Trần Thị Hoài Anh – Thời trang nằm trong bản năng
Những cuộc đối thoại giữa ELLE Managing Editor Nguyễn Danh Quý và các nhân vật nổi bật của thị trường thời trang Việt Nam.
Một nỗ lực mới để ELLE kết nối bạn đọc với nhiều câu chuyện thú vị về sáng tạo và, quan trọng hơn cả, kinh doanh thời trang. Trần Thị Hoài Anh, người sáng lập công ty Globallink, là khách mời đầu tiên.
Chị Trần Thị Hoài Anh đã tới với thời trang và kinh doanh thời trang như thế nào?
Tôi hay đùa với mọi người rằng, tôi đến với thời trang trong tư cách là một “nạn nhân”. Từ nhỏ tôi đã thích cắt may, thêu thùa, đan lát, luôn tò mò quan sát mọi người xung quanh, có chính kiến yêu, thích rõ ràng. Có lẽ, một cách may mắn, thời trang nằm sẵn trong bản năng của tôi.
Chị từng chia sẻ với trang web “The Business of Fashion” rằng “thị trường Việt Nam thay đổi nhanh không kịp nhận ra. Tiềm năng rất lớn, nhưng không hề là một thị trường dễ dàng”. Nhìn lại gần 10 năm kinh doanh các thương hiệu thời trang cao cấp, những khó khăn lớn nhất với chị là gì?
Thời trang chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa, lịch sử, tôn giáo, các trào lưu nghệ thuật, kiến trúc, lối sống, thời tiết…, trong khi các kênh thông tin về thời trang ở ta hầu hết còn nặng về quảng cáo, thiếu các kiến thức giúp người tiêu dùng am hiểu thực sự về thời trang và quan tâm xây dựng phong cách cá nhân của mình.
Chi phí kinh doanh cao, thị trường còn nhỏ và không ổn định, khó tiếp cận các nguồn vốn và thông tin để hoạch định kế hoạch kinh doanh. Các trung tâm thương mại vàng thau lẫn lộn, thiếu sự tin cậy và cam kết hợp tác lâu dài giữa chủ đầu tư với các nhà kinh doanh bán lẻ. Đó là các khó khăn chính mà chúng tôi đang phải tìm cách giải quyết.
Bao nhiêu khó khăn như thế làm tôi hình dung chị giống như chàng hiệp sĩ Don Quijote đánh nhau với “cối xay gió” thời trang ở Việt Nam đấy!
Không đến mức như vậy đâu. Nữ diễn viên Tilda Swinton có câu rất hay: “Điều thú vị nhất về quần áo đó chính là hơi thở cuộc sống tràn ngập trong chúng”. Dạo bước trên đường phố Việt Nam vài năm trở lại đây, bạn hẳn sẽ thấy diện mạo thời trang đang thay đổi với nhiều thương hiệu quốc tế. Các NTK Việt Nam cũng ngày càng khẳng định được phong cách của mình và dần vươn ra thế giới.
Dễ nhận ra, chị là một người đam mê thời trang, mặc rất chất, rất cool, định hình được phong cách riêng. Nhưng liệu đam mê đó có dẫn đến mâu thuẫn kinh doanh, khiến chị mua đồ cho các cửa hàng vì sở thích của bản thân hơn là cho khách hàng?
Tôi nghe nhận xét này nhiều rồi. Thời trang luôn đòi hỏi những điều mới mẻ, sự cởi mở và dám thay đổi. Do bản năng của người kinh doanh thời trang, tôi luôn muốn mang đến cho khách hàng các trải nghiệm mới. Rất khó để biết sở thích của từng cá nhân khách hàng, và cũng rất nhàm chán nếu cứ phải chạy theo trào lưu chung, ta cần trung thành với thẩm mỹ và trực giác kinh doanh của mình. Bản thân việc đam mê không có gì xấu cả, nó chỉ là chất xúc tác làm cho công việc dễ dàng hơn. Rất may thời trang không giống như giải phẫu thẩm mỹ, nếu chúng ta có chọn sai một vài mẫu thì hậu quả cũng không quá nặng nề.
Không chỉ kinh doanh sản phẩm, quan trọng hơn, có vẻ chị còn muốn mang đến và thay đổi phong cách sống thời thượng cho các khách hàng trung thành. Chị đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng của chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp Runway đối với thị hiếu và sự phát triển chung của thị trường thời trang nội địa?
Sẽ là hơi quá khi nói tôi đang thay đổi phong cách sống cho khách hàng vì thời trang không phải là thứ duy nhất định hình phong cách sống. Tuy nhiên, tôi nghĩ, Runway đã phần nào thành công khi mang tới nhiều lựa chọn cho khách hàng, để họ trở nên khác biệt và có phong cách riêng độc đáo hơn. Nói cho cùng, cuộc sống quá ngắn ngủi để bạn ngại dấn thân hay thay đổi, phải không?
Chị luôn tìm những thương hiệu thời trang cao cấp “khó xơi” như Loewe, The Row, Viktor&Rolf, Acne Studios, Alexander McQueen. Tại sao vậy?
Những thương hiệu bạn nói tới tôi đều yêu thích và sử dụng, vì đẳng cấp hoàn hảo, tinh tế, khác biệt và chính sự “không quá phổ thông” đó. Kinh doanh những sản phẩm mình hiểu rõ và yêu thích bao giờ cũng tốt hơn là kinh doanh theo trào lưu.
Tuy nhiên, để phục vụ các khách hàng, trong thời gian gần đây, chúng tôi đã đưa về Việt Nam thêm một số thương hiệu với giá cả thấp hơn mà vẫn có chất lượng và phong cách không hề kém độc đáo.
Người trong giới còn rỉ tai nhau rằng chị đang ấp ủ thêm một kế hoạch mới nào đó cho Runway?
Tháng 9 năm 2015, chúng tôi sẽ mở cửa hàng Runway mới với diện tích hơn 500m2 tại khách sạn Rex. Cửa hàng do KTS hàng đầu thế giới thiết kế, hòa trộn chi tiết kiến trúc Pháp cổ, vốn là nét đặc trưng của Sài Gòn, với các kết cấu thép hiện đại xen lẫn các đồ nội thất độc đáo của Ý và Việt Nam.
Chị nhận định thế nào về một số xu hướng mạnh mẽ nhất của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu?
Tôi nghĩ thời trang trong tương lai sẽ nghiêng nhiều hơn về tính ứng dụng, phi giới tính, ít chi tiết, tôn vinh cái đẹp tự nhiên, nhẹ nhàng, thoải mái.
Chị có nghĩ đã tới lúc chị làm một điều gì đó để hỗ trợ các tài năng thiết kế thời trang trẻ trong nước không?
Runway là môi trường hoàn hảo để các bạn đến tham quan các BST mới, xu hướng thời trang, kỹ thuật và chất liệu tiên tiến. Chúng tôi sẵn lòng chia sẻ thông tin với các NTK nghiêm túc nhưng không cổ súy sao chép sáng tạo!
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện này.
Phỏng vấn: Nguyễn Danh Quý
Hình ảnh: Christian Berg
Làm tóc: Michael Barnes
Trang điểm: Vương Bình Lâm
Trợ lý: Nguyễn H. Anh