Nữ doanh nhân Nguyễn Thu Thủy: câu chuyện phát triển thương hiệu

Đăng ngày:

Câu chuyện được doanh nhân Nguyễn Thu Thủy – CEO của hệ thống Minimart L’s Place chia sẻ bên ly cà phê sáng khởi đầu ngày mới với ELLE một lần nữa khẳng định: Bạn sẽ làm tốt công việc của mình khi bạn yêu quý, hiểu được những giá trị cốt lõi của thương hiệu, luôn hướng tới cộng đồng bằng việc mang đến những sản phẩm chất lượng cao nhất.

CEO Nguyen Thu Thuy

Nữ doanh nhân Nguyễn Thu Thủy

Ý tưởng của việc ra đời L’s Place xuất phát từ thời mẹ tôi còn đang công tác tại văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội. Những năm đầu thập niên 90 đã có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm sơ chế sẵn rất thiếu thốn, thực phẩm nhập khẩu còn khan hiếm hơn. Mẹ tôi đã quyết định mở cửa hàng đầu tiên với mục đích giúp đỡ các người bạn nước ngoài có được nguồn thực phẩm tươi, an toàn, tiện dụng. Dần dần, bà kinh doanh thêm các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu để khách hàng có thể chế biến các món ăn của đất nước họ tại Việt Nam. Cửa hàng của mẹ tôi hồi ấy tuy nhỏ nhưng nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng người nước ngoài” – chị Thủy chia sẻ. Cái tên L’s Place được vợ chồng ngài Roy Morrey – trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam yêu mến đặt cho, với ý nghĩa là “Đến với nơi của Loan (tên mẹ tôi), bạn sẽ tìm thấy những gì mình cần”. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt vận may, điều mà nữ doanh nhân ấy thành công là phát triển L’s Place trở thành một chuỗi hệ thống cửa hàng uy tín hoạt động với sự chuyên nghiệp cao mà lại vô cùng gần gũi.

Kế thừa thương hiệu đúng là một sự may mắn và thuận lợi nhưng để duy trì và phát triển nó, chị đã trải qua khó khăn gì?

Tôi may mắn tiếp quản L’s Place ở thời điểm tự thân nó đã có chỗ đứng trong cộng đồng khách hàng. Điều khó khăn nhất của tôi là phát triển nó thành một hệ thống chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng mà vẫn giữ được tinh thần ban đầu của một cửa hàng tiện ích nhỏ, nơi khách hàng và người bán hàng gần gũi, hiểu nhau như những người bạn, người hàng xóm.

Việc đầu tiên là tôi phải giúp các đồng nghiệp và nhân viên hiểu được yêu cầu thay đổi và phát triển bản thân trong giai đoạn này. Việc chuyển mình và phát triển phải bắt đầu từ yếu tố con người, tất cả phải trở thành một bộ máy vững chắc, đồng lòng. Tôi không muốn gò ép mà chọn cách định hướng để mọi người dần hiểu tầm quan trọng của yêu cầu chuyên nghiệp hóa bản thân, nâng cao kỹ năng dịch vụ bán hàng và khả năng quản lý công việc. Việc này hơi mất thời gian, nhưng chúng tôi đang cố gắng cùng nhau hoàn thiện để chuyển đổi thành một hệ thống L’s Place chuyên nghiệp và hiện đại hơn.

Đó quả là cả một quá trình mà tôi biết chị đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết?

Cửa hàng tiện ích nhỏ là mô hình đã rất phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam nó cũng là một ngành kinh doanh đang phát triển và được đón nhận. Trước đây, L’s Place có thể coi là minimart đầu tiên ở Hà Nội, chúng tôi hoạt động “gọn gàng”, không ồn ào, phục vụ trong cộng đồng của mình nhiều hơn. Ngày nay, thị trường bán lẻ ngày càng nhiều cạnh tranh với sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ khổng lồ trên thế giới. Chúng tôi vừa phải nâng cấp chất lượng, hình thức, dịch vụ của L’s Place, vừa mở rộng, đón đầu; nhưng vẫn phải giữ vững những giá trị riêng của L’s Place mà khách hàng từng yêu quý, không bị lẫn lộn và nhạt nhòa.

Vậy “Kim chỉ nam” giúp chị thành công là?

Tôi nhớ một câu nói trong cuốn sách Dốc hết trái tim của chủ tịch Starbuck Howard Schultz: “Đôi khi sự chân thành hiệu quả hơn mọi kế hoạch kinh doanh”. L’s Place ra đời vì những điều giúp ích thực tế nhất cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Tôi luôn muốn giữ vững giá trị ấy, duy trì sự chân thành trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều ấy làm chính bản thân tôi thấy có thêm niềm tin mỗi khi mỏi mệt.

Đến giờ, điều gì khiến chị thích thú nhất trong công việc của mình?

Là nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên, thích thú và vui vẻ của khách hàng khi phát hiện ra những mặt hàng mới, những mặt hàng ở quốc gia của họ trên các kệ hàng L’s Place.

Và chị có thường sử dụng các sản phẩm của L’s Place để trổ tài nội trợ không?

Có chứ! (cười lớn) Tôi luôn là người đầu tiên thử nghiệm các sản phẩm của L’s Place trước khi nó được bày trên kệ.

Là người thích nấu ăn, tôi hay mày mò tìm kiếm các loại gia vị để chế biến các món ăn Âu, Á. Trên thế giới có rất nhiều sản phẩm thông minh, tiện dụng, giải phóng con người, giúp phụ nữ bận rộn có thêm thời gian cho bản thân, từ thực phẩm làm sẵn, gói gia vị gia giảm đúng điệu, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm chăm sóc vệ sinh gia đình…

Ngoài công việc, chị dành thời gian của mình cho? 

Tôi tham gia Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội. Nơi chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, công việc, và cùng nhau tham gia những hoạt động vì cộng đồng, theo cách quan tâm chia sẻ của những người phụ nữ. Nhớ các chuyến đi từ thiện về vùng núi cao với những đoạn đường vô cùng hiểm trở, có những khi xe bị sa lầy, chị em chúng tôi phải cùng nhau đẩy xe trên bùn lầy
và khi đến nơi gặp những ánh mắt, gương mặt hân hoan của các em nhỏ vui mừng đón đợi, chúng tôi quên hết quãng hành trình gian nan.

Ngoài kinh doanh, chị có tham gia vào các hoạt động xã hội nào không?

Tôi không nhận mình là một người phụ nữ sắc sảo, mạnh mẽ. Tôi là người hướng nội trong cuộc sống, còn trong kinh doanh lại đề cao các giá trị con người. Các kế hoạch kinh doanh của tôi thường được thực hiện chậm rãi, chắc chắn. Tôi mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhẹ nhàng. Điều này khó lắm, tôi nhận thấy bản thân mình vẫn chưa làm được. Tôi còn phải cố gắng nhiều để đạt được sự cân bằng này.

Xem thêm

Nữ doanh nhân Vân Anh: Làm theo những gì trái tim mách bảo

Nữ doanh nhân Đỗ Thùy Dương: Cuộc sống không giới hạn

Doanh nhân Anoa Dussol Perran: Phải trở về Việt Nam

Doanh nhân Thúy Phan: Kinh doanh bằng cả cái tâm

Doanh nhân Vũ Thị Thoa – Thiên nhiên là “gia vị mới”

Nhóm thực hiện

Bài: Nana Phạm  – Ảnh: Thành Nam

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more