1.
Cách đây hơn 50 năm, cậu mợ tôi quen nhau qua một chương trình gần như là “tình thư của lính”. Học sinh các trường nữ trung học sẽ chọn ra 5 cái tên bất kỳ trong 1 danh sách nhà trường đưa, không có hình ảnh, lý lịch chi tiết gì cả, chỉ có cái tên và địa chỉ nơi người lính đấy đang đóng quân, và thường xuyên trao đổi thư từ với 5 người này. Phần lớn nội dung là hỏi thăm, an ủi, mang niềm vui và sự quan tâm của người thành phố đến với những người đang ở rất xa, không biết sống chết lúc nào. Một trong số 5 người này là cậu tôi.
Thư từ qua lại được chừng một năm, cậu đến nhà tìm mợ. Mợ ra mở cửa, cậu hỏi xin gặp mặt cô Vân, Mợ biết ngay là cậu và chối phắt “cô Vân không có nhà”. Cậu tôi gửi lại một bức thư nhờ mợ đưa lại cho “cô Vân”.
Nội dung thư xin được gặp mặt một lần trước khi cậu sang Mỹ tu nghiệp vào tuần sau. Họ đã gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau vài năm sau.
Nếu cũng cùng một chương trình, trong thời đại này, có lẽ mỗi học sinh sẽ được chọn trong danh sách cả ngàn profile, có đầy đủ hình ảnh, sở thích, khả năng chuyên môn, sẽ được đọc, được nhìn, được đánh giá một cách nhanh chóng. Qua đấy, họ sẽ lần ra được danh sách bạn bè, gia đình, đồng nghiệp của đối tượng. Họ sẽ kiếm ra được số điện thoại, địa chỉ mail, messenger các thể loại, có khi sẽ biết được chính xác nơi làm việc và địa chỉ nhà riêng. Và có lẽ họ sẽ gặp nhau không phải một năm sau mà là vài ngày sau, vài tuần sau nếu họ muốn.
Có thể họ cũng sẽ quen nhau, yêu nhau qua mạng, những vui buồn hờn dỗi trong thời gian tán tỉnh nhau sẽ được chia sẻ cho cả ngàn người khác biết, khi cưới nhau sẽ thông báo đến toàn thể cư dân mạng qua các album tràn ngập hình ảnh, và nhỡ may có chia tay, thiên hạ cũng sẽ biết qua mạng xã hội, vì sự rạn nứt dần được tiên đoán trước qua các trạng thái cảm xúc của hai người mỗi ngày.
2.
Thật ra, tình yêu trong thời đại nào cũng y như nhau cả, cảm xúc, sự rung động của con người đều bắt đầu giống nhau, từ những gì đồng cảm với nhau, chỉ có hình thức thể hiện được thay đổi dựa theo nhu cầu của con người từ thời này sang thời khác. Và thời đại nào, nhu cầu chia sẻ buồn vui đều hiện diện, nhưng ngày xưa, nếu sự chia sẻ chỉ gói gọn kín đáo trong một nhóm rất nhỏ rất thân, kiểu như viết nhật ký chỉ cho một người đọc, cuối ngày khóa lại cất đi một nơi không ai biết thì ngày nay, bất kỳ một trạng thái nào trên mạng xã hội cũng cần có nhiều người – thậm chí chả quen biết chưa từng gặp mặt – bày tỏ ý kiến, khen chê, khuyên nhủ, bài bác, khích bác, ganh tị.
Nhật ký cần được phơi bày và mở toang như nhà không cửa, ngay cả cho phép người khác bôi xóa, chỉnh sửa, viết lại cảm xúc riêng của mình. Tình yêu rất riêng tư nhưng lại cần sự đánh giá, so sánh của thiên hạ, kiểu như hai người trong cuộc không ai tự mình chắc chắn được điều gì, niềm vui cần được chú ý một cách rực rỡ, nỗi buồn cần được quan tâm một cách lung linh, đến một lúc họ cũng không xác định được đấy có phải là tình yêu hay không nếu không có những người khác xác nhận, định nghĩa, đóng dấu giùm cho họ. Cảm giác phụ thuộc vào đám đông chưa bao giờ quan trọng đến thế.
Nhưng cũng như bất kỳ một tập thể nào, đã là số đông thì nhiều ý kiến, không ai đồng ý với ai, và ai cũng tự cho mình là đúng nhất.
Cuối cùng, hai người ban đầu yêu nhau vì những tính cách rất riêng của mỗi người lại có thể xa nhau vì những tính cách rất riêng của những người khác qua những ngón tay nhảy nhót trên bàn phím và vài cú nhấp chuột.
Xem thêm
Hẹn hò online – Chẳng đơn giản nhưng vẫn đầy cơ hội
Mạng xã hội – Chia sẻ bao nhiêu là đủ?
Văn hóa chỉ trích, nói xấu nhau trên mạng xã hội
Nhóm thực hiện
Nhà văn: Lê Phương Thảo