Nữ doanh nhân Lê Hải Yến: “The show must go on”
[Tạp chí ELLE – 12/2015] Phụ nữ hiện đại ngày càng đẹp, giỏi và tài năng. Nhận định này được thể hiện rõ nét ở chị Lê Hải Yến – Tổng Giám đốc công ty truyền thông Ngày mới (Newday Media), nhân vật ELLE gặp gỡ trong số tạp chí tháng 11 này.
Qua cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân Lê Hải Yến về chủ đề “Nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp” – một công việc thời thượng, bạn sẽ hiểu được những gian nan của nghề và cần lắm nhiều đam mê và sáng tạo để mang lại các “tác phẩm” mới lạ và chất lượng.
Học nghệ thuật, nhưng con đường nào đã đưa chị đến với công việc truyền thông, tổ chức sự kiện?
Con đường trở thành nữ doanh nhân của tôi như một định mệnh. Tôi vẫn thường nghĩ có lẽ mình sinh ra để làm nghề sự kiện. Và cuộc đời tôi cũng giống như một chuỗi sự kiện đã được sắp đặt từ trước. Từ nhỏ, tôi vốn đam mê nghệ thuật và quyết tâm theo đuổi, mặc dù có nhiều sự khuyên can của gia đình. Tôi ngưỡng mộ ông bà và cô tôi đều là những nghệ sĩ chân chính và thành danh.
Nhưng trong chính quá trình học tập và biểu diễn, tôi bắt đầu nhận ra rằng “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa Xuân”. Để có thể có được một chương trình nghệ thuật xuất sắc, một đêm diễn thành công thì một người nghệ sĩ thôi là chưa đủ. Cần phải có một tổng đạo diễn, một nhà tổ chức và quản lý nghệ thuật chuyên nghiệp tài ba để tổng hợp và xâu chuỗi tất cả các yếu tố để tạo nên một sự kiện thành công.
Chính vì vậy, tôi cố gắng tích lũy tối đa những kiến thức của nhiều bộ môn nghệ thuật để có thể trở thành một nhà tổ chức sự kiện xuất sắc.
Tôi vẫn thường nói đùa là tôi mang trong người cả hai dòng máu: máu kinh doanh và máu nghệ thuật. Thực tế ra kinh doanh nghệ thuật, nhất là ở môi trường Việt Nam không phải là một lĩnh vực có nhiều lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng đổi lại, nó có một giá trị lớn mà ít ngành nghề có được: niềm hạnh phúc khi đem lại những giá trị lớn lao cho khách hàng, niềm vui cho khán giả và nhận được những tiếng vỗ tay tán thưởng của công chúng.
Có kinh nghiệm làm nghề đã 5 năm, không phải là quá lâu nhưng cũng không phải là lính mới, vậy chị đánh giá sao về thị trường?
Newday Media được thành lập năm 2010 nhưng trước đó 10 năm tôi đã tham gia tổ chức sự kiện khi là sinh viên của trường nghệ thuật. Trong những năm trở lại đây, ngành truyền thông và sự kiện đã phát triển rất nhanh. Đặc biệt có rất nhiều “format” sự kiện của nước ngoài được du nhập vào Việt Nam và được đón nhận nhiệt tình.
Điều mà tôi vẫn luôn trăn trở là dường như càng ngày những sản phẩm “nhập ngoại” bao giờ cũng được đón nhận hơn, thu hút hơn; còn những sản phẩm nghệ thuật trong nước lại chưa có đủ sức nặng và sự thu hút ngay trên sân nhà.
Đơn cử như vở diễn truyền thống “Hồ Thiên Nga” ứng dụng thêm màn hình LED đưa sang Việt Nam biểu diễn thì kín chật chỗ của Trung tâm hội nghị quốc gia. Còn “Làng Tôi” hay “À Ố” – một vở xiếc mới đầy sáng tạo khai thác từ chất liệu dân gian, kết hợp cả múa, kịch, âm nhạc cùng âm thanh ánh sáng… khi ra mắt tại Hà Nội thì chỉ toàn vé mời và phải đưa ra nước ngoài diễn trước rồi mới quay về Việt Nam biểu diễn.
Nghệ sĩ hay các sản phẩm sáng tạo của chúng ta không chất lượng, không đủ hay? Hay chính các nhà tổ chức sự kiện chạy theo thị trường, tính thương mại mà chưa liên tài được các nghệ sĩ và tác phẩm trong nước, chưa tạo ra được một “Đại dương xanh” trên chính sân nhà?
Tôi ao ước sẽ thực hiện được những “format”, những buổi diễn, sự kiện mà khai thác từ chính những sản phẩm, những nghệ sĩ và nền nghệ thuật nước nhà được làm mới và thu hút khán giả trong nước, ít nhất như những gì Thúy Nga Paris đã từng làm được tại thị trường hải ngoại.
Nhìn lại năm qua, Newday Media đã làm được những gì?
Newday Media đã và đang đi với tốc độ rất nhanh chóng với khối lượng và quy mô sự kiện ngày càng lớn. Những sự kiện tiêu điểm như: Hội ngộ đỉnh cao BNI 2015 kỷ niệm 5 năm thành lập BNI tại Việt Nam và chào đón tiến sĩ Ivan Misner – chủ tịch BNI toàn cầu với hơn 1.000 doanh nhân tham dự; hay sự kiện khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn Thanh Hóa năm 2015 thu hút hàng vạn người…
Sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ mở những lớp đào tạo “Chuyên viên tổ chức sự kiện đặc biệt – Bespoke Event Planner” cho các bạn trẻ để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực có chất lượng cao và tâm huyết với nghề.
Chương trình Hội quán Doanh nhân đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng công chúng. Lý do gì khiến chị tạm dừng sản xuất series chương trình ấy?
Mỗi một dự án đều có tuổi thọ nhất định. Hội quán Doanh nhân (HQDN) là một dự án thử nghiệm để đo lường nhu cầu, thị hiếu thưởng thức của một đối tượng khán giả chọn lọc và “khó tính” hơn – đó là giới doanh nhân. Đồng thời đây cũng là dự án về “show” doanh thu đầu tiên mà Newday chứng minh năng lực tổ chức và chất lượng chuyên môn.
Tôi tự hào HQDN đã để lại nhiều dấu ấn và cảm xúc trong lòng khán giả, nghệ sĩ và cả giới truyền thông. Đó là chương trình nghệ thuật đảm bảo được chất lượng chuyên môn mà ít chương trình hiện nay có được: Luôn đúng giờ diễn, không mang tính thương mại với sự xuất hiện phô trương của nhà tài trợ, không có sự phá vỡ không gian bởi những khách hàng nhí hoặc ra vào lộn xộn.
HQDN chắc chắn không dừng lại nhưng sẽ cần có những bước tiến và những phiên bản mới ấn tượng hơn để phù hợp với thị hiếu và xu thế hiện nay. Bởi tôi đặt ra cho mình một mục tiêu: Tôi sẽ để lại những sản phẩm chất lượng và giá trị cao cho khán giả để sự tồn tại của cái tên Hải Yến nói riêng và Newday Media nói chung sẽ thực sự có giá trị trong cộng đồng.
Các tố chất quan trọng của một nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp;
– Đam mê để đủ bản lĩnh đương đầu với khó khăn, thử thách với cường độ công việc cao, tốc độ nhanh chóng.
– Không bao giờ bỏ cuộc cho dù bất kỳ điều gì có xảy ra phía đằng sau thì “The show must go on”.
– Khả năng cao trong tư duy, quản lý công việc, quản lý thời gian
– Ham mê học hỏi, liên tục cập nhật các công nghệ giải trí, truyền thông mới và tất cả các sản phẩm không được rập khuôn
Xem thêm
Nữ doanh nhân Nguyễn Thu Thủy: câu chuyện phát triển thương hiệu
Nữ doanh nhân Đường Thị Ngân: Sau thành công là gia đình nhỏ
Bài: Ngọc Anh
Ảnh: Tư liệu