keo này ta bày keo khác”, tôi liền thay đổi bằng cách thường xuyên nói chuyện với con một cách cởi mở, để các con đưa ra những ý kiến của chúng rồi mình sẽ bình luận, tư vấn theo kiểu “chuyên gia”. Những lúc như vậy tôi thấy hiệu ứng rất tốt, nhiều khi còn được biết và được tháo gỡ cho con những việc thầm kín nhất. Tôi rất vui khi được chúng gọi vui mình là “Đại ca” hay “Mom”, hay là bất thần ôm rồi thơm mẹ nhiệt tình.
Các giá trị truyền thống được duy trì trong gia đình chị như thế nào và việc đó có ý nghĩa gì với thế hệ trẻ?
Tôi thường hướng cho con theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong bất cứ việc gì các con làm. Các con được hưởng các giá trị về vật chất và tinh thần như hiện nay trước hết luôn phải bằng sự nỗ lực của bản thân, bên cạnh đó là phải được sự trợ giúp của gia đình và phước báu của tổ tiên. Vì vậy, các con phải luôn tự chủ trong cuộc sống của mình để xây dựng nên một môi trường sống tốt đẹp, đề cao các giá trị gia đình.
Điều gì chị yêu thích nhất ở cuộc sống gia đình của mình?
Gia đình với tôi không chỉ là chốn đi về mà còn là nơi tôi được thể hiện niềm vui nỗi buồn, là nơi được giãi bày mọi tâm sự và là nơi tôi được sống với chính mình. Là nơi mọi người đều yêu thương nhau và dựa vào nhau để cùng nhau tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần.
Những dự định, ấp ủ của chị trong thời gian tới để tăng chất lượng cuộc sống cho các thế hệ trong gia đình?
Đã gọi là những dự định, ấp ủ thì tôi thường hay giấu kín lắm (cười). Ở đây, tôi chỉ xin “bật mí” là: chúng tôi, đại gia đình gồm ba thế hệ sẽ có một cuộc hành hương về quê cha đất tổ trong một tương lai gần khi các con cháu và cả nhà tề tịu đông đủ. Đó sẽ là một chuyến đi để ông bà được trở về thăm quê, các con gần gũi với quê hương, hiểu được cuộc sống lam lũ, vất vả mà vô cùng bình dị và hiền hòa của người dân quê.
Lời khuyên giúp nối liền các thế hệ trong gia đình
1. Khuyến khích con trẻ thể hiện tình cảm và sự quan tâm tới mọi người trong gia đình thông qua những sinh hoạt hàng ngày.
2. Làm bạn với trẻ để hiểu và xóa dần khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con.
3. Hướng con đến những hoạt động ngoại khóa và khuyến khích sự tham gia của nhiều thành viên trong gia đình.
Xem thêm
Nữ doanh nhân Vân Anh: Làm theo những gì trái tim mách bảo
Nữ doanh nhân Đỗ Thùy Dương: Cuộc sống không giới hạn
Nữ doanh nhân Bùi Nguyệt Anh: “Tôi chọn đi con đường của riêng mình”
Bài: Ngọc Anh – Ảnh: Thành Nam